Sunday, July 28, 2019

Tiền bạc, trí tuệ và cảm xúc

Trí tuệ là cái làm nên con người. Đó là hiện tại của con người. Thông qua trí tuệ con người thực hiện chức năng sống. Các hoạt động khoa học, kinh doanh, chính trị, hệ thống tôn giáo và các hoạt động tâm lý,...

1. Giàu có khác Giàu sang. Làm Giàu đã khó, sống được Giàu sang khó hơn nhiều. Ở trong biệt thự xây như lâu đài trong khu riêng biệt có cổng gác, đi xe Rolls-Royce Phantom, biển số tứ quý, chơi nuôi cả đàn chó Ngao Tây Tạng, thuê chuyên cơ bay sang Macao đánh bài trong VIP room,... đấy là Giàu có. Người Việt có từ rất hay, đó là Trọc phú, chỉ những kẻ chỉ duy nhất giàu có về tiền bạc,... còn mọi cái đều trọc lốc! Giàu sang là giàu cả ba thứ: Giàu có về Tiền bạc, giàu có về Trí tuệ và giàu có về Cảm xúc. Đó mới thực là Giàu sang.
Giàu có về tiền bạc là quan trọng, giúp cho con người có cuộc sống ổn định, có điều kiện trau giồi tri thức, có thể tiến tới để có sự giàu có về trí tuệ. Giàu có về tiền bạc chưa chắc đã có điều kiện để làm giàu có về cảm xúc; Nó thường đi ngược chiều với việc làm phong phú, làm trong sáng, làm sang trọng, làm thuần khiết, là tươi mới nguồn cảm xúc.
2. Trong tác phẩm 10 Bí quyết thành công của người Do Thái, tác giả Lý Hạo, nhà nghiên cứu người Trung Hoa, có một phần rất hay bàn về Trí tuệ và Tiền bạc.
Người Do Thái có chuyện vui cười nói về mối quan hệ giữa trí tuệ với tiền bạc. Có hai học giả nói chuyện với nhau. "Trí tuệ và tiền bạc cái nào quan trọng hơn?", "Tất nhiên là trí tuệ quan trọng hơn!", "Vậy tại sao người có trí tuệ lại phải làm việc cho người giàu có nhiều tiền bạc. Người giàu lại không phải phục vụ người có trí tuệ. Ai cũng đều thấy các học giả triết gia phải chiều lòng theo ý muốn các triệu phú, còn các triệu phú lại có thái độ trịch thượng đối với người có trí tuệ." "Người có trí tuệ biết được giá trị của tiền bạc, còn triệu phú liệu có luôn hiểu rõ giá trị của trí tuệ?"
Không thể cho rằng lời nói của học giả thiếu đạo lý bởi người ta có biết được giá trị của đồng tiền mới đi làm việc cho nhà giàu. Chỉ những ai không biết giá trị của trí tuệ mới lên mặt đối với bậc trí giả. Nhưng ý nghĩa sâu xa của câu chuyện này như thế nào? Nó thể hiện ngay bản thân nghịch lý của câu chuyện.
Người có trí tuệ đã biết được giá trị của tiền bạc, vậy tại sao không dùng trí tuệ để kiếm tiền? Biết được giá trị của đồng tiền nhưng vẫn phải dựa vào sự phục vụ các triệu phú để kiếm sống. Trí tuệ như vậy có gì và còn đáng được coi trọng không?
Tuy trí tuệ của các học giả triết gia được gọi là “Trí tuệ” nhưng không phải là trí tuệ thực sự, nó chỉ đơn thuần là Tri thức, nó không có quan hệ gì với đồng tiền. Tri thức phải chịu trước sự kiêu hãnh của đồng tiền sao có thể quan trọng hơn tiền bạc. Trái lại các triệu phú không có trí thức như học giả nhưng lại biết chi phối đồng tiền thu nhận được giá trị của nó. Họ có trí tuệ dựa vào đồng tiền để sai khiến trí tuệ của các học giả đó mới là trí tuệ thực sự. Trí tuệ này rõ ràng quan trọng hơn cả tiền bạc.
