Sunday, December 8, 2019

XỨ DỪA QUÊ TÔI

Lượm lặt trên FB của thầy  Trí Huệ

BỖNG NHỚ MÙI THƠM HOA DỪA
Dừa là loại cây thân đơn, một mình, đứng cô độc trên bộ rễ chằng chịt lồi lõm trên bờ mương hay ven đường lộ. Dừa hợp với vùng đất thịt, đất sét, chịu được hạn, mặn, không đòi hỏi chăm sóc, sống trên trăm năm. Từ lúc là cái mầm nhú ra từ trái dừa khô đã có sức chịu đựng mãnh liệt, có khi bị vứt lăn lóc đâu đó trong xó nhà, kẹt lu, góc hồ vẫn sống cho đến khi được người đặt trên một mô đất ruộng, đất rẫy, khởi đầu cho một cuộc sống mới sau này được gọi là... vườn. Vườn dừa hay dân dã hơn như tên gọi của người quê tôi: Thớt vườn.
Không biết cây dừa hiện diện trên đồng đất quê tôi từ bao giờ, nhưng khi sinh ra tôi đã biết cây dừa, lớn lên với cây dừa, chơi đùa dưới bóng mát của dừa, quanh quẩn câu cua, câu cá, bắn chim trong vườn dừa, mũi ngửi mùi thơm dịu dàng của hoa dừa, biết ăn củ hủ dừa và ăn cả con đuôn cắn phá cái củ hủ dừa làm chết đứng cây dừa, biết chơi trò trét bùn lên cầu dừa tuột qua gọi là chơi pa-te bằng mông.
Lớn khôn đi học trường xa trên tỉnh rồi lên Sài Gòn, bao nhiêu năm xa biệt cây dừa, giờ già đời mới có thời gian thường xuyên trở lại quê nhà lại nhìn thấy cây dừa, dừa cao ngất ngưởng, thả những tàu lá như chiếc lược to đùng ra giữa khoảng trời rộng mênh mông đùa với gió, hứng nắng mưa và thỉnh thoảng rụng xuống bên kia chân rào. Bao nhiêu những mùa lá như vậy nhưng cây dừa vẫn hiên ngang đứng thẳng trong nền trời dù nó chưa bao giờ được ví như người quân tử.

Cây dừa có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai, càng lâu năm thân gỗ càng cứng, ngả màu nâu rất đẹp, nếu bỏ dưới nước, ngâm dưới bùn chất gỗ càng chắc, bền không mối mọt nào đục khoét được. Ngày xưa người quê tôi dùng những cây dừa lão làm cột nhà, xả thân dừa ra làm vách nhà, vách buồng. Một ngôi nhà ba gian, hai chái, toàn cột dừa, đòn tay dừa, vẫn là hình ảnh thân thuộc của làng quê tôi ngày xưa.
Trong tất cả loại cây trên khắp trái đất này chỉ có cây dừa từ lúc còn là cái "mộng dừa", thành cây dừa con, tới khi già lão ngoài sức chịu đựng phi thường thì công dụng với con người không cây nào bằng cây dừa.
Toàn bộ những gì của cây dừa đều hữu dụng, thật sự có ích, không thứ nào phải vứt đi: Hoa dừa để nghệ nhân trang trí cây cảnh rất đẹp, dừa chuột khoét, dừa trăng ăn, mo nang, lá dừa, tàu dừa làm củi. Dừa nạo để uống nước, dừa cứng cạy để làm mứt dừa, dừa khô sử dụng cho công nghiệp chế biến xà bông, dầu dừa, chỉ xơ dừa, bện dây thừng, nước dừa khô thắng nước màu, miểng gáo từ trái dừa khô làm than rất đượm lửa, vỏ dừa khô làm củi. Thân dừa khô lâu năm làm cột nhà, làm giường, và ai cũng biết ở quê, ở vườn có cây cầu dừa bắc qua mương, qua rạch...
Và tôi có cả một Quê Dừa, đi đâu cũng nhớ. Nhất là mùi thơm của hoa dừa rụng sáng sớm trên đất cát mịn, ẩm sau cơn mưa đêm mới thơm đặc trưng làm sao. Đâu chỉ có thế, những con đường dừa kỷ niệm của ấu thơ xưa tuổi lên 9 lên 10 non trẻ, son tươi, hồn nhiên cùng với đám bạn hàng xóm cả trai lẫn gái cùng nhau chơi đùa, chạy nhảy, cút bắt trên hoa dừa rụng trắng đất và trong hương thơm đặc trưng, thanh khiết của hoa dừa như bám trên tóc, trên vai, trên quần áo và có cả trong những đôi mắt trong veo những tháng năm đẹp nhất đời người.
Theo: Từ Kế Tường

No comments:

Quy Mệnh Thế Tôn Như Lai - Chú Lăng Nghiêm

Quy mệnh đức thế tôn  Như Lai Chú Lăng Nghiêm