Sunday, April 4, 2021

Tây Hồ Phú

 Phất phơ ngọn trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói toả ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ

Hồ Tây là tên gọi sau này, trước đây nó được gọi với nhiều tên khác, mỗi cái tên gắn với một huyền thoại, một câu chuyện ý vị của đất Thăng Long ( Hà Nội ngày nay ) ngàn năm văn hiến.

Buoi-chieu-o-ho-tay

Đầm Xác Cáo 

Thuở ấy, ở Lĩnh Nam có một vị thủ lĩnh tên là Lộc Tục, hiệu Kinh Dương Vương, sức khỏe tuyệt luân. Một hôm, Kinh Dương Vương đi chơi Động Đình hồ, gặp con gái Long Vương là Long Nữ, cùng nàng kết duyên vợ chồng và sinh được một con trai, đặt tên là Sùng Lãm.

Sùng Lãm nối nghiệp Kinh Dương Vương, lấy hiệu là Lạc Long Quân.

Đất Lĩnh Nam thuở ấy còn hoang vu, yêu quái hoành hành ngang ngược. Ở Long Biên có một con cáo chín đuôi, sống đến nghìn năm thành tinh. Con yêu này thường hóa thành người, trà trộn vào dân chúng, bắt con gái về hãm hiếp. Nhân dân trong vùng ai ai cũng đều lo sợ, bỏ ruộng vườn kéo nhau đi nơi khác làm ăn.

Lạc Long Quân thương dân, một mình một gươm thần đến sào huyệt Hồ Ly Tinh. Yêu tinh xông ra ứng chiến. Lạc Long Quân hóa phép làm mưa, gió, sấm, chớp, vây chặt lấy Hồ tinh. Sau ba ngày đêm giao chiến, cuối cùng con yêu tinh đuối sức, hiện nguyên hình chạy trốn. Lạc Long Quân đuổi theo, chém đứt đầu nó, đoạn sai người vào hang cứu những người còn sống. Rồi ông dâng nước phá sập hang cáo. Chỗ ấy từ đó được gọi là “Đầm Xác Cáo”. ( Lĩnh Nam Chích Quái )

B13_1

Hồ Kim Ngưu ( sự tích trâu vàng hồ Tây )

Tương truyền vào thời nhà Lý, có nhà sư Không Lộ (Nguyễn Minh Không) tình nguyện đi sứ phương Bắc thỉnh “một ít” đồng đen đúc bảo khí thờ Phật. Ông mang theo một cái đãy rất màu nhiệm, có thể đựng bao nhiêu đồ vật to lớn mà không chật.

Trở về, Không Lộ mở đãy lấy đồng ra chia làm bốn phần. Đầu tiên ông cho đúc một cái tháp cao 9 tầng gọi là tháp Báo Thiên. Tháp đúc xong hiện ra giữa kinh thành vòi vọi đứng đâu cũng thấy. Không Lộ lại đúc một tượng Phật cao vừa 6 trượng và một cái đỉnh to vừa bằng mười người ôm. Rồi còn lại bao nhiêu đồng, Không Lộ cho đúc một quả “hồng chung”- chuông đúc xong lớn không thể tưởng tượng được, đến nỗi khi đánh lên hồi đầu tiên, tiếng ngân vang cùng khắp bốn cõi, vang sang đến tận bên Trung Quốc.

Con trâu vàng của nhà Tống được người cháu Cao Biền đem bút thần điểm nhãn nên trâu trở nên có cảm giác và hoạt động như trâu thật. Không Lộ biết vậy, nên khi về nước đúc chuông xong, đánh một hồi rất dài và kêu. Trâu nghe tiếng liền lồng sang đất Việt. Khi đến kinh đô Thăng Long thì tiếng chuông vừa dứt, trâu đi vẩn vơ không biết chuông đâu mà tìm cả. Bấy giờ Cao Thị Na là cháu Cao Biền làm một con diều giấy rất lớn, dùng bút thần điểm nhãn, diều quả bay lên cao, Cao Thị bèn cưỡi lên đi tìm trâu vàng. Diều bay đến hồ Tây, trâu vàng sợ quá bèn lặn xuống hồ.

Từ đó, Hồ Tây còn được gọi là Hồ Kim Ngưu.

Tụng Tây Hồ phú

Nguyễn Huy Lượng

Lạ thay cảnh Tây Hồ;
Lạ thay cảnh Tây Hồ.

Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi;
Nghe rằng đây đá mọc một gò.

Trước Bạch Hồ vào ở đó làm hang, long vương trở nên vùng đại trạch;
Sau Kim Ngưu do vào đây hoá vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô.

Tiếng nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc;
Cảnh ngó in tinh chử, băng hồ.

Sắc dờn dờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo;
Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò.

Dư nghìn mẫu nước trời lẫn sắc;
Trải bốn bên hoa cỏ nhiều mùa.

Áng đất phơi mỏ phượng còn in, kẻ rằng đài thượng nguyệt;
Vũng nước hút hàm rồng chẳng cạn, người gọi trản trung tô.

Toà thạch tháp nọ nơi tiên để báu;
Chốn thổ đôi kia chỗ khách chôn bùa.

Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời, tay lưới phép còn ghi công bắt hổ;
Quán Chân Võ nắng mưa nào chuyển, lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa.

Kề bến nọ quán Thiên Niên lớp lớp;
Cách ngàn kia ghềnh Vạn Bảo nhấp nhô.

Toà kim liên sóng nổi mùi hương, chùa Trấn Quốc tưởng in vùng tĩnh phạn;
Hàng cổ thụ gió rung bóng lục, tràng Phụng Thiên nhận sẵn thú Nghi Vu.

Dấu Bố Cái rêu in nền phủ;
Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa.

Trông mơ màng dường đỉnh Thứu nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu chích chích;
Nghe phảng phất ngỡ động đào mái nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o.

Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút;
Ghềnh Nhật Chiêu sóng giật ỳ ồ.

Rập rềnh cuối bãi Đuôi Nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm;
Thanh lảnh đầu hồ Cổ Ngựa, tháp cao tăng còn hé cửa tò vò.

Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng;
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.

Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm;
Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.

Cầm ve gảy lầu thư ánh ỏi;
Mõ cuốc khua án kệ rì rù.

Gò Châu Long khi ngọn gió đưa quanh, hồi thú cổ thẳng kề bên mái trúc;
Non Phục Tượng lúc vầng trăng hé nửa, tiếng hàn châm nghe cách dải sông Tô.

Người ngoạn cảnh thẩn thơ đòi đoạn;
Khách thâu nhàn lai láng từng khu.

Mảnh áo tơi lớp xớp trong mưa, ca thanh thảo quyến đàn trâu ngã Nịnh;
Con thuyền trúc lân la trước gió, khúc thương lang đưa gánh củi chàng Chu.

Vầy cuộc ẩn mọi nghề chẳng thiếu;
Mượn thú vui bốn bạn gồm no.

Cảnh Khán Sơn chưa gác cuộc cờ, lòng thơ đã bồi hồi ban lãnh thỏ;
Làng Vọng Thị còn đông tiệc rượu, tiếng cầm đà não nuột buổi tà ô.

Khách Ngô Sở chợ tây ngồi san sát;
Người Hi Hoàng song bắc gáy phi pho.

Bến giặt tơ người vốc nước còn khuya, gương thiềm đựng trong tay lóng lánh;
Vườn hái nhị kẻ dày sương hãy sớm, túi xạ rơi dưới gót thơm tho.

Ngang thành thị ghé yên hà một thú;
Dọc phố phường tung phong nguyệt hai kho.

Gió hiu hiu dòng Nhị Thuỷ đưa lên, lồng hơi mát tới chùm hoa khóm trúc;
Trăng vằng vặc mái Tam Sơn rọi xuống, đớp bóng trong từng lũ cá đàn cò.

Phong cảnh cũ nhiều nơi thắng lãm;
Triều đại xưa mấy lớp thanh ngu.

Tựa bóng hoa đặt quán Quan ngư kìa đời Long Khánh;
Đè mặt sóng đem đường Dụ tượng nọ thuở Kiền Phù.

Trải Trần trước đã nhiều phen xe ngựa;
Tới Lê sau càng lắm độ tán dù.

Trộm nhớ thiên bát vịnh du hồ, trong tỉ hứng cũng ngụ lời quy phúng;
Lại nhớ khúc liên ngâm thưởng nguyệt, lúc tiếu đàm dường thoả ý giao phu.

Toà đá nọ hãi ghi câu canh hoạ;
Dòng nước kia dường nổi chén tạc thù.

Năm sau từ nổi bụi tiêu tường, ba thước nước khôn cầm màu hiệu khiết;
Buổi ấy cũng góp phần tang hải, sáu thu trời bao xiết nỗi hoang khô.

Hình cây đá mưa trôi gió giạt;
Sắc hoa chim mây vẩn sương mù.

Chốn trì đàm làm bợn vẻ thanh quang, xuôi ngược những vẫy đuôi khoa đẩu;
Nơi phạm vũ để che màu sảng lãng, dọc ngang trao mắc võng tri thù.

Hương cổ miếu đôi chòm lạnh lẽo;
Đèn viễn thôn mấy ngọn tù mù.

Kênh đâu đâu chảy đến trung sa. lầu túc điểu gió còn sớm quạt;
Sen chốn chốn đã bay về Tây vực, vũng du ngư nguyệt hãy tối mò.

Kêu trị loạn đau lòng con Đỗ Vũ;
Gọi công tư mỏi miệng cái hà mô.

Lũ cày mây lần tưởng bóng nghê, thơ thất nguyệt thở than cùng mục thụ;
Khách điếu nguyệt biếng tìm tăm cá, chữ nam mô bàn bạc với tiều phu.

Nghe xóm nọ rù rì ve nhặng;
Ngắm ghềnh kia thấp thoáng trai cò.

Thú cao lưu chếch mác thế cờ, người nhạo thuỷ ôm cầm khi rạng quế;
Màu yên cảnh bâng khuâng hồn rượu, khách đăng đài gác bút buổi bay ngô.

Chiều phong vị xem dường quạnh quẽ;
Dấu đồ thư ngắm hãy mơ hồ.

Dưới cầu vồng nước chảy mênh mông, đường xưa đua ngựa;
Trên thành trĩ đá xây chớm chởm, bến cũ gọi đò.

Trước cố cung treo nửa mảnh gương loan, vầng trăng he hé;
Sau cổ tự gởi mấy phong da ngựa, đám cỏ lù rù.

Lớp canh dịch người xưa man mác;
Vẻ tiêu lương cảnh cũ thẹn thò.

Áng phồn hoa vì cảnh muốn phô người, người phải khi vật đổi sao rời, cảnh phải chiều người buổi ấy;
Trời thanh lãng có người còn mến cảnh, cảnh có sẵn nước trong trăng sáng, người nên phụ cảnh này ru.

Vừng trăng nọ buổi tròn buổi khuyết;
Ngọn nước kia nơi hoắm nơi nhô.

Tới Mậu Thân từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng địch;
Qua Canh Tuất lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức chiêm nhu.

Vũng trì chiểu nước dần dần lặng;
Nơi đình đài hoa phơi phới đua.

Chốn bảy cây còn mấy gốc lăng vân, chẳng tùng bách cũng khoe hình thương lão;
Nơi một bến đã đông đoàn hí thuỷ, tới uyên ương đều thoả tính trầm phù.

Vẻ hoa thạch châu thêu gấm dệt;
Tiếng trùng cầm ngọc gõ vàng khua.

Bãi cỏ non trâu thả ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi;
Làn nước phẳng kình chìm ngạc lặn, ao Hán nào mấy trẻ reo hò.

Mặt đất đùn này thóc này rau, rầu lòng Cô Trúc;
Mặt nước chảy nọ dòng nọ bến, mặc chí Sào Do.

Cây quán kia còn đứng dậy thần uy, đoàn mán tới dám khoe lời tây hữu;
Sen chùa nọ lại bay về phật cảnh, lũ Ngô về từng niệm chữ nam mô.

Dấu linh dị rành rành vẫn sáng;
Mạch hậu nhân dằng dặc bao rò.

Mặt thành xưa đem lại thế kim thang, đất xây phẳng lặng;
Cánh hàn cũ sửa ra hình chỉ trụ, đá xếp xô bồ.

Ghé vùng danh nẻo lợi bấy lâu, cảnh tuy rằng nhỏ;
Song nước trí non nhân mấy chốn, cảnh đã chi thua.

Trải mấy thu từng dựa bóng tàn xanh, thâu cảnh đã vào trong vũ trụ;
Song ngàn dặm còn xa rời bệ tía, góp cảnh còn gọi chốn biên ngu.

Tuy thú vị đã dãi bày ra đó;
Song thanh dung còn trang điểm lại cho.

Nay mừng:
Trời phù chính thống;
Đất mở hoành mô.

