Monday, July 1, 2019

Bát Phong

Hoàng Phong Động thâm u huyền bí, Hoàng Phong Đại Vương dùng yêu thuật kỳ quái nổi “trận gió vàng” làm mù mắt Tôn Hành Giả.
Hoàng Phong Đại Vương nguyên là Thử Tinh đắc đạo dưới chân núi Linh Sơn. Lén trộm chén dầu Lưu Ly của Phật Tổ, bị La Hán Kim Cang truy bắt nên trốn xuống trần gian. Có biệt tài thổi “trận gió vàng”, trận gió độc này làm mù mắt Đại Thánh. Năm đó, Linh Cát Bồ Tát núi Tu Di trong chuyến du sơn ngoạn thủy, thấy được tình cảnh của Đại Thánh nên đã chữa mắt và thu phục yêu quái. Bồ Tát thấy tội không đáng chết nên bảo Đại Thánh tha cho nó, bây giờ lại đi sát sinh tạo nghiệt. Bồ Tát ra lệnh, dù là phàm nhân hay cư  sĩ chỉ cần hàng phục yêu vật sẽ được đắc đạo.
BÁT PHONG
Tâm còn tham đắm ái nhiễm là vì chấp cái giả ngã này nên đối với các cuộc thịnh suy, được mất, khổ vui v.v… làm xoay chuyển chúng ta hết quãng đời từ khi biết nhận thức cuộc sống cho đến lúc nhắm mắt. Chúng ta vì mê lầm phải bị những ngọn gió Bát phong thổi trôi lăn vào nơi ba nẻo sáu đường. Nếu không biết phản tỉnh định thần dùng trí tuệ sáng suốt để nhận xét tận gốc thì sẽ bị chúng sai khiến khó mà thoát ra được.
Đây xin lược dẫn ở hồi 20 – 21  ( Tây Du Ký ) nói về Bát phong.
Mấy thầy trò đang trên đường về tây thì gặp một yêu tinh đi tuần núi, rồi hai bên đánh nhau. Yêu tinh dùng phép gạt Tôn Hành Giả và hoá một ngọn cuồng phong bắt Đường Tăng về động… Tôn Hành Giả tìm đến động khiêu chiến… Do gặp phải tay yêu tinh Phong ma thổi một luồng gió độc làm mắt Tôn Hành Giả đau xốn, nước mắt cứ tràn ra nên phải đi tìm thuốc chữa… Sau đó gặp một ông già nói: “Gió ấy thổi ra trời đất tối, đá vỡ núi lở, mạng người gặp gió ấy thì không thể sống, trừ ra là thần tiên mới vô sự…”. Tôn Hành Giả trở lại vào động tìm sư phụ, quan sát nghe trộm được lời yêu tinh nói chỉ sợ có Bồ Tát Linh Cát ngoài ra không sợ ai… Nên Tôn Hành Giả đến cầu Bồ Tát Linh Cát giúp… Bồ Tát cùng Tôn Hành Giả đến động… Tôn Hành Giả vào đánh dụ yêu tinh ra, Bồ Tát ở trên không ném Phi Long Trượng xuống và niệm thần chú, yêu tinh liền đầu phục hiện nguyên hình là con chuột lông vàng… Tôn Hành Giả tính giết, Bồ Tát ngăn lại nói: “Nó là con chuột tu ở chân núi Linh Sơn, vì trộm dầu đèn làm mờ tối nơi thờ cúng nên nó sợ trốn xuống đây làm yêu tinh. Hãy để tôi đem nó về trình đức Như Lai định tội…”.
Lược dẫn một đoạn cho thấy Phong ma không phải ma gió mà chỉ cho Bát phong.
Trong nhà Phật có dùng danh từ Bát phong tức tám gió. Nghĩa là tám hình thức làm ngăn trở bước tiến của hành giả trên đường giác ngộ giải thoát.
Tám gió đó là:
1- LỢI: Được những cái lợi ích cho bản thân.
2.- SUY: suy hao, mất mát, tổn hại thất thoát.
3- HỦY: Là bị hủy nhục, khinh rẻ.
4- DỰ: Là đề cao, tán dương danh dự hay địa vị.
5- XƯNG: Là xưng tụng, khen ngợi.
6- CƠ: Là chỉ trích, bị đem những điều xấu vụng về ra cho mọi người biết.
7- KHỔ: Gặp những điều bất hạnh, những hoàn cảnh trái ngược làm đau khổ thân và tâm.
8- LẠC: Là vui mừng, hỷ hạ.

Trong tám gió này có thể nói chúng ta đều bị vướng phải hoặc ít hoặc nhiều một trong tám gió ấy. Ví như  ta làm ăn được lợi một số tiền khá lớn hay trúng số chẳng hạn, lúc đó tâm có được bình lặng thản nhiên như  mọi khi không? Hay là bối rối, bất an vì tính toán sẽ làm gì với cái lợi đã có? Hoặc có một việc không ai làm nổi mà mình làm được người ta tán dương khen ngợi thì có tự  hào không, hay là vẫn bình thản ! Đó là nói những cái lợi, còn những điều thất bại, thất thoát hay bị hủy nhục, đau khổ thì chắc không làm sao tránh khỏi.
Đây nói tám gió do duyên bên ngoài đưa đến, tuy có trí tuệ nhưng chưa vượt qua, nếu không trí tuệ chắc phải khổ lụy nhiều, giống như  Tôn Hành Giả bị yêu tinh thổi gió làm chảy nước mắt, là vì chưa biết được gốc gác của nó. Nếu một trong tám gió này thổi đến đối với người thường thì chắc phải khổ não, đôi khi còn tự  vẫn nữa. Nên Ngô Thừa Ân viết: ” Mạng người gặp gió ấy không sống, trừ  ra là thần tiên có phép (người có trí) mới vô sự “. Dù rằng có trí tuệ nhưng phải biết nó đối nghịch với đối tượng nào và từ  đâu phát xuất thì nó mới quy phục, giống như  yêu tinh đối nghịch với Bồ Tát Linh Cát và phát xuất từ  chân núi Linh Sơn vậy.
Bồ Tát Linh Cát là chỉ cho sự  sáng suốt lanh lợi tốt lành, ý nói là thời trí, tức là cái trí lanh lợi cấp thời để khi gặp nghịch cảnh bất thường đến liền hoá giải. Còn đọc câu thần chú là định tâm, khi sáng suốt và định tâm mới biết chúng từ  Tâm chân thật hiện khởi (chân núi Linh Sơn). Nên Bát phong có là do tâm ta khởi động ái nhiễm dính mắc các pháp.
Ở đây cho thấy, tại sao Ngô Thừa Ân lại chọn con chuột mà không chọn con vật khác làm yêu tinh ở chân núi Linh Sơn? Bởi vì chuột là một con vật hay rón rén, lén lút sống trong bóng tối và rất sợ  ánh sáng. Nên ở đây nói yêu tinh chỉ sợ Bồ Tát Linh Cát chứ  không sợ ai. Còn núi Linh Sơn là nơi Phật ở chỉ cho Tâm chân thật. Nói yêu tinh ở dưới chân núi để ám chỉ Bát phong có là do tâm động. Khi tâm bất giác mê mờ hay lén lút trốn đi hướng ngoại bị trần cảnh mê hoặc, rời bỏ cội nguồn lang thang khắp chốn được tượng trưng bằng hình ảnh con chuột thành tinh. Nên trong kinh Pháp Cú nói: “Tâm phàm phu cứ  lén lút đi một mình rất xa, vô hình vô dạng, như  ẩn náu hang sâu, điều phục được tâm thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc”.

No comments:

Quy Mệnh Thế Tôn Như Lai - Chú Lăng Nghiêm

Quy mệnh đức thế tôn  Như Lai Chú Lăng Nghiêm