Thursday, July 25, 2019

El condor Pasa – Ai muốn ngược dòng về với Inca cổ xưa!

Nhạc phẩm El Cóndor Pasa là làn điệu dân ca nổi tiếng của Peru. Âm thanh và giai điệu của nó đưa người nghe ngược dòng hoài hương về với nền văn minh Inca cổ đại. Xải rộng cánh chim như chú đại bàng thống trị bầu trời nghiêng mình chao lộn giữa không trung. Bản nhạc làm dịu mát tâm hồn trong những ngày nóng nực bởi tiếng vang vọng của thiên nhiên núi rừng cùng những dòng suối nơi vùng đất miền nam châu Mĩ.
Trước năm 1913, bản nhạc El Cóndor Pasa đã là một khúc hát dân gian quen thuộc có từ thế kỷ XVIII, khuyết danh tác giả. Năm 1913 Nhạc sĩ Daniel Alomía Robles cùng với nhà biên đạo kịch Julio de La Paz (tên thật là Julio Baudouin y Paz) đã hoàn chỉnh ca khúc này từ giai điệu đến lời ca, để đưa nó vào trong một vở kịch zarzuela.
Vở kịch mang tựa đề “Soy la Paloma que el Nido Perdió”, dùng hình tượng của cánh chim mất tổ ấm, con người không còn quê hương, được diễn lần đầu tiên cách đây đúng 100 năm tại Teatro Mazzi, nhà hát lớn của thủ đô Lima.
Đến năm 1933, toàn bộ tác phẩm được xuất bản, rồi sau đó chìm dần vào quên lãng, riêng ca khúc El Condor Pasa lại được lưu truyền và nổi tiếng trên khắp thế giới.



Ngược dòng lịch sử trở về với nền văn minh Inca
Người Inca là một tộc người da đỏ tại miền nam châu Mỹ. Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16, người Inca đã làm chủ một vương quốc rộng lớn có mức độ tổ chức cao. Trong thời điểm mở rộng nhất, ảnh hưởng của vương quốc này trải dài từ Ecuador ngày nay cho đến Chile và Argentina. Trung tâm văn hóa, kinh tế và tế lễ của nó là thủ đô Cuzco thuộc nước Peru ngày nay.
Khi nhắc tới nền văn minh của người Inca, người ta thường nhắc tới Machu Picchu – một khu phế tích nổi tiếng nằm trên núi. Nó là một thành phố gần như còn nguyên vẹn, ngự trị trên một quả núi hình chóp nhọn, nằm ở độ cao 2.430 m so với mực nước biển. Thành phố này từng rơi vào quên lãng trong suốt nhiều thập kỷ nhưng hiện tại nó là một trong 7 kỳ quan thế giới mới được công nhận từ năm 2007.
Người Inca có những thành tựu vượt bậc về mọi mặt. Người ta ví trí tuệ của người Inca tương xứng với những người Ai Cập và đế chế La Mã hùng mạnh. Nghệ thuật của người Inca thể hiện qua đồ gốm, đồ dệt may, đồ trang sức, và công trình điêu khắc của văn hóa tiền sử Inca, điển hình nhất là di tích Machu Picchu nổi tiếng.



Nhạc khúc El Cóndor Pasa mang theo giai điệu của nỗi nhớ quê hương da diết, một sự hồi hương trong tâm tưởng về với nền văn minh xa xưa
Chim Condor (Thần Ưng hay chim điêu) là loài chim đặc trưng của vùng núi cao ở đây. Loài chim này là biểu tượng quốc gia của những nước thuộc dãy núi Andes, như Peru, Chile, Argentina, Bolivia, Colombia và Ecuador, và cũng là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực và sự phồn thịnh. Chim Condor còn đóng một vai trò quan trọng trong văn học dân gian và truyện thần thoại của những nước này.
Chim Condor có thân hình to nặng, cho nên loài đại bàng này không vỗ cánh nhiều khi bay, mà dựa vào sức gió để xoải cánh lượn bay, lựa theo luồng gió mà lượn lên hay xuống.
Chính cũng vì thế mà trong nguyên tác, giai điệu bài hát mô phỏng theo nhịp điệu xoải cánh chầm chậm khoan thai của loài chim đại bàng này, so sánh giữa một bên là tâm hồn nặng trĩu của những kẻ tha hương, và bên kia là sự gửi gắm những tình cảm hoài niệm chan chứa trong tim, nhẹ nhàng lướt gió theo cánh chim đại bàng. Nguyên tác của bản nhạc El Cóndor Pasa vì vậy không những rất tình, mà còn rất người. Bởi vì ở bất cứ nơi đâu, những kỷ niệm chỉ nhè nhẹ ban đầu, sẽ nặng dần khi năm tháng đi qua, rồi không biết từ thuở nào nó đã thấm vào huyết quản, khiến linh hồn thêm nhức nhối đớn đau.
Qua hình tượng của chim đại bàng sải cánh bay liệng trên không trung, hai tác giả Daniel Alomía Robles và Julio de La Paz đã truyền tải thành công nỗi lòng của người dân nơi đây khi nhớ về những thời oai hùng của một nền văn minh rực rỡ Inca, nỗi nhớ về thuở xa xưa da diết cồn cào qua từng giai điệu êm dịu.
Cùng với tiếng sáo thần Pan, giai điệu của El Cóndor Pasa đã mang lại cho Leo Rojas một chiến thắng tuyệt đối trong cuộc thi tài năng Đức năm 2011. Anh đã truyền tải thành công nhất nỗi nhớ về quê hương của kẻ tha hương, đưa người nghe dập dìu trong tiếng sáo êm dịu đầy mê hoặc.
Bản nhạc dưới sự thể hiện của Leo Rojas đã đưa người nghe tới gần nhất với nguyên tác của bản nhạc này. Có lẽ chỉ những người tha hương như anh mới thực sự thấu hiểu nỗi nhớ về quê hương, niềm tự hào về truyền thống và thời vàng son của một thời kì văn minh rực rỡ đã qua.
Đâu đó người ta như cảm được mùi hương trên từng ngọn cỏ, lắng nghe được lời thì thào của gió trong các hẻm núi sâu, tiếng vỗ cánh oai phong của loài chim đại bàng đang sải đôi cánh rộng tự do bay liệng trên bầu trời.























