Tuesday, April 2, 2019

Không! Tôi học Kinh Kim Cương

Lần đầu đọc Kinh Kim Cương tôi bị sốc nặng. Ai chả biết Kinh Kim Cương là cuốn kinh quan trọng nhất của Phật giáo ấy thế mà đoạn mở đầu dài dòng toàn chuyện đâu đâu chứ chẳng thấy “cụ” Thích Ca nói gì.
974d145c1d7610f4b0032f3f9822632d
Chuyện là thế này, hôm ấy theo lịch là buổi lên lớp đặc biệt của “thầy” Thích Ca dành riêng cho các sinh viên trình độ pốt đốc tơ. Mọi người đã yên vị trong giảng đường, thầy đã cầm phấn đứng trên bục. Bỗng thầy nhìn đồng hồ, đã đói bụng, đã tới giờ thọ trai, vậy thì khoác áo, cầm bát, thầy trò cùng đi ra ngoài khất thực đã. Mãi sau này tôi mới luận ra được đoạn mở đầu của Kinh Kim Cương. Cụ Thích Ca không nói gì, không dạy gì nhưng thực ra là dạy bằng im lặng, bằng thực hành, tu trước hết là hành, tu hành mà, đó là bài học lớn nhất. Bài học thứ hai là đói ăn khát uống, tự nhiên thôi. Nếu đói, nếu không đủ sức khỏe thì học sao được, dạy sao được, tu sao được, có thực mới vực được kinh. Không nên cực đoan hóa chuyện khổ hạnh, hành xác, đồng nghĩa tu với khổ, cái chính là thức ăn gì và ăn thế nào và suy cho cùng thì thân và tâm là một. Hơn nữa cái sự đói thì ăn rất người, rất tự nhiên, đến mức đó không còn là hành nữa, điều này rất gần với đạo vì đạo thì vốn vô hành (tức là không làm gì cả) hoặc là hành cái vô hành, tu cái vô tu.

Thêm chuyện nữa về Không, đó là Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm kinh, thường gọi là Tâm Kinh, có 260 chữ, khoảng một trang A4. Thế mà đại sư Huyền Trang phải vượt qua bao gian nan sang Tây Trúc với “đoạn trường” 17 năm để chỉ mang về được 260 chữ ấy, mỗi năm chỉ được hơn mươi chữ. Hơn 2000 năm, từ Đông sang Tây, Tâm Kinh luôn được coi là “trái tim” của kinh điển nhà Phật.

Tâm Kinh chính là con thuyền Bát nhã đưa người ta từ bờ mê sang bến giác ngộ. Nhưng nếu cô đọng lại một lần nữa thì 260 chữ chỉ còn lại 4 chữ “Ngũ uẩn giai không”, tạm hiểu là 5 yếu tố “kết hợp” với nhau, “uẩn” với nhau tạo nên thân và tâm, tạo ra ta.

Và cuối cùng, thực sự rốt ráo thì 260 chữ ấy, 4 chữ ấy cô đọng thêm lần nữa chỉ còn một chữ Không là đủ. Tức là 5 yếu tố là có nhưng nó cũng không có tự tính vì do nhân duyên mà kết hợp, sau đó thì tan để thành những yếu tố mới, kết hợp mới…

Huyền Trang Đường Tam Tạng đi 17 năm để mang về được đúng một chữ Không quý giá, mang về được con thuyền Không, Osho gọi là Con thuyền rỗng.
6354021fc27cb56fa24afc5c1fcbef93

Vừa phải cảm ơn Không vì nhờ Không mà cái gì cũng có nhưng theo đúng tinh thần của Phật thì bám vào Không, chấp vào Không cũng vô minh như là bám vào có.

Khoa học thì bao giờ cũng gần với triết học, nhất là vật lý hiện đại. Mấy ông tổ của vật lý hiện đại đều thích tư tưởng của ông Phật. Sắc không không sắc, sắc là không mà không cũng là sắc. Trong cái công thức E = mc­2 cũng có cái ý sắc là không, không là sắc, vật chất là năng lượng, năng lượng là vật chất.

Einstein là người Do Thái nhưng thừa nhận Chúa Jesus và đánh giá rất cao đạo Phật. Ông nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như đi xa hơn khoa học”, “Phật giáo bắt đầu tại nơi khoa học kết thúc”. 

No comments:

Tìm hiểu y phấn tảo

  ( trích trong sách phật quốc ký sự ) của t/g Thích Phước Tiến