Người Do Thái đã đưa ra một khái niệm tổng quát về đồng tiền như sau: Đồng tiền sống có thể không ngừng sinh ra tiền mới, quan trọng hơn, trí tuệ chết không sinh ra tiền. Trái lại trí tuệ sống có thể sinh ra tiền, còn đồng tiền chết không thể sinh ra tiền mới. Trí tuệ hòa nhập với đồng tiền được gọi là trí tuệ sống. Đồng tiền hòa nhập với trí tuệ được gọi là đồng tiền sống. Rất khó để phân biệt ngôi thứ giữa trí tuệ sống và đồng tiền sống. Thực tế hai vấn đề này đồng thời là một, nó chỉ là sự kết hợp đầy đủ chặt chẽ với nhau.
Thể cùng tồn tại và đồng nhất giữa trí tuệ và tiền bạc là tư tưởng đặc biệt của người Do Thái, điều đó giải thích vì sao các Doanh nhân Do Thái thành công. Điều đó cũng thể hiện người Do Thái rất coi trọng trí tuệ và cũng rất coi trọng đồng tiền.
Nhưng người Do Thái còn có câu chuyện khác. Trên chiếc tàu có rất đông hành khách, phần lớn đều là thương gia giàu có, mang theo rất nhiều của cải, duy chỉ có vị học giả. Các thương gia tụ tập lại một chỗ, khoe khoang về tài sản của mình. Sau khi nghe xong, vị học giả nói: "Tôi mới là người giàu nhất, tạm thời tôi chưa trưng bày của cải cho các ông xem." Trong chuyến đi biển đó, bọn cướp biển xông lên cướp sạch vàng bạc châu báu và mọi thứ của các thương gia.
Học vấn cao sâu của vị học giả được dân chúng ở cảng hâm mộ và ông bắt đầu mở lớp giảng dạy giáo lý trong nhà trường. Thời gian sau, vị học giả gặp lại các thương gia cùng đi thuyền khi trước, cảnh ngộ của họ rất thảm hại. Họ thấy ông được mọi người trọng vọng, lúc đó họ mới biết thứ tài sản mà ông đã nói trước đây. Họ cảm khái nói: "Ngài nói đúng! Người có học thật vô cùng giàu có". Người Do Thái đã thể hiện rằng: Trí tuệ không thể bị tước đoạt và có thể luôn mang theo bên người, nên nó là thứ tài sản quan trọng nhất, quý báu nhất.
Tri thức, thứ được tích lũy từ sách vở, tích lũy từ trường lớp. Nó chưa được hấp thụ vào trong trí óc, chưa được hấp thụ vào trong trái tim, chưa thể chảy trong từng mạch máu, thấm đậm trong từng tế bào,... thì nó chỉ là tri thức suông. Giống như hình ảnh con lừa bò đi chậm chạp và cõng trên lưng kho tàng sách. Tri thức là ngoại vi, trí tuệ là cái bên trong. Trí tuệ hấp thụ được từ cuộc sống, từ thất bại, từ thành công.
Trí tuệ là cái làm nên con người. Đó là hiện tại của con người. Thông qua trí tuệ con người thực hiện chức năng sống. Các hoạt động khoa học, kinh doanh, chính trị, hệ thống tôn giáo và các hoạt động tâm lý,... của con người đều dựa vào nền tảng chung đấy là trí tuệ. Trí tuệ là cái làm nên con người.
3. Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, ngành Tâm lý học, xuất hiện bộ môn mới, đó là Trí tuệ Cảm xúc. Bộ môn Trí tuệ xúc cảm nghiên cứu về khả năng, năng lực, kỹ năng (trong trường hợp của mô hình tính cách về trí tuệ xúc cảm) hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mỗi người, của người khác, của các nhóm cảm xúc.
Theo Salovey và Mayer (1990) Trí tuệ xúc cảm là khả năng giám sát cảm giác và xúc cảm của người nào đó và những người khác, phân biệt giữa họ và sử dụng thông tin này để dẫn dắt suy nghĩ và hành động của người đó. Hiện tại, người ta chia Trí tuệ xúc cảm thành ba mô hình chính: (1) Các mô hình về khả năng. (2) Các mô hình năng lực. (3) Mô hình tính cách.
