Thursday, December 16, 2021

LỄ HỘI RƯỚC NƯỚC CỦA NGƯỜI PERU ( LỄ CẦU THẦN SAO TUYẾT )

 Trên đỉnh rặng Konkopunco cao chót vót , tuyết phủ quanh năm , những đám mây trắng dày đặc, bồng bềnh như những tấm khăn voan choàng lên rặng núi ngút ngàn của vùng cao nguyên Matdodioxo. Theo truyền thuyết của dân Peru thì những tảng băng vĩnh hằng ở đỉnh núi này là nơi trú ngụ ngàn đời nay của thần Aposo. Thần Aposo vô cùng thiêng liêng , có sức cầu phong hoán vũ , nắm mọi quyền sinh sát loài người.

Người Peru thường tổ chức lễ tế thần Aposo - mà tiếng thổ dân Quicho gọi là lễ thần Sao Tuyết ( Qoillur Ritti ) . Suốt một tuần lễ vào dịp đông chí khi chòm sao tua rua bắt đầu xuất hiện ở nơi chân trời. Họ phải dậy rất sớm nhập vào đoàn hành hương đông như những đàn kiến cheo leo trên các con đường mòn ven đỉnh núi cao gần 5000m.

Các truyền thống Phật giáo thời xa xưa hòa nhập với các lễ nghi kito giáo do những người Tây Ban Nha đem tới hòa quyện vào nhau một cách khá độc đáo. Nhân vật chính của lễ hội là con vật nửa người nửa gấu - vị sứ giả của các thổ dân Peru có nhiệm vụ thiêng liêng nối sợi dây liên lạc giữa thế giới của những người thân của họ đã chết với thần Aposo để người chết và thần Aposo ban phúc lành.



Cuộc hành hương bắt đầu từ trấn Ocongat nằm trên triền sông Mapocho. Đây chính là nơi tập trung đại diện của các thị tộc , bộ lạc của dân da đỏ cũng như các khách hành hương , các lái buôn da trắng và người lai chừng mấy ngày trước lễ hội. Người da trắng và người lai thường là những chủ quán - những người sẽ bày bán hàng hóa dọc hành trình vì thế họ thường dùng phương tiện cơ giới cho nhanh và để vận chuyển những khối hàng hóa cực mạnh. Từ đây đến chân rặng núi Konkopunco họ còn phải mất ít nhất 5h xe du lịch hoặc 8h xe ca vì chặng đường dài tới cả trăm cây số. Song để bày tỏ lòng thành với thần Sao Tuyết các thổ dân da đỏ thích đi bộ hơn là dùng các phương tiện cơ giới ( dù là cuối lộ trình cơ giới ). Lá cờ nhỏ trong tay , họ kiêu hãnh bước đi giữa tiếng kèn, tiếng trống , tiếng nhạc vui tươi , hàng ngàn , hàng vạn con người sùng đạo đó cứ thế nhắm hướng thánh đường trên đỉnh núi mà đi.Họ bước đi trong cái rét cắt da cắt thịt. Trnng bị chống rét duy nhất của họ chỉ có chiếc poncho - một tấm vải len thô khoét lỗ ở giữa để chui đầu vừa dùng làm chăn vừa dùng làm áo. Những nông dân nghèo thì lủng lẳng chiếc túi vải thô  đựng đồ ăn trên ngực...Dòng sông , những cánh đồng lui lại dần về phía sau rồi xa dần.  Chẳng bao lâu trước mắt họ, trên lưng chừng núi đã hiện ra những đám mây cây i cha lơ phơ chen chúc mọc trên đám đất cằn cỗi lổn nhổn sỏi đá , băng tuyết. Trên đỉnh núi này , ban đêm cái lạnh xuống tới -20 độ nhưng ban ngày thì cái nóng lên tới 40 - 50 độ như thiêu da đốt thịt.Trong thời tiết khắc nghiệt trên đỉnh núi, mọi tạo vật ở đây từ sỏi đá cho đến băng tuyết  cái gì cũng thiêng cũng quý dưới con mắt của thổ dân Peru.  Chúng không phải là những vật vô tri mà là những báu vật . Vị thần Sao Tuyết ban cho chúng những quyền năng siêu phàm cho nên dọc hành trình cực nhọc đó , khách hành hương vẫn vừa đi vừa lượm lấy những viên cuội, viên đá một cách thành kính rồi mang chúng lên tận đỉnh núi. Tới tận lều đá khổng lồ- nơi trú ngụ của các vị thánh Aposo.Chúng sẽ là những lễ vật để cầu xin muà màng bội thu, gia súc sinh đàn đẻ đống. Dọc theo sườn núi , họ vừa hành hương vừa bày các đồ tế lễ bên các ngôi miếu nhỏ, đỏn sơ gọi là Apachetas. Rồi bắt chước cách xây dựng nhà cửa của trẻ nhỏ, họ dùng những viên đá cuội lượm trên đường dựng các "ngôi nhà mơ ước" với cảnh trù phú của các chuồng trại gia súc, bên trong nhốt đầy những con lạc đà , dê , cừu. Khi những thiên đường tưởng tượng dựng xong họ bước vào một cuộc sống mới hạnh phúc dù chỉ là trong mơ tưởng của những ngày hành hương ngắn ngủi. Trong các ngôi nhà nhỏ xíu đó, họ thắp nến sáng trưng rồi quỳ lại rất lâu cho đến khi nến tàn mới thôi. Cuộc hành hương lại tiếp tục.

Khi còn cách thánh đường chừng 100m, các đoàn người thuộc các bộ tộc khác nhau đều dừng lại để các vũ công hóa trang . Họ vừa nhảy múa vừa vung những ngọn giáo lên trời, vẻ mặt đằng đằng sát khí. Đám phụ nữ thì hợp nhau thành các vòng tròn trong điệu nhảy Marinera hoặc điệu Hvayno để phô bày nét duyên dáng của người phụ nữ: Một tay cầm vạt áo váy tung lên với vẻ kiêu sa , bàn tay kia huơ huơ tấm khăm mu soa sặc sỡ tạo thành những đường tròn loang loáng như những vòng hoa trên không , hai bàn chân bước theo nhịp trống dồn dập và tiếng véo von của sáo quera.Trong ánh sáng tưng bừng của lửa  đốt, các sạp hàng bày bán la liệt đủ các thức ăn, đồ uống . Món Ceviche  - cá hấp chín bằng nước chanh vắt có rắc thứ ớt dại của Peru rất cay và nồng , thịt cừu nướng bánh ngô hấp và uống rượu pisco sour  - thứ đồ uống bằng rượu nho có pha lẫn nước chanh , siro mía và lòng trắng trứng gà. Người ăn uống xong lại ra nhảy để người nhảy thấm mệt vào ăn để lấy sức, sao cho cuộc vui thâu đêm suốt sáng không có lúc nào dừng.

Nếu có buồn ngủ thì tục nhai lá coca ( thứ lá cây mọc đầy ở Trung Mỹ có thể chiết suất ra chất cocain và các loại ma túy khác ) của thổ dân Peru như tục nhai trầu ở ta có thể giúp họ xua tan cái ngủ và chống chọi lại cái mệt mỏi , đói rét khác một cách hữu hiệu.Ngọn lửa nối tiếp nhau được thắp sáng lên liên tiếp mỗi lúc càng lan rộng.Lửa bừng trong các thánh đường , trong các "ngôi nhà mơ ước" trong các "trại chăn nuôi" , giũa các đám nhảy khiến đỉnh kopopunco như có đàn rồng lửa từ thế giới hư vô nào đó kéo về quần tụ. Xa xa trông cảnh tượng vừa linh thiêng vừa huyền bí.





Những ngày vui , vui mấy cũng tàn.Chòm sao tua rua cuối tuần cũng sắp lặn báo hiệu vãn hội. Người ta vội lấy dao , lấy thuổng tìm đến những mỏm núi , những lèn đá cheo leo nhất , hẻo lánh nhất - nơi có  linh hồn của những người thân đã khuất lui tới, nơi có các bước chân của thần Sao Tuyết đã ghé qua, họ đào lên những mảnh băng trong nhất , rắn nhất rồi thành kính gói vào những tấm nilon địu trên lưng , xuống núi và chở về xuôi . Lại một cuộc hồi hương dài dằng dặc đầy vất vả khó nhọc. Nhưng những tảng băng thiêng , những giọt nước thần gói trong bọc mà họ mang trên mình sẽ là nguồn động viên , nguồn hy vọng tiếp sức cho họ , cho cả gia đình và bộ tộc họ hướng về một ngày mai với những mùa màng tốt tươi , với những bầy gia súc sinh sôi nảy nở đông đúc để rồi vào những ngày này năm sau , năm sau nữa họ sẽ trở về đây vui hội.

No comments:

GIÁ TRỊ TÂM LINH CỦA NGÀY RẰM THÁNG 10 - TẾT HẠ NGUYÊN

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm ...