Saturday, April 3, 2021

Reality ( thực tại )

 Thực tại là khái niệm triết học dùng để chỉ hiện thực khách quan hay tổng thể những gì đang tồn tại và diễn biến xung quanh cuộc sống mà tư duy con người không dự phần. Nó có thể là con suối đang chảy, dòng sông đang trôi hay hơi thở vào ra hết sức tự nhiên, biểu lộ như nó là , mà không phải những gì người ta nghĩ về hay suy diễn. Suy nghĩ  hay diễn đạt một thứ gì đó dựa vào ký ức và ngôn ngữ tức không phải và không còn là thực tại. Đấy chỉ là hình ảnh được sao chép bởi ý thức và kinh nghiệm.

Thực tại chỉ là ảo giác, cho dù là ảo giác rất dai dẳng.

Albert Einstein

Gõ “Reality” (Thực tại) bạn dễ dàng tìm thấy định nghĩa của Wikipedia: “Trong triết học, thực tại là trạng thái sự vật như chúng thật sự tồn tại, chứ không phải là chúng có vẻ như thế hoặc được hình dung như thế. Theo định nghĩa rộng hơn, thực tại bao gồm mọi thứ đã và đang hiện hữu, bất kể ta có thể có thể quan sát hoặc lĩnh hội được chúng hay không. Một định nghĩa rộng hơn nữa (của thực tại) bao gồm mọi thứ đã, đang, và sẽ tồn tại.”  

Nhưng định nghĩa này của Wikipedia có đúng không? Có phải tất cả những gì chúng ta có thể quan sát và lĩnh hội được là thực tại hay hiện thực không?

Nếu định nghĩa trên là đúng thì rõ ràng thực tại phụ thuộc vào người quan sát và lĩnh hội được nó. Như vậy cái thực tại mà tôi thấy được và hiểu được chưa chắc đã giống, thậm chí có thể rất khác, cái thực tại mà bạn thấy và hiểu được, hay cái thực tại một người thứ ba thấy và hiểu được.

Chúng ta nhận biết được thế giới nhờ ngũ quan. Nhưng mọi thông tin từ ngũ quan phải được xử lý bằng cái đầu tức bộ não của chúng ta. Chức năng của hai bán cầu đại não không đối xứng. Não trái thiên về tư duy logic, theo trật tự trước sau, tuyến tính, trong khi não phải thiên về tư duy hình ảnh, trực giác, hỗn độn. Nếu toàn bộ nào người chỉ có chức năng của một bên não (phải hoặc trái), hình dung của chúng ta vế thế giới này sẽ hoàn toàn khác. Liệu đó có phải là một hình dung kém chính xác hay chính xác hơn về thực tại?

Và rốt cuộc thực tại là cái gì?

Trong thế giới của các kích thước rất nhỏ, gọi là kích thước lượng tử, các “hạt vật chất” thể hiện bản chất kép của cả hạt (tương tự hòn bi) lẫn sóng (tương tự sóng nước). Nguyên lý bất định của cơ học lượng tử vô hiệu hoá thuyết nhân quả cổ điển, thay thế nó bằng lý thuyết xác suất. Trong thế giới của các vật thể chuyển động với vận tốc rất lớn (gần bằng vận tốc ánh sáng), các định luật cơ học cổ điển (cơ học Newton) được thay thế bằng các định luật trong thuyết tương đối của Einstein, theo đó vật chuyển động càng nhanh thì càng co ngắn lại và nặng hơn, không thời gian bao quanh các vật rất nặng bị méo đi, v.v. Một quả cam trên một phi thuyền bay nhanh gần bằng vận tốc ánh sáng trong mắt phi hành gia trên phi thuyền vẫn là một quả cam hình cầu, nhưng trong mắt người quan sát trên mặt đất sẽ bẹp dí như một chiếc bánh dầy.

Như vậy đủ thấy cái mà ta gọi là thực tại phụ thuộc rất nhiều vào quan sát viên và điều kiện quan sát. Chỉ riêng điều đó cũng đã có thể cung cấp cho ta vài quan niệm về thực tại. Nếu thực tại là tất cả những gì ta quan sát được thì thế giới ta thấy khi thức và thế giới trong mơ đều là những thực tại dài ngắn khác nhau. Nếu thực tại là những gì không chỉ riêng ta, mà nhiều người khác cùng quan sát được, thì một nhóm người sẽ có cách quan sát và diễn giải về một hiện tượng, một sự kiện, rồi truyền bá điều đó ra toàn xã hội, và xã hội có thể chấp nhận điều đó như một chân lý có được do đồng thuận (ví dụ một tôn giáo, hay một học thuyết được dùng làm nền tảng để vận hành một thể chế, hay thậm chí việc “dân chủ hoá” khái niệm “thực tại” trong định nghĩa của Wikipedia). Trong khi đó, ví dụ thượng dẫn về thế giới lượng tử và thế giới của vận tốc lớn lại cho ta thấy không tồn tại một thứ gọi là thực tại khách quan bởi mọi thứ ta quan sát và lĩnh hội được có thể thay đổi tùy theo hệ quy chiếu của người quan sát. Theo cơ học lượng tử, thực tại mà ta quan sát được chỉ là một trong vô số các cấu thành của hàm sóng (wave function) biểu diễn xác suất hiện hữu của một hạt vật chất ở một vị trí nào đó tại một thời điểm nào đó. Khi ta quan sát một hiện tượng, hàm sóng đã “suy sụp” vào chỉ còn một cấu thành mà ta đo được và tuyên bố đó là thực tại.

Đó là chưa kể giả thuyết về sự tồn tại một đa vũ trụ gồm vô số vũ trụ song song trong đó các khả năng khác nhau của quá khứ, hiện tại và tương lai cùng hiện hữu. Những điều không xảy ra trong thế giới của chúng ta hoàn toàn có thể xảy ra trong một thế giới khác song song tồn tại với thế giới của chúng ta.

Các bạn thấy đấy, thực tại hoàn toàn không đơn giản như định nghĩa “Reality” kiểu Wikipedia.

No comments:

Quy Mệnh Thế Tôn Như Lai - Chú Lăng Nghiêm

Quy mệnh đức thế tôn  Như Lai Chú Lăng Nghiêm