Wednesday, July 21, 2021

NGHỊCH LÝ CON TÀU CỦA THESEUS

 Nghịch lý con tàu của Theseus

Trong thần thoại Hy Lạp, Theseus là người hùng, vua sáng lập Athens. Có phiên bản nói rằng ông cũng chính là Poseidon. Sự tồn tại của nhân vật Theseus thực sự chưa được chứng minh, nhưng các học giả tin rằng ông sống trong thời kỳ Đồ Đồng muộn, có thể là một vị vua trong thế kỷ VIII hoặc IX TCN.
Theseus sở hữu một con tàu mang tên mình, ông dùng nó trong cuộc hành trình từ đảo Crete đến Athens. Sau một trận chiến lớn, con tàu được giữ lại tại một bến cảng để bảo tồn. Năm tháng trôi đi, một số phần gỗ của nó được thay thế để nó luôn tươi mới. Hơn một thế kỷ sau hay lâu hơn không rõ, tất cả các bộ phận của con tàu đều được thay thế. Vậy thì con tàu của Theseus có còn thực sự là chính nó hay không? Hơn thế nữa, nếu tập hợp mọi bộ phận cũ của nó lại, với giả sử rằng chúng chỉ cũ chứ không bị mục rỗng hư nát, tạo nên một con tàu mới nhằm mục đích đem ra trưng bày cho dân chúng chẳng hạn thì bản chất của nó là gì? Nó có phải là chính con tàu ban đầu của Theseus hay là một con tàu khác hoàn toàn? Nói ngắn gọn, giữa con tàu thay thế và con tàu tái tạo, đâu mới thực sự là con tàu của Theseus, và đâu là con tàu mới hoàn toàn?
Vấn đề về con tàu của Theseus là một nghịch lý, nghịch lý về sự thay đổi và nghịch lý về sự tồn tại. Nó đặt ra vấn đề bản chất của chủ thể. Nghịch lý được thảo luận giữa các triết gia cổ đại Heraclitus và Plato trong các tác phẩm của Plutarch, gần đây hơn của Thomas Hobbes và John Locke. Plutarch đặt ra câu hỏi thứ nhất: liệu con tàu thay thế có còn là con tàu ban đầu? Hàng thế kỷ sau, Thomas Hobbes nâng tầm vấn đề lên bằng câu hỏi thứ hai: giữa con tàu thay thế và con tàu tái tạo, đâu mới là con tàu thực sự của Theseus?

