Là người yêu âm nhạc chắc các bạn cũng giống như tôi sẽ yêu quý những vật dụng tạo ra tiếng nhạc ấy . Có đôi khi bạn nghe một bản nhạc rồi tình cờ bạn yêu bản nhạc ấy , cũng có khi bạn nghe giới thiệu một bản nhạc bạn chưa hề nghe bao giờ rồi bạn yêu bản nhạc ấy qua một giọng nói đầy ấm áp đầy truyền cảm từ một người nào đó . Người đó có thể là người bạn của chúng ta hay là một phát thanh viên của đài phát thanh .
Nỗi lòng của âm nhạc là như thế đó , buổi đêm đến âm nhạc đưa ta vào giấc ngủ ngon cùng nhưng giấc mơ bay . Tôi vẫn nghe chương trình âm nhạc yêu thích của tôi lúc 10h đêm .
Yêu nhạc và yêu đàn , giai điệu ngày xưa thổi hồn bay bổng những đêm trăng hay đêm không có trăng , nhạc khúc hòa vào không gian hòa vào cái tĩnh mịch của đêm tối . Để cho ta tưởng tượng khung cảnh huyền diệu của thiên nhiên của bóng đêm xoay vần theo thời gian .
Tình cờ ta nghe được câu chuyện “Truyền Thuyết về Cây Đàn Ghita” ta chợt xúc động lạ thường về một câu nói mà ta nghe từ lâu rồi trong một bài hát nào đó ” Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita ” Ghita hay còn gọi là Tây Ban Cầm => Tây Ban là Tây Ban Nha còn cầm là đàn .
Truyền Thuyết về Cây Đàn Ghita
Ngày xưa có một cụ già và người con gái sống ở miền Nam Tây Ban Nha trong một ngôi nhà gỗ. Thời đó, cụ già nổi tiếng là một người thợ mộc giỏi, có người còn nói cụ là người thợ mộc tài danh nhất! Con gái của cụ tên là Citrạ Nàng có giọng hát tuyệt vời có một không haị Mỗi lần nàng cất tiếng hát, mọi người đều dừng lại lắng nghe, ngay cả chim trên cành cũng im hót để thưởng thức… Đâu chỉ có thế, giọng hát của Citra còn có năng lực chữa bệnh thần kỳ. Dân chúng khắp miền nam Tây Ban Nha thường tìm đến yêu cầu nàng hát mỗi khi có dịch bệnh phát sinh.
Một đêm mưa bão, có người gõ cửa ngôi nhà gỗ của cha con nàng! Họ mở cửa. Đứng trước ngưỡng cửa là một bà già khốn khổ, áo quần tả tơi ướt đẫm. Bà già lạnh cóng, cơ hồ đứng không muốn nổi. Hai cha con vội vàng nhóm bếp lò và mang quần áo khô cho bà cụ, rồi cho bà uống sữa nóng với mật ong cho lại sức.
Sáng hôm sau, khi bà cụ đã hồi sức, bà cho Citra biết cụ có một cô cháu nội đang ốm nặng sắp chết vì mắc phải một căn bệnh là kỳ khiến mọi lang y đều bó tay. “Đó là lý do một bà già như lão phải lặn lội cả tháng trời đến đây gặp cô, Citra ạ, chỉ để cầu xin cô cứu cháu nội tôi.” Và bà lão ngồi hàng giờ kể cho Citra nghe về cô cháu. Càng nghe, Citra càng cảm thấy gần gũi, gắn bó với cô gái đáng thương chưa quen biết như thể đã thân thiết tự bao giờ.
Hôm sau, nàng cáo từ cha già để theo bà lão đi cứu cô cháu bằng chính giọng hát của nàng. Người cha nhờ hai người bạn đi theo hỗ trợ và sau mấy tuần lễ họ đã đến một ngôi làng ở Asturias. Cô cháu của bà cụ đã ngất lịm, thoi thóp gần chết. Citra liền cất tiếng hát. Chưa bao giờ trong đời mình nàng hát hay đến như thế! Nàng hát mãi không thôi… cho đến ngày thứ ba thì cô gái mở mắt tỉnh dậy. Căn bệnh quái ác đã được cứu chữa!
Nhưng trên đường về, một trận bão tuyết trên vùng núi lạnh đã chôn vùi Citra và hai người bạn già đồng hành. Khi bão đã tan, may sao một đoàn người bắt gặp Citra vùi sâu trong tuyết và lạnh cứng như chết. Họ đã cứu nàng và đưa về với người cha già.
Citra thoát chết, nhưng vì thanh quản đã bị liệt vì tuyết lạnh, nàng không bao giờ còn cất tiếng hát được nữa. Thế là nàng trở nên u sầu, lúc nào cũng đắm chìm trong một trạng thái u uất đáng sợ…
Nóng lòng muốn cứu con gái, người cha bỗng nhớ ra mình còn một khúc gỗ hồng trong nhà kho chứa đồ làm mộc của mình. Thế là ngày ngày ông cụ hết chăm lo cho Citra lại đục đẽo trong nhà kho âm thầm làm một món quà cho con gái. Ông cưa gọt cả năm ròng và cuối cùng hoàn thành một thứ nhạc cụ lạ kỳ nhưng xinh đẹp mang hình dáng một người thiếu nữ. Sau đó ông nhờ những người thợ săn trong làng săn về cho ông hai con naị . Một con lớn, ông lấy gân chân căng ra làm những sợi dây trầm; còn con tơ, ông lấy gân căng làm những dây bổng.
Khi cây đàn hoàn tất, ông đứng trước cửa nhà vuốt ngón tay trên những sợi dây đàn gân thú. Một chuỗi âm thanh sâu lắng, quyến rũ ngân rung… Lần đầu tiên, từ khi bình phục, Citra bước ra ngưỡng cửa tìm xem những âm thanh thần tiên ấy phát ra từ đâu.
Người cha trao cho nàng cây đàn độc đáo ấy. Citra nâng đàn lên và bắt đầu dạo nhạc. Tiếng đàn bay bổng… Dân chúng khắp miền nam Tây Ban Nha tìm đến xem chiếc đàn lạ lùng ấy. Mỗi lần nàng cất tiếng đàn, mọi người đều dừng lại lắng nghe, ngay cả chim trên cành cũng im hót để thưởng thức… Đâu chỉ có thế, tiếng đàn của Citra còn có năng lực chữa bệnh thần kỳ như tiếng hát của nàng ngày trước. Dân chúng thường tìm đến yêu cầu nàng đàn mỗi khi có dịch bệnh phát sinh….
Cái tên Citra dần lan truyền khắp thế giới và cây đàn đã được đặt theo tên nàng cũng được mô phỏng ở khắp nơi. Ở Ấn Độ, cây đàn của nàng được gọi là đàn Sitar (hay Chitar), ở Ý nhạc cụ này được gọi là Chitarra. Một số nơi khác, chữ “C” được đổi thành chữ “G” và thế là ngày nay ta có đàn Gitara ở Tây Ban Nha, đàn Guitare ở Pháp, đàn Guitar ở Anh-Mỹ, và đàn Ghi-ta ở Việt Nam.
Ôi … Cây Đàn Guitar
Guitar là nhạc cụ mà bất cứ chàng trai nào cũng có lúc muốn tìm hiểu lai lịch của nó. Guitar đã chu du khắp bốn phương trời và tạo nên những chiến công hiển hách. Tiếng guitare luôn là một thứ âm thanh mê hoặc, kỳ diệu, làm say đắm lòng người. Lịch sử guitar chứng kiến lắm cảnh thăng trầm.
Guitar từng có 12 dây, 3 cần, không lỗ, nhỏ như mandoline hoặc bị xem là tròn “gia trung hữu cầm, nữ tử tắc dâm”. Guitar cũng có khi xênh xang võng điều vì là trò giải khuây của giới quý tộc và con nhà gia giáo. Nhưng một trong những trường phái nổi danh nhất của guitar lại ra đời từ những con người khố rách áo ôm, lang bạt kỳ hồ. Guitar chinh phục được những vùng đất thủ cựu bậc nhất, giúp nhiều nhạc sĩ thành danh và tạo nên một sắc màu độc đáo trong số các nhạc cụ trên thế giới.
Đơn giản, gọn nhẹ và còn bình dân
Trong tất cả các loại nhạc cụ, guitar chiếm vị thế “chiếu trên”, lại bình dân, không đòi hỏi gì nhiều. Nó không thuộc loại ta đây Kẻ Chợ như piano, cũng chả cồng kềnh như contrebasse. Bất cứ ai cũng chơi guitare được, dù phèng phèng như bật bông hay “sáu dây rỏ máu năm đầu ngón tay” như Segovia. Trong mọi cuộc sinh hoạt tập thể, guitar tạo ngay không khí hừng hực, nối vòng tay lớn. Guitar song hành với điệu tango Nam Mỹ bốc lửa, làm nên chân dung Tây Ban Nha vấy xòe mũ rộng. Guitar chễm chệ tại Mexico nắng lửa, hiện diện tại những buổi biểu diễn trang trọng của Paris hay Vienne. Mọi ban nhạc trẻ đều không thể bỏ qua guitare điện. Khi Eagles chơi lại “Hotel California” – dù với guitar thùng thì hiệu quả vẫn thế. Chơi guitar, người ta không mỏi cổ đau vai như violon, không phình bụng lấy hơi như flute, và cũng chẳng phải đổ mồ hôi như trống. Vậy, tạo ra guitare là cả một kỳ công. Lịch sử guitar ắt hẳn là tiểu thuyết chương hồi, đầy vinh quang và nước mắt.
Một bức phù điêu thời xa xưa cho thấy bên mộ vua Thèbes có hình một người đàn ông quỳ gối, cầm một nhạc cụ hơi dài và có cán. Triều đại của vị vua này kéo dài từ năm 3762 đến năm 3703 trước Công Nguyên. Các sử gia cho rằng guitar đã có 38 thế kỷ tồn tại chứ không ít ỏi gì. Ai Cập gọi nào là kithara, Chaldé gọi là chetarah, Assyrie gọi là ketharah, Hy Lạp cũng gọi là quitara. Những cuộc tầm nguyên vất vả nhất cho rằng chữ guitare bắt nguồn từ tiếng Ba Tư ki-tar (nghĩa là ba dây). Nếu điều này đúng, cụ tổ của guitare chỉ là tam huyền cầm. Nhưng lịch sử đâu có đơn giản vậy: cây kithara của dân Hy Lạp có đến 7 dây, còn ở Alexandre, vào khoảng năm 285 trước Công nguyên, có 300 nhạc công kithara. Họ đều thuộc loại ăn trên ngồi trốc, được xã hội nể vì, có quyền “ăn cổ đi trước, lội nước theo sau”.
Một số người định thêm hoặc bớt dây cho dụng cụ này, nhưng bị cấm tiệt, chỉ vì thiên hạ xem tổng thể kithara là toàn bích. Thế kỷ thứ sáu, ở xứ Galles có loại nhạc cụ lai giữa guitare và lyre, có 6 dây. Nhiều cuộc so tài đã diễn ra giữa những ai yêu thích nó, thậm chí, nó còn là tiêu chuẩn cho những anh “đũa mốc chòi mâm son”, nghĩa là nghèo có truyền thống mà dám mơ tưởng tiểu thư cây quỳnh cành dao. Tại nhiều tu viện của Pháp, còn lắm bức họa tả cảnh guitare đang chinh phục lòng người. Những sử gia uyên bác nhất còn tin rằng vào thế kỷ 11, Pháp có đến 900 nhạc cụ, trong đó có 25 loại phổ thông và tất nhiên có guitare. Năm 1209, vì nhiều biến cố, các nhạc công xẻ đàn tan nghé, kẻ Đông người Đoài; thành thử phong trào tình tang cũng suýt hạ hồi. Tây Ban Nha có hai loại đàn, một là guitar latina và hai là guitare morisca. Danh thủ guitare lão luyện đầu tiên cho lịch sử là một ông mang tên Juan de Palencia (1414). Ba năm sau, nổi lên hai danh thủ khác là Alonso de Toledo và Rodrige de la Guitarra, đều công dân xứ đấu bò cả. Lúc này Pháp và Tây Ban Nha hội nhập văn hóa, thành ra âm nhạc ăn theo. Guitar được cải tiến, thêm dây, gọt lưng cho phẳng, thay vì nổi bướu như trước. Dù sao, tận khi này, thiên hạ vẫn có hai loại đàn: một là guitare dành cho đại đa số quần chúng, hai là vihuela chỉ dành cho con nhà kín cổng cao tường.
No comments:
Post a Comment