Mô hình về khả năng, nghiên cứu về: Khả năng tiếp nhận cảm xúc, tích hợp cảm xúc để làm thuận tiện việc suy nghĩ, hiểu và điều chỉnh các cảm xúc cho việc xúc tiến sự phát triển cá nhân. Mô hình này xây dựng 4 loại khả năng: (i) Tiếp nhận cảm xúc, là khả năng phát hiện giải mã các cảm xúc trên gương mặt, tranh ảnh, giọng nói và các giả tạo văn hóa (cultural artifact). Tiếp nhận cảm xúc đại diện cho khía cạnh của như là nó làm cho các xử lý thông tin cảm xúc khác trở thành có thể. (ii) Sử dụng cảm xúc, là khả năng khai thác các cảm xúc để thuận tiện cho nhiều hành vi nhận thức, như là nghĩ và giải quyết vấn đề. Trí tuệ cảm xúc cá nhân có thể tích lũy đầy đủ ngay lúc người ta thay đổi tâm trạng để phù hợp trực tiếp nhất với công việc. (iii) Hiểu cảm xúc, là khả năng thấu hiểu các ngôn ngữ cảm xúc, hiểu rõ các mối quan hệ phức tạp giữa các cảm xúc. (iiii) Quản lý cảm xúc, là khả năng điều chỉnh cảm xúc của bản thân và của người khác. Vì vậy, Trí tuệ cảm xúc cá nhân có khai thác các cảm xúc, thậm chí cả những cảm xúc tiêu cực, và quản lý chúng để đạt được mục tiêu đã định.
Mô hình Cảm xúc Năng lực (Goleman) giới thiệu bởi Daniel Goleman. Mô hình này phác thảo bốn loại năng lực sau: (i) Tự nhận thức, là khả năng đọc các cảm xúc và nhận ra ảnh hưởng của họ khi sử dụng cảm nhận Gut để hướng đến các quyết định. (ii) Tự quản lý, là bao gồm điều khiển các cảm xúc, kích thích và thích nghi để thay đổi hoàn cảnh. (iii) Nhận thức xã hội, là khả năng cảm nhận, hiểu và phản ứng với các cảm xúc của người khác khi nhận thức mạng xã hội. (iiii) Quản lý mối quan hệ, là khả năng truyền cảm hứng, gây ảnh hưởng và phát triển các kỹ năng khác khi quản lý xung đột. Goleman bao hàm một tập các năng lực cảm xúc bên trong mỗi cách xây dụng Trí tuệ cảm xúc. Các năng lực cảm xúc không phải là các tài năng bẩm sinh, mà là các khả năng học được, phải được đào tạo liên tục, phát triển và đạt đến hiệu năng nổi trội. Goleman thừa nhận rằng các cá thể được sinh ra với các Trí tuệ cảm xúc chung có khả năng xác định được các khả năng tiềm tàng cho việc học hỏi các kỹ năng xúc cảm.
Mô hình Tính cách, được Petrides và đồng nghiệp định nghĩa Trí tuệ cảm xúc Tính cách là chùm sao các tri giác bản thân liên đới xúc cảm, định vị tại tầng thấp hơn của tính cách. Trong phạm vi hẹp, Trí tuệ cảm xúc Tính cách chỉ đến tri giác bản thân của một cá thể về các khả năng cảm xúc của họ. Định nghĩa này về Trí tuệ cảm xúc bao gồm các cách sắp đặt hành vi và khả năng tự cảm nhận. Trí tuệ cảm xúc Tính cách được đặt bên trong khung cảnh của tính cách.
Bộ môn khoa học mới này còn đang phát triển; Đã, đang và sẽ còn rất nhiều tranh luận, tìm tòi, phát minh ra những khái niệm mới, những phương pháp mới,... Để làm giàu có hơn, đúng đắn hơn, hợp lý hơn, sang trọng hơn nguồn cảm xúc của con người. Đây là khoa học làm giàu Cảm xúc. Đây là con đường Logic làm giàu có Cảm xúc từ tri thức, từ khoa học.
Các Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng giúp con người tu tập về Tâm thức. Tâm thức bao gồm Trí tuệ, Tâm trí và Tiềm thức (xem bài "Tri thức, Trí tuệ và Trí huệ", và bài "Phát triển Tâm thức" của cùng tác giả). Cảm xúc là phần quan trọng của Tâm trí. Cảm xúc và Tâm trí ngăn cản Tâm thức con người phát triển, nhưng đồng thời chính Tâm trí và cảm xúc tạo ra bước nhảy đưa Tâm thức con người đến Chân lý.
4. Một bậc thầy tâm linh Ấn Độ của thế kỷ hai mươi, đã nói về bốn trạng thái của Tâm thức, Cảm xúc: Thứ nhất là sung sướng (sướng), thứ hai là hạnh phúc, thứ ba là hoan hỷ và thứ tư là phúc lạc.
Sướng mang tính vật lý, sinh lý. Nó là thứ nông cạn nhất của cuộc sống. Nó là kích động. Nó có thể mang tính dục, nó có thể là của giác quan khác, nó có thể trở thành sự ám ảnh với thức ăn, nhưng nó bắt rễ trong thân thể. Ở trong biệt thự xây như lâu đài trong khu riêng biệt có cổng gác, đi xe Rolls-Royce Phantom, biển số tứ quý, chơi nuôi cả đàn chó Ngao Tây Tạng, thuê chuyên cơ bay sang Macao đánh bài trong VIP room,... đấy là sung sướng. Giàu có, tiền bạc làm cho con người sung sướng. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực và tính dục là cùng một cấp bậc. Cả bốn thứ này đều là ham muốn sung sướng của hàng triệu con người.
Sung sướng là ngoại vi, nó phụ thuộc vào ngoại cảnh, nó phụ thuộc vào điều kiện. Mang lại niềm sung sướng cho con người là tiền bạc, danh vọng, quyền lực và tính dục. Con người nuôi dưỡng niềm sung sướng thì phải theo đuổi việc tìm kiếm tiền bạc, danh vọng, tranh đấu quyền lực, chiếm đoạt tính dục.
Tiền bạc, danh vọng, quyền lực và tính dục làm con người luôn trong trạng thái thần kinh, bất ổn và rối loạn. Biết bao nhiêu ham muốn, mọi ham muốn đều không thể nén được, cứ la hét đòi sự chú ý. Con người vẫn còn là nạn nhân của đám đông những ham muốn không lành mạnh; Không lành mạnh bởi vì chúng không thể nào đáp ứng được và chúng cứ lôi con người đi theo những hướng khác nhau. Bản thân con người trở nên mâu thuẫn. Ham muốn này lôi kéo sang bên trái, ham muốn khác lôi kéo sang phải, đồng thời con người cứ nuôi dưỡng cùng lúc nhiều ham muốn. Đó là nguồn gốc của sự chia chẻ, thế rồi con người cảm thấy bị phân chia, con người cảm thấy bị xé ra. Chính cái ngu si của ham muốn sướng tạo ra tình huống này.
Đây là hiện tượng phức tạp. Không chỉ số ít người đang tìm tiền bạc, danh vọng, quyền lực và tính dục, tức là tìm kiếm sự sung sướng mà hàng triệu người cũng đang nỗ lực trên con đường tìm kiếm sung sướng. Điều đó mở đường cho sự tranh đấu lớn lao, cạnh tranh, bạo hành, chiến tranh. Tất cả đều trở thành kẻ thù của nhau bởi vì họ đang tìm kiếm cùng cái đích và không phải tất cả họ đều có thể có được nó. Do đó cuộc đấu tranh phải là toàn bộ, con người phải mạo hiểm tất cả mà chẳng vì cái gì, bởi vì khi được, con người sẽ được cái không. Toàn thể cuộc sống của con người bị phí hoài trong cuộc đấu tranh này. Cuộc sống đáng có thể là lễ hội lại trở thành cuộc đấu tranh lâu dài, mòn mỏi, không cần thiết. Chính cái ngu si của ham muốn sướng tạo ra tình huống này.

Khi con người chìm đắm trong công cuộc tìm kiếm tiền bạc, danh vọng, quyền lực và tính dục; Con người không thể yêu được, bởi vì người tìm kiếm sướng dùng người khác như phương tiện. Dùng người khác như phương tiện là một trong những hành động vô đạo đức nhất, bởi vì từng con người đều là mục đích cho chính mình, con người không thể dùng người khác như phương tiện được. Nhưng trong tìm kiếm sướng con người phải dùng người khác như phương tiện. Con người trở thành tinh ranh bởi vì nó là cuộc đấu tranh, đòi hỏi con người phải thế. Nếu con người không tinh ranh họ sẽ bị lừa, và trước khi người khác lừa họ, họ phải lừa người khác. Chính cái ngu si của ham muốn sướng tạo ra tình huống này.
Bậc thứ hai là Hạnh phúc. Hạnh phúc mang tính tâm lý. Sướng có chút ít nguyên thủy, con vật; Hạnh phúc có chút ít văn hóa hơn, chút ít con người hơn; Nhưng nó là cùng trò chơi được chơi trong thế giới của tâm trí. Hạnh phúc là bậc cao hơn, tinh tế hơn, Sướng là bậc thấp nhất trong thang bậc cảm xúc của con người. Sướng gắn liền với tính dục. Sướng là thỏa mãn, là chiếm đoạt. Hạnh phúc gắn liền với tình yêu, hạnh phúc là vừa cho và vừa nhận. Hạnh phúc có tính chia sẻ, sướng độc tôn của ích kỷ. Sướng là ngoại vi; Hạnh phúc vừa là ngoại vi vừa là cái bên trong. Hạnh phúc mang tính tâm lý.
Sướng đến rồi đi, có giới hạn về thời gian. Hạnh phúc cũng mong manh như vậy. Hạnh phúc không trường tồn.
Tiền bạc, danh vọng, quyền lực và tính dục làm cho con người Sung sướng. Hạnh phúc có một phần đến từ tiền bạc, danh vọng, quyền lực và cả tính dục. Nhưng phần lớn công cuộc tìm kiếm đấu tranh tiền bạc, danh vọng, quyền lực và tính dục không mang đến hạnh phúc. Đó là kết luận nhiều người nhận ra, nhưng cũng có rất nhiều người chưa nhận ra, không nhận ra.
Trí tuệ giúp cho con người Hạnh phúc hơn. Trong nhà hát hay rạp chiếu phim, người nhiều tiền mua vé VIP, ngồi xem sung sướng hơn, người ít tiền mua vé hạng ba, ít sung sướng hơn. Người ít Trí tuệ thấy cô diễn viên đóng chính đẹp, hấp dẫn và chân rất dài. Người giàu Trí tuệ nắm bắt được câu chuyện; Hểu biết hoàn cảnh, không gian, thời gian, môi trường xã hội của câu chuyện nên cảm nhận được niềm hạnh phúc của Tình yêu mà cô diễn viên đang thể hiện; Hòa nhập vào niềm hạnh phúc lứa đôi; Thả mình theo giai điệu của bản nhạc và rồi, ánh mắt long lanh, với niềm vui sướng trong lòng, họ nhìn sang người tình nhỏ bé bên cạnh, khẽ bóp tay nàng. Đó chính là Hạnh phúc.
Bản lĩnh Trí tuệ giúp con người nhận biết được mâu thuẫn giữa cuộc đấu tranh tìm kiếm tiền bạc, danh vọng, quyền lực và tính dục với việc nuôi dưỡng Hạnh phúc. Khoa học Tâm lý nói chung, môn khoa học Trí tuệ cảm xúc nói riêng chính là công cụ để giúp cho con người nhận biết mâu thuẫn này. Trí tuệ của con người sẽ giúp cho con người tiết chế bớt ham muốn. Trí tuệ sẽ giúp con người kiểm soát mâu thuẫn này và tìm kiếm giải pháp để giảm bớt những hiểm họa do mâu thuẫn này gây ra, tạo nên niềm Hạnh phúc.
Nếu chỉ đi đến bậc thang Hạnh phúc, bậc thang của Tâm lý thì nền tảng, cái bắt đầu có tính bền vững chính là Trí tuệ; Đây là thì của hiện tại. Cái của cuộc sống ngày hôm nay. Trí tuệ là độc tôn?
5. Cái thứ ba là Hoan hỷ, Hoan hỷ có tính tâm linh. Nó là khác, hoàn toàn khác với sướng hay hạnh phúc. Nó chẳng liên quan gì tới cái bên ngoài, với người khác. Nó hoàn toàn là hiện tượng bên trong. Hoan hỷ không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Nó là của riêng mỗi con người. Nó không phải là kích động được tạo ra bởi sự vật. Nó là trạng thái của an bình, của im lặng, trạng thái thiền. Nó là trạng thái thuần khiết, trong sáng, tươi mới, yên bình của cảm xúc và tâm trí. Hạnh phúc gắn với Tình yêu, cho và nhận. Hoan hỷ gắn với Từ bi. Đơn giản không biết đến nhận, chỉ biết cho; làm việc thiện như điều tự nhiên tuôn trào, là sự tỏa hương của Bông hoa Tình yêu. Hoan hỷ không chỉ là trạng thái của cảm xúc, là trạng thái của tâm trí.
Thứ tư là Phúc lạc. Phúc lạc có tính toàn bộ. Nó không phải là sinh lí, không tâm lí, không tâm linh. Nó không biết tới phân chia, nó là không phân chia. Nó là toàn bộ theo một nghĩa nào đó và siêu việt theo nghĩa khác. Hạnh phúc bao gồm cả sung sướng; Phúc lạc bao gồm cả hoan hỷ. Phúc lạc là trạng thái của tâm thức và của cái toàn bộ.
Hạnh phúc và Sướng là tạm thời, nó thuộc vào thời gian, nó thuộc về cuộc sống hiện tại;  Phúc lạc là vô thời gian, không thời gian. Hạnh phúc và Sướng bắt đầu và kết thúc; Phúc lạc còn lại mãi mãi. Hạnh phúc và Sướng tới rồi đi. Phúc lạc không hề tới, không hề đi; nó đã có đó trong cốt lõi bên trong nhất của bản thể con người. Hạnh phúc và Sướng phải được giành lấy từ người khác; con người hoặc trở thành kẻ ăn mày hoặc kẻ cắp. Phúc lạc làm con người trở thành Thánh.
Phúc lạc không phải là cái gì đó do con người phát minh ra mà là cái gì đó do con người tu tập và khám phá ra. Phúc lạc là bản tính bên trong nhất của con người. Nó đã có từ lúc bắt đầu, nó có ở bên trong, con người chỉ không nhìn vào nó thôi. Phúc lạc nghĩa là con người đã đạt tới chính cốt lõi bên trong nhất của bản thể mình. Nó thuộc vào chiều sâu tối thượng của bản thể con người, nơi ngay cả bản ngã cũng không còn, nơi chỉ im lặng thịnh hành; Cái tôi của con người đã biến mất. Trong hoan hỷ, cái tôi tồn tại chút ít nhưng trong phúc lạc, cái tôi không có. Bản ngã đã tan biến; Nó là trạng thái của không hiện hữu. Đấy chính là Niết bàn, đấy chính là Chân lý, đấy chính là tối thượng. Con người đã thành Thánh. 
6. Con đường Logic làm giàu có Cảm xúc từ Trí thức, Khoa học chỉ có thể đưa con người tới nấc thang Hạnh phúc. Tri thức của thời đại còn có khoảng cách rất xa với với Chân lý. Con đường tu tập bằng Trí tuệ tới Niết-bàn, tới Chân lý còn vô cùng, vô tận và vô tận kiếp. Triết gia Ấn Độ cận đại nói: "Những gì Phật biết đã không xuất hiện bởi bất kỳ quá trình logic nào; Ngài đã tới nơi bằng việc bỏ rơi hoàn toàn Tâm trí". Hoan hỷ và Phúc lạc thuộc về tâm linh, nó là cái bên trong của con người. Tu tập gia tăng Định tâm, cho Từ bi tuôn chảy, cho Hỷ xả tràn đầy, bước nhảy tới Phúc lạc sẽ bất ngờ xuất hiện. Con người khi đó làm chủ Trí tuệ siêu việt.

No comments:

Tìm hiểu y phấn tảo

  ( trích trong sách phật quốc ký sự ) của t/g Thích Phước Tiến