Friday, July 20, 2018

MÙA XUÂN VÀ HOA SEN

Một năm với bốn mùa xuân hạ thu đông, thì mùa xuân được xem như là mùa của sự khởi đầu, mùa của những tươi mới, của ánh bình mình đang lên sau màn đêm tịch tịnh. Một mùa xuân bắt đầu cho những cành hoa đâm chồi nảy lộc, của những cành mai vàng rực rỡ hay cành đào thắm tươi khoe trong nắng mới. Mùa xuân thường bắt đầu cho những dự định, những kế hoạch cho một năm nhiều điều phúc, mùa của những lễ hội để cầu may cho một năm an lành. Mùa xuân tiết trời như thay áo mới, thoáng hơn, trong hơn và ánh nắng dường như vàng hơn, mùa của đoàn tụ sum vầy sau một năm bôn ba tứ xứ….
Tôi chợt nghĩ đến hoa sen khi xuân về, sen tượng trưng cho sự vượt lên khỏi bùn đen, hình ảnh đóa sen vươn mình khỏi mặt hồ, vươn lên trước gió, nở ra khoe sắc với sắc hồng tươi mát, tỏa ngát mùi thơm dịu kỳ. Trong đạo Phật, sen được dùng để ví cho sự tỉnh thức trọn vẹn, sự tỏa ngát hương của bậc trí giác ngộ, ấy vậy mà chư Phật hay các bậc Bồ tát được người đời tạc tượng, vẽ tranh thường đứng hay ngồi trên hoa sen, hoa sen cũng tượng trưng cho chúng sanh vượt mọi khổ đau, sống trong khổ đau mà không bị chìm vào đau khổ, cũng như những đóa sen thơm ngát, không có bùn đen tanh hôi thì làm sao có nhưng bông sen khoe sắc, sen không thể lớn lên và ngát hương trên lớp đất trải đầy kim cương, châu báu hay nước thơm tinh khiết, sen luôn từ bùn đen mà vượt lên, sống với bùn và được bùn nuôi dưỡng nhưng không bị dính bùn nhơ làm tanh hôi và làm thay đổi bản chất tinh khiết của những cánh hồng tươi thắm, bởi sen là sen, mà bùn là bùn, bởi trong những đóa sen luôn chứa đựng mầm sống tinh khôi trong sạch, trong sen luôn hiện diện bản tánh thanh cao thơm ngát dịu kỳ, nhưng sen không thể tách khỏi bùn hay mọi người chúng ta đây, hiện diện trên đời này không thể tách rời khỏi sự khổ đau, sinh, lão, bệnh, tử, nhưng bản tánh giác ngộ, tinh khôi của mọi người đều có sẵn trong mình,Đức Phật chúng ta đã nói: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành” đấy sao. Phật ở đây là giác ngộ, giác ngộ trọn vẹn, chánh đẳng chánh giác, cho dù chúng ta chưa giác ngộ hay giác ngộ một phần nào đó thôi, thì nếu quay về tỉnh thức, ta cũng có cũng thể giác ngộ trọn vẹn, chánh đẳng chánh giác như đức Thích Ca Mâu Ni.
26_Mua_xuan_va_hoa_sen
Thiền sư Phật Nhãn có bài thơ về Xuân rất hay, đầy ý nghĩa và thiền vị, mọi thứ đến đi đều thênh thang, đều thanh tịnh:
Xuân nhật xuân sơn ly
Xuân sự tận giai xuân
Xuân quang chiếu xuân thủy
Xuân khí kết xuân vân
Xuân khách tình xuân động
Xuân thi xuân cánh tận
Duy hữu thức xuân nhân
Vạn kiếp nguyên nhất xuân”.
Dịch thơ:
Ngày xuân, xuân trong núi,
Việc xuân thảy đều xuân.
Hồ xuân ánh xuân chiếu,
Khí xuân kết mây xuân.
Khách xuân lòng xuân động,
Thi xuân, xuân càng tươi.
Chỉ có người biết xuân,
Muôn kiếp một mùa Xuân.
                                      (HT Thích Thanh Từ dịch)

No comments:

GIÁ TRỊ TÂM LINH CỦA NGÀY RẰM THÁNG 10 - TẾT HẠ NGUYÊN

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm ...