PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU KHIỂN CẢM XÚC
SHUNMYO MASUNO
ẢO TƯỞNG MANG TÊN MẶC CẢM
Tôi cảm giác, số người trong xã hội hiện đại không thể kiểm soát tốt cảm xúc đang tăng lên. Một ví dụ tiêu biểu như khi thời tiết xấu đi khiến phương tiện giao thông bị trễ chuyến. Nguyên nhân là hiện tượng thời tiết, nên trách nhiệm không nằm ở nhân viên nhà ga. Tuy vậy lại có nhiều người thúc ép “Làm cái gì đi chứ!” Hoặc là, không ít trường hợp chỉ bị va vào vai một chút do trên xe điện quá đông mà xảy ra tranh cãi.
Lý do là chúng ta không thể khống chế cảm xúc tức giận, điều này cũng đúng với toàn bộ cảm xúc hỉ nộ ai lạc. Chắc chắn đây là một nguyên nhân khiến mối quan hệ nhân sinh gặp trắc trở, nói xa hơn nữa là giết chết mối quan hệ ấy.
Tuy nhiên, con người hiện đại cũng mang cảm giác lo sợ với tình trạng đó. Hẳn rằng ai cũng muốn tâm hồn được an yên.
“Bình thường tâm thị đạo.”
Đây là câu nói của thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện thời nhà Đường, Trung Hoa. “Bình thường tâm” tức là tâm luôn thường trực, không biến động. Nói cách khác thì ý nghĩa của Thiền ngữ này là giác ngộ. Có thể bạn liên tưởng tâm không biến động là trái tim rời xa cảm xúc. Tuy nhiên không phải vậy.
Con người không thể rời xa cảm xúc hỉ nộ ai lạc. Tất cả niềm vui, tức giận, buồn thảm, hay suy nghĩ vui vẻ đều là cảm xúc tự nhiên dâng trào. Chúng ta không cần ép uổng, không cần giết chết cảm xúc đó.
Tâm dao động bởi hỉ nộ ái lạc cũng không sao, nhưng nếu biên độ dao động quá lớn thì ta sẽ bị chi phối bởi cảm xúc. Bản thân phấn khích vì vui Sướng, quên mất dành sự quan tâm săn sóc cho xung quanh, hoặc cứ thế cuốn theo cơn giận mà bộc phát.
Tuy nhiên, “bình thường tâm” tức là biên độ dao động nhỏ, bản thân không bị chi phối bởi cảm xúc, tâm ngay lập tức quay về trạng thái bình ổn. Tôi thường ví von tâm với cây tre, rằng giả như gió thổi, tre sẽ nghiêng về hướng gió; nhưng khi gió ngừng, nó ngay lập tức trở về trạng thái thẳng đứng như vốn dĩ. Tâm sở hữu sự dẻo dai ấy chính là “bình thường tâm”.
Trong phái Thiền thường nhắc tới “vô tâm”, Vô tâm này cũng có ý nghĩa tương tự. Không phải không có (vô) trái tim, mà mang nghĩa không tắc lại ở một điểm. Đó mới là chân nghĩa của vô tâm.
Để thu hẹp biên độ dao động của tâm, nói cách khác là mang tâm hồn an yên, hành động hiệu quả nhất chắc chắn là ngồi thiền. Tôi nghĩ, có không ít người cho rằng ngồi thiền mang độ khó cao. Tuy nhiên giờ đây có nhiều ngôi chùa ở khắp nơi tổ chức các buổi ngồi thiền, bạn có thể tìm đến và trải nghiệm điều cơ bản của Thiền.
Tọa thiền cũng có thể thực hiện tại nhà. Mỗi ngày, chúng ta có thể ngồi yên tĩnh trong 30 phút, à không, 10 phút thôi. Việc này sẽ thay đổi tâm trí, trái tim ta rất nhiều. Bản thân tiếp cận thêm một bước, rồi hai bước đến cái tâm an yên. Bạn có muốn thử trải nghiệm ngồi thiền một lần không?
----
Trích: “Ảo Tưởng Mang Tên Mặc Cảm”
Shunmyo Masuno
Dịch: Hương Linh
Nhà Xuất Bản Hà Nội – ThaiHabooks – 2022
No comments:
Post a Comment