Wednesday, August 18, 2021

Ý NGHĨA CỦA YÊU THƯƠNG (TRÍCH TỪ SÁCH ĐI TÌM LẼ SỐNG)

 Ý NGHĨA CỦA YÊU THƯƠNG

VIKTOR E.FRANKL
ĐI TÌM LẼ SỐNG
 
Ý nghĩa của yêu thương
Tình yêu là cách duy nhất để thấu hiểu đến tận cùng một con người. Không ai có thể nhận thức đầy đủ về bản chất của một con người trừ khi đã đem lòng yêu thương người ấy. Bằng tình yêu, một người có thể nhìn thấy những phẩm chất và đặc tính cần thiết ở người mình yêu thương và hơn nữa, người ấy còn nhìn thấy được những năng lực tiềm ẩn của bản thân – những năng lực tuy chưa phát triển hết nhưng cần phải được phát triển. Hơn nữa, bằng tình yêu của mình, người đó có thể khiến cho người mình yêu thương nhận ra những tiềm năng ở họ. Bằng cách nhận ra mình có thể là người thế nào và mình sẽ trở thành người ra sao, người đó sẽ biến những tiềm năng ấy thành sự thật.
Trong liệu pháp ý nghĩa, người ta không cho tình yêu chỉ là một hiện tượng phụ của động cơ và bản năng tính dục, mà tình yêu là một hiện tượng quan trọng cũng giống như tình dục. Thường thì tình dục là một phương thức biểu hiện của tình yêu. Tình dục được biện hộ, thậm chí được bào chữa bất cứ khi nào nó xuất phát từ tình yêu. Vì vậy, tình yêu không phải là hiệu ứng phụ của tình dục, mà tình dục là một biểu hiện của sự tan hòa vào nhau mà người ta gọi là tình yêu. Cách thứ ba để con người tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống là thông qua đau khổ.
 
7a07e8e674a0c51ccd9d16d764d9ba8c
 
Ý nghĩa của sự đau khổ
Chúng ta không bao giờ được quên rằng chúng ta vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời ngay cả khi đối diện với một tình huống vô vọng, với một số phận không thể thay đổi. Vì điều quan trọng là chúng ta sẽ thấy được năng lực thật sự của bản thân, vốn có thể thay đổi bi kịch cá nhân thành chiến thắng, biến hoàn cảnh nghiệt ngã thành sự mạnh mẽ của bản thân. Khi chúng ta không còn khả năng thay đổi hoàn cảnh – như mắc phải căn bệnh nan y, chẳng hạn ung thư giai đoạn cuối – nghĩa là chúng ta đang được thử thách để thay đổi chính mình.
Cho phép tôi trích dẫn một ví dụ để làm rõ luận điểm trên: Có lần, một bác sĩ đa khoa đã nhờ tôi tư vấn vì mắc chứng trầm cảm. Ông không thể vượt qua được nỗi đau mất vợ hai năm trước, bà ấy là người ông yêu thương nhất đời. Giờ thì tôi có thể làm gì để giúp ông? Tôi nên nói điều gì? Và tôi đã không nói gì với ông ngoại trừ một câu hỏi: “Bác sĩ, điều gì sẽ xảy ra nếu như ông chết trước và vợ ông là người ở lại?”. “Ồ,” – ông thốt lên, - “điều đó thật khủng khiếp đối với bà ấy, làm sao bà ấy có thể chịu đựng nổi!”. Tôi đáp lời ông: “Ông thấy đó, bác sĩ, bà ấy không phải chịu nỗi đau đó và ông đã là người gánh chịu thay cho bà – Vì vậy, việc giờ đây ông phải sống và nhớ thương bà ấy là có ý nghĩa sâu sắc của nó”. Ông ấy không nói gì mà chỉ nắm lấy ta tay tôi và thanh thản rời khỏi văn phòng. Theo cách nào đó, một người sẽ không còn cảm thấy đau khổ nữa ngay vào thời khắc họ tìm thấy ý nghĩa nào đó cho cuộc sống của mình, chẳng hạn như ý nghĩa của sự hy sinh.
Dĩ nhiên đây không hẳn là việc điều trị theo đúng nghĩa của nó, bởi vì thứ nhất, sự tuyệt vọng của một người không phải là bệnh; và thứ hai, tôi không thể thay đổi số phận của ông ấy, tôi không thể giúp vợ ông ấy sống lại. Nhưng vào lúc đó, tôi đã thành công trong việc thay đổi thái độ của ông ấy về số phận không thể thay đổi của ông, bởi vì từ lúc ấy, ít nhất ông ấy đã có thể nhận thấy ý nghĩa trong sự chịu đựng của mình. Đây là một trong những nguyên lý cơ bản của liệu pháp ý nghĩa, trong đó mối quan tâm của con người không phải là để đạt được sự sung sướng hoặc né tránh khổ đau mà là nhìn thấy được ý nghĩa của đời mình. Điều này giải thích vì sao con người sẵn sàng chịu đựng khổ đau, miễn rằng họ biết chắc sự chịu đựng của mình là có ý nghĩa.
Tôi muốn nói rõ một điều rằng: không nhất thiết phải trải qua đau khổ thì con người mới tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Tôi chỉ nhấn mạnh là con người vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa trong đau khổ – nếu đó là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu có thể tránh được thì việc cần làm là hãy xóa bỏ nguyên nhân của nó, dù nguyên nhân này thuộc về tâm lý, sinh lý hay chính trị. Chịu khổ một cách không cần thiết là khùng điên hơn là anh hùng.
Trước khi qua đời, Edith Weisskopf-Joelson, nữ giáo sư của Đại học Georgia đã khẳng định trong bài viết của mình về liệu pháp ý nghĩa rằng: “Các quan điểm về sức khỏe thần kinh hiện nay nhấn mạnh ý niệm cho rằng đã là người thì phải hạnh phúc, rằng bất hạnh là một triệu chứng rối loạn thích ứng. Cách chẩn đoán phân biệt như thế chẳng khác nào làm cho nỗi bất hạnh không thể tránh được, vốn đã là một gánh nặng, giờ càng thêm nặng nề bởi chính nỗi chán chường về tình trạng bất hạnh, kém may mắn của mình”. Và trong một bài báo khác, bà đã thể hiện hy vọng rằng liệu pháp ý nghĩa có thể giúp giải quyết những xu hướng tiêu cực trong nền văn hóa ngày nay ở Mỹ, nơi những người mắc bệnh nan y có rất ít cơ hội để tự hào về những đau khổ của mình, họ càng không thể xem nỗi đau là cao quý chứ không phải là sự thấp hèn” vì vậy những người này không chỉ cảm thấy bất hạnh mà còn xấu hổ vì sự bất hạnh của mình”.
Có khi chúng ta bị tước đi cơ hội làm việc hay cơ hội hưởng thụ cuộc sống, nhưng dù là gì thì chúng ta cũng không thể tránh được sự đau khổ. Bằng cách can đảm chấp nhận đau khổ, xem đó như là thử thách cần vượt qua, cuộc sống có ý nghĩa đến tận giây phút cuối cùng và nó vẫn giữ nguyên ý nghĩa này cho đến khi mọi sự kết thúc. Nói cách khác, ý nghĩa cuộc sống là một ý nghĩa vô điều kiện, bởi vì nó bao hàm luôn cả ý nghĩa về nỗi đau không thể tránh được.
 
Animation49
 
Hãy để tôi nhắc lại sự việc có lẽ là trải nghiệm sâu sắc nhất của tôi trong trại tập trung. Tỷ lệ sống sót trong trại không hơn 1/28 như các thống kê chính xác đã nêu. Sự sống dường như là vô vọng, cũng vô vọng như nỗ lực của tôi trong việc cứu lấy tập bản thảo cuốn sách đầu tiên mà tôi giấu trong áo khoác khi mới đến Auschwitz. Vì vậy, tôi phải chịu đựng và vượt qua nỗi đau mất mát đứa con tinh thần của mình. Và khi ấy, dường như không ai và không điều gì có thể làm động lực sống cho tôi, bởi vợ chồng tôi chưa có con mà đứa con tinh thần của tôi cũng đã không còn! Thế là tôi thấy mình đang đối diện với một câu hỏi, rằng trong hoàn cảnh này, cuộc đời của tôi rốt cuộc có vô nghĩa hay không.
Tôi đã không nhận ra rằng trong khi tôi vẫn đau đáu với câu hỏi này thì lời đáp đã có sẵn và đến với tôi không lâu sau đó. Đấy là lúc tôi phải cởi bỏ bộ quần áo của mình và mặc vào mớ đồ rách nát của một người tù khác - người đã bị đưa tới phòng hơi ngạt ngay sau khi đến Auschwitz. Thay cho những trang bản thảo của mình, tôi đã tìm thấy trong túi của chiếc áo khoác ấy một trang được xé ra từ kinh Do Thái, chứa những lời cầu nguyện quan trọng nhất của người Do Thái – Shema Yisrael. Tôi nên giải thích sự trùng hợp” này như thế nào đây ngoài việc cho đó là một thử thách, yêu cầu tôi sống với các ý tưởng của mình thay vì viết chúng lên giấy?
Tôi nhớ lại, một lúc sau, tôi có cảm giác dường như không bao lâu nữa mình sẽ chết. Thế nhưng trong hoàn cảnh khó khăn này, mối bận tâm của tôi lại khác với hầu hết những tù nhân khác. Câu hỏi của họ là: “Liệu chúng ta có sống sót nổi trong trại không? Nếu không, thì tất cả những đau khổ này là vô nghĩa”. Còn câu hỏi chiếm lĩnh tâm trí tôi khi ấy là: “Liệu tất cả những đau khổ này, sự chết chóc bao quanh chúng tôi này, có một ý nghĩa nào chăng?”. Vì nếu không thì rốt cuộc chẳng còn ý nghĩa gì để sinh tồn cả, bởi vì nếu ý nghĩa cuộc sống bị phụ thuộc vào những tình huống ngẫu nhiên, ngoài tầm kiểm soát của bản thân thì cuối cùng - dù có tìm được lối thoát hay không – mọi nỗ lực của ta đều là vô nghĩa.
--🌿🍁🌿--

No comments:

Ngủ ngoan nhé con yêu!

သီတင်းကျွတ်လပြည့်နေ့မှစ၍ မြန်မာပြည်သူအားလုံး စိတ်ဆင်းရဲခြင်းမှ ကျွတ်လွတ်ပါစေ ကိုယ်ဆင်းရဲအပေါင်းမှ ကျွတ်လွတ်ပါစေ ဘေးရန်အပေါင်းမှ ကျွတ်လွတ်ပါစ...