Monday, June 3, 2019

Nghìn năm văn hóa nhân loại: Tu luyện để thành nhân đâu phải chỉ để thành tiên

Nói đến “tu luyện”, một số người có thể sẽ nghĩ tới những tôn giáo xa rời thế tục, hoặc theo một cách “văn nghệ” hơn thì là những nhân vật thần thông quảng đại trong các tiểu thuyết kiếm hiệp. Sự thật không phải như vậy.
Tu luyện là gì?
Không nhất thiết phải “bế quan luyện công”, “lên núi độc tu” hay “quay mặt vào vách”…, tu luyện đơn giản là tu dưỡng và rèn luyện. Trong đó, tu (修) có nghĩa là chỉnh sửa, học tập, tuân theo, cắt tỉa… Muốn hoàn thiện nhân cách, đức hạnh, phẩm giá của bản thân thì phải liên tục tống khứ đi những thói hư tật xấu, quy chính tư duy hành động theo lễ nghĩa đạo đức, học hỏi và đề cao tâm tính không ngừng.
Còn luyện (煉) nghĩa là rèn luyện, rèn đúc, gọt giũa. Tu tâm cũng cần đi cùng với ước thúc nề nếp sinh hoạt, lễ nghi, tác phong, thần thái; phải rèn luyện trong đời sống từ những điều nhỏ nhặt nhất. Luyện cũng lại có nghĩa là tôi luyện, qua chịu đựng mà trở nên tốt đẹp hơn.
Như vậy, “tu luyện” ấy chính là việc con người luôn biết nhìn lại mình, sửa đổi mình và nắn chỉnh con đường mình đi cho phù hợp với chính đạo. Vì lẽ đó, muốn thành người, làm người tử tế thì phải luôn tu luyện.
Bởi vậy người xưa nói “Người không tu mình, Trời tru Đất diệt”. Nguyên văn tiếng Hán là “Nhân bất vi kỷ, Thiên tru Địa diệt”; chữ “vi” (為) ở đây có hai âm đọc và cũng có hai nghĩa khác nhau. Một nghĩa là “học tập” (hay là tu tập), còn một nghĩa khác là “do, vì”. Hàm nghĩa chân chính của câu này là: “Một người mà không tu dưỡng bản thân thì ắt sẽ không thể có được chỗ đứng trong Trời Đất”; chứ không phải “Người không vì lợi ích của bản thân thì Trời tru Đất diệt” như nhiều người vẫn thường nói.
Tiêu chuẩn tu luyện
Muốn đi đúng đường, cần có lề đường dẫn lối. Muốn theo chính đạo cũng cần có Pháp lý chỉ đạo. Vậy tu luyện ấy phải theo tiêu chuẩn nào đây?
Người xưa giảng “Thiên Nhân hợp nhất”. Con người cũng là một thành phần nhỏ bé trong tự nhiên. Giữa Đất Trời rộng lớn, muốn sinh tồn và phát triển được thì con người phải hòa hợp với phần còn lại của vũ trụ, nhìn đạo của Đất Trời mà đồng hóa theo.
Đó là sự vô tư cống hiến không chút vị kỷ của muôn loài, như mặt trời chiếu sáng nuôi dưỡng các sinh mệnh, như chim mang hạt giống cây cối đi gieo trồng, như hoa dâng hương thơm ngát mà không cầu báo đáp. Đó cũng là sự từ bi chở che, nuôi dưỡng vạn vật như Đất, khiêm nhường cung kính luôn ở thế thấp và sẵn sàng đón nhận mọi vật như nước…
Những khái niệm Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, Nghiệp – Đức, Giới luật ra đời để ước thúc con người thuận theo đạo vô tư, từ bi, chân thành, có tôn ti trật tự của Đất Trời. Quan sát thiên nhiên, con người cũng nhận ra cái lý “vật cực tất phản”, thế nước cao thì tất ập xuống, nắng lâu ngày tất có mưa rào… nên người xưa giảng thuyết Trung Dung, vô vi, tùy kỳ tự nhiên.
Cuộc sống này sẽ tốt đẹp biết bao khi con người ta luôn có chữ tâm trong mọi hành động của mình. 
Để giữ gìn đạo đức con người, những khái niệm, học thuyết, trường phái triết học từ Đông sang Tây dựa trên đạo của Đất Trời cũng dần được hình thành. Đồng thời, những bậc giác ngộ đã xuất hiện và lưu lại hệ thống các Pháp lý tu luyện tâm tính cho nhân loại. Các tôn giáo ra đời để con người thờ phụng và thực hành tâm linh. Từ Đạo giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo và các pháp môn nhánh xuất sinh từ đó đều dạy con người ta những Pháp lý thuận theo đạo của vũ trụ để làm người tốt, rồi thăng hoa dần lên siêu xuất người thường, giúp gìn giữ đạo đức con người trong hàng nghìn năm lịch sử. Vậy nên có thể nói, tu luyện chính là cách con người duy trì đạo đức và hoàn thiện bản thân theo chiều hướng có ích cho cộng đồng, cho sự tồn tại của nhân loại.
Tu luyện là văn hóa xuyên suốt lịch sử, cần được nhìn nhận lại
Ngày nay, xã hội loài người càng phát triển về mặt khoa học kỹ thuật thì dường như đạo đức lại càng xuống dốc. Xã hội phụ thuộc vào vật chất và trọng khoa học thực chứng đã phủ nhận phần nào khoa học tự chứng ngộ (self science), phủ nhận những giá trị văn hóa vô hình nhưng giúp con người có nhân có đức hơn. Đồng thời, thuận theo biến thiên của lịch sử, chúng ta coi nhẹ những thứ bị coi là “lạc hậu, thủ cựu”. Tu luyện đã trở thành điều gì đó huyền hoặc, là chỗ bấu víu cho những người yếm thế, không màng tiến thân, tranh đấu để sinh tồn.
Nhưng cuối cùng thì cái nào mới thật sự là nhân tố cơ bản duy trì sự tồn tại của chúng ta: sự phát triển của khoa học hay đạo đức cơ bản làm người? Chẳng phải thời đại nào, dẫu phát triển như thế nào, thì con người cũng đều cần phải tu luyện để làm người tốt hay sao? Lịch sử chứng minh, những triều đại, nền văn minh hùng vĩ nhất trong lịch sử cũng đều tàn lụi khi nó bắt đầu có những dấu hiệu tha hóa đạo đức.
Lịch sử nhân loại cho thấy: Xã hội phồn vinh phát triển hay lụi tàn, con người hạnh phúc hay đau khổ, câu trả lời đơn giản lại nằm ở sự thăng hoa hay tha hóa của đạo đức. 
Bên cạnh đó, khoa học hiện đại khó có thể giải khai mọi bí mật về thân thể người và vũ trụ. Các định luật, khái niệm, hệ thống chỉ tiêu, giá trị đo lường của khoa học ngày nay, nếu đem vào hệ ngân hà rộng lớn, vũ trụ mênh mang vô tận, từ không gian của các ngôi sao to lớn tới không gian của hạt quark nhỏ bé, liệu có luôn chính xác? Ở một không gian khác (các nhà khoa học đã đề xuất có thể có tới 22 không gian tồn tại) liệu 1 cộng 1 có bằng 2, và trọng lượng của vật thể tính bằng kg có còn chính xác?
Khoa học có đo lường được niềm vui lớn bao nhiêu, năng lượng tích cực như thế nào thì đủ tác động tới cơ thể? Khoa học có đong đếm được cái gọi là phúc đức, hệ thống kinh lạc hay khái niệm khí huyết mà y học phương Đông ngày nay vẫn đang công nhận và ứng dụng trong chữa trị?
Trong khi đó, tu luyện lại có thể chạm tới được những khái niệm mà chúng ta cho là huyền bí. Ngày nay, người ta cũng đã công nhận rằng thiền định – một cách luyện thân trong văn hóa tu luyện cổ xưa – có thể sản sinh năng lượng siêu thường, thậm chí là một liệu pháp gen hữu hiệu.
Tu luyện có những nội hàm, tầng thứ khác nhau, nhưng cơ bản nhất vẫn là việc làm thường hằng để trở thành người tử tế. Tu tâm, rèn thân là điều ai cũng nên làm. Hiểu được tới đâu, làm tới đó, và vì thế kết quả cũng sẽ khác nhau. Có người vì để làm người tốt mà tu luyện, cũng có người tu luyện để đạt được mục tiêu gì đó cao xa hơn. Miễn là những gì họ làm không vi phạm đạo đức thì chúng ta không có lý do gì để phán xét, buộc tội họ.
Tu luyện, từ việc làm người tốt cho tới trở thành sinh mệnh cao thượng hơn nữa, siêu xuất khỏi những quan niệm cố hữu, thấu triệt nhân sinh, chính là một nét văn hóa xuyên suốt trong lịch sử hàng nghìn năm từ Đông sang Tây. Đó không phải là một khái niệm để chỉ những người xa rời thế tục, hành vi kỳ bí.
Cố giới hạn nội hàm của hai từ tu luyện vào các hành vi dị thường sẽ gây hiểu lầm, chia rẽ và định kiến thiên lệch. Nó còn khiến ta tự đặt bản thân ra khỏi dòng chảy chính hàng nghìn năm của nhân loại: tu sửa tâm tính, kiềm chế dục vọng, hình thành phong thái cao, rèn luyện thân thể để cả thân lẫn tâm hòa vào với đạo của vũ trụ. Thuận theo tự nhiên, gìn giữ đạo đức đã được lịch sử chứng minh là có liên hệ trực tiếp tới sự tồn vong của các nền văn minh trong quá khứ.

No comments:

Quy Mệnh Thế Tôn Như Lai - Chú Lăng Nghiêm

Quy mệnh đức thế tôn  Như Lai Chú Lăng Nghiêm