Nhạc khúc El Cóndor Pasa với những thăng trầm của 100 năm lịch sử
Nguyên gốc bản nhạc Kuntur, Kuntur (El Cóndor Pasa) thuộc vào thể điệu huayno, dành cho tiệc cưới, lễ hội. Hai tác giả Robles và La Paz khi hoàn chỉnh ca khúc không giữ lại nhịp điệu rộn ràng vui tươi trong đoạn cuối.
Bài hát nói lên tâm trạng của những người sống tha hương, nhìn thấy đại bàng lướt bay trên bầu trời cao rộng mà bỗng chạnh lòng nhung nhớ tới cố hương, nhớ hơi thở của núi rừng, mùi hương của từng ngọn cỏ, tâm hồn đau đáu xa xăm nhìn về bầu trời rộng lớn mà nhớ nhung những cánh đại bàng nơi quê nhà.
Xếp cánh đại bàng, hạ dần về bên dãy núi; Kẻ tha hương hứa hẹn một ngày về thăm quê hương xứ sở, tìm lại tâm hồn dân tộc Inca qua hình tượng của dãy núi Andes, của kinh thành Machu Picchu và của cố đô Cuzco. Trên xứ sở Peru, bản dân ca này đã được nhiều nghệ sĩ ghi âm.
Nhóm đầu tiên đưa ca khúc này ra nước ngoài, kể từ đầu những năm 1960, là ban nhạc Urubamba, ghép lại hai từ uru và bamba thành một chữ. Chữ uru vì nhóm này chuyên chơi các nhạc cụ dân tộc xuất thân từ Uruguay, và bamba là một khúc dân ca truyền thống của người Mexicô có từ cuối thế kỷ XVII.
Ban nhạc Urubamba được thành lập vào năm 1956, vài năm sau đó mới đổi tên thành Los Incas, buổi biểu diễn của họ chỉ sử dụng các nhạc cụ cổ truyền và biểu diễn các bài dân ca Nam Mỹ. Trong số các tiết mục biểu diễn của họ có bài El Cóndor Pasa, hát bằng tiếng Tây Ban Nha (phóng tác từ Kuntur, Kuntur).
Đến Paris lưu diễn vào năm 1963, tức cách đây hơn nửa thế kỷ, thành viên sáng lập ban nhạc là Jorge Milchberg mới giúp dịch lời bài hát sang tiếng Pháp thành Sur le Chemin des Andes (Đường lên dãy núi Andes), do Marie Laforêt ghi âm năm 1966.
Khúc dân ca này sau đó được chú ý bởi Paul Simon thuộc ban nhạc song ca Simon & Garfunkel. Tác giả người Mỹ này mới viết lời tiếng Anh ‘If I Could’ – ‘Nếu tôi có thể’ cho bản nhạc của ông . Do không chuyên về các nhạc cụ truyền thống Nam Mỹ, nên ban nhạc song ca mới nhờ nhóm Los Incas ghi âm bài này cùng với họ vào năm 1970.
Ngoài sự góp sức của tiếng sáo thần Pan, giai điệu còn thuần chất Peru nhờ tiếng đàn đặc thù charango, một loại đàn giống như mandoline nhưng có đến mười dây. Nhạc cụ đặc trưng này của các cộng đồng thổ dân sinh sống tại các vùng cao nguyên, được sáng chế tại thành phố Ayacucho của Peru từ thế kỷ XVII, sau đó được phổ biến rộng rãi ở các nước Nam Mỹ.
Phiên bản tiếng Anh của Simon & Garfunkel giúp bài hát chinh phục thêm nhiều tầng lớp khán giả. Hàng loạt phiên bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau lần lượt ra đời kể cả tiếng Croatia, tiếng Ý, tiếng Nga, Hà Lan, Do Thái. Phiên bản tiếng Hoa gồm cả hai lời Quan Thoại và Quảng Đông. Còn trong tiếng Việt thì có phiên bản ghi âm của nam ca sĩ TD. Do đó, El condor Pasa thuộc danh sách các ca khúc nổi tiếng được nhiều người yêu thích trên toàn thế giới.
Hf1bcb-20180702-than-inti-vi-than-mat-troi-da-khai-sang-nen-van-minh-inca-700x366
Năm kia một phái đoàn chinh phục Pinnacles National Monument, lúc vừa leo tới đỉnh, chưa kịp mừng rỡ, hồn vía  đã rụng rời khi chợt nhìn thấy ba cái đầu bọc da nhăn nheo lắc lư quắc mắt nhìn mọi người trong đoàn không chớp. Có người trong đoàn đã kịp thời giải thích: “Cứ làm lơ tránh đi xa xa, đừng lại gần cho thức ăn và làm quen. Condor mà đã quen bạn rồi, bỏ đi sẽ bị chúng nó xé xác!”
Condor là chim Kền Kền Khoang Cổ. Người phương Đông cho Kền Kền là loài chim hung dữ, ăn xác chết, và mang lại điềm xấu; nhưng Kền Kền đối với thổ dân Nam Bắc Mỹ lại là một loại thần điêu. Bộ lạc Chumash tin rằng khi nào loài chim Kền Kền bị tuyệt chủng, thì sắc dân Chumash cũng sẽ bị tiêu diệt.
Xưa kia khi người Âu Châu chinh phục Nam Mỹ, họ đã cai trị vô cùng hà khắc; khiến người bản xứ chỉ còn biết trông chờ thần điêu Kền Kền từ rặng Andes bay đến đưa họ trở về vương quốc Inca xa xưa thanh bình trên đỉnh Manchu Picchu.

