Thursday, July 22, 2021

NHU CẦU THIẾT YẾU

 Một người bạn của tôi đã dùng mô hình Tháp nhu cầu nổi tiếng của Maslow để lý giải điều này. Tháp Maslow có 5 tầng, sắp xếp các nhu cầu và động lực sống của con người theo thứ tự của tầm quan trọng. Tầng đáy thứ nhất là những đòi hỏi cơ bản như ăn, ngủ, bài tiết, và tình dục. Đây chính là lý do tại sao bánh mỳ đương nhiên phải là nhu cầu thiết yếu vì nó là thực phẩm cơ bản, là một phần trong thói quen ăn uống của người Việt.


Maslow cho rằng chỉ khi được thỏa mãn các nhu cầu ở tầng thứ nhất xong, con người mới quan tâm đến tầng thứ hai (an toàn về thể chất và tài chính). Thỏa mãn tầng thứ hai mới nghĩ đến tầng thứ ba (tình cảm gia đình, bạn bè, lứa đôi và cộng đồng).
Cứ như thế, con người có cơ hội phát triển cao nhất khi được mãn nguyện nhu cầu ở tầng thứ tư (được tôn trọng, tin tưởng) và tầng chóp cao nhất (được thể hiện khả năng của bản thân ở mức tối đa).
Tuy nhiên, Tháp Nhu cầu của Maslow sau bao nhiêu năm ra đời cũng đã nhận về khá nhiều chỉ trích. Đứng từ góc độ tiến hoá sinh học và văn hoá, sự sắp xếp các nhu cầu theo thứ tự thấp cao như vậy không hẳn là chính xác.
Nhiều nhà khoa học chỉ ra rằng con người cần nhất không phải là những nhu cầu xoay quanh cái mồm và bộ phận sinh dục hay tiêu hoá. Tầng quan trọng nhất với con người là tầng thứ ba, "love and belonging", là sự yêu thương và khao khát được thuộc về một nhóm cộng đồng nào đó. Đó là tình cảm và sự gắn kết với những người cùng máu mủ, với bạn bè, đồng nghiệp, hay thậm chí với những con vật nuôi thân thiết mà ta coi như thành viên trong gia đình.
Nếu không có mối dây của yêu thương và ràng buộc ấy thì cũng không có tầng thứ nhất và thứ hai. Không đứa bé nào có thể sinh ra, không cần yêu thương và kết nối mà lại sống sót. Khi những đứa trẻ lớn lên, đó là điều kiện tiên quyết để tạo nên sự hợp tác giữa người với người, đặng tạo ra thức ăn và sự an toàn cho mỗi cá nhân và cộng đồng.
Và cũng vì mối dây của yêu thương và ràng buộc ấy, ta có thể bỏ qua nhu cầu của tầng thứ nhất và thứ hai. Ta thức trắng đêm trông con ngủ. Ta nhịn ăn để người thân đỡ đói lòng. Ta có thể đi tu và từ bỏ nhục dục nhưng không bao giờ từ bỏ lòng hỉ xả và tình yêu với muôn loài chúng sinh. Ta thậm chí sẵn sàng hy sinh sự nghiệp, tiền bạc, sự an toàn của bản thân, thậm chí đánh đổi mạng sống của chính mình cho những người ta thương quý.
Tầng thứ ba "love and belonging" không những là mục tiêu của hai tầng đáy mà cũng chính là mục tiêu của hai tầng chóp. Sự "tôn trọng và tin tưởng" từ những người xung quanh là công cụ gián tiếp để chính bản thân ta được yêu thương và thuộc về. Tôn trọng và tin tưởng sẽ trở nên vô nghĩa khi nó không đến từ chính những người có ý nghĩa với ta trong gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Đó là lý do tại sao có những nhân tài được xã hội sùng bái nhưng cô đơn và bất hạnh từ trong nội tâm, thậm chí kết thúc cuộc đời bằng tự sát. Họ có thể lớn lên trong sự nuôi dưỡng hà khắc của cha mẹ, sự thiếu vắng tình yêu chân thành từ một người bạn đời có khả năng thấu hiểu. Xã hội có thể ngưỡng mộ họ nhưng cái họ khao khát là sự đồng cảm và chở che chứ không chỉ là sự tò mò hay xưng tụng với ẩn ý lợi dụng.
Tương tự, tầng chóp của tháp với nhu cầu "thể hiện hết khả năng của chính mình" cũng là một cách gián tiếp để khẳng định vị trí được yêu thương và thuộc về. Đến cả những bậc tu hành dành phần lớn cuộc đời sống ẩn dật để đạt được đỉnh cao trong tu tập cũng thường có ý thức truyền lại kinh nghiệm của mình cho học trò và chúng sinh sau khi chết đi. Sự tỏa sáng của bản thân là vô nghĩa khi ta không kết nối với một cá thể khác cùng giống loài. Hào quang là vô nghĩa khi nó không chạm được vào đáy mắt của một sinh linh khác.
Trong bộ phim nổi tiếng dựa trên câu chuyện có thật "Into the wild", chàng trai trẻ Christopher tự nguyện cắt đứt mọi mối quan hệ xã hội. Anh rời bỏ cả tình yêu vừa chớm nở để khám phá đến tận cùng sự thật của tồn tại, của hạnh phúc và của chân lý khi một mình sống trong thiên nhiên hoang dã. Anh chết vì ngộ độc quả cây. Trong cuốn sách anh mang theo, người ta tìm thấy một đoạn viết gốc như sau: "Chỉ khi ta hòa mình với phận đời của những kẻ xung quanh thì đó mới là cuộc sống." Bên lề cuốn sách, cạnh đoạn văn này là những dòng chữ cuối cùng của Christipher viết trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Hạnh phúc chỉ có thật khi được sẻ chia".
Vậy tại sao yêu thương và thuộc về lại là nhu cầu tối quan trọng đến vậy với loài người?

Chúng ta hãy cùng nhìn những con thú cưng quanh mình. Chúng sống với người cả cuộc đời nhưng vẫn hoàn toàn là cầm thú. Thậm chí trong nhiều trường hợp, sức mạnh của gien lấn át sự yêu thương và thú cưng giết cả chủ.
Giờ ta hãy cùng so sánh với câu chuyện của Tarzan cậu bé rừng xanh. Khi được mẹ khỉ đưa về nuôi dưỡng, Tarzan không còn là "người" dù bộ gien của cậu vẫn là gien người. Cậu học bám cây và ăn uống như gia đình mới của mình. Lịch sử y học ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ sống cùng muông thú (feral child) cũng đi bằng bốn chân và sống như muông thú.
Sự khác biệt giữa thú cưng và Tarzan minh họa cho một trong những lý thuyết quan trọng nhất của sinh học tiến hoá. Đó là loài vật tiến hoá bằng biến đổi gien, còn loài người tiến hóa bằng biến đổi văn hóa. Bộ óc của con người dẻo như một miếng xốp (brain plasticity) để giúp ta dễ dàng thẩm thấu bất kỳ nền văn hoá của bất kỳ một cộng động nào nhằm mục đích tồn tại. Cộng đồng đó có thể là một ngôi làng ở cực Bắc, một thị trấn ở ven sông, hay một bầy khỉ trong rừng già châu Phi. Cũng như Tarzan, bộ óc được lập trình để ta tự động yêu thương, gắn bó, và hy sinh vì cộng đồng đó. Bởi nếu không, cũng như Tarzan, chính ta sẽ bị huỷ diệt.
Sức mạnh của "yêu thương và thuộc về" là sức mạnh của tiến hoá, của dòng động lực đã khiến xã hội con người vươn lên thống trị thế giới này. Nó khiến chúng ta không có vây cá nhưng chinh phục đại dương, không có cánh nhưng bay lên tận mặt trăng, không biến đổi gien nhưng sống được ở mọi ngóc ngách của quả địa cầu.

Cũng như miếng ăn không chỉ là miếng ăn, con mèo ốm không chỉ là mèo ốm. Nó là thái độ, sự quan tâm, lòng trắc ẩn và đồng cảm, vừa đủ để một người có thể tôn trọng luật pháp nhưng vẫn tìm ra cách ứng xử với nhau sao cho nhân văn nhất khi thấy đồng loại mình gặp nạn.

Cái ta cần nhất trong đại dịch này, ấy là lòng yêu thương.

T/G Nguyễn Phương Mai

No comments:

Tìm hiểu y phấn tảo

  ( trích trong sách phật quốc ký sự ) của t/g Thích Phước Tiến