Friday, December 13, 2019

Trà Thiền Nhất Vị

Như người xưa vẫn thường nói, nếu bạn không hiểu về thiền, không ngộ được thiền ý thì khi bạn uống trà sẽ không cảm nhận được sự đồng nhất giữa trà và thiền. Khi uống trà lòng phải tĩnh, tinh thần thư thái, từ từ cảm nhận hương vị của trà để đưa lòng mình hòa vào cái tĩnh lặng, bình yên của vũ trụ bao la.
Nhà thiền có một thuật ngữ gọi là “Trà thiền nhất vị. “Trà thiền nhất vị” chính là muốn nói đến tinh thần, ý chí của việc uống trà.
Nhắc tới trà không thể không nhắc tới “Trà Kinh”. Muốn đọc sách về trà thì sự lựa chọn hàng đầu cũng là cuốn “Trà Kinh” của Lục Vũ.  Cuốn sách này tổng kết ra một danh mục các loại trà, phương pháp hái trà, pha trà và nếm trà. Đồng thời Lục Vũ còn xây dựng cho nghệ thuật uống trà một loại ý nghĩa văn hóa sâu sắc, bước đầu hình thành trà đạo.
Lục Vũ là một cô nhi, sinh trưởng trong một ngôi chùa, dưới sự dẫn dắt của một vị tăng nhân, ông khổ công đọc các kinh điển tu hành. Bởi lẽ vị tăng nhân thích thưởng trà, nên Lục Vũ cũng dần quen theo, và sớm đã luyện được kỹ nghệ pha trà. Sau này, khi rời khỏi ngôi chùa, hành tẩu nơi thế gian, Lục Vũ vẫn vô cùng yêu mến trà đạo. Tinh thần của Nho giáo, Thích giáo và Đạo giáo cùng với những trải nghiệm gian khổ của bản thân Lục Vũ đã giúp ông viết nên bộ “Trà Kinh”, lưu truyền thế gian, trở thành kinh điển của văn hoá trà.
Trà sinh trưởng nơi gian khó, nội tâm cô độc, nghĩa là ở xứ cao hàn, không hòa lẫn với sự ồn ào ganh đua, danh lợi nơi trần thế. Trong Trà Kinh của Thánh trà Lục Vũ có ghi rằng: Vị trà tính tối hàn, rất phù hợp với người thanh cao tu đạo. Người xưa cho rằng trà có thể thanh tâm, kết tình, trừ tạp chất, sạch tinh thần. Nó có đủ ba tác dụng: một là giúp người ngồi thiền qua đêm không buồn ngủ; hai là giúp người đầy bụng được tiêu hóa, tinh thần nhẹ nhàng; ba là giúp người ta biết kiềm chế, kiểm soát được dục tính.
11111111111-4-590x333
Thiền và trà đều chung một mục đích, đó là tìm đến sự thăng hoa, thuần khiết của tâm hồn, giúp lĩnh ngộ tự nhiên và tính chân thật của bản tính con người, có thể đưa tâm thức đến cảnh giới siêu phàm thoát tục và thấu hiểu được triết lý trong đạo Phật.
Khổ (đắng)
Giáo lí Phật giáo là vô tận, nhưng đều phát triển trên căn bản giáo lý “Tứ diệu đế”. Sau khi đức Phật Thích Ca thành đạo, ngài thuyết pháp lần đầu tiên tại vườn Lộc Uyển với nội dung chính là “Tứ diệu đế”. Trong “Tứ đế” gồm có “khổ, tập, diệt, đạo” thì “khổ” là lý luận khởi đầu và cơ bản nhất. Người quán xét Khổ đế sẽ nhận ra được rằng đời người có rất nhiều nỗi khổ: nỗi khổ khi sinh ra, nỗi khổ khi già đi, khi bệnh, khi chết, khi thương yêu mà phải chia lìa, khi mong cầu mà không đạt được... Tuy vậy Phật giáo lại quan niệm rằng “Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ”. Thiền chính là một phương pháp giúp ta phá vỡ sinh tử, đạt ngộ một cách triệt để và giải thoát khỏi biển khổ trần ai. Trà cũng có vị đắng (khổ). Trong Bản thảo cương mục, Lý Thời Trân có viết: “Trà đắng tính hàn, công hiệu lớn nhất là giải nhiệt. Nhiệt là nhân tố gây bách bệnh, khi thanh được nhiệt sẽ giúp con người tránh được bệnh tật.” Trà ban đầu đắng nhưng sau đó sẽ chuyển thành ngọt, tính chất đặc biệt này của trà khiến người ta dễ nảy sinh rất nhiều liên tưởng, từ đó giúp cho những người tu tập Phật pháp có thể nếm trải được mùi vị của kiếp người, nhận thức được Khổ đế.
Tĩnh
Trà thiền xem trọng nhất là “tĩnh”,  là cách duy nhất để đạt được lòng thanh tịnh, buông bỏ bụi trần. Có thể nói,ngồi trong trạng thái yên tĩnh, suy nghĩ trong trạng thái yên tĩnh chính là bài học căn bản quan trọng cho tất cả các thiền sư. Trong khi tĩnh tọa, tĩnh lự, người ta khó tránh được sự mệt mỏi, buồn ngủ. Lúc đó, cách tốt nhất để tỉnh táo trở lại chính là dùng trà. Vì lẽ đó mà trà trở thành người bạn quen thuộc của tăng ni Phật tử khi tu thiền.
Phàm (bình thường)
Ông tổ của Trà đạo Nhật Bản, thiền sư Thiên Lợi Tức từng nói: “Suy cho cùng thì Trà đạo chẳng qua chỉ là cách đun nước pha trà.” Điều này cho thấy bản chất của Trà đạo chính là giúp con người nhận thức được những bí mật của vũ trụ và triết lí nhân sinh từ những việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Thiền cũng vậy, nó yêu cầu con người phải suy xét từ những sự việc bình thường nhất để hiểu và lĩnh ngộ những đạo lí lớn lao.
Xả (buông bỏ)
Nỗi khổ của con người, suy cho cùng cũng là do “không bỏ được”, cho nên Phật giáo tu hành đặc biệt chú trọng đến sự “buông xả”. Hòa thượng Hư Vân, một vị cao tăng thời cận đại, từng nói: “Khi tu hành phải biết buông xả tất cả thì mới có thể vào đạo, nếu không làm được như vậy thì chỉ mất công vô ích mà thôi.” Khái niệm “buông xả” trong Phật giáo chỉ sự không còn vướng mắc vào bất cứ điều gì. Khi buông bỏ chúng ta sẽ được tự do thanh thản. Khi ấy, nhìn trời trời xanh, nhìn biển biển biếc, nhìn núi núi cao, nhìn nước nước trong, nhìn gió gió mát, nhìn trăng trăng sáng... mỗi một sự vật đều là hoàn hảo, tốt đẹp. Khi thưởng trà cũng nhấn mạnh sự “buông bỏ”, phải thư thái đầu óc, thả lỏng cơ thể, gác lại tất cả những việc còn dang dở, chỉ tập trung vào việc uống trà. Cư sĩ Diễn Nhân cư sĩ có một câu nói rất hay: “Từ bỏ là từ bỏ, hà tất phải ưu tư; làm một người nhàn hạ, ung dung thưởng ngoạn đất trời.” Chỉ khi ta biết “buông bỏ” thì mới có khả năng đạt ngộ. Làm một người uống trà không vướng bận vào bất cứ việc gì, ta có thể ung dung thưởng thức hương vị của cuộc sống.
Tu hành quan trọng nhất là tu tâm dưỡng tính, từ nếm vị đắng của trà mà nhìn thấu được nhân sinh, tĩnh lặng mà xem sự biến hóa của thân tâm vận vật, ở trong cuộc sống thường ngày mà thấy được chân tướng đời người, cuối cùng có thể buông bỏ được sướng khổ của cuộc đời, hiểu được triết lý của nhân sinh, sự bí ẩn của vũ trụ, từ đó mà trở về tự tâm.

No comments:

Tìm hiểu y phấn tảo

  ( trích trong sách phật quốc ký sự ) của t/g Thích Phước Tiến