Quyền tạo hoá tóm vào trong động tác;
Khí kiền khôn vận lại trước đô du.

Nền hoàng thành đặt vững long biên, ngôi Bắc cực muôn phương đều củng hướng;
Nền bắc trạch xây kề ngưu chử, cảnh Tây Hồ trăm thức lại phương phu.

Chòm hủ thảo chưa qua tuần đom đóm;
Áng tường vân đà cách độ tua rua.

Ngắm nguyệt chiêm từ cấn tượng bốn hào, ống âm dương đà quét bụi;
Xem tuế luật đến di tân bảy tấc, lò thiên địa mới bay tro.

Cơ vãng phục lạnh thôi lại ấm;
Lẽ doanh thâu bớt đã lại bù.

Dưới lục âm vừa sinh khí nhất dương, vạn phẩm đã nhờ ơn khôn tạo;
Trên cửu đạo lại tề ngôi thất chính, bốn mùa đều theo hướng đẩu khu.

Hương khâm kính xâm miền hạo đãng;
Rượu cung càn thấm cõi linh u.

Áng năm mây bày ngọc bạch đôi hàng, thảo mộc hãy ca công Thang, Vũ;
Vang chín bệ nổi tiêu thiều mấy khúc, điểu thú đều vũ đức Đường, Ngu.

Vẻ hoa lẫn dấu cờ năm thức;
Mặt nước in bóng giáo ba ngù.

Trước huân phong phảng phất cung đàn, làn thâm thuỷ muốn vái lên ngũ bái;.
Dưới ngọ nhật vang lừng tiếng trúc, hình viễn sơn mong rạp xuống tam hô.

Lễ nhạc ấy nghìn thu ít thấy;
Phong cảnh này mấy thuở nào so.

Trên dưới đều rồng mây các nước phải duyên, giọt vũ lộ tưới đôi hàng uyên lộ;
Gần xa cũng cõi bờ non sông một mối, tấm đan thành dung khắp lũ nghiêu sò.

Hơi yêu mị quét dưới cờ thanh đạo;
Áng tường quang tuôn trước ngọn huyền lô.

Rặng đầu ghềnh người mượn chữ vu viên, răn loài hồng nhạn;
Ca cuối vũng kẻ ngâm câu tại chử, nhủ lũ ê phù.

Lời ca ngợi tưởng ngồi trong Chu nhã;
Điệu ngâm nga nghe đứng giữa Nghiêu cù.

Ngẫm nay đà vui thú tạc canh, đành chốn chốn cũng ca đồng vũ tẩu;
Nhớ trước đã thoả loài động thực, hẳn đâu đâu đều bặt quỷ im hồ.

Nay lệnh tiết đã tin điềm thái lãng;
Xin thánh nhân càng ghín chữ dự du.

Ngọn nguồn tuôn dàn rụa mái kia ghềnh, đèn chiếu thuỷ chia dòng Kinh Vị;
Chòm cỏ mọc tần vần bên nọ miếu, trống thôi hoa rẽ khóm huân do.

Nhận giá sắc xét dân phong cần noạ;
Ngắm phong quang soi vật tính thanh ô.

Chốn điểu đài xem cá nhảy chim bay, thâu sĩ lộ nơi thông nơi trệ;
Miền thôn ổ lắng chim kêu gà gáy, lượng nhân gian nơi háo nơi trù.

Tình u uẩn khắp bày trong thị thính;
Hiệu trị bình đành sắp dưới tề tu.

Nơi mạch kia dân tựa ấy làm trời, hang chuột ẩn há chừa nơi cỏ khuất;
Bờ liễu nọ kẻ xây đà vững đất, lỗ kiến đùn khôn chuyển buổi nguồn xô.

Đem phong cảnh lại một bầu chi nhỏ;
Mở thái bình ra bốn bể mới to.

Tôi nay:
Hổ mình thiển lận;
Dại trí thô sơ.

Dư một kỷ yên bề hu lịch;
Ngoài năm tuần thẹn bóng tang du.

Trước phượng đàn đứng sánh hàng loan, trông hồ cảnh tiến một chương ly ngữ;
Bên ngự đạo ngửa trông vầng nhật, nổi thanh sơn mừng muôn kỷ dao đồ.

No comments:

Quy Mệnh Thế Tôn Như Lai - Chú Lăng Nghiêm

Quy mệnh đức thế tôn  Như Lai Chú Lăng Nghiêm