Monday, February 27, 2023

NGƯỜI DÂN CAMPUCHIA ĐÓN TẾT VỚI NỮ THẦN ĐẦU NĂM

Người dân Campuchia đón tết vào giữa tháng năm theo âm lịch Khmer - lịch mặt trăng nghĩa là vào tháng tư theo lịch dương - lịch mặt trời. Đây là thời điểm quan trọng có những cơn mưa mát lành đầu tiên của năm mới xoa dịu những cái nóng nực trên mọi miền đất nước, và người dân tổ chức những nghi lễ cầu cúng để chào mừng năm mới và cầu mong mùa màng sẽ bội thu, nhà nhà tràn đầy hạnh phúc, niềm vui. Mọi người cùng đi đến chùa, tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn, thư thái.

Dân gian Campuchia hãy còn truyền tụng một câu chuyện cổ vô cùng lý thú và ý nghĩa về nguyên sinh ngày tết của dân tộc. Câu chuyện này có những nét gần gũi với những câu chuyện cũng về nguồn gốc ngày tết của các dân tộc trong khu vực. Tựu chung, đó là chuyện Ba câu hỏi về hạnh phúc của vương thần Kabil Moha Prohm đối với Dhammabal Komar - hiện thân của Phật lúc Ngài mới bảy tuổi.

Chuyện kể rằng, xưa lắm Kabil Moha Prohm là chúa tể của các vị thần trên tiên giới (Tray Trengs). Buổi ấy, có cậu bé rất thông minh, tên là Dhammabal Komar. Khi bảy tuổi, cậu đã thông thuộc hai pho kinh lớn là Triveda gắn với Brahman thoại và Trayphup - Tam Thế. Người dân đều đến xin Dhammabal Komar những lời khuyên. Vì dòng người đông đúc nên thân phụ đã xây riêng cho cậu một nơi nghỉ dưỡng bên cạnh nhà, và nằm bên một dòng sông thơ mộng dưới bóng cây xanh. Nhờ được nghe chim hót hàng ngày, cậu đã hiểu được chim nói gì. Khắp nơi đều ca ngợi xin Dhammabal Komar, và tin ấy đã vang lên trời cao.

Vương thần rất bực bội vì cho rằng chỉ có mình là uyên bác nhất. Cả con người và thần tiên đều phải kính trọng sự thông thái của nhà vua. Vì vậy, vương thần lập tức hạ phàm. Kabil Moha Prohm kiêu ngạo cho gọi Dhammabal Komar tới và thách đố nếu cậu giải được ba câu hỏi thì nhà vua sẽ tự cắt đầu mình tôn vinh cậu là người giỏi nhất, bằng không cậu sẽ rơi đầu.

Dhammabal Komar hẹn nhà vua sau bảy ngày nữa mới nghe câu hỏi và trả lời để cậu còn suy nghĩ chuẩn bị. Trong nhiều ngày, cậu trằn trọc, lo lắng và tự nhủ lỡ không trả lời được sẽ gây họa cho mọi người, thà rằng cậu chết đi để bảo toàn cho gia dình và người dân thì hơn. Tối ngày thứ sáu, cậu rời khỏi nhà và trong cơn mệt đã ngủ thiếp đi dưới một gốc cọ cao, trên tán lá có tổ của đôi chim ưng. Tiếng chim ồn ào làm cậu thức dậy. Con chim cái hỏi chim đực: - Ngày mai, ta sẽ ăn gì nhỉ? - A, sẽ ăn thịt Dhammabal Komar - cậu bé đang nằm ngủ dưới kia, bởi vì cậu ấy sẽ chết do không giải được ba câu đố của vương thần. - Tốt. Gan người rất tốt đặc biệt là cho con chúng ta. Chập chững một lúc, nó hỏi chồng: Thế nhưng câu hỏi là gì mà khó vậy? - Vương thần sẽ hỏi Dhammabal Komar về Sirey Bei Brakar ba điểm hạnh phúc của con người nằm ở đâu”. Đầu tiên, là hạnh phúc nằm ở đâu vào buổi sáng? - Nó nằm ngay trên khuôn mặt. Chim đực trả lời. Mỗi buổi sáng khi con người thức dậy đón một ngày mới, họ hoàn toàn vui vẻ tin tưởng và niềm vui niềm hạnh phúc ánh lên trên khuôn mặt. Để cả buổi luôn vui vẻ, người ta luôn rửa mặt sạch sẽ. Câu hỏi thứ hai cũng là hạnh phúc ở đâu vào buổi trưa? - Lúc này, mọi người đã vất vả vì cả ngày lao động cực nhọc, mồ hôi đầm đìa, lúc này họ thích nhất được tắm rửa và niềm vui sẽ đọng lại trên lồng ngực mát mẻ.

Câu hỏi thứ ba là hạnh phúc ở đâu buổi tối ? - Niềm vui nằm trên đôi bàn chân. Sau một ngày mệt mỏi, người dân mong ước khi ngủ sẽ có những giấc mơ đẹp vậy nên trước khi đi ngủ, họ đều rửa chân để loại bỏ đất bẩn, cho giường chiếu thơm tho, thân thể khỏe mạnh, và đôi chân sạch chính là cái cho họ niềm vui.

Sau khi phân tích lời chim, Dhammabal Komar đã quay về nhà để dặn mọi người giữ gìn hạnh phúc và đảm bảo có niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn. Trước câu trả lời mạnh bạo, vương thần thật sự kinh ngạc, nhà vua gọi bảy công chúa lại mà nói: Ta phải cắt đầu để giữ lời hứa đối với Dhammabal Komar. Nhưng, nếu các con chôn đầu ta xuống đất nó sẽ làm mặt đất nổ tung, nếu tung lên trời sẽ gây bão lửa không còn mưa nữa và nếu quẳng xuống biển nước sẽ cạn thành sa mạc. Chỉ có một cách đưa đầu ta lên đỉnh núi Phnom Preah Someru (núi Kailash Tây Tạng ngày nay). Vương thần cắt đầu và trao cho công chúa cả Tungsa. Nàng nhẹ nhàng đặt đầu cha vào một cái rỏ vàng, và cùng các em các thần linh đưa chiếc rỏ tới nơi tôn nghiêm nhất trên đỉnh núi rồi bao quanh đó bằng bảy lớp kính pha lê. Hàng năm, bảy tiên nữ vẫn đều đặn rước cha đi dạo quanh núi từ trên cao ngắm cảnh dân gian sôi động. Đền thờ này do đó được gọi là Phakh-vatey - Nơi tụ hội của các vị thần tiên. Một ngày, bảy tiên nữ ai cũng muốn được trực tiếp bưng rỏ vàng gần cận cha, vì thế đã cãi lộn, cuối cùng các nàng quyết định mỗi người thay nhau rước cha một lần trong năm, bắt đầu vào ngày chủ nhật sẽ là công chúa cả, thứ hai là công chúa hai.

Từ ý nghĩa trên, dân gian Campuchia đã lấy ngày các nàng tiên hiếu kính với vua cha làm ngày tết của dân tộc để chào mừng sự sống, bình yên, hạnh phúc và tình yêu. Mỗi năm, người dân chào đón một tiên nữ xuống trần khai mở đầu năm gọi là Tep-thyda Moha Sangkran - nữ thần của năm. Tất cả các sự kiện, đời sống và tâm linh trong năm đều được suy luận, gắn với tính khí, sở thích của nữ thần đầu năm mới.

Nếu mồng một tết vào chủ nhật, theo lịch âm sẽ là ngày của nữ thần Tungsa - con gái cả của vương thần Kabil Moha Prohm. Nàng vận áo đỏ, cưỡi linh điểu nửa người nửa chim garuda, đội mũ miện, tai dắt hoa lựu to-tim, đeo hạt châu botum-reak, tay phải cầm vòng chakr, tay trái cầm vỏ ốc sainkh. Nàng thích trái odhom-pur còn gọi là quả la-vea.

Nếu mồng một tết vào thứ hai, sẽ là ngày của nữ thần Kor-reakh. Nàng vận áo vàng, cưỡi hổ, tóc cài hoa angkea-bos, đeo chuỗi ngọc mokkda, tay phải cầm gươm preah-khan, tay trái cầm gậy. Nàng thích hương hoa.

Nếu mồng một tết vào thứ ba, nghĩa là ngày của nữ thần Reak-sa. Nàng vận áo hồng, cưỡi sư tử aksatarak, tóc đính hoa sen, đeo chuỗi ngọc moua-rea, tay phải cầm ba tiêu trey-sol, tay trái cầm cung tha-noo. Nàng thích máu.

Nếu mồng một tết vào thứ tư, tức là ngày của nữ thần Mun-dea. Nàng vận áo xanh lam, cưỡi ngựa vằn, tóc đính hoa đại champa, đeo chuỗi hạt pi-toor, tay phải cầm cây kim, tay trái cầm gậy. Nàng thích sữa.

Nếu mồng một tết vào thứ năm, đúng là ngày của nữ thần Kiri-nney. Nàng vận áo xanh dương, cưỡi voi, tóc đính hoa mun-dea, đeo chuỗi hạt moro-kat, tay phải cầm búa rìu kang-ve, tay trái cầm lao a-wudh. Nàng thích hạt đậu và vừng.

Nếu mồng một tết vào thứ sáu, sẽ là ngày của nữ thần Kimi-rea. Nàng vận áo trắng, cưỡi trâu, tóc cài hoa changkol-nnea, đeo chuỗi hạt bosb-reakm, tay phải cầm gươm preah-khan, tay trái cầm đàn pin. Nàng thích chuối.

Nếu mồng một tết vào thứ bảy, sẽ vào ngày của nữ thần Mo-houath-rea. Nàng vận áo tím, cưỡi chim công, tóc cài hoa tra-kiet, đeo chuỗi hạt moro-kat, tay phải cầm ba tiêu trey-soi, tay trái cầm vỏ sò sainkh. Nàng thích thịt treay.

Tùy mồng một tết trùng với ngày tiên nữ nào, người dân Campuchia sẽ sắm sửa đồ lễ cúng ứng với đồ trang sức, hoa và những món ăn mà nữ thần ấy thích. Cũng từ đó phỏng đoán các điềm trong năm: Nếu thức ăn là các loại hạt thì cả năm việc sản xuất buôn bán sẽ dồi dào, phát đạt; sức khỏe dẻo dai, sung mãn. Nếu thức ăn là máu thì năm ấy đầy cực nhọc. Nếu nữ thần mang vũ khí năm ấy nhiều xích mích, chiến tranh.

Theo truyền thuyết vào mồng một tết, các nữ thần đều đưa phụ vương đi dạo một tiếng quanh Phnom Preah Someru, sau đó sẽ tắm gột để tẩy bỏ hết ưu buồn, lo lắng. Người dân Campuchia vào năm mới cũng tắm rửa sạch sẽ cho bản thân và ông bà cha mẹ, chúc cho họ luôn mạnh khỏe, trẻ đẹp. Đồng thời tham gia các đám rước, cúng tế, đi dạo và vui chơi sôi động trên các ngả đường, chúc nhau câu nói đầu năm Choon Por Chhnam Thmei chúc anh/chị cô/ bác một năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, an khang và thịnh vượng.

No comments:

Quy Mệnh Thế Tôn Như Lai - Chú Lăng Nghiêm

Quy mệnh đức thế tôn  Như Lai Chú Lăng Nghiêm