Monday, March 14, 2022

CÁC CUỘC CHIẾN THẮNG LỢI, MÔN NGHỆ THUẬT ĐÃ MẤT

 CÁC CUỘC CHIẾN THẮNG LỢI, MÔN NGHỆ THUẬT ĐÃ MẤT

YUVAL NOAH HARARI - 21 BÀI HỌC CHO THẾ KỶ 21
-------🍁🍁🍁-------
Tại sao các cường quốc lớn lại khó thực hiện các cuộc chiến thành công trong thế kỷ 21? Một lý do là sự thay đổi trong bản chất của nền kinh tế. Trong quá khứ, các tài sản kinh tế chủ yếu mang tính vật chất, vậy nên việc tự làm giàu bằng cách đi chinh phục khá là rõ ràng. Nếu anh đánh bại kẻ thù trên chiến trường, anh có thể lấy lại vốn bằng cách cướp bóc các thành phố của chúng, bán thường dân của chúng trong các chợ nô lệ và chiếm các ruộng lúa mì, các mỏ vàng quý giá. Người La Mã giàu lên nhờ bán những người Hy Lạp và Gaul bị bắt, người Mỹ thế kỷ 19 phát đạt nhờ chiếm các mỏ vàng ở California và các trại gia súc ở Texas.
Thế nhưng vào thế kỷ 21, chỉ những thứ lợi lộc bèo bọt mới được kiếm bằng cách đó. Ngày nay, các tài sản kinh tế chủ yếu bao gồm kiến thức kỹ thuật và tổ chức hơn là các cánh đồng lúa mì, các mỏ vàng hay thậm chí các giếng dầu; và anh đơn giản là không thể chinh phục kiến thức bằng chiến tranh.
Ty
Một tổ chức như Nhà nước Hồi giáo có thể vẫn phát triển nhờ cướp bóc các thành phố và các giếng dầu ở Trung Đông chúng cướp được hơn 500 triệu đô la từ các nhà băng ở Iraq, và vào năm 2015 kiếm thêm 500 triệu nữa nhờ bán dầu; nhưng với một cường quốc như Trung Hoa hay Hoa Kỳ, đấy chỉ là những con số “quá muỗi”. Với GDP hằng năm hơn 20 nghìn tỷ đô la, Trung Hoa hẳn không muốn bắt đầu một cuộc chiến chỉ vì một tỷ đô bọ. Còn chuyện chi hàng nghìn tỷ cho một cuộc chiến chống lại Mỹ, làm sao Trung Hoa trả nổi các chi phí đó và cân bàng được những thiệt hại do chiến tranh và các cơ hội giao thương mất đi gây ra? Liệu giải phóng quân thắng lợi có cướp được của cải của Thung lũng Silicon? Đúng, các tập đoàn như Apple, Facebook và Google có giá hàng trăm tỷ đô la, nhưng anh không thể chiếm gia tài của họ bằng vũ trang. Chẳng có mỏ silicon nào ở Thung lũng Silicon cả.
Một cuộc chiến thành công về lý thuyết vẫn có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ bằng cách cho phép người chiến thắng tái sắp xếp hệ thống thương mại thế giới theo hướng có lợi cho mình, như Anh đã làm sau chiến thắng trước Napoleon và như Mỹ đã làm sau chiến thắng trước Hitler. Tuy nhiên, các thay đổi trong công nghệ quân sự khiến việc lặp lại chiến thắng này trở nên khó khăn trong thế kỷ 21. Bom nguyên tử đã biến thắng lợi trong một cuộc thế chiến thành tự sát tập thể. Chẳng phải trùng hợp mà từ sau vụ Hiroshima, các siêu cường không bao giờ đánh nhau trực diện mà chỉ tham gia vào những thứ (với họ) là các xung đột nguy cơ thấp, trong đó sức cám dỗ phải sử dụng vũ khí hạt nhân để tránh thất bại là nhỏ. Quả thật, ngay cả việc tấn công một sức mạnh hạt nhân loại hai như Bắc Hàn đã là một đề xuất cực kỳ kém hấp dẫn rồi. Thật đáng sợ khi nghĩ đến điều mà họ có thể sẽ làm nếu đối diện với thất bại quân sự.
