ĐỂ ĐỌC SÁCH NHANH - TẠI SAO CHỈ CẦN NĂM DÒNG ĐÃ HIỂU?
Nắm được “cấu trúc của tiêu đề” sẽ quyết định được “đơn vị đọc nhảy cóc”
Phần này liên quan đến mục thứ hai trong phần “Ba điểm giúp phán đoán nên đọc nhảy cóc chỗ nào” mà tôi đã nói ở trước. Sau khi bạn phát huy tối đa hiệu quả của việc đọc lướt thì điều quan trọng là sử dụng “cấu trúc của sách” một cách trôi chảy.
Về cơ bản, cấu trúc của một cuốn sách giấy được chia như thế này:
CHƯƠNG - ĐOẠN - MỤC
Tất nhiên, không phải cuốn nào cũng nhất định phải chia như thế. Cũng có những cuốn được chia thành “phần 1”, “phần 2”; cũng có những cuốn không có tiêu đề ở đầu mỗi mục.
Dù thế nào thì trước khi đọc vào nội dung cuốn sách hãy xác nhận lại mục lục, đọc thoáng qua nội dung bên trong xem cấu trúc của cuốn sách ấy ra sao.
Sau đó, hãy quyết định mình “nên đọc đơn vị nào của cuốn sách” (một đơn vị tương đương với nhiều nhất là khoảng 20 trang sách). Nếu cuốn sách ấy có cấu trúc như cuốn này thì hãy chia tách mỗi đoạn bằng câu tiêu đề và đọc. Những việc sau đó sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Nếu phân vân chưa biết có nên đọc nhảy cóc hay không, hãy đọc năm dòng đầu tiên và năm dòng cuối cùng
Chỉ đọc năm dòng đầu và năm dòng cuối của mỗi mục nhỏ để có thể rút ngắn được thời gian đọc. Trong trường hợp nếu đã đọc cả lời nói đầu và mục lục mà vẫn không phán đoán được phần nào là quan trọng thì hãy tích cực thử phương pháp này xem sao.
Với cách đọc này thì dù có bỏ đi “đoạn giữa”, bạn vẫn có thể phần nào hiểu được nội dung vì một vài lý do, trong đó có hai lý do lớn như sau:
Đầu tiên, bộ não của con người vô cùng kỳ diệu. Nếu đọc A rồi nhảy cóc sang C thì não bộ sẽ tự dự đoán “ở giữa chắc là B rồi”. Tất nhiên, cũng có trường hợp không chính xác vì dù sao đó cũng chỉ là dự đoán, nhưng tôi nghĩ đó không phải là vấn đề lớn, vì còn liên quan tới lý do thứ hai sau đây:
Những nội dung được lý giải trong sách kinh doanh và sách mới ít nhiều đều theo cấu trúc sau:
Mở đoạn: Biểu thị chủ đề và chủ trương.
Thân đoạn: Các ví dụ để triển khai chủ đề, các luận cứ của chủ trương.
Kết đoạn: Dựa trên những ví dụ và luận cứ được đưa ra để xác nhận lại chủ đề - chủ trương.
Phần mở đoạn thường là phát ngôn cho chủ đề và chủ trương. Phần này sẽ biểu thị rõ ràng “từ bây giờ có vấn đề gì phát sinh”, “chúng ta nên làm gì”. Nội dung này thường chỉ gói gọn trong khoảng năm dòng đầu tiên và năm dòng cuối cùng.
“Vậy thì chúng ta cần giải quyết vấn đề X này như thế nào? Tôi có vài cách cho vấn đề này, và phương pháp được sử dụng nhiều nhất là Y”.
Đây là cách một đoạn được bắt đầu, sau đó tác giả sẽ diễn giải phương pháp Y bằng nhiều ví dụ cụ thể.
Nhiều trường hợp, phần kết đoạn tác giả không chỉ dừng lại ở việc đưa ra các ví dụ mà còn đưa thêm điều mình muốn nói vào nữa.
“Như tôi đã trình bày ở trên, cách giải quyết của vấn đề này, công ty A, đại lý B, đơn vị vận chuyển C đang làm. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì có còn đúng nữa hay không?”
Điều quan trọng là, cho dù có đọc nhảy cóc những ví dụ được đưa ra ở giữa mỗi đoạn thì bạn vẫn có thể hiểu được ý đồ của tác giả ở đây là: “Để giải quyết vấn đề X thì cách Y là phổ biến nhất”.
Ngoài ra, ở cuối mỗi đoạn, tác giả thường khéo léo đưa lời dẫn nhập cho phần tiếp theo nên thường thì chỉ cần nhảy sang đọc phần tiếp theo bạn vẫn có thể nắm được toàn bộ nhịp của cuốn sách.
“Chỉ đọc thẳng” không phải là “cách đọc sách đúng”
Tất nhiên, cũng có những lúc mạch văn chẳng ăn nhập gì với nhau, nên gặp những trường hợp đấy, bạn hãy nhìn qua phần giữa của các đoạn.
Việc đọc năm dòng đầu tiên mở đoạn và năm dòng cuối cùng kết đoạn sẽ giúp bạn xác định được phần này có cần thiết với mình hay không. Sau khi đọc các dòng đó, nếu cảm thấy “chỗ này mình cần” thì hãy đọc lại một lần nữa từ đầu đoạn thật cẩn thận. Đây chính là ý nghĩa thứ hai của việc đọc lướt.
Nội dung của sách được trình bày theo cách đọc mặc định là theo từng dòng, nhưng trên thực tế không nhất thiết phải đọc theo từng dòng.
Những người muốn đọc nhanh không đọc theo trình tự “mở đoạn” - “thân đoạn” - “kết đoạn” mà đọc “mở đoạn” – “kết đoạn”, vừa rút ngắn thời gian, tránh phải đọc những phần không cần thiết với mình, vừa tránh được nguy cơ bỏ sót những đoạn cần thiết.
Trích: “Đọc Nhanh, Hiểu Sâu, Nhớ Lâu Trọn Đời”
Tác Giả: Atsushi Innami
Nhà sách Thái Hà, năm 2019
Bài viết trên của tác giả chỉ nói đến thể loại sách kinh doanh như cuốn sách Dám Làm Giàu này đây. Quyển sách viết rất dở , nó giống như một quyển tự truyện hơn là một quyển sách dạy học.
Chẳng có bí mật gì ở đây cả, một câu chữ PR quyển sách một cách thô thiển. Dù sao tôi cũng cám ơn người tác giả đã tặng sách cho tôi.