Nếu câu trả lời con tàu thay thế không phải là con tàu Theseus thì điều này được công nhận từ lúc nào? Từ khi bộ phận cuối cùng của nó bị thay thế? Hay chỉ cần một nửa thôi? Còn nếu nó là con tàu Theseus thì con tàu tái tạo mang danh tính gì đây? Vấn đề con tàu của Theseus được xem là nghịch lý bởi một mặt, bạn có thể tìm ra câu trả lời có vẻ hợp lý nhưng mặt khác, bạn lại tìm ra được một câu trả lời khác đầy mâu thuẫn.
Kể từ khi ra đời cho đến nay, con tàu của Theseus chưa bao giờ và có thể nó sẽ không bao giờ có được một giải pháp cuối cùng, nó sẽ luôn tồn tại như một vấn đề bí ẩn hấp dẫn nhất trong những thắc mắc của con người giữa vũ trụ này.
Vấn đề con tàu của Theseus còn đặt nặng bản chất đâu mới thực sự là chính chúng ta. Đâu mới là cái tôi, là bản thể cá nhân duy nhất? Linh hồn? Tính cách? Kí ức và những trải nghiệm? Nhưng ngay cả những điều ấy cũng luôn biến đổi liên tục trong dòng chảy của thời gian, một hình thái của sự thay thế. Tôi khi mới sinh ra và tôi hiện nay liệu có thực sự là một? Tôi ăn uống, sinh hoạt, vận động thể chất mỗi ngày, cộng thêm quá trình lớn lên và lão hoá, cơ thể tôi thay đổi qua năm tháng. Tôi học hỏi những điều mới mỗi ngày, trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau, va chạm cuộc sống, tiếp xúc mọi người, tất cả khiến tôi có một cách nhìn nhận khác với hôm qua. Tôi đã thay đổi và tôi có còn là tôi? Với tình huống giả tưởng rằng tôi năm mươi tuổi già dặn lão làng gặp tôi hai mươi đầy nhiệt huyết bốc đồng, tôi có còn hiểu tôi khi ấy không? Quan trọng hơn, nếu tôi năm mươi và tôi hai mươi chỉ là một cái tôi duy nhất thì tôi hai mươi có thực sự nhận ra được chính mình nhưng là tôi năm mươi bởi hai bản thể chỉ là một? Nếu có thì tôi hai mươi căn cứ vào đâu? Diện mạo ư? Chắc không phải vậy.
Vì mang đậm tính triết lý nhưng hấp dẫn, con tàu của Theseus luôn là nguồn cảm hứng trong văn học, điện ảnh, trò chơi điện tử. Cộng với sự phát triển của robot và trí thông minh nhân tạo AI, nghịch lý - triết lý về sự tồn tại được khai thác tối đa. Kịch bản chung của dạng này là công nghệ của thế giới tương lai phát triển đến tầm mức văn minh loại II, robot hoặc con người theo cơ chế cyborg sinh học là đối tượng chính của xã hội, mỗi một bộ phận cơ thể đều có thể thay đổi nâng cấp. Vậy thì đến một lúc nào đó, liệu mỗi người có còn là chính họ?
Vô vàn các giải pháp đã và sẽ được đưa ra cho vấn đề nghịch lý con tàu của Theseus, vài quan điểm phổ biến gồm có:
Mỗi bản thể ở một thời điểm là khác nhau. Thuyết này nói rằng cùng một bản thể ở những thời điểm khác nhau là khác nhau trong dòng chảy thời gian bất tận, một “sự kiện” duy nhất. Chúng ta hôm qua khác với chúng ta hôm nay. Một giây trước là một bản thể khác, một giây sau là một bản thể khác. Như thế, theo thuyết này, hai con tàu Theseus hoàn toàn độc lập, và chẳng có cái nào là phiên bản ban đầu của con tàu Theseus. Ngay cả khi giữ nguyên không thay thế các bộ phận, con tàu Theseus sau đó cũng không còn là chính nó nữa, nó đã là một con tàu khác rồi. Quan điểm này lần đầu được đề xuất bởi triết gia Hy Lạp Heraclitus với tuyên bố nổi tiếng “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông” bởi chính người tắm và dòng sông ngay sau đó sẽ thay đổi, không còn là bản thể cũ nữa.
Thuyết nguyên nhân của Aristotle. Theo hệ thống triết học của triết gia Aristotle và những môn đệ, có bốn nguyên nhân (hay yếu tố) để sự vật được hình thành, chúng có thể được phân tích để giải quyết nghịch lý. Nguyên nhân hình thức tạo nên vẻ ngoài sự vật, nguyên nhân vật chất quyết định chất liệu của nó, nguyên nhân tác động mô tả sự vật được tạo ra thế nào và bởi ai, nguyên nhân mục đích (còn gọi là nguyên nhân cuối) nói lên mục đích của sự vật. Hình thức và vật chất giữ vai trò quan trọng nhất nhưng Aristotle cho rằng hình thức quyết định hơn so với vật chất bởi nếu không có hình thức thì sự vật chỉ có khả năng thụ động chứ không hiện thực. Hình thức là thực chất của tồn tại, là bản chất tích cực của sự vật, chứa trong mình sự tác động và mục đích.
Một cách cụ thể cho con tàu của Theseus, hai con tàu thay thế và con tàu tái tạo có cùng mục đích ban đầu là làm phương tiện di chuyển của Theseus, cách chúng được tạo ra không quan trọng. Như vậy, nguyên nhân mục đích và nguyên nhân tác động không liên hệ gì đến danh tính con tàu, chỉ còn hai nguyên nhân còn lại.