Bài dân ca nổi tiếng Peru: El Cóndor Pasa ( The Condor Goes By )

El Cóndor Pasa (The Condor Goes By)
Music Melody of Indians from Andes in Peru
Pevurian Composer: Daniel Alomía Robles
Spanish Operatic Tenor: Plácio Domingo
El Condor pasa – in English (Translation: andes.org / Proyecto Cóndor pasa):
Oh mighty Condor, owner of the skies,
take me home, up into the Andes, oh mighty Condor.
I want to go back to my native place to be
with my Inca brothers,
that’s what I miss the most, oh mighty Condor.
Wait for me in Qosqo, in the main plaza,
so we can take a walk in Machu Pikchu and Wayna Pikchu.
Picmix-com_3516505
El Condor Pasa được Paul Simon và Arthur Garfunkel soạn thành lời ca hoàn toàn mới “If I could, I surely would”:
El Cóndor Pasa (If I Could)
I’d rather be a sparrow than a snail.
Yes, I would.
If I could,
I surely would.
I’d rather be a hammer than a nail.
Yes, I would.
If I only could,
I surely would.
Away, I’d rather sail away
Like a swan that’s here and gone.
A man gets tied up to the ground.
He gives the world
Its saddest sound,
Its saddest sound.
I’d rather be a forest than a street.
Yes, I would.
If I could,
I surely would.
I’d rather feel the earth beneath my feet.
Yes, I would.
If I only could,
I surely would.
Oy68r6xlkjv
Dịch ý
Tôi thà là một chú chim sẻ hơn là một con ốc sên
Vâng, tôi muốn thế đấy
Nếu như tôi có thể
Thì tôi chắc rằng mình muốn thế
Tôi thà là một cây búa hơn là một chiếc đinh
Vâng, tôi muốn thế đấy
Nếu như tôi có thể
Thì tôi chắc rằng mình muốn thế
Xa vời, tôi thà là một cánh buồn xa xăm
Như  là một con thiên nga đến đây rồi lại ra đi
Một người đàn ông bị trói buộc nơi đất liền
Hắn mang đến thế gian này
Một âm thanh buồn da diết
Một âm thanh buồn da diết
Tôi thà là một khu rừng hơn là một con đường
Vâng, tôi muốn thế đấy
Nếu như  tôi có thể
Thì tôi chắc rằng mình muốn thế
Tôi thà cảm thấy trái đất dưới đôi chân mình
Vâng, tôi muốn thế đấy
Nếu như  tôi có thể
Thì tôi chắc rằng mình muốn thế.


No comments:

GIÁ TRỊ TÂM LINH CỦA NGÀY RẰM THÁNG 10 - TẾT HẠ NGUYÊN

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm ...