Friday, September 1, 2017

Quyền lực của biên tập viên xuất bản

Nói không ngoa, tính theo con số sách được in thì hoạt động chính của nhà xuất bản (NXB) không phải là phát hành mà là từ chối phát hành! Một tác giả có thể bị từ chối hàng trăm lần rồi mới được xuất bản. Và tính trung bình, theo báo Le Nouvel Observateur của Pháp, chỉ 1/6.000 bản thảo được chọn phát hành thành sách.

Nhận 4.000 bản thảo, chỉ duyệt ba
Tùy theo quy mô, mỗi NXB thường nhận được từ vài trăm đến vài ngàn bản thảo mỗi năm. Bước đầu tiên là loại ra những tác phẩm nào không đạt tiêu chí bởi có rất nhiều tác giả “gõ nhầm cửa”, ví dụ tác phẩm thơ ca hay sách dạy nấu ăn mà lại gửi đến NXB tiểu thuyết!
Sau khi loại xong, bản thảo sẽ được chuyển đến các biên tập viên (BTV) thẩm định, họ được đọc không hạn chế thời gian nhưng phải càng nhanh càng tốt vì yếu tố cạnh tranh.
Việc đánh giá bản thảo thường là câu chuyện dài về “thẩm mỹ cá nhân” nhưng BTV phải biết cách lập luận bảo vệ và phản biện, phải xuyên suốt tư tưởng rằng đây mới chỉ là một sản phẩm thô chứ chưa phải là một thành phẩm.
 “Lời phán” của các BTV trong hội đồng thẩm định bản thảo luôn nặng ký khi có đến 99% bản thảo gửi đến phải ngậm ngùi nhận thư phúc đáp từ chối và tác giả phải đợi dịp may khác.
Đài phát thanh Europe 1 hé lộ cách thức mỗi BTV chọn tác phẩm. Chẳng hạn 4.000 - đó là con số bản thảo mà BTV Denis Gombert của NXB Robert Laffont nhận được mỗi năm nhưng ông chỉ duyệt được 2-3 tác phẩm mà thôi. Và khoảng 3.998 bản thảo kia hẳn nhiên sẽ bị “xù”. Một nghề quá ư là “tàn nhẫn” chăng? NXB Robert Laffont có bảy thành viên chuyên nghiệp trong hội đồng xét duyệt, trong đó có hai người là nhà văn, một đã làm trong lĩnh vực sản xuất phim tài liệu và một là giáo viên ngôn ngữ bậc trung học.
Quyền lực của biên tập viên xuất bản - ảnh 1
BTV Capucine Roche: “Không bao giờ chúng tôi trao đổi ý kiến với đồng nghiệp. Đó là nguyên tắc bảo mật trước khi trình bày với hội đồng xét duyệt”.
Bị các tác giả khủng bố tinh thần
Báo Le Figaro thuật lại chuyện xảy ra tại NXB Grasset, nơi cô Martine Boutang làm trưởng nhóm thẩm định tiểu thuyết và mỗi ngày nhận được từ 10 đến 15 bản thảo để chỉ phát hành được khoảng năm tiểu thuyết mỗi năm.
Những tác giả bị từ chối thường la ó kể cả thóa mạ, cho rằng NXB hẳn là chưa bao giờ đọc qua bản thảo của họ nên mới từ chối phát hành. Một số tác giả yêu cầu được giải thích rõ ràng lý do sau khi bị từ chối hoặc càu nhàu, “cà nanh” vì sao ông X hay bà Y kia được in mà “không phải tôi”. Có tác giả còn dẫn chứng cụ thể ra rằng: “Tác phẩm tôi viết ở trang 256 có chi tiết một sợi tóc là vật chứng của vụ án này mà quý vị không chú ý hay sao mà cho là truyện của tôi không đạt”!
Cô Martine Boutang kể ra có nhiều tác giả quá khích “như là điên dại” vậy: “Họ gửi thư chửi rủa chúng tôi thậm tệ” và gửi thư đủ màu sắc và mùi vị! Có những bức thư khiếu nại được tẩm nước hoa, có thư được gửi kèm với một gói kẹo, thậm chí có thư kèm ảnh khỏa thân! Một số tác giả còn chủ ý gây áp lực với NXB khi tự nhận mình là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rộng do quen biết với ông bộ trưởng này, ông bộ trưởng kia…
Hẳn nhiên là những thái độ đó khiến Martine Boutang bị stress nhưng dần dần cô cũng tập quen và bão hòa. Cô tự nhủ: “Dù sao thì mình cũng biết thêm được một tính cách khác thường nữa”.
Gian nan để trở thành biên tập viên xuất bản
Theo L’Express, trở thành một BTV xuất bản thật không dễ. Vì chỉ do bạn ham mê đọc tác phẩm và yêu thích văn chương thôi thì chưa đủ, mà phải hội đủ nhiều tố chất khác như tinh thông và nhạy bén về ngôn ngữ, một đầu óc phân tích sắc xảo tình huống bối cảnh và diễn tiến phát triển các tuyến nhân vật, cốt truyện. Song trên thực tế các NXB đều thích tuyển dụng những người đã “có chân” trong lĩnh vực này rồi, ví dụ bạn bè hay người thân bởi công việc này khá khắc nghiệt, các NXB không muốn tuyển nhầm. Thường là họ sẽ chuộng các ứng viên tốt nghiệp ngành văn chương, kế đến là tiêu chuẩn “đam mê văn học”.
