Wednesday, February 22, 2023

PHONG VỊ TẾT VIỆT

 Trích từ sách 

...Ngày 23 tháng Chạp, người ta dựng Cây Nêu.

Cây Nêu ngày Tết của người Việt có tiền thân và tên gọi từ cây tà-leo của các tộc bản nguyên Đông Nam Á (Môn Khơ –me, Tày Thái cổ). Cây Nêu mang ý nghĩa phổ quát của Cây Vũ Trụ, còn gọi là Cây Mặt Trời. Mặt trời được huyền thoại tượng trưng như cánh chim đỏ thắm đậu trên cây vũ trụ mà tượng hình trên cây nêu là túm lông gà sống thiến, miếng vải đỏ hay vật đan hình tròn mắt lưới.

Sự tích cây nêu Việt Nam là một huyền thoại cổ đã được Phật hóa về cành tre treo áo cà sa đức Phật, xua đuổi bầy quỷ dữ từ biển Đông (tượng trưng cho bóng tối, thế lực hắc ám) lợi dụng lúc cuối năm vô chủ - thần linh, ào vào đất liền tranh giành lãnh thổ của Con người. Việc dùng vôi trắng (tượng trưng cho ánh sáng) vẽ cung tên trên sân nhà hướng về Đông cũng xuất phát từ ý nghĩa đó.

Ánh sáng xua tan đêm tối, mặt trời đi ngủ đông, phải dựng nêu tà-leo để đón ánh mặt trời, để mặt trời có chỗ đậu ngay khi vừa tỉnh giấc Xuân.

Để xã hội hài hòa và tương thích với vũ trụ thì từ ngày 23 Tết mọi công việc làm ăn đồng áng, buôn bán… cũng tạm dừng. Từ đây, không ai được vào rừng khai thác, thu lượm cái gì nữa. Xưa các công thư huyện, tỉnh, trấn xứ và triều đình đều đóng cửa nghỉ việc từ hôm đó sau khi đã làm lễ “hạp ấn” (niêm phong mọi con dấu, ấn triện…). Đến nhà tù (nói chung) cũng không tiếp nhận tù nhân mới. Tóm lại đó là sự dừng nghỉ hoàn toàn, để hợp với cái chết tạm thời của vũ trụ.

Nghi thức thứ hai quan trọng của Tết sau Tết Ông Công là giây phút Giao thừa, điểm thời gian chuyển tiếp giữa năm Cũ – năm Mới, được huyện thoại quan niệm như sự giao hòa Âm – Dương, phối ngẫu Đất Trời, để từ trong cái Chết – Cũ nảy sinh sự Sống – Mới… Giao hòa, giao hợp là triết lý Phồn Thực.

Một ông Táo mới hay cũ mà đổi mới, lại xuống trần thế làm chủ nhà – bếp – đất một năm mới. Người ta bầy cỗ cúng ở ngoài sân để đón ông, mừng ông. Người ta còn thay những Ông Đầu Rau cũ bằng những Ông mới.

Sự sống hồi sinh

Tín ngưỡng cơ bản của người tiểu nông Việt Nam trồng lúa nước cổ truyền, pha đậm đặc thêm bởi ảnh hưởng Đạo Nho là sự thờ cúng Tổ Tiên.

Tháng 12 lịch cổ truyền là tháng Lạp – Chạp, người đi “chạp mả”, sửa sang, thắp hương trên các mộ phần, khấn khứa mời ông bà ông vải tổ tiên về ăn tết cùng con cháu…

Cùng với mâm cỗ cúng Ông Táo cũ 23 tết là cỗ cúng tổ tiên. Cùng với mâm cỗ cúng đón Ông Táo mới phút giao thừa ngoài sân là mâm cỗ cúng Tổ Tiên trên bàn thờ trong Nhà, gian giữa.

Và 3 ngày hay 5 ngày đầu năm mới là 3-5 ngày thường xuyên sửa cỗ cúng Tổ Tiên. Tổ Tiên hưởng hương hoa còn con cháu thụ lộc trong tinh thần cộng cảm, gia đình – thân quyến...

No comments:

Quy Mệnh Thế Tôn Như Lai - Chú Lăng Nghiêm

Quy mệnh đức thế tôn  Như Lai Chú Lăng Nghiêm