Chiến tranh mạng khiến mọi thứ còn tệ hơn đối với các đế quốc tiềm năng. Vào thời Nữ hoàng Victoria và sông Maxim, quân đội Anh có thể tàn sát những thổ dân trong một sa mạc xa xôi nào đó mà không đe dọa gì đến hòa bình của Manchester và Birmingham. Ngay trong những ngày của George W. Bush, nước Mỹ có thể tàn phá Baghdad và Fallujah trong khi người Iraq không có cách nào để trả đũa San Francisco hay Chicago. Nhưng nếu ngày nay, Mỹ tấn công một nước sở hữu dù chỉ năng lực chiến tranh mạng trung bình, cuộc chiến có thể bị đưa đến California hay Illinois chỉ trong vài phút. Các mã độc và bom logic có thể dừng không lưu ở Dallas, khiến tàu hỏa đâm vào nhau ở Philadelphia và đánh sập mạng lưới điện ở Michigan.
Vào thời kỳ vĩ đại của các nhà chinh phục, chiến tranh là một phi vụ ít thiệt hại, nhiều lợi lộc. Trong trận Hastings năm 1066, William Kẻ Chinh Phục chiếm được cả nước Anh chỉ trong một ngày với cái giá là vài ngàn người chết. Vũ khí hạt nhân và chiến tranh mạng, trái lại, là các công nghệ thiệt hại cao, lợi nhuận thấp. Bạn có thể sử dụng các công cụ như vậy để phá hủy hoàn toàn nhiều đất nước chứ không phải để xây nên các đế chế phồn thịnh.
Trong một thế giới đang dần vang lên những tiếng gươm khua và đầy năng lượng xấu, có lẽ sự đảm bảo hòa bình tốt nhất của chúng ta là các cường quốc chính yếu không nhìn thấy những ví dụ gần đây về các cuộc chiến thành công. Trong khi Thành Cát Tư Hãn hay Julius Caesar xâm lược một nước khác gần như ngay lập tức thì các lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa thời hiện đại như Erdogan, Modi và Netanyahu mạnh mồm nhưng lại rất thận trọng trong việc thực sự mở màn chiến tranh. Dĩ nhiên, nếu ai đó thật sự tìm được một công thức tiến hành các cuộc chiến thành công trong các điều kiện của thế kỷ 21, những cánh cửa địa ngục có thể mở đánh rầm. Đây là điều khiến thành công của Nga ở Crimea trở thành một điềm báo đáng quan tâm. Hãy hy vọng nó tiếp tục là một ngoại lệ.
Cuộc Diễu Hành Ngu Xuẩn
Lạy Trời, ngay cả nếu chiến tranh vẫn là một hoạt động không lợi lộc gì trong thế kỷ 21, điều đó vẫn không thể cho chúng ta một đảm bảo tuyệt đối về hòa bình. Chúng ta không bao giờ được đánh giá thấp sự xuẩn ngốc của loài người. Cả trên bình diện cá nhân và tập thể, con người có khuynh hướng tham gia vào các hoạt động tự hủy diệt.
Vào năm 1939, chiến tranh có lẽ là một động thái phản tác dụng đối với các quốc gia phe Trục, thế nhưng điều đó cũng không cứu thế giới tránh khỏi xung đột. Một trong những điều đáng kinh ngạc về Thế chiến thứ hai là sau khi kết thúc, các nước thua cuộc lại thịnh vượng hơn bao giờ hết. Hai mươi năm sau sự hủy diệt hoàn toàn của quân đội và sự sụp đổ hoàn toàn của các đế chế của mình, người Đức, người Ý và người Nhật đã tận hưởng những mức độ thịnh vượng chưa từng