Dạo gần đây mấy cô bạn gái của tôi có mèo, mèo đẹp cứ quấn quít bên các nàng cùng chơi vui vẻ rồi cho nàng vuốt ve nựng nịu và cô nào cũng có ít nhất một con.
Cô nàng My Dear có một con mèo lông trắng muốt , nàng luôn thích công việc chải chuốt lông mèo mỗi ngày . Cô nàng còn cho nó ngồi trên chiếc xe máy cùng nàng rong chơi trên đường phố.
Con mèo lúc này lên ngôi , đi trên đường đôi lúc vẫn thấy có người chở theo nó như thú cưng .Đây là điều khiến tôi ngạc nhiên là vì tôi hay nhìn nhầm con mèo thành con chó, nhìn kỹ lại hai hoặc ba lần mới ra được con mèo.
Có một bài đồng dao về con mèo như sau
“Con Mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú Chuột đi đâu vắng nhà?
Chú Chuột đi chợ đi chợ đằng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú Mèo”.
Có ý kiến cho rằng: Bài đồng dao phản ánh sự giả tạo của con mèo và sự khôn ngoan của chú chuột. Ý hàm ngôn là trong xã hội còn kẻ mạnh ức hiếp người yếu và kẻ mạnh thường nguỵ trang tinh vi bằng bộ mặt giả nhân giả nghĩa.
Bài ca dao toát lên một tiếng kêu công lý, một tiếng cười thông minh, sắc sảo như một màn kịch ngắn hấp dẫn và thú vị, kết thúc bằng câu chửi gằn giọng độc địa của chú chuột “cha con mèo”!
Ý kiến khác lại cho rằng: Chú chuột đã “chơi khăm” con mèo thông qua sự việc “giỗ cha con mèo” bằng mắm với muối, thực chất là nhằm nguyền rủa dòng họ nhà mèo.
Cách dùng từ “hỏi thăm”, “chú chuột” nói lên sự dối trá, tinh quái của mèo. Nhưng chú chuột tinh khôn, láu lỉnh không dễ bị đánh lừa, lại nói kháy mèo cho bõ ghét, cho hả giận.
“Đi chợ đàng xa”, nghĩa là chuột muốn nói với mèo rằng mình đã cao chạy xa bay rồi, không tóm được đâu. Mèo tinh quái nhưng chuột còn tinh ranh hơn. Kết cuộc là cảnh chú chuột nhỏ bé tinh khôn đã thắng lão mèo to xác hung dữ – một kết thúc có hậu.
Thêm một góc nhìn khác: Chẳng hề có chuyện mèo chuột ở đây, mà chính là chuyện con người. Bài đồng dao mách nước cho kẻ yếu cách ứng xử với kẻ mạnh; chuột khôn khéo, mềm mỏng đáp lại sự “ân cần hỏi han” của mèo để cầu sự bình an theo phương châm “Mạnh dùng sức, yếu dùng chước”.
No comments:
Post a Comment