Jessica, 22 tuổi, một BTV thẩm định trẻ tuổi làm việc cho NXB Balland, tốt nghiệp Học viện Chính trị (Sciences-Po), khởi nghiệp từ một trang web cá nhân giới thiệu các tác giả và tác phẩm văn học. Chính cô đã đích thân đến gõ cửa các NXB để “chào hàng” và đã được một trong số đó mời về làm BTV xuất bản.
Một trường hợp khác là Gilles Froger, làm việc cho NXB Denoël, được cho là một BTV “tự học một cách hoàn hảo”. Năm 1993 khi đang đi du lịch với cô bạn gái, anh đã gặp cố vấn văn chương đang làm việc cho một NXB và ông này đã nhìn ra chân tướng sao đó mà đề nghị Gilles về làm “người đọc bản thảo” cho NXB. Anh nhận lời và sau sáu năm miệt mài, Gilles đã trở thành một BTV chuyên nghiệp. Không ai nghĩ rằng một thầy giáo dạy mỹ thuật lại làm được nghề này nhưng anh cho biết là do niềm đam mê cháy bỏng là “được sống chết với những con chữ” và một niềm tin mãnh liệt vào nghề nghiệp đã giúp anh thành công.
Niềm đam mê bất tận được đọc
Capucine Roche, BTV của một NXB lớn tại Paris, từng là một PV báo phụ trách mảng văn học, đã đồng ý tiết lộ một số bí mật nghề nghiệp của mình. Theo cô, “không có một quá trình đào tạo chuyên biệt nào cho lĩnh vực công việc này. Tuy nhiên, những ứng viên đã tốt nghiệp ngành văn chương sẽ được ưu ái hơn”. Và quan trọng hơn cả là phải có niềm đam mê công việc, phải thích đọc và đọc bất kể thời điểm nào trong ngày. Theo cô, công việc này có cái dở là nhàm chán khi phải đọc những bản thảo quá “cẩu thả”, rồi phải dành nhiều thời gian để… giam mình trong phòng làm việc, cô đơn một mình! Song cái thích thú của nghề là ham muốn phát hiện được những tài năng văn chương mới và vui sướng biết bao khi thấy tác phẩm mà mình ưng ý xuất hiện trên quầy sách.
PV hỏi: “Có khi nào cô chỉ cần đọc một vài trang là có thể thẩm định được chất lượng tác phẩm đó không?” - “Không. Bởi vì như vậy thì bạn có thể rơi vào những nhận xét rất phiến diện đấy. Có một lần nọ, tôi đọc một tác phẩm mà câu chuyện bắt đầu một cách rất tuyệt vời. Sau mấy chương đầu, tôi rất hứng khởi và nghĩ rằng đã tìm ra được một kiệt tác văn học. Nhưng hỡi ôi, đến chương thứ năm thì mọi kỳ vọng của tôi tan biến. Sao mà câu chuyện lại xàm đến thế! Nhưng dù sao thì tôi cũng đọc được quá nửa bản thảo nên chắc chắn là không nhận xét nhầm” - một BTV kể.
Giữ quan điểm thẩm định tuyệt mật
Capucine Roche, BTV thẩm định bản thảo: “Không bao giờ chúng tôi trao đổi ý kiến với đồng nghiệp. Đa số chúng tôi không quen biết nhau, có thể chúng tôi gặp nhau trong phòng bản thảo nhưng rất hiếm, mà nếu có gặp nhau thì chúng tôi chỉ gật đầu chào nhau rồi thôi. Theo quy định bảo mật của NXB, chúng tôi không trao đổi hay tham khảo ý kiến của nhau khi đang cùng làm việc trên một bản thảo. Hẳn nhiên, mỗi BTV đều có một sở trường riêng và khi xin việc, chúng tôi phải nói rõ cho NXB biết sở trường của mình. Bởi không thể giao một tác phẩm thơ ca cho một BTV chuyên về khoa học giả tưởng thẩm định, ví dụ như vậy. Tôi thì chỉ xử lý thể loại tiểu thuyết mà thôi”.
Hội đồng xét duyệt tranh cãi kịch liệt
Hội đồng xét duyệt của một NXB có nhiều hay ít người là tùy vào quy mô NXB lớn hay nhỏ, có thể có 1-5 thành viên hoặc hơn. Đội ngũ BTV này sẽ nhận và đọc bản thảo, sau đó ghi lại tất cả đánh giá vào một mẫu phiếu nhận xét theo hình thức trắc nghiệm chọn a, b, c,… để chấm điểm nội dung bản thảo tác phẩm, như các tuyến nhân vật, diễn tiến của câu chuyện, kết thúc có hậu hay không,…
Hội đồng xét duyệt sẽ họp định kỳ mỗi tuần hoặc mỗi tháng để thảo luận thống nhất chọn ra tác phẩm nào sẽ được in. Kết quả thẩm định và bình chọn này thật sự đôi khi mang tính chủ quan, tùy theo “gu” thẩm mỹ văn học của các BTV khác nhau trong một hội đồng nên đôi khi là tranh luận kịch liệt, cũng giống lời phê của giáo viên vào bài làm của học sinh sẽ thay đổi tùy theo quan điểm đánh giá của mỗi người thầy.

CHÚNG TA LÀ NHỮNG GÌ CHÚNG TA NGHĨ

  Trích: Nghệ Thuật Tối Giản - Có Ít Đi, Sống Nhiều Hơn; Việt dịch: Alex Tu Dịch;  Người khác có thể dễ dàng đọc được niềm vui và nỗi khổ tr...