Người làng rắn
ĐỖ HÀN
Bân trằn trọc mãi không ngủ được. Thế là lại mất toi con hổ mang nữa. Bữa trước vợ Bân cho rắn ăn, quên không đóng cửa chuồng. Một cặp hổ mang và một con hổ chúa bò ra ngoài. Dân làng đi xem văn công về, nhìn thấy một cặp rắn, họ kêu ầm lên. Bố con Bân phải vất vả lắm mới túm được đôi hổ mang. Con chúa chuồn đi mất.
Chiều nay, có khách đến thăm rắn. Lại vợ Bân mở cửa chuồng. Tối đến thấy vách cửa vênh lên, soi đèn, không thấy con hổ mang đâu nữa, Bân gầm lên: “Người đâu mà đoảng thế không biết?”. Mỗi cân rắn hổ mang hơn triệu bạc, gần một chỉ vàng một ki lô hổ chúa chứ có ít đâu. Nghĩ mà xót hết cả ruột. Vết thương ở bắp chân do rắn cắn đã thành sẹo, bây giờ lại tấy lên, tưng tức làm Bân khó ngủ. Anh kéo chăn trùm lên đầu, bức bối.
*
Chuyến xe chiều nay ngược biên giới ních chặt người. Bân cố chen được một chân ở cửa xe; cứ chân co, chân duỗi như thế đứng ngót trăm cây số. Lòng Bân đầy lo lắng: không hiểu có đón được hàng không đây? Tết nhất đến nơi rồi. Bân mải nghĩ, mắt anh đăm đắm nhìn qua cửa xe, lướt trên mái tóc của cô gái ngồi ở ghế đầu, cô mặc chiếc áo màu lục, như lẫn vào mớ hàng hóa hỗn tạp ở bậc lên xuống. Bân nhìn xéo sang bờ vai mỏng.
Người con gái ngồi co vai, cố khép hai tay như muốn che cái bụng lùm lùm. Cô bừng đỏ mặt khi vừa ngước lên, chạm ngay ánh mắt Bân. Bân lảng nhìn sang hàng ghế sau. Mà sao cô gái này có nét gì quen quen. Bân nhíu mày, lục trong trí nhớ. Không thể nhớ nổi đã gặp ở đâu. Bân nhìn lại. Cô gái cúi đầu, chớp chớp hàng mi. Anh lắc đầu… Bao chuyến xe ngược xuôi như thế này, gặp hàng trăm người, nhớ làm sao nổi.
Xe dừng ở cuối thị trấn Vị Xuyên. Bân nhảy xuống, vươn vai, giậm chân, thở phì phì như trút được gánh nặng.
Thị trấn đang trở mình, còn bề bộn. Những căn nhà mái bằng mới xây khoe sắc vàng, nét đỏ của gạch ốp lát. Những mái lều xiêu vẹo của quán nước chưa hết thời vẫn lúp xúp quanh lối rẽ. Bân xốc balô, xăm xăm bước.
Hôm nay, Bân lên trước, nếu thuận lợi thì vài ngày nữa xe rắn của anh sẽ lên sau. Quan trọng là hàng về xuôi phục vụ tết. Bân muốn chớp thời cơ đánh một chuyến hàng lớn. Chợ Giang tết này sẽ tràn ngập hàng của Bân. Đang miên man nghĩ, bỗng Bân chợt đứng khựng lại… Trước mắt anh đúng là màu áo lục, chiếc áo cài khuy bên ngực phải của cô gái miền ngược. Bân rảo bước lại gần. Cô gái lúc trước ở trên xe, nay đang ngồi bệt bên bệ cỏ, tay ôm bụng, quằn quại. Chiếc túi du lịch lăn lóc dưới chân. Mặt cô tái xanh, nhợt nhạt biểu hiện sự đau đớn. Thấy Bân, nét mặt cô thoáng mừng rỡ lắp bắp:
– Anh… anh làm ơn cho em đến… bệnh xá hay bà lang nào gần đây … Em… đau bụng quá!
Bân tốc tác chạy ngược lại dãy hàng quán, gọi được chiếc xe ôm. Anh bế thốc cô ngồi lên xe. Hai vai anh lủng lẳng bên chiếc ba lô, bên chiếc túi. Chiếc xe rồ máy, lao đi.
… Kể cũng lạ, nắm rễ cây khô của bà lang ở bản Thính thế mà hiệu nghiệm. Uống xong bát nước sắc rễ cây, cô gái đỡ đau và ngủ thiếp đi. Bà lang gọi Bân ra hè thì thào với cái giọng kinh lơ lớ:
– Vợ chồng đi đâu mà chẳng biết giữ gìn thế? Sắp sinh rồi đấy… chỉ nửa tháng nữa là cùng. Tao chỉ chữa được thế thôi… đưa cái vợ mày đến bệnh viện ngay đi.
Anh ngồi bàn với cô chuyện đi viện, chuyện đi lấy hàng của mình. Nghe đến tên bản Tân Dân, mắt cô bỗng sáng lên:
– Anh có biết bà Thang – bà cụ mua rắn?
– Có, tôi có biết. Nửa năm trước, khi bà cụ còn ở bản Tân Dân, tôi vẫn giao hàng cho bà.
Cô gái bỗng hốt hoảng:
– Thế bây giờ bà ấy đi đâu?
– Nghe đâu bà ấy về bên Trung Quốc rồi, bà ấy là người Hoa!
– Đúng thế! Hồi bảy chín, bà đã phải về bên kia. Thời kỳ mở cửa, hai nước bang giao như cũ, bà trở lại, thuê nhà ở Tân Dân, đón mua rắn ở khắp nơi mang về. Sao bây giờ bà lại bỏ đi?
Bân buột hỏi:
– Cô biết bà ấy à?
Cô gái bặm môi, mắt xa xăm, long lanh ngấn nước:
– Đấy là mẹ tôi!
– Sao? Cô về nhà mẹ đẻ có một mình thôi à? Thế chồng cô đâu?
Mắt cô gái ầng ậc nước, cô vén tay áo cho anh thấy những vết tím bầm dọc, ngang trên cánh tay tròn lẳn, nõn nà.
– Thế này thì em mới đến nông nỗi như bây giờ…
Không gian như đông cứng lại. Đột nhiên, cô ngẩng phắt đầu lên, nói quả quyết:
– Em muốn nhờ anh một việc hệ trọng. Anh giúp em chứ?
Bân gật đầu. Cái gật đầu gần như bản năng. Không hiểu sao từ lúc gặp cô, Bân thấy cứ như có một sợi dây ràng buộc, nó mong manh nhưng không mờ nhạt, gắn kết hai người. Rất may, Bân vừa điện hỏi chủ hàng, chuyến hàng tết từ Trung Quốc sang, phải ba ngày sau mới có. Việc được cô nhờ vả, anh cũng thấy vui vui. Bân trầm ngâm chờ đợi.
– Anh quay về thị xã, tìm mua giúp em một căn hộ, càng to càng tốt.
Bân bật hỏi như lò xo:
– Cô định làm gì?
Cô gái vẫn dẽ dàng:
– Em định về nhà mẹ đẻ để sinh con. Nhưng anh biết đấy, bà không ở đó nữa. Em phải mua nhà để ở. Đó cũng là ý muốn của mẹ em!
Rồi cô kể cho anh nghe về cuộc sống của cô. Mẹ cô đã cho cô rất nhiều vốn, khuyên vợ chồng cô lên sống ở thị xã gần biên giới, làm đầu mối đón hàng cho bà. Nhưng chồng cô đâu có nghe. Hắn lục lọi lấy hết tiền của cô đem đi đánh bạc. Hắn thua, đòi đưa tiền không được hắn đánh cô.
Cô lôi chiếc túi du lịch, lấy ra hai gói to như hai bịch mì chính. Cô đặt lên bàn và nói:
– Tiền thì lấy từ đây anh ạ!
Bân giật bắn người:
– Trời ơi! Cô buôn Hêrôin à?
Cô gái cười buồn:
– Không phải đâu, nọc rắn tinh chế đấy!
Bân cầm một gói lên ngắm nghía.
– Đúng! Đúng nọc rắn thật rồi. Ở làng anh, người ta cũng cô đặc nọc rắn được nhiều lắm. Nhưng màu sắc và độ mịn thì không được như thế này. Hai nữa, có cô đặc xong cũng đúc lọ thủy tinh cất đấy như đồ kỷ niệm. Mà này, đây chắc phải có một công nghệ hoàn hảo lắm mới làm được?
Đọc được câu hỏi trong mắt anh, cô giải thích:
– Mẹ em nắm được bí quyết. Bà đã thu gom rất nhiều rắn, chiết lấy nọc rồi lại thả chúng vào rừng. Được biết chồng em không chịu làm ăn, lại hay lấy tiền của em, bà đã gửi cho em mấy ký lô này và có thư dặn: “Con hãy giữ nó mà phòng thân; chỉ với thứ này, thằng chồng con nó mới không đem đi đánh bạc được”. Đã đến nước này thì em phải bán nó đi và mua nhà cho mẹ con em ở. Cô dừng lại một lát rồi ngập ngừng nói tiếp: – Cũng là có chỗ để dừng chân mỗi khi anh lên trên này buôn bán… thế chẳng tốt sao?
Cô đưa cho Bân một tấm danh thiếp đầy chữ Tàu và ghi địa chỉ “số nhà… phố… thị xã Hà Giang”. Cô nói thêm:
– Đây là một cơ sở đại diện của các nước Tây Âu, họ rất kỹ tính khi chọn nọc rắn tinh chế. Nhưng nếu nhìn thấy danh thiếp của mẹ em và gói hàng, họ sẽ nhận ngay.
Bân làm theo như cái máy. Thị xã vùng biên này, anh thuộc như trong lòng bàn tay, bởi thời kỳ xảy ra chiến tranh giữa hai nước anh đã từng đóng quân ở đây gần năm năm. Dấu vết của các đơn vị bộ binh, pháo binh vẫn còn thấp thoáng đâu đây trong mỗi cánh rừng, trong mỗi khu phố. Anh không ngờ việc anh tìm nhà, giao hàng, nhận mấy trăm triệu mà nhanh như đi chợ sớm. Anh chàng lái xe ôm chưa kịp hút hết điếu thuốc thứ hai, đã thấy anh trở ra. Rồi anh tìm được một căn hộ hai tầng khá đẹp, có vườn cây, có sân thượng, nằm nép mình bên đường vào thị xã. Giá cả cũng phải chăng. Ôi! Chuyện cứ như trong mơ.
Bân đưa cô gái về căn nhà của cô. Tên cô là Ngọc Mai. Cô ngắm nghía, xếp đặt… ra chiều mãn nguyện lắm. Cô công bố một cách quả quyết:
– Giao cho anh Bân toàn quyền sử dụng tầng trên, anh hãy coi đây như nhà của anh.
Bân bàng hoàng cứ như mình nghe nhầm.
Chuyến hàng rắn của Bân bị thu giữ. Rắn vẫn là thứ hàng cấm. Song Bân cũng chẳng xót là bao. Số tiền Ngọc Mai cho mượn (cô bảo thế) cũng đủ để anh lấy mấy xe hàng tết xuôi. Đặc biệt là lời hẹn của cô: Anh về mua gom tất cả nọc rắn đã cô đặc ở làng, vốn cô chu cấp đủ sức mua hàng yến nọc đông khô hoặc sơ chế. Bân mừng vui khôn tả.
Hai, ba chuyến hàng tết năm ấy, Bân thắng đậm. Anh còn mang tiền về làng rắn thu mua được một số nọc rắn sơ chế. Những lọ nọc rắn cô đặc nằm lăn lóc, vô vị trong các hộc tủ, bây giờ bỗng có giá. Bân không mang rắn thương phẩm đi bán nữa. Anh cũng chẳng cần chạy hàng Trung Quốc về xuôi. Bân đã sung túc nhờ thương vụ mua nọc rắn.
Ngọc Mai đã sinh con. Một cháu gái bụ bẫm, xinh xắn hứa hẹn sẽ đẹp như mẹ nó. Nàng đặt tên con là Thủy Tiên. Suốt ngày nàng ôm con, ngắm con, lòng mong ngóng Bân trở lại sau mỗi chuyến về xuôi. Tình cảm giữa hai người ngày càng đằm thắm. Nhưng chưa bao giờ Bân dám bước qua ranh giới của hai người bạn chung vốn làm ăn. Mai đẹp quá, kiêu sang quá khiến Bân ngại. Bân đúng mực, chân thành quá làm Mai sợ. Chính vì thế họ không để lại điều tiếng gì. Tuy nhiều đêm, Bân nôn nao khi nghe Mai ru con. Tiếng ru hời hợi, như đốt trong lòng Bân.
Nằm trên gác hai, Bân kéo chăn trùm kín đầu, cố quên đi, cố như không nghe thấy gì.
Gần một năm trôi qua, lại sắp đến một cái tết nữa. Bân vẫn ngược xuôi mang hàng cho Mai. Một hôm Mai nói:
– Anh Bân ạ! Theo em được biết, lượng nọc rắn tinh chế ở chỗ mẹ em đã quá nhiều so với nhu cầu tiêu thụ. Ta phải tính tìm thị trường mới.
Bân sốt sắng:
– Những khách hàng cũ đâu rồi?
– Họ vẫn lấy hàng, nhưng không đáng là bao so với lượng ta có. Em tính có khi anh phải đi Bắc Mỹ một chuyến xem sao.
Bân giãy nảy:
– Từ bé anh chưa đi ra nước ngoài, anh biết làm gì ở cái xứ xa xôi đó?
Mai dịu giọng:
– Anh cứ làm theo lời em dặn, em đã có thư nhờ người quen ở bên đó giúp anh. Nếu anh không phản đối thì tuần sau đi là vừa!
Bân vội vàng về quê, sắp xếp công việc và chia tay vợ con. Bà con làng rắn kéo đến đông lắm. Ai cũng chúc cho anh xuất ngoại thành công. Họ biết rằng anh đi thắng lợi là làm giàu cho cả làng rắn này. Mấy bô lão còn đưa anh ra đình làm lễ tế Thành hoàng thật trang trọng. Cả làng trông cậy vào Bân. Nguyên một tết vừa rồi, bán rắn thương phẩm và một vài ki lô nọc sơ chế, làng rắn đã có một trăm mười sáu con đờ – rim mới. Hy vọng năm nay làng rắn sẽ đổi đời, biết đâu dăm chục ô tô con là chuyện thường.
Bân trở lại Hà Giang vào một ngày giáp tết. Anh mở cổng bằng chìa khóa riêng. Nhà cửa gọn gàng, thơm tho. Hình như mẹ con Ngọc Mai vẫn ngủ.
Khuya. Trời lạnh. Bân bật điều hòa cho phòng ấm lên. Tiếng máy ro ro như đưa anh vào giấc ngủ. Bỗng có tiếng sột soạt rất khẽ. Bân bừng mở mắt. Ngọc Mai trong bộ quần áo mặc trong nhà, trắng muốt, đang uyển chuyển đến bên giường.
Mai lẹ làng luồn vào trong chăn, hai cánh tay trần mềm mại ôm lấy lưng Bân. Họ quấn lấy nhau, một tình yêu như đã đợi từ lâu, lại như không ngờ là có…
*
Bất giác Bân thấy buồn buồn trên má. Anh cắn nhẹ vào cánh tay trần của Mai. Mai giật bắn tay, rụt lại. Cánh tay nõn là sáng hồng trong ánh đèn mờ ảo. Mai bật người chồm dậy, thở hắt ra, giận dữ. Bân choàng tỉnh, ngơ ngác nhìn xung quanh.
Rõ ràng anh nghe thấy những tiếng phì phì từ khóe miệng kiêu sa vừa nằm cạnh anh.
Lẹ làng và đầy kinh nghiệm, Bân luồn bàn tay, nâng cánh tay mềm mềm vắt trên ngực. Không phải là tay nõn nà nữa mà là con rắn hổ mang. Ôi! Anh vừa cắn vào bụng nó. Bân nhẹ nhàng nâng chăn lên, bắt nhẹ lấy mình con rắn, miệng khe khẽ gọi:
– Mình ơi… mình ơi! Thấy con Hổ mang rồi, thấy rồi. – Vợ Bân ào từ trong buồng ra, hối hả.
– Nó đâu, nó đâu rồi?
Bân vẫn thảng thốt nhưng mặt bừng đỏ:
– Nó nằm trong chăn của anh đây này… nó còn trườn cả lên ngực anh nữa!
Vợ Bân bưng lấy mặt, bàn tay run bần bật:
– Ôi! Thật hú hồn!
Vợ chồng Bân đưa con rắn về chuồng của nó. Con rắn quay đầu, lúc lắc lúc lắc nhìn mặt Bân, nó như còn thèm muốn sự vuốt ve, ấm áp vừa rồi.
Ngoài đường, người đi chợ sớm đã râm ran. Hình như tết này giá hàng lại tăng lên thì phải.
Bân rửa tay, quay về giường, nhưng không sao ngủ lại được nữa. Tiếng gà gáy đã túc mục. Trên giường, Bân vẫn còn thấy thoảng mùi thơm thơm, gây gây khi nãy. Bất giác anh cười một mình.
Làng rắn lại bước vào một ngày hối hả.
No comments:
Post a Comment