Wednesday, November 28, 2018

Trích Lược "Giới hạn của đồng tiền"

TIỀN KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ
  Phần lớn chúng ta đều biết giá trị tích cực của đồng tiền, nhưng phân tích về giới hạn và sự tiêu cực của nó thì ít người đề cập vì nhiều lý do khác nhau.

Trích Lược bài giảng “Giới hạn của đồng tiền” của t/g Thích Nhật Từ
TIỀN VÀ KIẾN THỨC
  “Tiền có thể mua được một quyển sách nhưng không thể mua được kiến thức”.
  Sách là nhịp cầu đi đến kiến thức nếu sách đó chứa nội dung tích cực, chứ không phải lúc nào mua sách cũng đều tốt cả. Sách nhiều rác rưởi thường chiếm thị trường hơn những sách hay. Phần lớn, những quyển sách đoạt giải Best Seller, Putlizer hay những giải thưởng quốc tế lại không phải là những quyển sách quá hay mà là những quyển sách phổ thông. Cái gì mang tính phổ thông càng được nhiều người đọc bởi dễ hiểu, dễ cảm nhận và dễ tiếp thu. 
  Sách cực kỳ uyên bác chỉ đáp ứng cho giới chuyên gia hoặc nhà nghiên cứu. Thời gian đầu tư để viết thành một tác phẩm sách đôi lúc mất vài chục năm. Còn những sách bán chạy đôi lúc chỉ viết trong vòng vài tháng. Cho nên đừng dựa vào tiêu chí bán chạy hay thuộc danh sách Best Seller mà cho rằng đó là sách tích cực. Nội dung tích cực không lệ thuộc vào các giải thưởng mà sách được trao tặng. Người phương Tây có câu ngạn ngữ: “Hãy cho tôi biết bạn đọc cái gì mỗi ngày, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người như thế nào”.
  Sách là loại thực phẩm tinh thần có thể làm tăng dưỡng chất và kiến thức. Nhờ đó, ta có những túi khôn của loài người, kinh nghiệm của thế hệ đi trước, các kiến thức chuẩn mực về mọi lãnh vực ngành nghề để ta rút ngắn thời gian mà vẫn có thể trở thành chuyên gia giỏi ở một lãnh vực chuyên môn nào đó. Cho nên phải chọn đúng sách hay chứ không đọc tràn lan; vì đọc hoài sẽ không bao giờ hết; thậm chí ta có thể chết trước khi đọc được những quyển sách hay.
  Mỗi ngành nghề dù ở cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, chỉ cần đọc khoảng chừng năm quyển sách của năm tác giả hay nhất lãnh vực đó là ta có thể nắm bắt vấn đề. Cho nên bằng kiến thức liên ngành và có phương pháp trong việc tiếp xúc, sàng lọc kiến thức, ta vẫn có thể tự học mà không nhất thiết phải đến trường lớp. Tự học thông qua tư vấn của nhà chuyên môn, chuyên gia. Ví dụ, chỉ đọc một hai tác phẩm về xã hội học, ta biết được nội dung xã hội học là cái gì, giá trị và khuynh hướng ứng dụng của nó ra sao. Đọc vài ba quyển sách hay của các triết gia về lãnh vực triết học, ta biết toàn bộ phạm vi ứng dụng của nó, chứ không cần phải đọc ngấu nghiến hết cuốn này đến cuốn kia như thể con mọt sách. Như thế không giá trị. 
  Đọc sách không nên nhằm mục đích tiêu khiển thời gian mà phải ghi chú những yếu tố ấn tượng. Nhiều người bỏ hàng chục năm đọc sách nhưng rốt cuộc lại không gặt hái được gì. Trong khi đó, mỗi năm chúng ta đọc vài ba quyển sách hay, đọc ngấu nghiến, đọc hiểu rành mạch như thể mình là tác giả, thì dần dà kiến thức đó trở thành của mình. Rồi trên nền tảng của những gì mình đang có, chúng ta phát huy cái mới. Không bộ nhớ nào siêu việt đến độ có thể giữ lại hết tất cả những dữ liệu kiến thức từ sách, nên chúng ta phải ghi chú.
  Các khoa học gia, bác học, triết gia, các nhà tư tưởng lớn thường được nghĩ rằng kiến thức của họ mênh mông. Thực tế nằm ở phương pháp giữ kiến thức và sử dụng nó một cách đúng đắn. Muốn có kiến thức, ta phải tiêu hóa những giả thuyết mà tác giả của quyển sách đưa ra. Có hai khuynh hướng để tạo ra một kiến thức chuẩn:
  Giai đoạn một, khi đọc một tác phẩm nào đó, ta đặt giả thuyết mình chính là tác giả chỉnh sửa tác phẩm như đứa con tinh thần của mình. Phát xuất từ mối đồng cảm với tác giả, ta mới cảm nhận được chiều sâu của quyển sách và giải phóng cái “tôi” cống cao ngã mạn rằng kiến thức mình hơn tác giả quyển sách này. Từ đó, ta học những cái hay của tác giả.
  Giai đoạn hai, phải đặt mình trong tư thế phản biện. Nếu được quyền trình bày bằng quan điểm khác thì cũng cùng vấn đề đó, ta cố gắng tạo ra giá trị tương đương hoặc hay hơn để giải quyết. Cách đọc thứ hai này giúp chúng ta khám phá nhiều giá trị mới. 
  Ví dụ, con đường từ chợ An Đông sang chùa Giác Ngộ thông thường nhất là đường Sư Vạn Hạnh rẽ qua đường Nguyễn Chí Thanh. Một số người lại thích đi từ Hùng Vương rẽ qua Nguyễn Chí Thanh, hoặc đi đường Nguyễn Duy Dương rẽ vào. Còn nhiều cách khác nữa. Như vậy, nếu có nhiều cách thức để đi đến một địa điểm thì tại sao chúng ta phải đồng tình tuyệt đối với một tác giả nào mà không tạo ra sáng kiến mới về vấn đề tương tự. Hãy nghĩ rằng mình không có những tác phẩm đó, không có những kiến thức đó, và bây giờ mình buộc phải tạo ra lối đi giải quyết những vấn đề mà tác giả đang quan tâm; tự động ta sẽ có hướng đi mới. Nhưng cố gắng làm sao để nó tối thiểu bằng giá trị cũ. Phương pháp này giúp ta tích lũy rất nhiều kiến thức. 
34088186_766317380240442_446326550359441408_n
  Người đọc sách một cách nghệ thuật thường theo khuynh hướng đồng thuận với tác giả và phản biện lại các quan điểm chưa chuẩn của tác giả nên không rơi vào chủ nghiã của cái “tôi”, làm cản mắt mình, không cho mình tiếp xúc những giả thuyết mới. Do đó, muốn có kiến thức hay, ta phải đọc sách và sử dụng kiến thức đọc sách này để viết ra tác phẩm. Không nhà bác học nào, khoa học gia nào ngồi vắt óc từ đầu chí cuối cho một tác phẩm. Các nhà văn, nhà thơ làm bất cứ lĩnh vực nào cũng đều phải tham khảo với những người khác.
   Dữ liệu kiến thức là của chung. Biết sử dụng kiến thức đã có để tạo ra những giả thuyết mới, học thuyết mới thì khám phá phát minh sẽ ít nhất có tính thuyết phục vài chục phần trăm. Nếu ta áp dụng công thức tham khảo để viết một quyển sách cho lĩnh vực làm thơ, tôi tin rằng, suốt cuộc đời chuyên làm thơ, ta không chỉ viết vài chục bài mà đến vài ngàn bài. Vấn đề là phương pháp luận, phải để dòng cảm xúc dâng trào ở mức độ không thể nén được nữa, nó phải vỡ tung ra thì lúc đó mới chấp bút viết một mạch được. Đó là phản ứng tự nhiên khi tư duy đã đến lúc chín muồi cho một vấn đề. Còn sử dụng phương pháp nhân tạo bằng tham khảo nghiên cứu, ta cũng vẫn có được những bài thơ độc đáo. Tương tự đối với lĩnh vực họa, kiến trúc, v.v… Nếu ta biết tham khảo thì giá trị kiến thức tăng trưởng rất nhanh mà không bị quy chụp là người sao chép lề lối cũ của người đi trước.
  Đôi khi đọc những quyển sách dở nhưng ta vẫn tích lũy kiến thức hay, bởi vì tinh thần phản biện thúc đẩy ta phát sinh ra một học thuyết mới. Các nhạc sĩ nếu chịu khó sáng tác nhạc bằng phương pháp nghiên cứu và tham khảo thì suốt cuộc đời không chỉ có vài chục bài mà có thể vài trăm kiệt tác vẫn không trùng giai điệu của người khác, không trùng ý tưởng sáng tác của người khác. 
  Do đó, việc thu nạp kiến thức thông qua một quyển sách là không khó nếu ta có chìa khóa để thực tập. Dĩ nhiên phải đọc sách hay. Đọc sách dở, ta sẽ bị rơi vào ma trận của kiến thức, rồi đầu óc trở nên rối tung, không nhận biết tác giả nào chuẩn, tác giả nào sai; không biết quyển sách nào hay, quyển sách nào dở. Càng đọc càng thấy các quyển sách mâu thuẫn nhau, dẫn đến mất phương hướng.

No comments:

GIÁ TRỊ TÂM LINH CỦA NGÀY RẰM THÁNG 10 - TẾT HẠ NGUYÊN

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm ...