Bài báo đến với bạn đọc là một quá trình không đơn giản bởi phải qua rất nhiều công đoạn. Tác giả những bài viết có chất lượng cao thường được độc giả yêu mến và cảm phục, thế nhưng người làm cho bài báo ấy hoàn chỉnh hơn, chính xác hơn và hấp dẫn hơn lại không được mấy ai biết đến. Đó là các biên tập viên, thường được ví von là "những nhà báo thầm lặng" .
Một Ban Biên Tập tầm thường mà có những người biên tập đầy năng lực thì có thể đưa ra công chúng một tờ báo hạng khá. Một Ban Biên Tập bản lĩnh được hậu thuẫn bởi những người biên tập giỏi thì bảo đảm xã hội có được một tờ báo thật hay. Ông nói thêm: "Dù người viết nổi tiếng đến thế nào đi nữa, bài của họ chỉ có lợi hơn nếu được người khác đọc và biên tập". Vai trò của người biên tập ngày càng quan trọng cùng với quá trình phát triển của truyền thông nói chung và báo chí nói riêng.
Đã từ lâu, nhiệm vụ của biên tập viên chủ yếu là sửa sai, gạn lọc và trau chuốt câu cú làm cho bài viết giản dị, dễ hiểu. Để làm công việc vừa nói một cách hoàn mỹ, người biên tập cần tra cứu, đối chiếu tài liệu và hội ý với người viết. Bài viết sau khi được sửa sẽ trở nên trong sáng, mạch lạc và ít sai sót hơn. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ, anh ta còn phải sống trong dòng thời sự chủ lưu, có trí phán đoán, sự uyên bác trong nhiều lĩnh vực, óc biện luận và phản biện, trí tưởng tượng, đức tính thận trọng và khiêm tốn, đồng thời cũng phải biết hoài nghi.
Giờ đây khái niệm biên tập đã được mở rộng, biên tập viên có mặt hầu như ở các khâu quan trọng trong quá trình sản xuất của một tờ báo với nhiều chức danh khác nhau, từ biên tập nội dung đến biên tập kỹ thuật, từ biên tập tít tựa các bài viết đến hình ảnh và cả biên tập trình bày trang báo... Với ban biên tập, họ là một bộ phận tham mưu đắc lực về nội dung tờ báo. Với phóng viên họ là người bạn đồng hành cùng làm việc, có khi tham gia từ bước đầu tư duy đề tài, trao đổi thông tin lẫn giúp hoàn chỉnh bài viết. Khái niệm huấn luyện viên viết báo (Writing-coach) được nói đến trong cuốn sách nghiệp vụ báo chí mà bạn đọc đang cầm trên tay có thể cho chúng ta hình dung biên tập viên làm việc như một huấn luyện viên trong thể thao. Họ không dạy dỗ mà cùng làm việc và chia sẻ thông tin với phóng viên, biết phát huy thế mạnh của từng người trong đội ngũ và tôn trọng phong cách của các cây viết.
Sửa bài nhưng không được sửa ý, đó là nguyên tắc mà người biên tập nào cũng thuộc nằm lòng. Chính sự tôn trọng ý tưởng của người viết khiến báo chí phản ánh được những góc nhìn khác nhau về một vấn đề được xã hội quan tâm, mới không bị rập khuôn như cách hiểu máy móc báo chí là một công cụ. Với cộng tác viên, biên tập viên làm vai trò trung gian giữa người làm báo và người viết báo. Vai trò ấy khiến việc sửa bài cho người bên ngoài đôi khi khó khăn và phức tạp hơn. Đã có không ít các bậc học giả, các chuyên viên mà tên tuổi đã trở thành "thương hiệu" khi thấy bài viết của mình bị sửa đôi chút đã vội phê phán tòa soạn một cách nặng nề rằng: đẻ đứa con ra không ai muốn con mình bị cắt chân, cắt tay.
Thật ra người biên tập không độc ác như vậy, anh ta chỉ cắt những mẩu thịt thừa và vài dị tật của cơ thể ấy mà thôi. Thế nhưng điều này không phải lúc nào cũng được các tác giả đồng tình. Chẳng hạn không ít cộng tác viên là chuyên viên lỗi lạc, nội dung các bài viết của họ nhiều khi được chuyển tải bằng những ngôn ngữ có tính bác học, phù hợp với phong cách nghiên cứu. Nhưng khổ nỗi, tờ báo lại có yêu cầu là làm sao để hầu hết độc giả của mình nắm bắt được những kiến thức uyên thâm ấy bằng một thứ ngôn ngữ đời thường dễ hiểu, đó là ngôn ngữ của báo chí. Cho nên tìm được một chuyên viên, một học giả, một nhà văn viết báo giỏi là điều rất quý đối với một tờ báo. Nếu không được như vậy, thì công việc của người biên tập sẽ rất nặng nề để tranh thủ được sự vừa lòng cả hai phía người viết và người đọc.
Thực tế cho thấy để bài báo hoàn chỉnh hơn thì công việc biên tập nên khởi đầu từ chính tác giả. Người viết, nếu được trau dồi kỹ năng sẽ biết những nguyên tắc căn bản về sửa bài để tránh bớt những sơ sót, cũng như để hoàn thiện cách sử dụng từ ngữ và lối hành văn. Bài viết của những nhà báo thận trọng sau khi qua tay người biên tập giỏi có khả năng sẽ tăng thêm hiệu ứng, tờ báo tạo thêm được uy tín với độc giả. Báo chí là một sản phẩm của xã hội. Định chế xã hội dù có khác nhau nhưng đạo đức nghề nghiệp vẫn cần được chuẩn hóa trên cơ sở tôn trọng sự thật, tính trung thực và khách quan, vì sự tiến bộ mọi mặt của con người và sự phát triển của cộng đồng. Làm thế nào để góp phần làm cho xã hội ngày hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay, phải chăng suy nghĩ đó đã khiến ngày càng có nhiều người thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau tham gia vào đời sống báo chí.
Quy Mệnh Thế Tôn Như Lai - Chú Lăng Nghiêm
Quy mệnh đức thế tôn Như Lai Chú Lăng Nghiêm
-
Phim do HQ sản xuất tôi có viết bài giới thiệu phim ở bên trang bangaivn nhưng phim không được giới les ở đó chú ý và tôi có chút c...
-
Chiến tranh và bom đạn, là những cơn ác mộng kinh hoàng đối với những con người vô tội. Và có điều còn ám ảnh hơn bao giờ hết chính là nỗi ...
-
Je pense done je suis If ( Nếu ) By Rudyard Kipling Bài thơ "If" sau đây của Rudyard Kipling (1865–1936), văn thi sĩ người Anh ...