Wednesday, October 17, 2018

Chắp tay xá chào

T/G  Thích Chân Tính 
Trích trong tập sách (Bằng tất cả tấm lòng)
Thành, một bé trai khoảng hơn hai tuổi, có gương mặt sáng và đôi mắt đen huyền rất kháu khỉnh. Một vài cô Phật tử gần nhà thỉnh thoảng đưa bé qua chùa chơi. Mỗi lần gặp tôi Thành đều kêu “Thầy” và chắp tay xá chào theo sự chỉ dẫn của người lớn.
Một hôm, tôi đang trên đường về chùa bằng xe đạp, bé Thành từ trong nhà đang lững thững đuổi theo chú chó con, nên không thấy xe tôi đang chạy tới. Lúc ấy những người gần đó thấy vậy la lên, bé hoảng hồn đứng khựng lại và tôi cũng vừa thắng xe kịp. Thành nhìn lên gặp tôi liền kêu “Thầy” rồi chắp tay xá xá trước sự ngạc nhiên đến phát cười nhưng đầy trìu mến của những người quanh đó. Cái cử chỉ chắp tay chào của chú bé có khác gì những lần trước đâu, thế mà hôm nay sao lại dễ thương đến lạ!

Nhớ lại năm mười hai tuổi, tôi theo mẹ đến một Tịnh xá nhân dịp lễ hội. Khi gặp nhà sư, mẹ tôi chắp tay cúi đầu chào và kèm theo câu “Mô Phật”. Tôi thấy lối chào sao mà ngồ ngộ khác thường. Lúc ấy mọi điều mắt thấy tai nghe đối với tôi đều mới lạ cả. Từ ngôi tịnh xá hình bát giác mái nhọn với tượng Phật Thích Ca ngồi uy nghiêm, đến những căn nhà nhỏ bằng ván hình vuông, mái lá xinh xinh bao quanh khuôn viên (sau này tôi mới biết đó là “cốc” nơi quý sư ở). Từ cây Bồ đề sừng sững tàn lá sum suê che mát trước sân, đến dáng dấp các vị sư trong mảnh y vàng phất phới tung bay, đã gợi cho tôi những thiện cảm đầu đời về đạo. Trong lúc quan sát, tôi thấy một vị sư từ ngoài cổng đi vào tịnh xá, quảy lủng lẳng bên hông một cái túi, trong đó đựng một quả bát để nhà sư dùng cơm, đầu phơi nắng, chân không mang dép, dáng vẻ thật ung dung tự tại. Vị sư trụ trì từ trong cốc đi ra. Họ chắp tay trước ngực cúi chào nhau rất cung kính. Vị sư chủcũng đáp lễ theo. Nhìn cử chỉ chào của hai vị sư sao mà khiêm tốn và chân thành quá. Họ chào nhau không chỉ là hình thức xã giao lấy lệ mà xuất phát bằng tất cả tấm lòng. Ngày nay hồi tưởng lại, tự nhiên niềm kính phục nhà sư cứ tràn lên trong tôi. Và cũng chính những ấn tượng ấy đã ảnh hưởng sâu đậm đến tương lai đời tôi.
Lúc mới vào trường học, tôi được dạy khoanh tay chào khi gặp thầy cô giáo, phải đứng dậy khi thầy giáo vào lớp. Có điều lạ là các thầy giáo gặp nhau không khoanh tay chào như chúng tôi vẫn chào thầy, mà lại bắt tay. Hồi đó tôi có ý nghĩ hết sức trẻ con. Tại sao các thầy không khoanh tay chào nhau cũng giống như quý sư ở Tịnh xá. Sư chào sư cũng chắp tay, mà Phật tử chào sư cũng tay chắp! Lớn lên, theo dõi thời sự qua màn ảnh truyền hình, tôi rất lấy làm lạ về lối chào của một số nước phương Tây. Họ gặp nhau bất kể nam nữ, già trẻ đều ôm hôn “chóc chóc” đủ cả hai bên má. Nhìn họ hôn hít nhau giữa đường giữa chợ như vậy tôi lấy làm “mắc cỡ” giùm.
Ngày nay, khi tâm trí khai thông, tôi không thấy cách chào ấy là kỳ cục nữa mà còn cho đó là nét văn hóa đặc thù của một dân tộc. Càng hiểu về văn hóa, tôi càng muốn được trông thấy những cái hay cái lạ của từng địa phương. Theo tôi, văn hóa là những nét đẹp mà người ta tìm thấy ở một dân tộc hay một tôn giáo khác mà mình không có. J.H. Fichter, giáo sư xã hội học, đã nói: “Chính qua văn hóa người ta mới tìm thấy ý nghĩa và mục đích của nếp sống vừa cá nhân vừa xã hội”. Sở dĩ ngày nay người ta dám bỏ ra một số tiền lớn để đi du lịch, cũng chỉ vì muốn tận mắt chứng kiến phong tục tập quán ở những nơi khác mình.
So sánh với lối chào khác, tôi thấy đạo Phật có lối chào rất đẹp. Khi chào nhau, người Phật tử chắp hai bàn tay lại như một búp sen. Mà đặc tính của sen là: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Như vậy người Phật tử chắp tay chào nhau, ngoài phép tắc xã giao còn thầm nhắc nhở nhau: Hãy sống một đời trong sạch như sen nở ngát hương thơm nơi bùn lầy nước đục. Thật quý hóa thay, một biểu tượng cao đẹp xuất phát từ những tâm hồn cao đẹp. Ðúng như Fichter đã nhận xét: “Một xã hội ra sao là do văn hóa tạo nên”.
Ðã hiểu văn hóa là sản phẩm của con ngườicon người ra sao thì văn hóa thế ấy và nhìn cách sinh hoạt của một đoàn thể, người ta biết được trình độ văn hóa thấp cao. Sự biến chất của văn hóa là kết quả tất yếu của một đoàn thể tha hóa.
Người lớn chúng ta thường giành quyền hơn so với trẻ con, nhưng có cái thua xa trẻ con mà không biết. Ðiển hình có những Phật tử khi đến chùa thì chắp tay chào quý thầy, nhưng lúc gặp ngoài đường lại gật gật gù gù. Phải chăng chúng ta chưa biết tự hào về nét đẹp của lối chắp tay chào hay vì cái “ngã” quá to? Và mến thương làm sao cái cử chỉ chắp tay chào rất tự nhiên của bé Thành trước cái nhìn trìu mến của biết bao cặp mắt người lớn. 
Tôi cũng dùng cách chắp tay  hình búp sen để chào hoặc cám ơn người ta mỗi khi được cho cái gì , tôi bắt chước cách cám ơn của người Thái Lan . Ở  Thái mỗi khi người ta được người khác cho cái gì đó người ta cám ơn bằng cách chắp tay hình búp sen .

No comments:

Tìm hiểu y phấn tảo

  ( trích trong sách phật quốc ký sự ) của t/g Thích Phước Tiến