Friday, December 6, 2019

North To Alaska : Sự sống là huyền thoại

Alaska: Sự sống là huyền thoại

Chiều một ngày hè cuối tháng 6 ở Alaska, chúng tôi dừng bước trước cửa sông băng của sàn băng Harding. Con đường đèo dốc ngoằn ngoèo hơn 1km phía sau lưng chúng tôi vào mùa đông vốn nằm dưới lòng sông băng. Còn lúc này con sông băng phía dưới đó đã tan chảy chỉ còn từ một hẻm núi phía trước rộng khoảng 100m chạy ngược lên cao hàng trăm mét với màu xanh lam thẫm đặc trưng của băng đóng vĩnh cửu.
IMG_9021_2
Sàn băng Harding rộng tới 1.800 km2 bao gồm 40 sông băng là lượng sông băng nhiều nhất của 1 sàn băng ở Alaska. Sàn Harding được coi như mái nhà của công viên quốc gia Kenai Fjords (vịnh hẹp Kenai) rộng 2.500 km2 bên dưới. Vào mùa hè nước từ sàn băng tan chảy đổ xuống vịnh hẹp Kenai.
Chúng tôi đã ở trên con tàu chạy ngang qua một trong hàng trăm cửa sông băng trên vịnh nằm sát mép nước như một bức thành thủy tinh khổng lồ màu xanh sẫm cao hàng chục mét và rộng vài trăm mét. Đó là một cảnh tượng đặc trưng của Alaska – một bang ở phía Tây – Bắc cách xa phần chính của nước Mỹ tới 3.000km và rộng bằng 1/5 của cả nước. Vào cuối hè, dọc 10.500 km2 ven bờ biển Alaska người ta có thể thưởng thức ngụm nước có từ 1.000 năm trước từ các sông băng tan chảy xuống.
Số sông băng của cả Alaska nhiều gấp 15 lần sông băng ở sàn băng Harding tạo đủ nguồn nước cho 12.000 con sông và 3 triệu hồ nước ở đây. Không chỉ thế phần Nam Alaska lại là mảng địa chất bám vào mảng kiến tạo Bắc Mỹ. Sau nhiều trăm triệu năm dịch chuyển, đến 100 triệu năm trước mảng kiến tạo cổ Thái Bình Dương đã luồn xuống dưới phần Nam Alaska. Sau 44 triệu năm tiếp theo, mảng kiến tạo này đã kích núi Denali ở gần trung tâm Alaska lên sát mặt nước. Sau đó đỉnh Denali tiếp tục trồi lên, cho đến nay đã cao 6.190m (20.310fit) – là đỉnh cao nhất Bắc Mỹ. Các nhà địa chất đo hàng năm đỉnh này vẫn cao thêm gần 1cm. Vì thế, bán đảo Kenai – được coi là tượng trưng cho Alaska nằm ở phía Nam Alaska, nơi chúng tôi đến đầu tiên, hứng trọn sự dịch chuyển này.
Thị trấn Homer với trên 5 nghìn dặm nằm ở cuối con đường cao tốc phía Tây – Nam bên vịnh Kachemak thị trấn duy nhất trên thế giới chứng kiến cùng lúc một cảnh tượng đặc biệt. Từ bên bờ vịnh Fjords lớn thứ hai thế giới này nhìn rõ 4 ngọn núi lửa còn đang hoạt động (riêng 1 ngọn Redoubt sau khi phun trào 2 năm liền, 1989, 1990, mỗi lần kéo dài 30 phút, đến ngày 4/4/2009 lại phun tiếp 30 phút với lửa và bụi bốc cao 15km trên mặt biển). Trong lúc đó những đỉnh sông băng sáng láng vẫn lấp lánh không xa.
Thị trấn đã lấy tên người dựng túp lều đầu tiên trên doi đất dài 2km trồi ra mặt vịnh làm tên của mình. Đó là nhóm trưởng thợ đào vàng Homez Pemok dựng túp lều cho thợ của mình vào năm 1896. Đến nay Homez không chỉ là một thị trấn xinh xắn với những dãy phố có các cửa hàng bày bán các loại hải sản, các dụng cụ câu cá… mà còn có cảng cá, các bãi đậu máy bay trên mặt nước. Vào mùa đi câu giới sành đi câu cá trên thế giới tấp nập đổ đến vịnh Kachemak và các mặt nước vùng phụ cận rộng tới 100km2. Còn Homer được giới câu cá coi là thủ phủ câu cá bơn (halibut) loại cá thường nặng từ vài chục thậm chí đến hơn 100kg/con) của Alaska. Những người của thị trấn nhỏ này là những người đang bán hàng hay đi dạo bên bờ vịnh, những người vẫn đãi vàng, đánh bắt cá giữa bốn phía núi lửa và sông băng.
Alaska còn là vùng Cực Bắc, vùng tiếp giáp với Bắc Băng Dương. Chúng tôi đã đi theo hướng đó. Đoạn đường đầu dọc sông Kenai và sông Cooper Landing trùng với đường trở về vùng đẻ trứng hàng năm của cá hồi. Dịp này đã là cuối mùa đầu câu cá hồi Chinook (còn gọi là cá hồi Hoàng đế vì có trọng lượng lớn nhất trong 5 loại cá hồi). Đây cũng là nơi có nhiều địa điểm câu cá nhất ở Alaska. Thực sự như một ngày hội tại nơi câu cá. Nhiều gia đình đẩy cả xe nôi ra bên bờ sông, bắc sẵn nồi trên các bếp lưu động hoặc nhóm lửa bằng các cành khô trong các bếp làm tạm. Nhiều ông bà già chỉ cầm cần câu cho vui – họ nửa nằm, nửa ngồi trên ghế xích đu, đắp nửa chăn lên người vì vẫn có gió lạnh chạy lan theo mặt nước. Những người thực sự câu cá là những người mặc bộ đồ đi câu với đôi ủng cao quá đầu gối và dầm chân trong nước sâu tại những khúc quanh của con sông là hướng cá hồi đi qua. Họ liên tục giật được những chú cá hồi vẩy còn đẫm nước … sáng óng ánh. Trên bờ đã có người cầm vợt có lưới đón sẵn, lấy cá ra khỏi lưỡi câu, lập tức xẻ ra lấy 2 miếng lườn cho vào thùng ủ đá lạnh, rồi tung phần còn lại lên trời. Đàn hải âu bay chíu chít xung quanh lao tới đớp ngay trên không, ít có miếng cá nào bị rớt xuống nước. Có những nơi hàng mấy chục người đứng câu ken đặc cả một khúc quanh. Họ thường đi đến địa điểm câu bằng xe bán tải, rồi dùng xe 3 bánh vượt địa hình đi lại dọc bờ sông tìm nơi đứng câu hiệu quả nhất. Họ có thể là người địa phương, nhưng cũng có thể là những thợ câu chuyên nghiệp từ khắp nước Mỹ hoặc từ các nước khác tới.
Chúng tôi đã đứng trên bờ vực cao ngắm xuống thung lũng sông Kenai – nơi đàn cá hồi trở về đẻ trứng. Từ trên núi cao nhìn xuống thung lũng cũng nằm ở trên cao, có thể hình dung đàn cá hồi đã vượt qua chặng đường trắc trở thế nào để ngược dòng trở về nguồn. Các chú gấu xám Bắc Mỹ (grizzly bear) đã quen thuộc lối về của đàn cá hồi, thường trực sẵn ở nơi thác cao. Ở đây chú gấu chỉ việc đón vừa tầm con cá nào bay lên khỏi mặt nước là chộp lấy. Sự mất mát đó chẳng là mấy so với đàn cá hồi nhiều triệu con. Những đàn cá được sinh ra từ thung lũng sẽ lại theo di truyền của cha mẹ bơi xuôi ra biển, sau 2 – 3 năm ngược trở về nguồn hết chặng đường dài 2.000 – 3.000km. Chúng đã như thế từ hàng triệu năm nay. Còn đúng chắc chắn ở địa điểm này thì cũng là 10.000 năm trước – vào lúc chấm dứt thời kỳ băng hà của Trái đất, các sông băng và mặt đất của Alaska được định hình xong như hiện nay.
Trên đường lên phía Bắc, chúng tôi rẽ vào thị trấn North Pole (Bắc cực). Đúng hơn là thăm Santa Claus House (Nhà của ông già Noel). Tại ngôi nhà này – thực ra là cửa hàng – quanh năm bán quà lưu niệm về ông già Noel (mũ, áo, tranh, tượng)… Lúc nào cửa hàng cũng đông khách từ khắp các nước. Năm nào Bưu điện của thị trấn cũng nhận được hàng nghìn bức thư của trẻ em trên thế giới gửi cho Ông già Noel về địa chỉ Santa Claus House này – và em nào cũng nhận được thư trả lời của Ông già Noel có đóng dấu Bưu điện North Pole – Alaska. Đây vốn là trang trại của anh nông dân Bon Davis lập nên vào năm 1944. 8 năm sau một Công ty Phát triển mua lại trang trại và đổi tên thành North Pole nhằm thu hút các nhà đầu tư sản xuất đồ chơi. Năm sau, North Pole được công nhận là thị trấn. Song thị trấn North Pole trở thành huyền thoại với trẻ em là nhờ vợ chồng thương gia trẻ Con Miller và Nellie lập nghiệp ở Alaska từ năm 1949. Sau khi mở một cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm ở North Pole, họ đã nghĩ đến việc làm cho tên tuổi của ông già Noel gần gũi hơn với trẻ em nông thôn Alaska, bằng cách đổi tên cửa hàng là Santa Claus House (từ thế kỷ 16 ở các nước phương Tây lưu truyền truyền thuyết Ông già Noel sống ở Bắc Cực). Từ lúc đó em nào gửi thư cho Ông già Noel đến đây đều có thư trả lời (những người tình nguyện của thị trấn chia nhau đọc và “giúp” Ông già Noel viết thư trả lời). Đến nay địa chỉ này không chỉ thân thuộc với trẻ em nước Mỹ, mà còn cả thế giới.
Alaska: Sự sống là huyền thoại - 1
Chúng tôi vượt đèo Isabel để sang bên kia dặng núi Alaska. Dãy Alaska gần như chia bang Alaska thành 2 nửa Bắc và Nam. Con đường dẫn chúng tôi về Fairbanks – thành phố lớn nhất Bắc Alaska. Đó cũng là nơi nóng nhất của bang vào mùa hè do bị rặng Alaska chắn khí mát từ biển phía Nam đưa lên. Tuy thế vào đầu đông nhiệt độ ở đây xuống đến -40oC và giữa đông thì tới -53oC. Chúng tôi đến thành phố vào ngày mà trước đó đúng 1 tuần là ngày dài nhất trong năm: Mặt trời lặn lúc 0h47 phút đêm và mọc lúc 02h57 phút sáng. Nếu coi ánh hoàng hôn và bình minh có thể đọc sách ở ngoài trời được thì gần như không có đêm. Fairbanks được các thổ dân ở Alaska coi là thành phố “của mình” – chỉ cần nói “về thành phố” đối với họ có nghĩa là về Fairbanks. Chúng tôi đã hiểu điều đó khi đi dọc sông Chena và Tanara bao quanh thành phố. Trên những thảm cỏ xanh sẫm hai bên bờ sông nổi lên những ngôi nhà 1-2 tầng sơn màu trắng cạnh các khu vườn cây. Trên sông trước mỗi nhà thường có xuồng máy, đôi khi là máy bay cánh quạt cỡ nhỏ đậu trên mặt nước. Những chiếc máy bay cất và hạ cánh nhẹ nhàng chỉ làm dội những đợt sóng nhỏ sang hai bờ. Cạnh bờ sông có trại nuôi dạy chó kéo xe trượt tuyết. Các chú chó tuy to lớn, nhưng hiền lành, thay nhau chồm lên, chỉ chờ người điều khiển buông lỏng dây cương là lao vút đi.
Bên bờ sông Chena còn nguyên một ngôi làng của bộ tộc da đỏ Athabascan từ đầu thế kỷ trước. Xung quanh làng có những cơ sở làm việc: 1 trại đánh cá hồi với guồng quay đánh cá trên sông, giá phơi cá, lò xông khói; 1 chuồng nuôi tuần lộc rừng di cư (caribou); 1 nhà kho bằng các thân cây gỗ ghép trữ lương thực và da lông thú. Tại bãi đất trống giữa làng – xung quanh là những hàng cây cổ thụ to – đã sắp sẵn nhiều hàng ghế và 1 bục cao bằng gỗ. Hai cô gái thổ dân thay nhau vào các nhà phía sau lấy ra các bộ áo khoác da lông thú truyền thống và ướm thử để khách lựa chọn hàng. Dáng vóc, nụ cười của họ chẳng kém gì các cô gái trên sàn thời trang hiện đại. Vào những ngày hội trong năm, người của các bộ tộc từ 42 làng xung quanh trong dãy núi Alaska đi xuồng hay bơi thuyền theo các sông Chena, Tanara, Yukon… đổ về làng trên sông Chena ở Fairbanks để tụ họp, ca hát, nhảy múa.
Fairbanks còn nổi tiếng là một trong những địa điểm xem Bắc cực quang thuận tiện nhất trên thế giới (Cực quang là hiện tượng ánh sáng tự nhiên kỳ ảo thuộc vùng Cực như những dải lụa sáng nhiều màu liên tục thay đổi trên bầu trời đêm). Ở đây từ 21 tháng 8 năm trước đến 21 tháng 4 năm sau chỉ cần theo dõi liền trong 3 đêm là thể nào có đến 9 trên 10 người thấy được hình ảnh này.
Chúng tôi rời “thủ phủ” của người Athabascan – nếu có thể gọi Fairbanks như thế, rẽ chếch theo hướng Tây – Nam để đến công viên quốc gia Denali – nơi có đỉnh Denali nổi tiếng nằm trong dãy Alaska. Nước từ đáy hồ Inland Sea được đội dần lên theo núi Denali từ 56 triệu năm trước, nay trở thành sông băng nằm trên ngọn núi cao hơn 6.000m. Từ xa hàng chục km nhìn vẫn rõ mặt sông băng óng ánh dưới ánh nắng.
Ô tô đi trong công viên theo con đường độc đạo – nhìn từ xa như sợi chỉ giữa thảm xanh – hơn 5 tiếng đồng hồ còn chưa đến ranh giới. Trên đường nhìn thấy nhiều con thú lang thang ven suối, cạnh bụi cây hay thong thả đi ngang qua. Hơn 300 gấu xám Bắc Mỹ (gruffly bear), gần 2.000 dê núi Bắc Mỹ (dall sheep), gần 3.000 tuần lộc rừng di cư (caribou), hơn 2.000 nai sừng tấm lớn (moose) và nhiều thú hoang khác sống ở đây.
Bộ tộc Athabascan đã đến định cư ở đây từ 13.200 năm trước. Họ đã phải trải qua 2.000 năm trong thời kỳ băng hà cuối cùng. Khi đó đất ở đây chưa phải là rừng mà chỉ có các bụi ngải đắng và cỏ. Sông băng bây giờ ở trên núi cao, còn lúc đó ngập tràn phần lớn diện tích. Họ chỉ có thể kiếm sống ở đây một thời gian ngắn vào mùa hè, còn phần lớn phải về nơi trú đông bên các bờ sông để đánh cá, săn, bẫy muông thú. Khi kỷ băng hà chấm dứt, đất sinh sôi được mở rộng đã tạo nguồn sống cho họ dễ dàng hơn. Người Athabascan không chỉ coi đây là quê hương (họ đặt tên cho gần 2.000 địa danh trong vùng – Denali theo tiếng Athabascan là “số 1”). Mà đây là sự sống còn. Với họ “Hãy để thiên nhiên mãi mãi hoang dã”. Denali vẫn giữ nguyên những gì đã có từ nhiều nghìn năm trước.
1a7e6a3879a464551ed74868c3633b9e
Song con người đến Alaska còn sớm hơn – từ trên 30.000 năm. Khi đó eo biển Bering với bề ngang 85km chia tách đôi bờ 2 lục địa châu Á và châu Mỹ băng vẫn còn phủ kín, trở thành cây cầu nối hai bên. Một trong những cuộc di trú vĩ đại hàng năm của tự nhiên đã giúp con người vượt qua cây cầu băng này. Đó là tuần lộc Bắc cực (peary) sinh sống ở vùng đài nguyên thuộc Alaska và Canada  (nằm giữa đường cực Bắc) đông tới hàng vạn con đi thành đàn di trú xuống phía Nam vào cuối hè. Chúng tìm nguồn thức ăn ở rừng cây sát rìa đất đóng băng để bồi dưỡng sức cho mùa giao phối vào mùa thu. Những con cái có mang và con nhỏ ở lại dọc đường, các con đực lại thành đàn đi tiếp xuống phía Nam kiếm ăn. Đến đầu mùa Xuân con đực mới quay lại cùng cả đàn cái và đàn con trở về nơi sinh sống quen thuộc phía Bắc – nơi những con cái sẽ sinh con vào đầu hè. (Có một sự thực trong hình minh họa quen thuộc đàn tuần lộc đẫy đà kéo xe cho Ông già Noel chỉ gồm các con cái: vào thời điểm đó con đực thường sút cân do vẫn tiếp tục đi chặng đường dài nữa xuống phía Nam để kiếm ăn – chuyến di trú đi và về của nó có thể lên tới 5.000km). Và vào một thời khắc tình cờ của lịch sử (hay đúng hơn, của tiền sử), một nhóm người Eskimo ở bán đảo Chukotka (châu Á) đã theo chân đàn tuần lộc đực – xuôi từ Alaska sang kiếm ăn đi qua cầu băng Bering trở thành những cư dân đầu tiên của Alaska. Họ còn là tổ tiên của toàn bộ thổ dân hiện nay ở nước Mỹ và trên toàn lục địa châu Mỹ. Sức mạnh nào để họ sống sót qua 20.000 năm của cuối kỷ băng hà (chứ không chỉ 2.000 năm của các thế hệ cháu con ở Denali)! Chúng tôi nhớ đến hình ảnh cô gái Eskimo với đôi má hồng rực và nụ cười sáng bừng, 2 tay xách 2 thùng cá hồi ướp đá, rạng rỡ đi trong ráng chiều dọc bờ sông Kenai. Hình ảnh đó làm liên tưởng đến câu ngạn ngữ của thổ dân tạc bên bờ sông Gulkana trên đường lên phía Bắc. Câu ngạn ngữ có thể đã có từ hàng vạn năm trước để nhắc nhở những người đàn ông trên đường đi kiếm ăn trở về nơi trú ẩn – ngôi nhà của mình, vào những ngày đông thường xuyên không có ánh mặt trời và thường tuyết bay mù mịt: “Hãy nhìn bằng đôi tai và nghe theo tiếng đập của trái tim”.
(Có lẽ phải đến thế kỷ 13 cảnh đêm này thuộc vùng cực mới được nhà thám hiểm người Ý Marco Polo kể lại: “…Đó là một tỉnh có tên là Bóng Đêm (vùng cực của Siberie), bởi vì ở đây lúc nào cũng là đêm tối, không có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.).
F5bdce3ad6b3c621b3a20f30b4a6c753

North To Alaska

Johnny Horton
Way up north, (North To Alaska.)
Way up north, (North To Alaska.)
North to Alaska,
They’re goin’ North, the rush is on.
North to Alaska,
They’re goin’ North, the rush is on.
Big Sam left Seattle in the year of ’92,
With George Pratt, his partner, and brother, Billy, too.
They crossed the Yukon River and found the bonanza gold.
Below that old white mountain just a little south-east of Nome.
Sam crossed the majestic mountains to the valleys far below.
He talked to his team of huskies as he mushed on through the snow.
With the northern lights a-running wild in the land of the midnight sun,
Yes, Sam McCord was a mighty man in the year of nineteen-one.
Where the river is winding,
Big nuggets they’re finding.
North to Alaska,
They’re goin’ North, the rush is on.
Way up north, (North To Alaska.)
Way up north, (North To Alaska.)
North to Alaska,
They’re goin’ North, the rush is on.
North to Alaska,
They’re goin’ North, the rush is on.
George turned to Sam with his gold in his hand,
Said: “Sam you’re a-lookin’at a lonely, lonely man.
“I’d trade all the gold that’s buried in this land,
“For one small band of gold to place on sweet little Ginnie’s hand.
“‘Cos a man needs a woman to love him all the time.
“Remember, Sam, a true love is so hard to find.
“I’d build for my Ginnie, a honeymoon home.
“Below that old white mountain just a little south-east of Nome.”
Where the river is winding,
Big nuggets they’re finding.
North to Alaska,
They’re goin’ North, the rush is on.
North to Alaska,
They’re goin’ North, the rush is on.
Way up north, (North To Alaska.)
Way up north, (North To Alaska.)
Way up north, (North To Alaska.)

Alaska là một vùng đất  một tiểu bang của Hoa Kỳ , vùng đất này thuộc Bắc Cực là một nơi lạnh lẽo và băng giá nhưng nó là nơi rất đẹp đối với người nào thích xứ  sở lạnh giá và băng tuyết . Alaska cũng là nơi người Eskimo sinh sống là nơi có những rặng thông dài nối đuôi nhau là nơi mà người ta đi bằng xe chó kéo và quanh năm băng tuyết bao phủ . Alaska còn là nơi có  khoáng sản phong phú  , vì thế mà trong bài hát country này đang kể về một cuộc hành quân của những người đi lên vùng đất mới tìm vàng .
Dịch ý
Tiến về phía bắc (tới Alaska)
Tiến về phía bắc (tới Alaska)
Trực chỉ hướng bắc tới Alaska
Họ đi về hướng bắc, cuộc đổ xô đang diễn ra
Trực chỉ hướng bắc tới Alaska
Họ đi về hướng bắc, cuộc đổ xô đang diễn ra
Sam Béo rời bỏ Seattle vào năm 1892
Với George Pratt, đồng sự của anh ấy, và người em Billy
Họ băng qua sông Yukon và vận đỏ tìm thấy vàng
Dưới chân núi tuyết già cỗi đó, cách Nome một chút về phía đông nam
Sam vượt những ngọn núi hùng vĩ đến những thung lũng xa xăm bên dưới
Anh ấy trò chuyện với những người Ét-ki-mô trong đoàn khi anh ấy trượt xe băng qua tuyết trắng
Với những ngọn đèn phương bắc, một cuộc chạy đua điên cuồng trên vùng đất mặt trời mọc giữa đêm
Ừ, Sam McCord là một người đàn ông mạnh mẽ vào năm 1901
Nơi con sông uốn khúc
Họ tìm thấy những quặng vàng lớn
Trực chỉ hướng bắc tới Alaska
Họ đi về hướng bắc, cuộc đổ xô đang diễn ra
Tiến về phía bắc (tới Alaska)
Tiến về phía bắc (tới Alaska)
Trực chỉ hướng bắc tới Alaska
Họ đi về hướng bắc, cuộc đổ xô đang diễn ra
Trực chỉ hướng bắc tới Alaska
Họ đi về hướng bắc, cuộc đổ xô đang diễn ra
George quay về phía Sam khoe vàng trong tay
Nói: ” Sam, anh đang nhìn vào một người đàn ông cô đơn
Tôi thà đổi tất cả vàng chôn giấu dưới mảnh đất này
Để lấy một chiếc lắc vàng nhỏ đeo trên bàn tay nhỏ nhắn xinh xinh của Ginnie   “
” Vì một người đàn ông cần một phụ nữ  mãi yêu anh ấy
Hãy nhớ, Sam, tình yêu chân thật khó tìm lắm
Tôi thà xây cho Ginnie một gia đình ngọt ngào
Dưới chân núi tuyết già cỗi đó, cách Nome một chút về phía đông nam “
Nơi con sông uốn khúc
Họ tìm thấy những quặng vàng lớn
Trực chỉ hướng bắc tới Alaska
Họ đi về hướng bắc, cuộc đổ xô đang diễn ra
Trực chỉ hướng bắc tới Alaska
Họ đi về hướng bắc, cuộc đổ xô đang diễn ra
Tiến về phía bắc (tới Alaska)
Tiến về phía bắc (tới Alaska)
Tiến về phía bắc (tới Alaska).

No comments:

ÁP GIẢI PHẠM NHÂN

  Hai nữ công an áp giải phạm nhân trông xinh quá , đồng chí ngồi  bên trái có một cách nhìn thật quyến rũ