Theo Aristotle, giả sử rằng nếu con tàu thay thế không chỉ được thay thế bộ phận mà còn thay đổi cả thiết kế thì đến một ngày, khi nó đã trở nên quá khác biệt, việc coi nó vẫn là con tàu ban đầu của Theseus có vẻ khó chấp nhận. Với con tàu tái tạo, vì được trưng bày triển lãm nên nó vẫn luôn đảm bảo một hình dạng, việc xem nó là con tàu của Theseus sẽ hợp lý hơn. Không quan trọng vật chất có thay đổi thế nào, hình hài của nó mới là cái xác định danh tính. Chung quy lại, con tàu nào giống với bản gốc ban đầu con tàu của Theseus nhất thì nó sẽ là con tàu của Theseus. Một cách tương tự, đối với Aristotle, con sông Heraclitus sẽ luôn là chính nó bởi hình thức của nó không hề thay đổi dù cho vật chất bên trong đó đã thay đổi, điều này cũng được áp dụng với người tắm sông.
Nhưng sẽ ra sao nếu cả hai con tàu thay thế và con tàu tái tạo hoàn toàn như nhau về hình thức, giống nhau luôn cả về vật chất, cùng một đội ngũ làm tàu, và cùng một mục đích sử dụng luôn đó là được dùng làm tàu chiến của Theseus? Lúc này, thuyết của Aristotle không quyết định được đâu là con tàu của Theseus. Tuy nhiên, trong một trận chiến, một trong hai con tàu không may bị đánh chìm thì con tàu còn lại chính là con tàu của Theseus.
Một bản thể - hai địa điểm. Trong thuyết này, cả hai con tàu thay thế và con tàu tái tạo đều là con tàu của Theseus, vì chúng có cùng một lịch sử lai lịch, có nghĩa là nếu đi ngược lại dòng thời gian, xem xét “tiểu sử”, cả hai đều sẽ dẫn đến cùng một con tàu ban đầu, nó chính là con tàu của Theseus, theo mối quan hệ chuyển tiếp: B là A, C là A nên B và C là như nhau. “Một” con tàu Theseus nhưng tồn tại ở hai địa điểm khác nhau.
Hai bản thể giống nhau nhưng độc lập. Thuyết này ngược nhưng lại có vẻ giống với thuyết trên, cả hai con tàu thay thế và con tàu tái tạo là hai con tàu giống hệt nhau, hệt như bản gốc nhưng chúng độc lập. Thuyết này đòi hỏi chúng ta nhìn nhận quan hệ chuyển tiếp chỉ là tương đối, B là A, C cũng là A nhưng B và C không hẳn như nhau. Điều đó có nghĩa rằng, hai bản thể dù chia sẻ chung những đặc tính và giống nhau đến cỡ nào đi chăng nữa thì vẫn độc lập với tư cách định danh. Cả hai con tàu thay thế và con tàu tái tạo đều là con tàu của Theseus nhưng chúng lại không cùng là một.
Thuyết phi logic nguyên tử. Luận thuyết logic nguyên tử do Bertrand Russell - tác giả nghịch lý cùng tên mà chúng ta đã tìm hiểu ở phần trước, sáng lập và phát triển. Thuyết này phát biểu rằng thế giới được hình thành từ các sự kiện logic nguyên tử không thể phân chia được, mọi chân lý đều phụ thuộc vào một lớp các sự kiện logic nguyên tử. Do đó, thuyết logic nguyên tử khẳng định ngôn ngữ phản chiếu thực tại.
Một nguyên tắc cơ bản của thuyết nguyên tử logic là một sự kiện logic được hiểu độc lập với các sự kiện logic khác. Chỉ khi nào phủ nhận nguyên tắc này, tức là đi theo hướng lý thuyết phi logic nguyên tử, chúng ta mới có được nhận định rằng: nếu con tàu của Theseus cứ mãi liên tục được thay thế các bộ phận cũ mà không có một sự kiện nào khác dính dáng đến nó xảy ra, thì con tàu thay thế luôn là con tàu Theseus, tính liên tục của sự kiện cứ thế tiếp diễn. Cho đến khi con tàu tái tạo được ra đời, nó xác nhận tính liên tục tốt hơn, điều này làm thay đổi trạng thái của con tàu thay thế khiến nó không còn là con tàu của Theseus nữa.
Sự mơ hồ của ngôn từ. Sở dĩ nghịch lý sinh ra là vì sự mơ hồ của từ vựng. Giống như trường hợp sự mơ hồ của từ “bất ngờ” trong nghịch lý ngày hành quyết bất ngờ và từ “toàn năng” trong nghịch lý đấng toàn năng, nghịch lý con tàu của Theseus sinh ra là vì sự mơ hồ của từ “như nhau”. Theo một nghĩa nào đó, “như nhau” được hiểu là sự giống nhau về chất theo cách có chúng một thuộc tính nào đó. Theo một nghĩa khác, “như nhau” lại được hiểu là giống nhau về lượng, đều là “một”. Thuyết này thực sự yếu bởi chính nó cũng đang vướng phải sự mơ hồ của ngôn từ.
Mất dần bản sắc. Khi các bộ phận của con tàu được thay thế, danh tính (tư cách hay bản sắc) của con tàu dần thay đổi. Bởi vì “con tàu của Theseus” là một sự định danh về cái mà Theseus đã từng sử dụng và tiếp xúc vật lý. Lấy ví dụ, giả sử như người phụ trách bảo trì con tàu tái tạo thay thế một bộ phận nào đó của nó, chẳng hạn chiếc giường của Theseus, và nói với du khách rằng đây là chiếc giường mà vị anh hùng Theseus đã từng nằm, thì liệu câu nói đó có đúng không? Hiển nhiên là không rồi, nó là một chiếc giường xa lạ hoàn toàn mới, không phải là chiếc giường của Theseus. Cũng vậy, điều này sẽ đúng với mọi bộ phận khác của con tàu Theseus, con tàu thay thế không phải là con tàu của Theseus lúc đầu nữa mà là một con tàu hoàn toàn mới khác biệt, còn con tàu tái tạo mới đích thực là con tàu Theseus.
Chẳng có con tàu nào cả. Thuyết khái niệm nói rằng “con tàu” chỉ là “nhãn dán” để chỉ một tập hợp vật chất và năng lượng nhất định trong không gian và thời gian. Con tàu của Theseus là một khái niệm trong tâm trí con người, con tàu lúc sau (con tàu thay thế) cũng vậy – một khái niệm khác nữa trong tâm trí con người. Đây là hai khái niệm khác nhau vì nếu không, tâm trí con người sẽ không thể so sánh chúng bởi chẳng có gì để so sánh cả. Do đó, con tàu lúc đầu và con tàu lúc sau là không thể là một vì tâm trí con người khi ấy có thể so sánh chúng được với nhau. Lập luận tương tự đối với con tàu tái tạo. Như vậy trong thuyết này, con tàu của Theseus, con tàu thay thế và con tàu tái tạo chẳng có cái nào là cái nào, tất cả đều độc lập.
Nhận thức khoa học. Nghịch lý con tàu Theseus nảy sinh do chủ nghĩa ngoại tại cực đoan, nó giả định rằng những gì có thật trong tâm trí chúng ta là có thật trong thế giới thực. Đây là một giả định khó chấp nhận xét theo khoa học tự nhiên bởi vì trực giác của con người thường hay nhầm lẫn. Khoa học nhận thức sẽ xem nghịch lý này như một hiện tượng tinh thần diễn ra bên trong não bộ con người. Nghiên cứu sự bối rối về nghịch lý này có thể tiết lộ thêm nhiều cách thức hoạt động của não bộ nhưng không tiết lộ gì nhiều về bản chất thế giới thực.
Về sự hiện diện trong cuộc sống xã hội, nghịch lý con tàu của Theseus len lỏi trên nhiều phương diện pháp lý. Chẳng hạn, một nhóm người thành lập công ty, đội thể thao hay ban nhạc trong quá trình hành động có thể thay đổi các thành viên, và nếu như mọi thành viên cũ đều đã được đổi thì khi tập hợp nhóm thành viên cũ này lập nên một tổ chức mới thì định danh của họ trong mắt mọi người sẽ là gì đây? Nhằm tránh đi sự tranh chấp giữa cái tên, mô hình hoạt động cũng như quyền sở hữu pháp lý, ký tên qua văn bản nên được nêu ra trước và phát biểu rằng các tổ chức, công ty, đội thể thao, ban nhạc sẽ là những thực thể độc lập với từng thành viên trong nó và không gắn liền, không thuộc quyền sở hữu riêng của bất cứ cá nhân nào. Steve Jobs dù là người đã sáng lập ra tập đoàn Apple nhưng khi ông mất đi, Apple vẫn còn đó. Bill Gates không còn là quản trị nhưng Microsoft vẫn tồn tại. Chester Bennington tuy ra đi nhưng ban nhạc Linkin Park không tan rã,...
Trong công nghệ thông tin, một văn bản hoặc phần mềm máy tính liên tục được cập nhật, sửa đổi nhiều đến mức nó không còn một chi tiết cũ nào của bản gốc đặt ra vấn đề pháp lý quyền sở hữu trí tuệ đối với phiên bản cuối cùng. Để tránh trường hợp đau đầu này, tác giả cũng phải báo cáo cập nhật thường xuyên giấy phép sở hữu mỗi lần thay đổi chương trình, nói khác đi là một hình thức nhẹ của việc xin giấy chứng nhận quyền sở hữu mới.
Trích  từ "Toán học kỳ thú"

No comments:

Tôi yêu truyện cổ tích

Tôi  yêu truyện cổ tích và đặc biệt là truyện cổ tích thế giới. Tuy nhiên bài thơ này đọc lên cũng thấy hay hay