Tuesday, January 22, 2019

Cảm âm nhạc khúc ‘Uổng ngưng mi’ của Hồng Lâu Mộng: Hoài công biết nhau để làm chi?

Hồng Lâu Mộng mang theo những kí ức chẳng phai nhòa cho hàng triệu con tim yêu điện ảnh. Người ta nhớ tới Hồng Lâu Mộng như nhớ tới nàng Đại Ngọc mong manh thì khán giả cũng nhớ tới bài hát được sử dụng trong những phân đoạn cảnh quay về câu chuyện tình Đại Ngọc và Bảo Ngọc đó chính là ca khúc Uổng ngưng mi – Hoài công biết nhau
Cũng giống như nhiều ca khúc khác được sử dụng trong phim Hồng lâu mộng, Uổng ngưng mi là một bài thơ được Tào Tuyết cần viết riêng cho hai nhân vật chính Bảo Ngọc và Đại Ngọc. Bài thơ được Vương Lập Bình viết thành nhạc và được sử dụng trong phim.
Bài hát mang giai điệu chậm rãi nhẹ nhàng, là nỗi buồn da diết mênh mông. Cũng là lời oán trách ai lỡ lòng se duyên mà chẳng kết phận để rồi đây tình yêu đọa đầy trong khổ đau. Những tưởng cặp đôi thanh mai trúc mã sẽ nên duyên cầm sắt ấy vậy duyên phận lỡ làng tìm chôn trong bi kịch tang thương.
Nhân duyên như mộng của Bảo Ngọc- Đại Ngọc
Tương truyền về một huyền thoại: Nữ Oa luyện đá ngũ sắc vá trời, luyện được năm vạn lẻ một viên. Viên linh thạch còn thừa được đưa về trời chăm sóc cây tiên Giáng Châu. Thần Anh và Giáng Châu duyên nợ, chịu ơn nhau nên phải đầu thai xuống hạ giới để “lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại cho chàng”.
Đá thiêng hóa thành Giả Bảo Ngọc. Cây thiêng hóa thành Lâm Đại Ngọc. Đây là đôi thanh mai trúc mã mà Tào Tuyết Cần ví von:
Một bên hoa nở vườn tiên, 
Một bên ngọc đẹp không hoen ố màu
Một người sắc nước hương trời, vẻ đẹp như hoa trong vườn tiên. Một người thanh tịnh như viên ngọc lung linh sắc màu. Trời se duyên cho họ gặp nhau. Lương duyên của họ đẹp như mộng. Giấc mộng ấy mang một sắc hồng huyền ảo, nó đẹp biết bao để đôi trai gái ngắm nhìn vào đó.
Khi yêu thương mặn nồng đầy xúc cảm, giấc mộng màu hồng kia mới đẹp nhường nào. Khiến cho hai trái tim nồng thắm ngắm nhìn nó rồi mơ ước được xây lên tòa lâu đài tình ái. Nó cũng như một chiếc lầu hồng đầy lung linh huyền ảo.
Giấc mộng ấy ngỡ tưởng rằng sẽ trở thành hiện thực thì tiếng sét như đánh tan ảo ảnh. Cuộc gặp gỡ tưởng rằng là phận đủ đầy thì hỡi ơi sợi duyên chỉ kịp bện mà sợi tình đã tan:
Bảo rằng chẳng có duyên đâu, 
Thì sao lại được gặp nhau kiếp này? 
Bảo rằng sẵn có duyên may, 
Thì sao lại đổi thay lời nguyền?
Gặp gỡ chi để rồi nằm chung mộng ảo màu hồng chỉ vẹn vẻn phút giây. Yêu thương, nhung nhớ, đong đầy để rồi là đắng cay trong ngậm ngùi cùng khổ.
Bao ước nguyện hi vọng được chung đôi, ấy vậy mà chia lìa, dang dở. Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi chợt biến mất, mộng màu hồng bỗng tan vỡ còn đâu. Để rồi còn lại đây là những giọt lệ ngắn dài, những tiếc nuối khôn nguôi mà như nỗi đau suốt cả năm trường:
Một bên ngầm ngấm than phiền, 
Một bên theo đuổi hão huyền uổng công. 
Một bên trăng rọi bên sông, 
Một bên hoa nở bóng lồng trong gương.
Mắt này có mấy giọt sương, 
Mà dòng chảy suốt năm trường được chăng?
Mắt tưởng chừng như không thể còn rơi được lệ, tim tưởng chừng như chẳng có nỗi đau nào hơn. Mộng tình yêu như ảo ảnh trăng sông, kiếm tìm hạnh phúc như mò trăng dưới nước. Hoa là đẹp nhưng hoa trong gương chẳng thể lấy, ái tình là say nhưng chẳng thể nắm trọn trong tay.
Hoa là đẹp nhưng hoa trong gương chẳng thể lấy, ái tình là say nhưng chẳng thể nắm trọn trong tay. 
Lâu đài tình ái chốn nhân gian như ảo ảnh màu hồng
Nếu như nàng Đại Ngọc chỉ biết khóc thương cho một cuộc tình tới thân tàn hồn héo, Bảo Ngọc mà phẫn uất tiếc thương. Oán trách ai khi có duyên gặp mà chẳng có phận. Rồi cả hai đều buông lời than trách,
‘‘Người ơi gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không’’
Ái tình chốn nhân gian mang lại vị ngọt thủa đầu. Để rồi chính nó dẫn động tâm con người, nó mê hoặc rồi dụ dỗ lôi kéo. Có thể khiến con người trong hoan lạc mà say mãi không thôi. Có thể dụ cho người ta chìm đắm mà lỡ dở cả một chặng đường đời.
Giống như giai điệu của Uổng ngưng mi làm cho ta buồn tới vô tận. Cảm giác buồn khổ nhớ nhung khi không được gặp mặt. Tâm hồn như bị người đánh cắp, ngẩn ngơ ngơ ngẩn mà chẳng thể làm được gì. Rồi xúc cảm bồi hồi loạn nhịp khi gặp gỡ để rồi mãi cứ nhớ nhung hoài tưởng.
Cả hai như da diết khôn nguôi, ôm vọng tưởng được nằm chung giấc mộng đẹp. Tiếng sét như chia đôi dòng suy nghĩ, mang theo cả những hối tiếc muốn níu kéo cho thêm dài. Muốn chung đôi mà định mệnh khéo lỡ đùa, chỉ gieo duyên mà không kết phận, khiến cuộc tình kia một lần lỡ dở, kéo theo những đau đớn của tâm hồn. Là nỗi buồn khổ da diết mênh mông.
Sinh mệnh cuộc đời là chuỗi tháng ngày dài dằng dặc. Trong luân hồi mà tạo đủ những duyên nghiệp. Nếu thiện duyên thì người ta được nếm cảm giác của niềm vui và hạnh phúc. Nếu ác duyên thì con người ta phải đắng cay chìm nổi cả kiếp người. Dẫu là thiện hay là ác duyên thì phải chi món nợ ấy cứ ngày càng thêm nặng. Để rồi nó chi phối mãi số phận đời người?
Nếu như ví cuộc tìm kiếm hạnh phúc trong lâu đài tình ái của chốn nhân gian như mò trăng dưới đáy hồ, thì phải chi cuộc kiếm tìm ấy chỉ là vô vọng. Vây đâu là hạnh phúc thực sự của con người? Liệu có phải là cuộc tình mĩ mãn? Tình là đẹp nhưng là ảo ảnh, như ngắm hoa đẹp trong gương mà chẳng thể nắm trọn trong tay. Vậy biết tìm đâu hạnh phúc chân thực của đời người?
Câu hỏi ấy mãi là vô định bởi trong khi mê ta chẳng thể nhìn thấu được cái lí của sự đời. Phải chăng tâm ta nên tỉnh, tỉnh để phân biệt được nó là cám dỗ mê hoặc con người, và để biết buông thay vì kết duyên nghiệp.
Học cách buông để tâm ta thanh thản. Học cách xả để vĩnh biệt bi kịch tan thương giống như cuộc tình của Bảo Ngọc và Đại Ngọc. Đẹp là thế mà cuối cùng chỉ còn lại bi kịch cuộc đời, cái chết cũng chẳng làm cho đôi thanh mai trúc mã được bên nhau. Bởi sợi dây duyên phận chẳng một lần bện chặt thì xin chỉ là một mối tình hờ hững suốt trăm năm.
Phải nói rằng Uổng ngưng mi mà Tào Tuyết Tần viết với những ý thơ và ca từ đẹp đẽ như để miêu tả cho cuộc tình đẹp của đôi trai gái. Nhưng bài thơ lại mang theo nỗi buồn vô tận của một tình yêu lỡ dở. Nỗi buồn mênh mông da diết ấy lại được phổ trên một nền nhạc chậm dịu, thiết tha càng làm cho người nghe như hòa vào cảm xúc buồn và thấu hiểu nỗi thống khổ của đôi trai gái hữu duyên vô phận. Người nghe như thông cảm hơn cho tiếng khóc oán than vì giấc mộng lầu hồng nay tan vỡ để rồi cái chết chia xa cũng chẳng tương hợp cho họ bên nhau.

No comments:

GIÁ TRỊ TÂM LINH CỦA NGÀY RẰM THÁNG 10 - TẾT HẠ NGUYÊN

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm ...