Tôi không phải tín đồ của thể loại văn học Tùy Bút , theo tôi dòng sách văn học này không có chuyên môn cao.
Tuy nhiên vẫn có những cuốn tùy bút mà người kén sách hay đọc giả khó tính như tôi vẫn phải ngả mũ thán phục. Một trong số đó là cuốn tùy bút Mộng Đời Bất Tuyệt của tác giả Nguyễn Tường Bách.
Xin trích một bài trong sách.
Thiên thần đã mất
Trong tâm tưởng, người Việt Nam chúng ta thường có khái niệm "bà tiên".
Bà tiên là một nhân vật từ bi và hay giúp người, được nghĩ đến khi xẩy ra
một phép lạ bất ngờ, một hạnh phúc hiếm có, một sự may mắn không thể
giải thích được. Trong các vùng văn hóa khác của phương Đông như Ấn Độ
hay Trung Quốc, nhân gian không bao giờ thiếu các hình tượng thần thoại
tương tự như thế.
Tại phương Tây người ta cũng tưởng nhớ đến "thiên thần" khi những điều
tưởng chừng như sự kỳ diệu xẩy ra, cứu thoát người bị bệnh tật hiểm nghèo
hay tai nạn thập tử nhất sinh. Thế nhưng hình tượng thiên thần gần gũi nhất
là "ông già Noel" của những ngày Giáng Sinh. Nếu tại Việt Nam, hình ảnh
bà tiên ngày càng mờ nhạt trong tâm tưởng của con người hiện đại thì "ông
già Noel" luôn luôn sống động, nhất là trong những ngày tháng cuối năm.
Đó là thời gian mà trẻ con cũng như người lớn thường được nhận quà của
"ông già Noel" râu trắng áo đỏ. Điều thú vị cho trẻ con phương Tây là "ông
già Noel", một người vô cùng hiền từ phúc hậu, trong một đêm Giáng Sinh
lạnh lẽo, sẽ từ trên trời đi xe song mã đến từng nhà, theo ống khói mà vào
bên trong và đặt dưới cây thông những gói quà xinh xắn. Ông không bao giờ
quên trẻ nào và món quà nào được trao cũng đúng như ước ao của trẻ vì ông
là người của thiên giới, ông biết hết tâm ý của từng người. Trẻ con nào cũng
tin chắc điều đó là thực, cho đến một ngày...
...Đến một ngày mà trẻ con bắt đầu ngờ "ông già Noel" không hề có thực!
Chúng đã va chạm với xã hội và thấy dường như cuộc đời không hề có phép
lạ. Đó cũng là nghi vấn của em Virginia O'Hanlon, tám tuổi, sống ở New
York. Năm 1897 em đánh bạo viết thư cho tạp chí Sun và hỏi như sau: "Em
mới lên tám. Bạn em có người nói rằng, ông già Noel không có thực đâu. Ba
em nói là tờ báo Sun viết gì cũng đúng cả. Cho nên em xin hỏi, ông già Noel
có thực không?".
Câu hỏi của em Virginia quan trọng đến mức mà chủ bút tờ báo là Francis P.
Church phải thân hành trả lời. Ông viết: "Em Virginia, bạn em nói không
đúng. Các bạn đó chỉ tin những gì mà mình tự thấy. Các bạn đó cho là cái gì
đầu óc nhỏ bé của họ không hiểu thì cũng không thể có. Đầu óc con người
nhỏ bé lắm, dù là của trẻ con hay người lớn. Trong vũ trụ, con người nhỏ bé
như một con côn trùng tí hon. Đầu óc của một con kiến không thể hiểu hết
toàn bộ thực tại. Vâng, em Virginia, ông già Noel có thực...".
"...Ông già Noel có thực cũng như tình yêu, lòng rộng lượng và sự thủy
chung có thực. Nhờ tất cả thứ ấy có thực mà cuộc đời chúng ta mới sáng và
đẹp. Nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta tối tăm biết bao.
Khi đó thì cũng không có em Virginia, không có niềm tin, không có thi ca,
không còn có gì làm cho cuộc đời này có thể kham chịu được nữa...". Thế
nhưng, ông viết tiếp "...không ai có thể thấy tận mắt ông già Noel. Điều đó
chưa chứng minh được gì cả. Mọi thứ trọng đại nhất thường thì phần lớn
chúng ta không thấy tận mắt được...Bất cứ khi em thấy cái gì thì em cũng
không thấy hết cái toàn thể đâu. Tại sao? Vì có một tấm màn ngăn che một
thế giới đích thực mà không có sức mạnh nào trên thế gian này xé rách nó
được. Chỉ có tình yêu và thi ca mới vén được nó lên mà thôi. Thì lúc đó ta
mới thấy vẻ đẹp và sự lộng lẫy nằm sau bức màn đó...".
Kỳ diệu thay, vì một câu hỏi non nớt của trẻ con mà sinh ra những dòng chữ
vô cùng nhân hậu và sâu sắc. Còn em Virginia, sau khi đọc thư này, hẳn em
vẫn nửa tin nửa ngờ vì em muốn biết có một ông già Noel bằng xương bằng
thịt hay không mà em có thể rình bắt trong đêm Giáng Sinh. Có thể em vẫn
còn ấm ức nhưng lá thư đã mở cho tâm em một cách nhìn mới và đặt ngược
cho em một câu hỏi hoàn toàn bất ngờ. "Tình yêu, lòng rộng lượng và sự
thủy chung có thực hay không?". Em sẽ tự trả lời bằng trải nghiệm của chính
mình trong cuộc đời còn non trẻ của em. Và khi trả lời câu hỏi đó, em sẽ biết
ông già Noel là ai, có thực hay không. Tác giả bài báo đã chỉ cho Virginia
kiếm ông già Noel bằng tâm chứ không bằng mắt. Đó là nghệ thuật của giáo
dục và cũng là một nền triết lý sâu thẳm. Những ai hiểu ý tác giả chắc thầm
mong em Virginia sẽ tìm thấy "tình yêu, lòng rộng lượng và sự thủy chung",
để biết rằng ông già Noel nằm ngay trong tâm mình và đời em sẽ có một lần
vén bức màn nọ để thấy "vẻ đẹp và sự lộng lẫy" nằm sau một thế giới có
nhiều bóng tối hơn ánh sáng. Và họ biết rằng bài báo không chỉ để dành cho
trẻ con.
Bài báo của Francis P. Church có lẽ đã đánh động đến tâm can của độc giả
từ 8 tuổi đến 88 tuổi nên sau đó cứ trong mỗi mùa Giáng Sinh nó lại được
đăng lại một cách trân trọng trên trang nhất. Trên nửa thế kỷ sau, năm 1950,
tạp chí Sun đình bản, bài này không còn được đăng hàng năm nữa nhưng
vẫn còn được truyền tụng đến bây giờ. Mỗi khi tuyết lạnh cuối năm tràn về,
khi mọi người nô nức đi mua quà cho người thân, người ta vẫn thấy bài này
được đăng rải rác trên các báo, vì kỳ thực không có câu trả lời nào hay hơn
bài báo của năm 1897.
Bài báo này có lẽ có ảnh hưởng lên chàng phi công Saint-Exupéry. Trong
tác phẩm Hoàng tử bé, tác giả để con chồn, kẻ tượng trưng cho sự già dặn
minh triết, nói với cậu hoàng tử còn bé nhưng ham đi tìm nghe sự thật trên
đời: “Và đây là điều bí ẩn của ta, nó thật là đơn giản. Chỉ với trái tim người
ta mới nhìn được rõ. Những điều thực sự là then chốt thì mắt trần không thê
thấy”. Thông điệp của nhà văn nhà thơ người Pháp vắn số đó đã được truyền
đi khắp thế giới trong dạng tiểu thuyết dành cho trẻ con nhưng người ta ít
biết nó không phải chỉ nói cho tuổi mới lớn. Thực ra nó dành cho người lớn,
vì nói như Jemes Legge, “một con người vĩ đại là người không đánh mất trái
tim của trẻ con”.
Trong những ngày cuối năm, song song với tình yêu đoàn tụ và lòng nhân
hậu đối với người đời, khắp nơi Đông Tây vẫn chát chúa tiếng ồn của sự thù
hận. Trong thời đại ngày nay, khi chủ nghĩa thực dụng lan tràn trên mọi châu
lục, khi những cuộc chiến vẫn nối nhau tiếp diễn khốc liệt, khi những nền
văn hóa dường như không còn dùng đạo lý để thuyết phục con người mà
dùng bạo lực để loại trừ lẫn nhau, bài báo trả lời cho cô gái tám tuổi Virginia
bỗng có một chiều kích sâu thẳm. Sau những dòng chữ giản đơn dành cho
trẻ con hiện ra một chân lý mà hình như nhiều người đã quên. Đó là tình
thương yêu giữa người và người là điều có thực và chỉ trái tim mới phát hiện
ra được nó. Chỉ có "tình yêu và thi ca" mới vén bức màn cho ta thấy đằng
sau nó có gì. Bức màn đó đang được đan kết ngày càng dày kín trong mọi xã
hội Đông Tây, trong mọi trật tự kinh tế, mọi dân tộc, mọi tôn giáo. Nó được
xây dựng bằng đầu óc lý luận, bằng quyền lợi phe nhóm, bằng sự phân biệt
tôn giáo và chủng tộc. Thế nhưng nó chỉ là bức màn giả tạo vì sau tất cả mọi
phân biệt do tư tưởng bày ra, tất cả đều là con người với hạnh phúc và đau
khổ như nhau......
No comments:
Post a Comment