có. Thế thì tại sao họ lại đi đánh nhau ngay từ đầu? Tại sao họ lại mang đến cái chết và sự hủy diệt không cần thiết cho vô số triệu người? Tất cả chỉ là một sự tính toán sai lầm ngu xuẩn. Vào những năm 1930, các tướng lĩnh, đô đốc, nhà kinh tế và nhà báo Nhật đồng ý với nhau rằng nếu không kiểm soát được Triều Tiên, Mãn Châu và vùng bờ biển Trung Hoa, Nhật Bản sẽ phải chịu cảnh ì trệ kinh tế. Tất cả bọn họ đã sai. Trên thực tế, phép mầu kinh tế nổi tiếng mang tên Nhật Bản chỉ bắt đầu sau khi Nhật thất bại trong mọi cuộc chinh phục lục địa của mình.
Sự xuẩn ngốc của con người là một trong những động lực quan trọng nhất trong lịch sử, thế nhưng chúng ta thường có xu hướng không tính đến nó. Các chính trị gia, tướng lĩnh và học giả đối xử với thế giới như một ván cờ vĩ đại, nơi mỗi nước đi đều theo các tính toán lý tính cẩn trọng. Điều này là đúng cho đến một điểm nào đó. Rất ít nhà lãnh đạo trong lịch sử bị điên theo nghĩa đen, di chuyển các quân tốt và quân mã một cách tùy tiện.
Tướng Tojo, Saddam Hussein có các lý do hợp lý cho mọi nước cờ họ đi. Vấn đề là thế giới phức tạp hơn nhiều so với một bàn cờ, và lý tính của con người không đủ khả năng thực sự hiểu được nó. Do đó, ngay cả các lãnh đạo lý tính cũng thường xuyên làm những việc rất thiếu khôn ngoan.
Thế thì chúng ta nên sợ một cuộc thế chiến đến mức nào? Một mặt, chiến tranh chắc chắn là tránh được. Sự kết thúc hòa bình của Chiến tranh Lạnh chứng minh rằng khi con người đưa ra những quyết định đúng, ngay cả các xung đột siêu cường cũng có thể được giải quyết một cách hòa bình. Hơn nữa, cho rằng một cuộc thế chiến mới là không thể tránh khỏi là quá nguy hiểm. Nó sẽ là một lời tiên tri tự biến thành hiện thực. Một khi các quốc gia cho rằng chiến tranh là không tránh khỏi, họ sẽ tăng cường quân sự, khởi động các cuộc chạy đua vũ trang leo thang, từ chối thỏa hiệp trong bất cứ xung đột nào và nghi ngờ các hành động thiện chí chỉ là những cái bẫy. Điều đó đảm bảo sự bùng nổ chiến tranh.
Mặt khác, sẽ là ngây thơ nếu cho rằng chiến tranh là bất khả. Ngay cả nếu chiến tranh có là thảm họa cho tất cả mọi người, không vị thần và không luật lệ tự nhiên nào bảo vệ chúng ta khỏi sự xuẩn ngốc của loài người.
Liều thuốc khả dĩ cho sự xuẩn ngốc đó là khiêm tốn. Các căng thẳng dân tộc, tôn giáo và văn hóa trở nên tệ hại hơn vì cảm giác phô trương cho rằng dân tộc tôi, tôn giáo tôi và văn hóa tôi là quan trọng nhất trên thế giới, do đó các lợi ích của tôi phải đứng trước lợi ích của bất kỳ ai khác hay của cả nhân loại. Làm sao ta khiến các dân tộc, các tôn giáo và các nền văn hóa trở nên thực tế và khiêm tốn hơn một chút về vị trí thực của chúng trên thế giới?
-------🍁🍁🍁-------
Trích: 21 Bài Học Cho Thế Kỷ 21
Tác giả: Yuval Noah Harari
Dương Ngọc Trà dịch

No comments:

Quy Mệnh Thế Tôn Như Lai - Chú Lăng Nghiêm

Quy mệnh đức thế tôn  Như Lai Chú Lăng Nghiêm