Tuesday, November 13, 2018

Nguồn gốc và giai thoại tình ca Yellow Bird ( Chỉ là giấc mơ qua )

Một bài hát mà thoạt nghe cứ tưởng chừng như là một khúc nhạc đồng quê của Mỹ. Khi giai điệu được đánh với hạ uy cầm, người ta lại thấy giống như một khúc dân ca hải đảo Hawaii. Nhạc phẩm Yellow Bird thật ra là một bài hát của người Haiti, quần đảo Antilles nằm trong vùng Caribê, thuộc hệ ngôn ngữ La Tinh. Trong tiếng Việt, bài hát cũng từng được tác giả Nam Lộc dịch thành nhạc phẩm ‘’Chỉ là giấc mơ qua’’.
Nguồn gốc và giai thoại tình ca Yellow Bird
Nguyên tác Yellow Bird là một bài thơ phổ nhạc do tác giả Haiti Oswald Durand viết vào năm 1883
Bài hát này ban đầu là một bài thơ do tác giả người Haiti Oswald Durand viết vào năm 1883, mãi đến những năm cuối thế kỷ XIX, bài thơ này mới được tác giả Michel Mauléart Monton phổ nhạc, văn bản còn lưu lại ghi chép là vào ngày 14 tháng Năm năm 1893 . Trong nguyên tác (với tựa đề là Choukoun), ca từ được viết toàn bộ bằng tiếng créole, thổ ngữ địa phương.
Chữ Choukoun là một cái biệt danh, một cái tên âu yếm thân mật mà nhà thơ thường hay dùng để gọi tình nhân của ông thời bấy giờ. Ngoài đời, đây là một nhân vật có thật : cô Marie Noël Belizaire là chủ một quán ăn ở Cap-Haïtien (Cape Haitian), nơi nhà thơ Oswald Durand thường hay lui tới. Trong phần điệp khúc, nhà thơ gọi tình nhân của mình là ‘’cánh chim bé bỏng’’ (trong tiếng créole, hai chữ “ti zwazo” rất gần với tiếng Pháp là ‘’petit oiseau’’).
Với thời gian, bài hát trở nên quen thuộc đến nỗi người dân đảo Haiti xem đó là một khúc dân ca truyền thống của xứ họ. Trong tiếng créole, bài hát này được dàn nhạc của Katherine Dunham ghi âm lần đầu tiên trên đĩa nhựa vào năm 1946. Giai điệu này cũng được chọn vào năm 1949 để biểu diễn nhân lễ ăn mừng 200 năm ngày thành lập thành phố Port-au-Prince, thủ đô Haiti.
Mãi đến năm 1957, bài hát này mới được đặt lời tiếng Anh và do ban hợp ca Norman Luboff ghi âm lại trên tập nhạc mang tựa đề Calypso Holiday. Lời bài hát tiếng Anh là của hai tác giả Marilyn Keith & Alan Bergman, và ở đây tựa đề Yellow Bird (Cánh Chim Vàng Anh) được đặt cho lọt tai xuôi vần, chứ không có ăn nhập gì với phiên bản chính gốc. Bằng không thì có lẽ phải gọi là ‘’Little Bird’’.
Trong bài thơ, tác giả người Haiti Oswald Durand cũng không nhắc tới màu sắc của cánh chim. Đến khi chuyển ngữ sang tiếng Anh, hai vợ chồng tác giả liên tưởng tới loài chim vàng anh, dùng cách gọi nôm na mà tượng thanh, lặp đi lặp lại như tiếng chim hót trên khóm chuối xanh. Về cấu trúc, bài Yellow Bird lược bỏ câu đầu và bắt đầu thẳng bằng điệp khúc. Lời tiếng Anh do là lời mới, chứ không dựa vào nguyên tác, cũng không cần phải chính xác trong từng chi tiết : loài chim vàng anh chủ yếu sống ở các vùng thảo nguyên hay rừng phong miền ôn đới, chứ hiếm khi nào được tìm thấy trên các hải đảo vùng nhiệt đới.
Vào năm 1959, phiên bản của bốn anh em thuộc nhóm Mills Brothers giúp cho bài hát Yellow Bird trở nên ăn khách, chủ yếu nhờ vào chất giọng trung trầm truyền cảm của Harry Mills. Ca sĩ này cũng chính là người mà sau đó có ảnh hưởng rất nhiều tới giọng ca crooner Dean Martin. Kể từ đầu những năm 1960 trở đi, bản nhạc Yellow Bird trở thành một bài hát tủ, được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong làng nhạc quốc tế ghi âm lại và đưa vào trong các đợt biểu diễn của họ. Trong số các phiên bản nổi trội nhất có phần trình bày của nhóm The Brothers Four (nổi tiếng không kém gì bản Đồng Xanh Greenfields) chơi với bộ ghi ta gồm bốn cây đàn.
Nam ca sĩ Chris Isaak trên album mang tựa đề Baja Sessions dùng hạ uy cầm để thổi vào trong ca khúc một luồng gió đến từ hải đảo hải đảo Hawaii. Nghệ sĩ kiêm tác giả người Anh Roger Whitaker hát bài này như dân ca (folk) nhưng phối hợp hoà quyện thêm với mộc cầm và dùng tiếng sáo ‘’phản cung’’ tựa như tiếng chim vàng hót trên đọt chuối non. Một số ca sĩ khác thì lái hẳn bài này sang thể điệu bolero ritmico, xa lánh dần trong lối ngắt nhịp, tách câu với ca khúc nguyên tác.
Sinh thời được mệnh danh là ông hoàng calypso Harry Belafonte dĩ nhiên đã ghi âm bài này với thể điệu này. Một khi lan tỏa sang các hòn đảo lân cận, đặc biệt là tại Trinidad Tobago, bài hát thường được phối thêm với bộ mộc cầm và dàn trống thiết, khiến cho calyspo lấn lướt hẳn merengue, cho dù đó là thể điệu mà nhạc sĩ Michel Mauléart Monton đã từng soạn cho nguyên tác. Dù có được ghi âm theo điệu gì đi chăng nữa, bài Yellow Bird nghe vẫn lọt tai, dễ đi vào lòng người mến mộ.
Cũng như bản nhạc La Paloma (thể điệu habanera) của tác giả người Tây Ban Nha Sebastián Yradier (1809-1865), bài Yellow Bird là một trong những ca khúc sáng tác vào hậu bán thế kỷ XIX, mà cho tới nay vẫn còn thịnh hành (phiên bản ghi âm gần đây nhất là vào năm 2012). Bồ câu trắng hay chim Vàng Anh, chỉ có những giai điệu tuyệt tác mới hậu thế lưu danh, xuyên suốt thời gian chấp cánh độc hành.
Yellow Bird
The Kingston Trio
YELLOW BIRD, UP HIGH IN BANANA TREE,
YELLOW BIRD, YOU SIT ALL ALONE LIKE ME.
DID YOUR LADY FRIEND,
LEAVE YOUR NEST AGAIN?
THAT IS VERY SAD,
MAKES ME FEEL SO BAD.
YOU CAN FLY AWAY,
IN THE SKY AWAY,
YOU’RE MORE LUCKY THAN ME.
I ALSO HAD A PRETTY GIRL, 
SHE’S NOT WITH ME TODAY.
THEY’RE ALL THE SAME,
THE PRETTY GIRLS.
TAKE  TENDERNESS,
THEN THEY FLY AWAY.
YELLOW BIRD, UP HIGH IN BANANA TREE,
YELLOW BIRD, YOU SIT ALL ALONE LIKE ME.
LET HER FLY AWAY,
IN THE SKY AWAY.
PICK THE TOWN AND SOON,
TAKE FROM NIGHT TO NOON.
BLACK AND YELLOW, YOU,
LIKE BANANA TOO,
THEY MAY PICK YOU SOME DAY.
WISH THAT I WERE A YELLOW BIRD,
I’D FLY FAR AWAY WITH YOU.
BUT I AM NOT, 
A YELLOW BIRD,
SO HERE I SIT , 
NOTHING ELSE TO DO
Yellow bird, yellow bird…
Dịch ý
A chú sẻ cánh vàng,
đậu trên ngọn cây chuối,
Sẻ ơi, mày cô độc
cũng như tao rồi đó.
Có phải bạn gái mày
lại rời bỏ tổ ấm?
Thật là buồn phải không,
làm cho tao cảm thấy
cũng chán theo, như mày,
 Mày có thể bay xa,
lên bầu trời cao rộng,
Mày còn may mắn hơn
bản thân tao rồi đó.
Tao cũng đã từng có
một cô bạn xinh xắn,
nhưng cô ấy bây giờ
chẳng bên tao hôm nay.

Cả hai đêu như nhau,
Họ đều xinh xắn cả,
họ đến thật nhẹ nhàng,
rồi vỗ cánh xa bay.
A chú sẻ cánh vàng,
đậu trên ngọn cây chuối,
Sẻ ơi, mày cô độc
cũng như tao rồi đó.
Hãy để nàng bay xa,
bay lên tận trời cao,
Đến nơi chốn phồn hoa
và sớm thôi, nàng sẽ
đạt được tới đỉnh cao
trong sự nghiệp của mình.
Nhọ và vàng như mày
(và tao cũng vậy đó),
cũng như cấy chuối thôi,
Rồi sẽ có một ngày
Họ bỏ rơi ta đó.
Ước gì tao là chim
Tao sẽ cất cánh bay
thật xa, như mày đó
Nhưng tao chẳng phải chim,
Nên tao đành ngồi đây,
chẳng làm gì được cả.
Yellow bird  là chim Vàng Anh hay là Hoàng Oanh , có thể là loài chim đó , ( Thần Chết dịch là Sẻ Cánh Vàng )
Yellow bird là một bài hát dân ca Haiti ( Choucoune , Ti Zwazo hay Ti Zwezo ) đọc theo tiếng Pháp là Petits Oiseaux, có nghĩa là những con chim nhỏ .
Một bài hát có giai điệu tươi vui , mặc dù lời của nó thì không lấy gì là vui lắm .
Bản nhạc này được các nhạc sĩ Việt Nam viết lời dưới cái tựa ” Chỉ Là Giấc Mơ Qua “
Như làn mây, tình yêu tôi, giờ đây lững lờ
Như làn gió, người yêu thôi, giờ đây hững hờ.
Rồi một lần xa cách là một đời than trách
Rồi cuộc tình bay mất và một người đi khuất
Tình chỉ còn cay đắng để chỉ còn xa vắng
Để chỉ còn nắng vương cuối đường.
Thương người thương, ngàn xưa ơi, ngàn sau nét cười
Vương sầu vương, đường xưa nay giờ đâu bóng người.
Tình nhiệm màu tan vỡ lòng chỉ còn nhung nhớ
Giờ một mình quên lãng lạnh lùng theo năm tháng
Dù một lần em đã mềm lòng như chiếc lá
Là một lần xóa mối duyên đầu.
Em nhớ ngày, anh đón em góc trường
E ấp, thẹn thùng, vấn vương
Em nhớ ngày, anh đón em cuối đường
Dù đường loan vết nắng nắng vẫn lung linh màu.
Thôi giờ đây, còn đâu ngọt ngào đôi má hồng
Thôi giờ đây, tìm đâu đây mùi hương ngất ngây.
Ngày tàn dần như khói chiều buồn dần muôn lối
Một mình lang thang tới miền cỏ hoang nắng chói
Ngày nào ta chung lối nhẹ nhàng đan tóc rối
Chỉ còn là giấc mơ qua rồi.
Bây giờ tôi lại ngân nga những câu hát ngày xưa dù chẳng còn nhớ lắm
Ôi! Hoàng Oanh vì đâu em trở nên hững hờ
Ôi! Hoàng Oanh vì đâu em trở nên thẫn thờ
……….
Này Hoàng Oanh xinh xắn ….tình nào không cay đắng ……em may mắn hơn tôi nhiều lắm .

No comments:

Học Bạch Y thần chú và tìm hiểu Bạch Y Quan Âm hoặc Bạch Y phật mẫu

Lời dặn trước khi trì chú Trước khi tụng trì Thần-Chú này, người trì Chú phải: 1) Tụng ba lần Chú  Tịnh Khẩu Nghiệp Chơn-Ngôn  để cho nơi mi...