Sunday, April 7, 2019

Ngày xưa vọng tiếng

Từ Địa Trung Hải, một khu vực kỳ lạ của địa cầu... Trên bờ Đông Nam của vùng biển này là Ai-Cập ở Bắc Phi, quê hương của một nền văn minh đồ sộ với số tuổi khoảng trên 5000 năm. Ngày nay những đền đài lăng tẩm tại Ai-Cập là dấu tích của một nền văn hoá và học thuật xưa nhất của loài người còn được giữ lại một cách khá nguyên vẹn. Theo bản đồ, ngược chiều kim đồng hồ, men theo bờ biển ta sẽ đến bán đảo Sinai và vùng Israel, Lebanon. Nơi đó, tại những địa điểm khá gần nhau đã phát xuất ba tôn giáo lớn của loài người, đó là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.
Lại men theo bờ biển đi ngược về phía Bắc, ta sẽ gặp Hy Lạp với vô số hải đảo. Hy Lạp cũng lại là quê hương của một nền học thuật vĩ đại với số tuổi khoảng gần 3000 năm.

Nền văn minh Hy Lạp là nguồn gốc của toàn bộ đời sống tinh thần và hoạt động khoa học của phương Tây ngày nay. Tiếp tục đi dọc bờ biển, ta sẽ đến Ý, quê hương của Julius Caesar và nền văn minh La Mã, vốn đã từng làm bá chủ Châu Âu nhiều thế kỷ. Từ Ý ta sẽ đi qua nhiều bờ biển vô cùng xinh đẹp và tiếng tăm để đến Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, những vùng đất được thiên nhiên hết sức ưu đãi và giàu mạnh, từng khám phá và làm chủ nhiều vùng đất trên thế giới tại Châu Mỹ, Châu Á.

Tây Ban Nha cách Bắc Phi chỉ bằng một eo biển rộng không quá 20km. Vượt qua eo biển đó là trở về châu Phi, là Morocco với thành phố nổi tiếng Casablanca mà khách vẫn còn nghe văng vẳng một điệu nhạc quen thuộc. Lại đi về phía đông, dọc theo bờ biển khách gặp ba nước Algeria, Tunisia, Libya. Có lẽ khách sẽ nôn nóng đi nhanh qua ba nước đó để gặp lại Ai-Cập, để đi trọn một vòng Địa Trung Hải. Ba nước Bắc Phi đó dường như không có gì đáng chú ý. Nhưng không phải thế, tổ tiên của họ đã xây dựng một giai đoạn vàng son trong lịch sử Châu Âu và còn để dấu ấn đến ngày nay. Đó là thời kỳ của sắc dân Berber tại Tây Ban Nha.

Nói đến Tây Ban Nha, khách liền liên tưởng đến những đặc trưng nổi tiếng của đất nước này như các thao trường đấu bò mộng, tiếng đàn Tây Ban cầm, đến nàng Carmen với điệu vũ Flamenco, chàng Don Juan từng làm thổn thức bao trái tim phụ nữ. Tây Ban Nha là một nước lớn, trải dài từ phía Bắc với Đại Tây Dương xuống phía Nam với Địa Trung Hải. "Khắp nơi đều nằm trong nắng, Todo bajo el sol", đó là niềm hãnh diện của họ mời gọi dân Bắc Âu thèm ánh mặt trời. Khách đến Tây Ban Nha để thưởng thức nắng ấm và gió biển. Ít ai biết rằng đất nước này rất đa dạng, cũng đầy núi non hùng vĩ, chỉ đứng thứ hai sau Thụy Sĩ về rừng núi tại Châu Âu.

Thế nhưng tất cả những đặc trưng Tây Ban Nha nổi tiếng kể trên thật ra đều chỉ xuất phát từ một vùng đất duy nhất, đó là Andalusia, nằm ở phía nam. Quê hương của Carmen lẫn Don Juan đều là Sevilla, thủ phủ của Andalusia. Môn đấu bò cũng xuất phát từ Andalusia. Người ta chỉ nên xem đấu bò ở Sevilla, cùng lắm là tại thủ đô Madrid, xem nơi khác "chỉ phí thì giờ", nói như người Tây Ban Nha. Đàn Tây Ban cầm và nhạc điệu Flamenco cũng là của người dân Andalusia. Do đó nếu chỉ được thăm Tây Ban Nha một lần rồi thôi thì khách đừng vội đến Madrid hay Barcelona xem bóng đá dù nơi đây có cả chục tài danh đắt giá mà nên đến Andalusia để xem đấu bò và vũ điệu Flamenco. Nhất là, nếu có chút tha thiết với lịch sử, với những sắc dân nay đã tàn suy, khách phải biết đến công trình chói lọi của họ và nỗi lòng u uẩn còn vọng lại trong tiếng nhạc Flamenco của người du mục Bohemian, hậu thân của người Berber ở Bắc Phi.

Tôi từ Lagos của Bồ Đào Nha, điểm cực Tây của Châu Âu, đến Sevilla trong một ngày đẹp trời. Vào thành phố, xe chạy ngang trước trường đấu bò nổi tiếng. Thôi, tôi không còn thì giờ và tâm tư để xem môn thể thao đầy bạo lực và tiếng reo hò chiến thắng này. Thời sinh viên tôi đã một lần hâm mộ và náo nức đi xem, nhưng bây giờ tôi muốn tìm lại dấu tích huy hoàng của một sắc dân nay hầu như đã biến mất trên bản đồ thế giới. Đến Andalusia và Sevilla người ta sẽ thấy những công trình kiến trúc và xây dựng của người Moor, đó là tên của Châu Âu đặt cho người Berber từ Bắc Phi đến. Và ngày xưa, những người Moor đó đến Châu Âu không phải nhờ cậy gì ai, mà đến để làm bá chủ tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong một thời kỳ dài đến tám thế kỷ.
  

Thánh địa Mỹ Sơn
Trong thời kỳ vài trăm năm trước công nguyên, vùng Andalusia bị đế quốc La Mã thống trị. Về sau, khi La Mã suy tàn thì các bộ tộc Bắc Phi cũng bắt đầu di dân qua Tây Ban Nha trong khoảng thế kỷ thứ năm. Sa mạc Sahara quá khắc nghiệt và eo biển Gibraltar quá hẹp làm những người Bắc Phi cầm lòng không đậu, họ bỏ quê hương ra đi, hy vọng có được một cuộc đời khá giả hơn. Từ những thế kỷ đầu công nguyên cả La Mã lẫn Bắc Phi đều theo đạo Thiên Chúa. Năm 570 nhà tiên tri Muhammad ra đời, sáng lập Hồi giáo. Nền tôn giáo này lan truyền nhanh chóng qua các nước Bắc Phi. Năm 711 những người Berber theo đạo Hồi tấn công Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha và chiếm trọn cả một vùng bán đảo mênh mông này.

Đó là thời điểm của đầu thế kỷ thứ tám mà sách vở Châu Âu gọi là thời đại của người Moor tại bán đảo Iberian gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Nhưng các triều đại của người Berber với nền văn hoá của đạo Hồi vừa mới hình thành lại rất cởi mở và tiến bộ. Họ trọng thị và sống chung hòa bình với tín đồ đạo Do Thái và Thiên Chúa, xây dựng một nền văn minh rực rỡ với khoa học, nghệ thuật và kiến trúc. Trong thời bấy giờ Châu Âu còn đang ngủ mê, người Berber phải đưa cả những nhà trí thức Ả-Rập qua Tây Ban Nha để xây dựng viện đại học, thư viện, nhà thương, trường học, công trình kiến trúc, thủy lợi, giao thông. Và đường xá thời đó đã có cả đèn đường soi sáng. Thời bấy giờ Hồi giáo chưa bị xơ cứng, trí thức của họ là nguồn động lực phát triển của xã hội. Thời kỳ vàng son đó còn để lại tới bây giờ với những công trình kiến trúc tinh xảo làm ngỡ ngàng người nghiên cứu và khách du lịch, nhất là cho ai có thành kiến không tốt với Hồi giáo. Đến Tây Ban Nha, tôi sớm quên các danh thủ bóng đá cũng như những chàng trai đấu bò Matador để đắm mình vào lịch sử đáng kinh ngạc và công trình kiến trúc tuyệt vời của sắc dân Berber.
  

Tượng vũ nữ Chăm
Nền chính trị của Hồi giáo trị vì được khoảng ba trăm năm thì bắt đầu nứt rạn thành nhiều tiểu quốc trong khoảng năm 1031. Cũng từ đó Thiên Chúa giáo từ phía Bắc gửi quân chinh phạt và tái chiếm đất đai tại vùng Tây Ban Nha. Đó là cuộc thánh chiến đầu tiên trong lịch sử giữa hai tôn giáo. Năm 1212, phía Thiên Chúa giáo đánh thắng một trận quyết định. Thế nhưng sau đó các triều đình Hồi giáo vẫn còn triển khai hoa trái của nền văn hóa của mình gần ba trăm năm nữa. Mãi đến năm 1492, phía Thập tự quân của Thiên Chúa giáo mới đạt thắng lợi hoàn toàn, giành lại toàn bộ Châu Âu trong ảnh hưởng của mình. Người ta xem thời điểm đó là thắng lợi trọn vẹn của nền văn hóa Thiên Chúa giáo đối với Hồi giáo tại bán đảo Iberian, cũng là lúc bắt đầu một cuộc đấu tranh giữa hai nền văn hóa mà ngày nay đang lâm vào giai đoạn sinh tử.... Đến nước Đại Việt

Lạ lùng thay, cũng đúng khoảng thời điểm đó, năm 1471, một nền văn hóa đánh thắng một nền văn hóa khác và thiết lập một thể chế chính trị mới cho một vùng đất mà ngày nay ta gọi là miền Trung Việt Nam. Nhưng điều quan trọng nhất, đó là thời kỳ mà nền văn hóa chính trị tập quyền theo kiểu Nho giáo Trung Hoa đã giành thắng lợi trọn vẹn khi đối đầu với nền văn hóa và tổ chức chính trị theo kiểu tiểu quốc của Ấn Độ giáo. Địa bàn của cuộc đấu tranh đó của hai nền văn hóa là nước Đại Việt. Tôi ngẫm nghĩ điều này trong những cung điện huy hoàng của Hồi giáo tại Sevilla và kinh ngạc thấy sự tương đồng về qui mô và thời điểm lịch sử.

Thời mà đế quốc La Mã thịnh trị tại Châu Âu thì nhà Hán thiết lập nền cai trị của họ tại miền Đông Nam Châu Á. Khoảng cuối thế kỷ thứ hai sau công nguyên, một bộ tộc khởi nghĩa chống lại nhà Hán tại một vùng nằm trong khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên1 ngày nay. Về sau bộ tộc đó thành lập vương quốc Champa và phát triển về hướng Nam. Champa sớm trở thành hùng mạnh, vương quốc của họ từ Quảng Bình kéo dài đến tận tỉnh Đồng Nai bây giờ. Từ vùng đất hẹp nhưng dài hơn 1000km nằm sát biển, một nền văn minh được phát sinh mà ngày nay ta còn thấy dấu vết. Nhờ giao lưu kinh tế phát triển bằng đường bộ và đường thủy, vương quốc Champa sớm tiếp xúc với Ấn Độ giáo và thực hiện một cách tổ chức chính trị kiểu nhiều tiểu quốc dựa trên địa hình của từng vùng.
  

Vũ nữ Flamenco
Đối với nước Đại Việt ở phía bắc, Vương quốc Champa có một mối quan hệ phức tạp, vừa tranh chấp vừa giao hảo. Khi hai nước đồng lòng liên kết chống đế quốc Mông Cổ trong thế kỷ thứ 13 và thành công rực rỡ thì tình thân hai nước đã lên đến tột độ. Nhà vua Champa thời đó tên gọi là Chế Mân, lên ngôi năm 1288, thuộc triều đại Indrapura cầu hôn nàng công chúa Huyền Trân, em gái của nhà vua Trần Anh Tông. Vương quốc của Chế Mân thời đó rất mạnh, lãnh thổ vươn dài đến tận Phan Rang. Nhà vua trẻ tuổi này muốn làm một cử chỉ lịch sự hào hoa với nàng công chúa người Việt nên khẳng khái tặng hai "lô" đất, châu Ô và châu Rí, xem như lễ vật. Đó là năm 1306. Hai lô đất này cũng không nhỏ nhắn gì cho lắm, nó chính là tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay, chính là vùng "đệm" giữa hai nền văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Nhà Trần của Đại Việt nhận lời cầu hôn.

Mất hai châu, vương quốc Champa bị đẩy lùi về phía Nam đèo Hải Vân. Nàng công chúa Huyền Trân thực ra cũng chẳng chịu phận thân gái ngàn dặm, nàng chỉ phải đi Trà Bàn, tức là Bình Định ngày nay. Chỉ một năm sau ngày cưới, Chế Mân vì bệnh mà mất, Huyền Trân được Đại Việt dùng mưu lược đưa về quê quán. Sau Chế Mân thì bang giao Đại Việt-Champa vô cùng căng thẳng. Có thời kỳ Champa lại trở nên hùng mạnh, nhà vua Chế Bồng Nga đã đem quân đánh đến Thăng Long, nhưng số phận của vương quốc Champa đã điểm. Năm 1471, nhà vua Lê Thánh Tông đem quân chiếm Trà Bàn thôn tính Champa và nền văn minh Nho giáo của Trung Hoa thay thế nền văn minh bản địa đậm màu Ấn Độ giáo. Đây cũng là một sự chạm trán hiếm hoi giữa hai nền văn hóa này trong cuối thế kỷ thứ 15.

Một ngày đẹp trời nọ, tôi ngồi lâu trên những bậc thềm của các ngôi tháp cổ tại thánh địa Mỹ Sơn. Mỹ Sơn là quần thể các công trình kiến trúc và tôn giáo của các triều đại Champa khác nhau, được xây dựng rất sớm, từ thế kỷ thứ tư. Trong một thung lũng kín đáo với núi non bao bọc xung quanh, giữa những ngôi tháp hầu hết đã đổ nát tôi cảm nhận dường như khí sắc vương giả vẫn còn. Trong không khí vô cùng tĩnh lặng, những cánh bướm trắng bay chập chờn như đến từ một thế giới khác.

Bóng tà dừng ngựa đứng
Man mác nỗi hư vong2

Một vương quốc hùng mạnh suốt mười hai thế kỷ nay đã "hư vong". Tại thánh địa Mỹ Sơn tôi tự hỏi các vị hoàng thượng tiên liệt Champa nghĩ gì về Chế Mân và hành động hào hoa của ông. Đó hẳn là lỡ lầm đầu tiên dẫn đến nông nỗi mang hận ngàn năm. Hai châu Ô Rí đã sớm mang tên Thuận Hóa của Đại Việt nhưng hẳn khí thiêng sông núi còn man mác nỗi buồn mất nước để một nhà thơ Nguyễn Du quê tận miền Bắc sớm viết:
Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
(Một mảnh trăng dòng Hương
Xưa nay sầu vấn vương)

  

Một góc Sevilla.
Nỗi sầu vong quốc của người Chăm không hoàn toàn câm lặng như những tháp đá tại Mỹ Sơn, Đồng Dương mà vọng vào điệu ca câu hò của người Huế. Thế nên tiết tấu, âm điệu và nội dung của nhạc Chàm từ những ngày xa xưa đã trở thành một nét buồn chủ yếu của âm nhạc miền Trung.

Thuyền ai thấp thoáng bên sông

Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non3.

Và điệu buồn Flamenco


Ngồi trên bậc thềm của cung điện Hồi giáo tại Sevilla, tôi tự hỏi liệu những người Berber Bắc Phi có "sầu vấn vương" khi nghĩ về nền văn hóa của họ đã hư vong sau khi tồn tại gần tám thế kỷ.

Trong thế kỷ thứ 15, nền văn hóa Thiên Chúa giáo thắng thế hoàn toàn tại Châu Âu và thi hành một chính sách khắt khe. Tín đồ Hồi giáo và cả Do thái giáo bị đẩy lùi khỏi Tây Ban Nha. Một số lượng nhỏ sắc dân Berber xin ở lại và hòa nhập với các cộng đồng sắc dân khác. Họ được gọi là dân gitanos, ngày nay chiếm một số lượng khoảng 600.000 người. Tuy nhiên từ thế kỷ 15, những người đó không được dân Tây Ban Nha chính thống chấp nhận hoàn toàn, một phần vì màu da nâu đen, một phần vì cách sống mang màu sắc du mục Bohemian của họ. Bị đẩy ra ngoài lề xã hội, họ lén lút gặp gỡ những sắc dân cũng lang bạt như họ, quê ở Ả-Rập, Bắc Phi để vui chơi đàn hát. Tiếng vọng sâu thẳm từ một nền văn hóa đã suy tàn, của nỗi sầu mất mát vang rõ trong tiếng hát của họ và đó chính là điệu nhạc Flamenco.

Flamenco không hề là vũ điệu đặc trưng và vui nhộn của Tây Ban Nha như nhiều người lầm tưởng. Đó là tiếng than thở về một quá khứ đã mất. Trong thời xa xưa người Berber đã đưa tiết điệu âm nhạc của họ vào Tân Ban Nha trong thế kỷ thứ 8, trộn với dân ca của Andalusia. Do đó Flamenco còn mang rõ âm hưởng Ả-rập. Nhạc Flamenco truyền thống thường chỉ có một giọng ca nam trầm, khan và buồn, vang đầy âm sắc tiếc nuối của những người mất quê hương và tình yêu, của những ai bị đẩy ra bên lề của xã hội. Hòa với lời ca chỉ là tiếng vỗ tay và nhịp chân trên sàn gỗ vì truyền thống người du mục chỉ đơn sơ nghèo nàn như thế. Mãi đến thế kỷ thứ 16 cây đàn Tây Ban cầm mới được hòa điệu cùng Flamenco. Quê hương của cây đàn guitar cũng lại là châu Phi, cũng do chính người Berber đưa vào Tây Ban Nha trong thế kỷ thứ 8 nhưng nó chỉ đến với vũ điệu của người Bohemian sau khi cả hai đều mang phận lạc loài.

Trong tiếng ca đau đớn và phẫn uất làm ta "chạnh lòng", trong tiếng nhạc guitar ngang tàng, với nhịp giày gõ dữ dội trên sàn gỗ, các nàng vũ công dường như không bao giờ biết cười mạnh mẽ nhảy múa trong bộ áo quần sặc sỡ truyền thống của người Bohemian cho khán giả những ấn tượng không thể nào quên của một sắc dân nay đã bị thế giới và loài người bỏ quên. Khách chợt nhớ tới màn múa ba-lê quí tộc với những dàn nhạc khổng lồ của các tầng lớp thượng lưu của Châu Âu sang trọng và biết rằng Flamenco chính là bộ mặt nghệ thuật của người thua cuộc, nghèo khổ và lang bạt. Nhưng cũng vì thế mà tấm lòng của họ đối với người đời và quá khứ đã mất lại chân thật hơn ai cả, như những lời ca:

Flamenco, Flamenco
Màu rượu đỏ thắm và đêm nóng biết bao
Những con tim nồng cháy
Đàn guitar vang tiếng của tình yêu và sự đau xót
Hôm nay ta không tìm được giấc ngủ
Flamenco, Flamenco

Có những người khác cũng không tìm được giấc ngủ yên, rất xa về phía đông. Làm sao ngủ yên được khi không có chốn để về? Lòng thiết tha muôn thuở của con người là lúc nào đó được về nhà. Về với người thân, với gia đình, với quê hương và cuối cùng, về với cả một nền văn hóa của mình. Mất quê hương và nguồn gốc văn hóa là nỗi đau xót lớn nhất mà nhiều dân tộc trên thế giới phải gánh chịu. Nhưng ngày nay bi kịch vẫn còn tiếp diễn. Lòng người vẫn chứa đầy bạo lực và thích reo hò chiến thắng, đang muốn tiêu diệt lẫn nhau.

Sevilla tuy nhỏ nhưng chứa cả cuộc đời!
 Trích từ sách Mộng Đời Bất Tuyệt

No comments:

GIÁ TRỊ TÂM LINH CỦA NGÀY RẰM THÁNG 10 - TẾT HẠ NGUYÊN

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm ...