Saturday, August 22, 2020

Thần linh trong thần thoại cổ đại

 Trong nhiều thập kỷ qua, có một sự hồi sinh trong việc nghiên cứu về thần thoại so sánh từ nhiều quan điểm và các ngành khác nhau. Công việc nghiên cứu bao quát một phạm vi rộng lớn, gồm vùng cận Đông cổ đại, Ấn-Âu, Đông Á và thần thoại cổ xưa hay thời tiền văn tự, đã được những nhà ngôn ngữ học, nhân loại học, những chuyên gia và sử gia tôn giáo thực hiện. 


123456.png
Thần Vishnu một trong các vị thần của Ấn Độ 
 
Ví dụ, ta có thể nhắc đến công trình của Eliade, Lévi-Strauss, Dumézil, Wikander, Durchesne-Guillemin v.v… Vì giới hạn của bài viết này, tôi không thể khảo sát những vấn đề chuyên môn được tranh luận như một kết quả của việc nghiên cứu mới này. Nói đúng hơn, điều tôi muốn làm là miêu tả vắn tắt loại trải nghiệm tôn giáo mà ta tìm thấy nơi những khu vực văn hóa cổ đại trước khi xuất hiện tư tưởng triết học. Tôi sẽ tự giới hạn chủ yếu nơi những thần thoại của Ấn Độ và Nhật Bản cổ đại với thỉnh thoảng đề cập đến những ngữ cảnh khác.
 
Những thần thoại được phản ánh trong Ṛg-Veda của Ấn Độ và Avesta của Iran có nhiều điểm tương đồng - chẳng hạn ở nơi tên của các vị thần và những thuật ngữ khác - cho thấy rằng cả hai hệ thống thần thoại có một nguồn chung vào thời cổ đại. “Chúng ta cần thấy mối liên hệ ở nơi lĩnh vực thần thoại giữa Veda và Avesta là vấn đề quan trọng, mà không phải sự cải cách tôn giáo của Zarathustra, điều tất nhiên xảy ra sau sự tách rời các nhánh Ấn Độ và Ba Tư...1 Cả hai thần thoại đều có một vị thần liên quan đến mặt trời (Mitra trong Veda = Mithra trong Avesta), một vị thần được gọi là “con trai của sông hồ” (apāṃ napāt trong Veda = apām napāt trong Avesta), và một vị thần được nối kết với soma (Gandharva trong Veda = Grandereva trong Avasta). Từ những bản văn sớm nhất của Ấn Độ và Iran, rõ ràng rằng những người Ấn-Iran thừa nhận hai loại thần linh, thứ nhất là các arura trong Veda hay ahura trong Avesta, và thứ hai là các deva trong Veda và daeva trong Avesta.2 Nhóm trước ban đầu được quan niệm như những vị vua hùng mạnh, đi khắp không trung trên những cỗ xe của họ được kéo bởi những chiến mã phóng như bay, họ có tính cách nhân từ, và hầu như hoàn toàn không có những điểm xấu xa và xảo trá.3 
 
Những bản văn cho biết rằng trải nghiệm tôn giáo của con người thời Veda tập trung vào thế giới này. Có một sự tương quan giữa thế giới tự nhiên, vũ trụ, và đời sống đoàn thể của con người. Con người thực hiện các tế lễ đối với thần linh, và chính các hiện tượng tự nhiên hoặc được thần linh hóa hoặc được nối kết với nghĩa thiêng liêng hầu như ở mọi thời điểm. Những nhà tiên tri Veda ưa thích chiêm nghiệm thế giới tự nhiên và chìm đắm trong sự kỳ diệu của thế giới tự nhiên. Đối với họ, mưa gió, mặt trời, các vì sao là những thực thể sống và là một phần không thể tách rời đời sống tinh thần. Nhiều bài thánh tụng không nói đến một vị thần mặt trời, thần mặt trăng hay một vị thần lửa v.v…; mà chính mặt trời chiếu sáng, mặt trăng sáng tỏ ở trên bầu trời về đêm, ngọn lửa cháy rực trong lò sưởi hay trên bàn thờ, hay thậm chí ánh sáng chiếu qua đám mây, tất cả là những biểu hiện của cái thiêng liêng huyền bí. Sự thâm nhập thiêng liêng này của thế giới hiện tượng tự nhiên vào đời sống tập thể của con người có thể được xem là hình thức sớm nhất của tôn giáo Veda
 
Một thái độ như vậy cũng là đặc điểm của Thần đạo sơ kỳ. Tôn giáo của Nhật Bản sơ kỳ nhấn mạnh lòng biết ơn đối với những tác lực tốt của tự nhiên, trong khi ở một mức độ nào đó cũng nhân nhượng những tác lực xấu. Những tác lực này được gọi một cách dễ dãi là “kami” mà thường được dịch là “thần linh”. 
 
Tiếp theo giai đoạn này là sự xuất hiện những suy nghiệm khác nhau về ý nghĩa của đời sống tôn giáo. Những bài thơ Veda tìm cách khám phá bản chất của hiện tượng tự nhiên. Những nhà thơ diễn đạt những trải nghiệm của bản thân họ thành những hình ảnh thiêng liêng và tìm cách giải thích hiện tượng bằng những nguyên nhân mà chúng giống với trải nghiệm của chính họ. Hiện tượng tự nhiên dần được làm cho quan trọng lên, được biến đổi thành những nhân vật thần thoại, tôn thành thần và nữ thần. 
 
Ví dụ, việc thờ phụng thần mặt trời là một trường hợp dễ thấy.4 Ở Ấn Độ, mặt trời được thần linh hóa là sūrya (tham khảo Phoebus-Apollo, Sol).5 Trong Hindu giáo về sau, việc thờ phụng mặt trời trở thành một nghi lễ tôn giáo quan trọng. Trong các Purāṇa, việc này do các hoàng gia thực hiện, mà họ tự thừa nhận là hậu duệ của mặt trời. Chính Đức Phật được cho là thuộc về một gia đình có tổ tiên từ mặt trời (ādicca-bandhu). Ở Nhật Bản, mặt trời được thần linh hóa là Nữ thần Amaterasu-Ō-mikami (天照大神/ Thiên chiếu đại thần, hoặc 天照大御神/ Thiên chiếu đại ngự thần, hoặc 天照皇大神/Thiên chiếu hoàng đại thần), vị được thờ phụng như là tổ tiên của hoàng tộc. Người ta nghĩ rằng mặt trời giữa trưa được hóa thành thần. Thần thoại tổ tiên mặt trời của hoàng tộc được chấp nhận rộng rãi trong những thị tộc khác nhau cư trú ở Nhật Bản, bao gồm nhiều thị tộc có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Khuynh hướng này không có ở Ấn Độ. Tuy nhiên, Nữ thần Mặt Trời của Nhật Bản được hầu hết tín đồ Thần đạo xem như là một nhân vật lịch sử thật sự, trong khi thần mặt trời của Ấn Độ không như vậy. Về người Hy Lạp, được nói rằng, “Mỗi triết gia Hy Lạp, bất kể vị ấy có nghĩ gì vào lúc trưởng thành, đều được dạy vào thời thơ ấu là hãy xem mặt trời và mặt trăng như những vị thần; Anaxagoras bị truy tố tội bất kính bởi vì ông nghĩ rằng chúng đã chết6
 
Cũng vậy, bình minh được tán dương trong các Veda như là Uṣas, một thiếu nữ xinh đẹp và e ấp. Ở phương Tây, chúng ta có Eos và Aurora, và chúng ta tìm thấy một hình mẫu tương tự của người Nhật ở nơi Nữ thần Waka-hirume-no-mikoto (稚日女尊/Trĩ Nhật Nữ Tôn), sự thần linh hóa mặt trời mọc. Trong các Veda, mặt trăng được thờ phụng như là Soma; ở Nhật Bản, việc thờ phụng mặt trăng không có chứng cứ vững chắc, nhưng thần Tsuki-yomi-no-mikoto (月読尊/Nguyệt Độc Tôn) thì được nhắc đến7. Trong các Veda, gió được thờ phụng như là Vāyu hay Vāta, và sấm sét là Maruts. Chúng ta cũng tìm thấy những điều tương tự ở Trung Quốc và Nhật Bản8. Các Vedađã thần linh hóa nước thành Āpas. Ở Nhật Bản, có thể là nước không được thần linh hóa, nhưng được xác nhận là có một vị thần sống ở trong đó. Ở Ấn Độ, nữ thần của ao hồ, Sarasvatī, xuất hiện vào một giai đoạn sớm. Việc thờ phụng bà được Phật giáo Kim Cương thừa (Vajrayāna) tiếp nhận,9 và bà cuối cùng được giới thiệu vào Nhật Bản, được tiếp nhận như một vị thần dân gian với tên gọi “Benten” (弁財天/Biện Tài Thiên). Việc thờ phụng bà hiện vẫn phổ biến trong dân chúng Nhật. 
 
Tên gọi của những vị thần này ở cả Ấn Độ và Nhật Bản, và cũng ở nơi nhiều quốc gia khác, cho biết nguồn gốc của họ.10 Nhiều nhân vật nổi bật trong thần thoại Ṛg-Veda đã xuất phát từ việc nhân cách hóa những hiện tượng tự nhiên đặc biệt.11 
 
Cũng có những nhân vật khác trong thần thoại Veda nối kết mật thiết hơn với đời sống của cộng đồng. Họ được kính trọng như những nhân vật hùng mạnh, được phân biệt thông qua những việc làm thần kỳ của họ. Nhóm này thuộc về Indra, Varuṇa, Mitra, Viṣṇu, Pūṣan, hai vị Aśvin (nghĩa đen là kỵ sĩ, có thể so sánh với dioskouroi của Hy Lạp) và Rudra. Thần Aditi (vô hạn), tương ứng với Apeiron (không giới hạn) của Hy Lạp, được cho là không trung, mẹ, cha và con. Bà bao hàm tất cả. 
 
Trời được nhân cách hóa và thần linh hóa thành Dyaus trong Veda, và nhân vật tương ứng trong tôn giáo Hy Lạp giống nhau về mặt ngữ âm là Zeus (=Dyaus). Tuy nhiên, Zeus là một nhân vật phức tạp hơn nhiều, giống một con người hơn Dyaus của Veda. Những thi sĩ của Ṛg-Veda nói đến Thiên phụ với hình thức xưng hô “Dyauṣ pitaḥ”12 (hỡi Thiên phụ!), điều tương tự với “Zeus pater” trong tiếng Hy Lạp và “Juppiter” (Jovis Pater = fatherly Jove) trong tiếng La-tinh. Ở Trung Quốc cổ đại, trời được gọi Thần chủ. Vua Chu tự gọi mình là “Thiên tử”, và nhà Chu (周朝) biện minh với dân chúng rằng việc xâm chiếm nhà Thương (商朝) của họ là theo mệnh lệnh của trời (天命/thiên mệnh). Họ như vậy là những người trung gian giữa con người và thế giới tự nhiên.13 Nơi thần thoại Nhật Bản, trời không phải là một vị thần mà là nơi các vị thần cư ngụ, hoàn toàn khác với Dyaus hay Varuṇa của Ấn Độ và Zeus của Hy Lạp. Tuy nhiên, nó giữ một vị trí cốt yếu trong thần thoại Nhật Bản. So sánh với những truyền thống khác, việc thờ phụng trời không phát triển đầy đủ ở Ấn Độ. 
 
Trái đất được gọi là một người mẹ trong Ṛg-Veda. Đây cũng là trường hợp ở trong tôn giáo Hy Lạp,14 mà không có trong Nhật Bản cổ đại.15 Trong các thánh tụng của Ṛg-Veda, trời và đất thường cùng được cầu khẩn trong hình thức một cặp đôi như Dyāvāpṛthivī. Ở Thessaly, Zeus được thờ phụng cùng với nữ thần tương ứng, Dione, những Dione về sau bị lãng quên.16 Quan niệm về trời và đất là cha mẹ chung có lẽ có nguồn gốc từ thời cổ xưa, vì quan niệm này phổ biến nơi thần thoại Trung Quốc và thần thoại New Zealand, và có thể được suy ra từ nơi thần thoại Ai Cập.17 
 
Thần lửa,18 Agni (La-tinh: Ignis; Anh: Ignition) là vị thần tối cao trong các tế lễ ở Ấn Độ. Lửa mang những đồ cúng tiến từ mặt đất lên cho các vị thiên thần. Có một sự thật được nhiều người biết đến rằng lửa được kính trọng trong tôn giáo của Iran, và trong những người Parsi. Ở Nhật Bản, thần lửa được thờ phụng dưới tên gọi Kagu-tsuchi (người cha sáng chói)19 hay Homusubi (bốc lửa lên). Quan điểm lửa như là thứ tỏa khắp là điểm chung đối với cả Ấn Độ và Nhật Bản cổ đại.20 Nhưng khó để nhận biết đặc điểm của thần lửa của người Ấn cổ đại. Mặc dù lửa cốt yếu đối với việc hiến tế của những chủng tộc Ấn-Âu, Thần Lửa (Agni), vốn rất phổ biến trong tôn giáo Ṛg-Veda, dần đánh mất vị thế trước đó của nó. Một khái niệm về lửa như nguyên lý cơ bản của vũ trụ, như được Heraclitus chủ trương, không xuất hiện nơi những triết gia Hindu, những người tìm kiếm một trạng thái phần nào tịch lặng và bình yên. 
 
Trong số nhiều vị thần của người Ấn thời Veda, Indra là vị thần nổi tiếng nhất. Được trang bị vũ khí sấm sét, ngài được tin đã giết chết một ác quỷ được gọi là Vṛtra. Biệt danh chính và riêng của ngài là Vṛtrahan (Kẻ giết chết Vṛtra). Indra Vṛtrahan, Thần Indra giết ác quỷ, xuất hiện nơi Avesta với khả năng của Indra đã được thay đổi, và như một vị thần Vərəthragna chiến thắng (một sự thay đổi rõ ràng được tạo ra bởi sự biến đổi thần thoại do việc cải cách tôn giáo của Zarathustra tạo ra). Nhiều học giả nghĩ rằng Indra vốn là một vị thần sấm sét, và rằng những ngọn núi mà ở đó nước bao bọc xung quanh tượng trưng cho những đám mây. Vṛtra - ác quỷ hạn hán - được nghĩ đã giam cầm nước.21 Có nhiều thánh tụng trong các Veda nói về Indra. Bởi vì những người Aryan thời Veda vẫn đang đánh nhau một cách bạo lực với người bản xứ, Indra được trình bày như một vị thần vô cùng hiếu chiến. Sức mạnh khủng khiếp và tính hiếu chiến của ngài được mô tả lặp đi lặp lại. Những thi sĩ Veda đặc biệt thích liên hệ những trận đánh của Indra với các ác quỷ, mà ngài đã hủy diệt chúng bằng sấm sét của mình. Trời và đất đã run sợ khi Indra giết Vṛtra. Ngài hủy diệt rồng không chỉ một lần, mà tái diễn nhiều lần, và ngài luôn được thỉnh cầu giết Vṛtra trong tương lai để giải phóng nước. Ngài có thể được xem giống như Teutonic Thunar, vị luôn vung cái búa sấm sét Mojohnir. 
 
Vào thời kỳ đầu tiên, Indra hiếu chiến rõ ràng là chúa tể của các vị thần. Ngài giống với Zeus22 của Olympus của Hy Lạp, hay Jupiter của những người La Mã mà họ liên hệ sự có mặt của ngài với chúa tể của các thần linh.23Những đặc điểm của Zeus thì rất giống với những đặc điểm của Indra,24 và tuy vậy ngài có một đặc điểm mà nó thiếu ở nơi Indra: Zeus hành động như quan tòa công chính. Đặc điểm này cũng vắng mặt ở nơi huyền thoại Nhật Bản. Người ta cho rằng những vị thần của thần thoại Nhật Bản không làm công việc xét xử. Đây là một đặc điểm mà nó đóng vai trò quan trọng nơi tư duy pháp lý của những quốc gia Đông Á. (Một ngoại lệ là Yama, vị cai quản người chết nơi thần thoại Veda. Trong Đại sử thi, ngài trở thành vị xét xử người chết. Nhân vật này du nhập vào trong Đạo giáo Trung Quốc, và sau đó vào trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản. Ngài được gọi là “enma”, sự phiên âm của Nhật Bản từ Sanskrit “Yama”. Nhưng ở Trung Quốc và Nhật Bản, ngài có phần được xem là xa lạ đối với quần chúng nói chung). Trong thần thoại Nhật Bản, ta có thể tìm thấy một số nhân vật tương ứng với Indra, chẳng hạn như thần sấm sét (Narukami/鳴神/Minh Thần) v.v… Thần bão tố Susano-wo-no-mikoto (須佐之男命)25 đã giết một con rồng tám đầu bằng một thanh gươm thần diệu, mà nó được cho do hoàng tộc truyền lại như một biểu tượng của vương quyền. Tính cách mạnh mẽ và đôi khi tàn bạo là hoàn toàn giống với tính cách của Indra. Tuy nhiên, trong khi Indra thuần túy là một vị thần, Susano-wo-no-mikoto vừa là một vị thần và đồng thời là một con người, và xuất hiện ở nơi một khung cảnh lịch sử như một người bà con của tổ tiên hoàng gia Nhật. 
 
Trong số những vị thần được đề cập ở trên của tôn giáo Veda, những vị thần sinh sản không được thấy rõ. Ngược lại, những vị thần dạng như vậy dễ nhận thấy nơi Thần đạo sơ kỳ. Vị thần của sự sinh trưởng (musubi) là một sự nhân cách hóa một đặc điểm sinh sản trừu tượng. Tajikara-no-wo (天手力男神/Thiên thủ lực nam thần) là một dạng người được nhân cách hóa và nâng lên thành hàng thần. 
 
Toàn bộ những vị thần Veda đôi khi được gọi chung là “tất cả thần” (viśve devāḥ). Trước đây, “tất cả thần” có con số lên đến 3.339 vị, phản ánh ba phương diện của thế giới: đất, không khí và bầu trời.26 Ở Nhật Bản cổ đại, có một khái niệm tương tự là “vô số thần” (nghĩa đen là “tám triệu thần” [Yao-yorozu-no-kami-gami]). Con số các vị thần trong Thần đạo luôn thay đổi bất thường. Một số bị lãng quên và một số được tái hình thành về sau dưới tên gọi mới; hoặc mặt khác, toàn bộ những vị thần mới được bổ sung vào hệ thống chư thần. Tính cách của vô số những vị thần này thì không rõ ràng. Tuy nhiên, tương tự như sự phân chia giữa những vị thần Olympia và những vị thần huyền bí ở trong thần thoại Hy Lạp, một sự phân chia được thực hiện giữa những người con của Thần Bão và những vị thần liên quan đến Nữ thần Mặt Trời (Ama-terasu - Ō-mi-kami). Trong thần thoại Nhật Bản, “lĩnh vực hữu hình” thuộc về nhóm sau, còn “lĩnh vực vô hình” thuộc về nhóm trước. 
 
Những vị thần27 trong Ṛg-Veda được thỉnh mời đến ăn như những vị khách vào những lễ cúng. Họ lấy đồ ăn và uống rượu; họ được cầu khấn, tôn thờ, được làm cho nguôi giận, hài lòng. Con người có sự liên hệ trực tiếp với thần linh mà không có bất kỳ sự trung gian nào; các vị thần được xem như những người bạn thân thiết của những người phụng thờ họ. Họ được nói đến với những từ như “Thiên Phụ”, “Địa Mẫu”, “Angi anh em”. Có một mối liên hệ rất mật thiết giữa con người và thần linh, và mọi hiện tượng hàng ngày được xem là phụ thuộc vào thần linh. Trong cùng cách, những dân làng Nhật Bản đôi khi cầu nguyện những vị thần riêng lẻ, đôi khi cầu nguyện những vị thần cụ thể, và đôi khi chư thần nói chung. Những lời cầu nguyện bao gồm những lời cầu xin mưa, mùa màng bội thu, được bảo vệ trước những trận động đất và hỏa hoạn, cầu xin con cái, sức khỏe và thọ mạng cho vua, và cầu nguyện hòa bình và thịnh vượng cho quốc gia.28 Ở mức độ nào đó, phương diện vật lý của những vị thần trong Ṛg-Veda mang hình hài con người, giống như phương diện vật lý của những vị thần Hy Lạp; đầu, mặt, mắt, cánh tay, bàn tay, chân, và những bộ phận khác của cấu trúc con người được gán cho họ; tuy nhiên hình thù của họ thường không rõ và chân tay của họ thường chỉ mang nghĩa ẩn dụ để miêu tả những hoạt động của họ. Do đó, lưỡi và chân tay của thần lửa chỉ là những ngọn lửa của ngài, tay của thần mặt trời chỉ là những tia chiếu của ngài, trong khi mắt của ngài tượng trưng cho hình mặt trời.29 Các vị thần không phải luôn mang đặc điểm đạo đức. Họ thường mang những nhược điểm của con người và dễ được làm cho vui lòng bằng sự nịnh hót. Họ ban tặng lợi ích để đổi lấy đồ cúng được dâng cho họ. Ở nơi một thánh tụng, các vị thần bàn bạc về những gì họ nên trao. “Đây là điều ta sẽ làm - không phải điều kia; ta sẽ ban cho ông ta một con bò hay một con ngựa đây? Ta muốn biết là ông ta có thật sự cúng rượu Soma cho ta hay không.30 Một luật đơn giản về cho và nhận trở nên phổ biến. 
 
Trong tôn giáo Hô-me, chúng ta thấy các vị thần được sắp xếp theo cấp bậc, được tổ chức như một gia đình thần linh, nằm dưới sự cai trị của một vị thần tối cao.31 Giống như những vị thần trong Veda, họ là những con người, nhưng họ không phải là những con người mơ hồ và không rõ ràng; họ là những vị thần cụ thể và thuộc con người có tính cách mạnh mẽ và được xác định rõ ràng.32 Họ không phải là những thần linh, mà là những con người bất tử có thân xác và linh hồn siêu nhân.33 Một sự phân chia các vị thần tỉ mỉ như vậy với những tính cách cụ thể là hoàn toàn khác với khái niệm của Veda về thần linh. Ta có thể hoài nghi rằng những vị thần trong Veda đại diện cho một giai đoạn sớm hơn trong việc phát triển thần thoại, nhưng đặc điểm riêng của mỗi vị thần trong Veda hay Ấn giáo không rõ ràng trong những thời kỳ về sau. Sự khác nhau không phải là sự khác nhau của giai đoạn phát triển, mà đúng hơn là sự khác nhau về bản chất những khái niệm riêng về thần linh. Những vị thần trong các thần thoại Ấn Độ có ít nét đặc trưng riêng, và cuối cùng những nhà tư tưởng Hindu chính thống đi đến phủ nhận tất cả tính cách dành cho các vị thần. Ví dụ, Indra, vị thần rất được kính trọng trong Ṛg-Veda, đi đến được xem như chỉ là một danh xưng chung - tức là người sùng đạo nào nắm giữ vị trí đó thì được gọi bằng danh xưng “Indra”. Vị ấy không phải là một người cụ thể.34 Trong sự nối kết với vấn đề tính cách của các vị thần, chúng ta có thể chỉ ra rằng trước khi Phật giáo xuất hiện, Bà-la-môn giáo không có các tượng thần. Nghệ thuật Ấn Độ có thể truy nguyên nguồn gốc chính yếu từ thời đại Maurya, khi Phật giáo hưng thịnh.
 
Thần đạo thực tế cũng không có tượng thần, không phải bởi người Nhật cổ đại được khai sáng, mà bởi vì họ không có nghệ thuật cao trước khi nghệ thuật điêu khắc và hội họa từ Trung Quốc du nhập vào, và bởi vì họ rất yếu trong việc gán một đặc tính riêng cho mỗi vị thần. Chỉ sau khi Phật giáo du nhập thì nghệ thuật Nhật Bản mới hưng thịnh.

11a.jpg
Thần Izanami và Izanagi trong thần thoại Nhật Bản 
 
 Ở Nhật Bản, nơi những thời kỳ về sau, được khẳng định có chủ ý rằng mọi thứ ở trong thế giới tự nhiên đều thiêng liêng. Kitabatake Chikafusa (1293-1354) nói: “Đất nước chúng ta do hai vị thần, nam và nữ tạo lập. Ngay cả sông núi và cây cối của đất nước này tất cả đều có tên gọi thiêng liêng. Thần núi là Oyama-tsumi, thần nước là Mizahanome, thần biển là Wadatsumi-no-mikoto, thần hải cảng là Haya-aki-tsuhi-no-mikoto, thần đất là Haniyasu, thần lửa là Kagutsuchi, và thần gió là Shinatobe-no-mikoto. Không có một mảnh đất nhỏ bé nào mà ở đó không có thần. Kỳ lạ thay, mọi thứ có thể xúc chạm, nghe hay nhìn thấy đều mang bản chất thần thánh. Còn những gì nữa khi ta nhìn lên bầu trời, thần mặt trời mà ngài chiếu sáng ban ngày là Ō-hirume-muchi-no-mikoto, đấng tổ tiên tối cao của hoàng gia chúng ta, trong khi mặt trăng soi sáng ban đêm là Tsuki-yomi-no-mikoto, và Shihatobe-no-mikoto là thần gió, vị đã thổi bay tất cả mọi uế nhiễm. Và hơi thở quý giá của một người, mà đó là hơi thở cuộc sống của người ấy, chính là vị thần này. Do đó người ấy không được lạm dụng nó.”35 Motoori Norigana, nhà nghiên cứu Thần đạo xuất chúng đầu thời kỳ hiện đại, nói: “Thuật ngữ kami được áp dụng trước hết cho những vị thần Trời và Đất khác nhau mà họ được đề cập trong những tài liệu cổ, cũng như những linh hồn (mi-tama) của họ cư ngụ trong những miếu thờ mà ở đó họ được thờ cúng. Ngoài ra, không chỉ con người, mà chim muông, cây cối, sông núi, biển cả và tất cả những thứ khác mà chúng xứng đáng được kính trọng và nể sợ bởi sức mạnh phi thường và vượt trội mà chúng có, đều được gọi là kami. Chúng kiệt xuất không nhất thiết vì sự cao quý, lòng tốt, và hữu ích vượt trội. Những sinh vật độc ác và kỳ dị cũng được gọi là kami, nếu chúng là những đối tượng tạo nên nỗi sợ hãi chung. Trong số những kami mà họ là con người, tôi cần đề cập đến những Mikado… Trong số những thứ khác, có sấm sét (tiếng Nhật là Naru kami hay Minh thần/鳴神), rồng, tiếng vang (trong tiếng Nhật được gọi là Kodama/木霊), và cáo, mà chúng là kami bởi bản chất kỳ bí của chúng. Thuật ngữ kami được dùng trong Nihongi và Manyōshū - một tuyển tập thơ cổ - để chỉ cho cọp và chó sói. Izanagi đã đem cho trái đào, và cho đồ trang sức đeo quanh cổ, những tên gọi mà nó ngụ ý rằng chúng là kami… Có nhiều trường hợp về biển và núi được gọi là kami. Nhưng đó không phải chỉ cho những vị thần của biển và núi. Từ này được áp dụng trực tiếp cho chính biển hay núi, như là những thứ rất đáng kinh sợ.”36 
 
Đặc điểm khác của Thần đạo là sự thật rằng nhiều vị thần Nhật Bản được xem là những con người lịch sử có phẩm chất cao quý. Đối với người Nhật cổ đại, thế giới thần thoại và thế giới tự nhiên thâm nhập lẫn nhau đến một mức độ mà những hoạt động của con người được giải thích và chấp nhận dưới dạng những gì mà kami, tổ tiên hay những vị anh hùng, đã làm ở thời ban sơ. Toàn bộ đời sống của con người và vũ trụ là thiêng liêng, được thấm nhuần bản chất kami. 
 
Nguyên Hiệp dịch
(1) A. A. Macdonell, Comparative Religion, p.60. 
 
(2) The Concise Encylopedia of Living Faiths. Edited by R. C. Zaehner. New York, Hawthorn Books, Inc. 1959, p.210. 
 
(3) A. A. Macdonell, Comparative Religion, p.60. 
 
(4) Trong thần thoại Ai Cập, “Người ta nói ở trong Turin Papyrus rằng, Thần Mặt Trời là Khepera vào buổi sáng, Ra vào buổi trưa, và Atum vào buổi tối, nhưng sự phân biệt không bao giờ được thực hiện một cách nhất quan; ví dụ, một cổ thư miêu tả mặt trời mọc là Ra và mặt trời lặn là Khepera.” James George Frazer, The Worship of Nature, vol. I (London: Macmillan and Co., Ltd., 1926, vol. 1, p.559). “Thần Mặt Trời Tum hay Atum nguyên thủy là vị thần địa phương Heliopolis, và vào thời kỳ này, nơi mọi trường hợp, ngài được xem là một hình thức của vị Thần Mặt Trời vĩ đại Ra, và nhân cách hóa mặt trời lặn với Khepera, đối nghịch với mặt trời buổi sáng”. (Ibid., p.570). Ở Nhật Bản, người ta cũng quan niệm thần mặt trời như một vị nam thần, Hiruko hay Hiko, nhưng quan niệm về thần mặt trời như một nam thần không phát triển. Trong Ryukyu, mặt trời được gọi là “Tedako”, là một nam thần. Genchi Katō, Shintō no Shūkyō Hattatsushi teki Kenkyū, Tokyo, Chūbunkan, 1935, p.38. “Ở Babylonia, Thần Mặt Trời Shamash luôn là giống đực, nhưng ở Nam Arabia, tên gọi Shams của ngài là thuộc giống cái.” (Frazer, op. cit., vol. 1, p.529). Những người Angami Naga đã nhân cách hóa mặt trời khi xem mặt trời như là nữ giới, vợ của mặt trăng, mà được họ xem như là một nam giới (Frazer, ibid., p.635).
 
(5) Heinrich Robert Zimmer, Philosophies of India (New York, Pantheon Books, 1951), p.10.
 
 (6) B. Russell, A History of Western Philosophy, in lần thứ năm, (New York: Simon and Schuster, 1945), p.204. 
 
(7) Trong những tác phẩm cổ điển của Nhật Bản, thần mặt trăng được xem như một nam thần với tên gọi Tsukiyomi-no-otoko. (Manyōshū, vols. 4; 6. Genchi Kato, Shinto no Shūkyō Hattatsushi teki Kenkyū, Tokyo, Chūbunkan, 1935, p.38f.)
 
 (8) Gió cũng được thần linh hóa ở Nhật Bản, và được gọi là Hayachi. Ở Trung Quốc, thần gió được nhân cách hóa một cách rõ ràng ở nơi những danh xưng như “Phong chủ” hay “Phi hành chủ”. Katō, Shintō, p.26f. 
 
(9) Ngay ở trong văn học Phật giáo không thuộc Kim Cương thừa, Sarasvatī là một nhân vật quan trọng. Tham khảo kinh Suvarṇaprabhāsa (kinh Kim quang minh). 
 
(10) Chúng ta có thể đề cập thêm nhiều trường hợp tương tự. Ví dụ, thần mưa trong Veda, Parjanya, về từ nguyên giống với thần sấm sét của người Lithuania, được gọi là Perkunas. Tham khảo Friedrich Max Muller: India. What can it teach us? Loạt bài giảng được trình bày tại Đại học Cambridge, London, Longmans, 1910 Lecture VI, pp.189-192. Những trường hợp khác thuộc loại này cũng được đề cập trong tác phẩm này.
 
 (11) H.A. Frankfort, John A. Wilson, Th. Jacobson, Before Philosophy; the intelectual adventure of ancient man. An essay on speculative thought in the Ancient Near East. Middlesex, 1951, (A Pelican Book), pp.12-13. 
 
(12) Ṛg-Veda, Vi, 51, 5, ect.
 
 (13) Ewin O. Reischauer and John K. Fairbank, East Asia. The Great Tradition, Boston, Houghton Mifflin Company, 1958, p.50. Thảo thuận đầy đủ của T’ang Chun-I (Thiên mệnh nơi Trung Quốc tiền Tần, Philosophy East and West, vol. XI, No. 4, Jan. 1962, pp.195-218). Honer H. Dubs cố gắng tìm thuyết hữu thần ở nơi Trung Quốc tiền Hán (Theism and Naturalism in Ancient Chinese Philosophy, Philosophy East and West, vol. IX, Nos. 3 and 4, Oct. 1959-Jan. 1960, pp.145-162). 
 
(14) “Nữ thần Đất thực sự của người Hy Lạp là Gaia hay Ge, mà tên của bà có nghĩa là không có điều gì ngoài mặt đất vật chất, và luôn được những tác giả Hy Lạp từ thời cổ xưa nhất đến gần đây sử dụng ở nghĩa này.” (Frazer, Worship of Nature, vol. 1. p.318). 
 
(15) Ở Nhật Bản, đất không được thần linh hóa, hoàn toàn khác với Pṛthivi-mata của Ấn Độ và Gaiga hay Demeter của Hy Lạp mà đó là sự thần linh hóa trái đất. Trái đất phần nào được xem như lối vào Hades (Yomi-no-kumi; tức là cõi tối tăm), một nơi đầy hiểm nạn. (Katō, Shinto, op. cit., p.43f). 
 
(16) George Aaeron Barton, The Religions of the World, 3rd ed. Chicago, University of Chicago Press, 1929, p.247. 
 
(17) Izanagi và Izanami ở trong thần thoại Nhật Bản có thể là những nhân vật được thần linh hóa từ trời và đất, nhưng ở đó vẫn không có bất kỳ đặc điểm gì để thừa nhận một cách chắc chắn một sự phỏng đoán như vậy.  
 
(18) “Lửa là một ví dụ tuyệt vời về một hiện tượng được thờ phụng mà thực chất không hàm ý có một vị thần ở trong đó. Thậm chí những người Aryan văn minh trong Veda xem ngọn lửa bốc cháy là một sinh vật sống mà nó nuốt những đồ vật dâng cúng, trong khi nó cũng làm việc như sứ giả của các thiên thần. Họ không cầu nguyện một vị thần lửa mà lửa chính nó được tưởng tượng trong hình hài thấy tế nhưng vẫn thuộc thế giới hiện tượng, một sinh vật thiêng liêng có đầy sinh lực và sức mạnh.” (W. Hopkins, Origin and Revolution of Religion, New Haven, Yale University Press, 1923, p.50). 
 
(19) Ho-musubi-no-kami thì giống như Kagutsuchi-no-kami trong Kojiki. 
 
(20) Thờ lửa ở Nhật Bản được ghi nhận ở nơi Hi-shizume-no-matsuri-no-norito trong Engishiki, mà theo đó Ho-musubi-no-kami (Thần Lửa) điều khiển những thể thức lửa khác nhau (tham khảo Vedic Vaiśvānara Agni) không được phân biệt rõ với ngọn lửa vật lý có thể nhận biết bằng các giác quan (tham chiếu Vedic Agni). (Katō, Shinto, p.24f). (Engishiki, vol. 8, Kokushi Taikei, vol. 13. p.271). Thờ lửa cũng tồn tại trong những người Ainu (Katō, op. cit., p.1002f.)
 
 (21) Gần đây, có một thuyết mới cho rằng vṛtra có nghĩa là một cái đập nước, thần thoại trình bày sự thật lịch sử rằng những đập nước được xây dựng bởi dân chúng của nền văn minh Indus đã bị những người xâm lăng Aryan hủy hoại. (Damodar Dharmanand Kosambi, An Introduction to the Study of Indian History. Bombay, Popular Book Depot, 1956). Nhưng để chứng minh thuyết này, từ vərəthra ở trong Avesta cũng phải được giải thích tương tự. 
 
(22) “Zeuz, vị chúa tể hùng mạnh, nắm lấy dây cương của một cỗ xe ngựa có cánh, dẫn đường lên cõi trời, sai bảo tất cả và bảo vệ tất cả; và ở đó đội quân gồm các vị thần và á thần đã đi theo ngài, được sắp xếp thành 11 đội.” (Plato, Phaedrus, 246-247. Bản dịch Anh ngữ của Jowett, 3rd ed. Oxford University Press, Humphrey Milford, 1892, vol. 1, p.453). Điều này tương tự như nhân vật Indra trong Ṛg-Veda.
 
(23) Trước đây, P. Deussen đã đưa ra giả thiết sau: Nói chúng, sự thay đổi vị trí của vị thần chính tương ứng với sự khác nhau của những thời kỳ văn hóa: Vào thời kỳ xâm lược, vị thần của cõi trời (Ouranos, Dyaus) là quan trọng nhất; vào thời kỳ thuộc địa, vị thần của mệnh lệnh (Varuṇa, Chronos) là quan trọng nhất; và vào thời kỳ cai trị của những anh hùng thì vị thần của sức mạnh (Indra, Zues) là quan trọng nhất. (Paul Deussen, Allgemeine Geschichte der Philosophie I, Vierte Auflage, Leizig, F. A. Brockhaus, 1920, S. 83)
 
(24) Macdonell, Comparative Religion, p.95.
 
(25) Susano-wo-no-mikoto là một sự thần linh hóa bão tố, giống như Pallas Athene Hy Lạp, Rimmon của Babylone, hay Indra của Veda. Trong các cổ thư Nhật Bản, thần mưa được gọi là Kura-okami, Taka-okami, hay Mizuha-no-me. Okami có nghĩa là “thần rắn” (Katō, Shinto, p.47f). Thần sấm sét được tìm thấy ở nơi nhân vật Narukami (nghĩa đen là thần sấm sét). (Mannyōshū, vol. 8; tham chiếu Katō, Shinto, p.30f). Về sau thần sấm sét được gọi là Takatsu-kami hay Kandoki-no-kami (trong Engishiki, 8 và 3, Kokushi Taikei 13, pp.269; 134; 108). Nơi một số miếu thờ Nhật Bản, thần sấm sét được thờ phụng nhằm cầu cho mùa màng bội thu giống như Thor của người Đức. (Katō, Shinto, p.47f). Với việc du nhập Phật giáo, việc thờ Indra được giới thiệu vào trong Thần đạo tại Tenman. Trong những điện thờ Tenmangū (天満宮), Indra cũng được cầu khấn. 
 
(26) Ṛg-Veda, III, 9, 9. 
 
(27) Trong những ngôn ngữ khác, daeva, tivar, diewas, dia. (P. Deussen, Geschichte, op. cit., I, p.39. 
 
(28) ERE, XV, p.468. 
 
(29) Macdonell, Sanskrit Literature, pp.71-72. (30) Hermann Oldenberg, Ancient India: Its language and religions. Chicago, London, Open Court Publishing Company, 1896, p.1. 
 
(31) Jane Ellen Harrison, Themis, A Study of the social orgins of Greek religion. Cleveland and New York, The Worlding Publishing Company. Meridian Books, 1962, p.134. 
 
(32) Sophocles, Oedipus Coloneus, được đề cập trong S. Radhakrishnan, Eastern Religions and Western Thought (New York: Oxford Unviversity Press, 1959. A Galaxy Book), pp.4-5.
 
 (33) Macdonell, Comparative Religion, p. 94. 
 
(34) Śaṅkara ad Brahmasūtrabhāṣya I, 3, 28. (Ānadāśrama Sanskrit Series, No. 21. Poona, Anandasrama Press, 1900). Tham chiếu Richard Garbe, The Philosophy of Ancient India, Chicago, The Open Court, 1897, p.36.
 
 (35) Jinnō-shōtō-ki, vol. 1. 
 
 (36) Theo bản Anh ngữ của W.E.Aston, ERE, XI, p.463.

Tuesday, August 18, 2020

Tản mạn chuyện Đào,Mai

Mai là loại hoa quân tử trong tứ hữu Tùng - Cúc - Trúc - Mai và trong tứ bình Mai - Lan - Cúc - Trúc

Trúc  Mai là mối tình đẹp giữa người quân tử và gái thuyền quyên

Nay Đào đã quyến gió đông 

Phù dung lại nở bên sông bơ sờ

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa Đào năm cũ còn cười gió đông.

Movehjk

Tản Đà  mơ cảnh xuân tiễn biệt ở chốn thiên thai cũng chỉ là hoa đào.

"Lá đào rơi rắc lối thiên thai

Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi

nửa năm tiên cảnh 

một bước trần ai

ước cũ duyên thừa có thế thôi

đá mòn rêu nhạt

nước chảy hoa trôi

Cái hạc bay vút tận trời

Trời đất từ đây xa cách mãi

Cửa động 

đầu hoa

đường lối cũ

Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi"

7943822eccf3e1295a05f98c28f4f024

Ông đồ già của Vũ Đình Liên viết câu đối đón xuân trong khung cảnh hoa đào và giấy đỏ

"Mỗi năm hoa đào về

lại thấy ông đồ già

bày mực tàu giấy đỏ

trên phố đông người qua...

Năm nay đào lại nở

chẳng thấy ông đồ xưa

những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ"

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

đình tiền tạc dạ nhất chi mai

( Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

đêm qua sân trước một cành mai )

Nguyễn Trãi có bài tả cây Mai:

" Quét trúc bước qua lòng suối

thưởng mai về đạp bóng trăng"

Bà Huyện Thanh Quan trong chiều hôm nhớ nhà

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi

Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

Nguyễn Đình Chiểu tả hoa mai

" Hữu tình thay ngọn gió đông

cành mai nở nhuỵ lá tòng reo vang"

Thơ của Sương Nguyệt Anh ( Hán linh sơn nhất thụ Mai )

Ngọc Quỳnh cốt cách vốn trời ban

đất tịnh chơ vơ lánh thế gian

ấm áp hương đầm xuân buổi sớm

lạnh lùng bóng nhạt nguyệt đêm tàn

nghĩ thân ánh tuyết hơi sương đậm

thương kẻ hài sinh gót tuyết chan

mến cảnh nước non xa chớ ngại

cùng lên ngâm vịnh tứ xuân tràn.

Mỗi lần nhìn cánh thiệp xuân in hình đoá mai vàng trong lòng cảm xúc rưng rưng đành rằng mỗi loài hoa có một vẻ đẹp , màu sắc  và ý nghĩa riêng nhưng sao giữa thế giới hoa xuân muôn hồng nghìn tía tôi vẫn yêu hoa mai , nhất là loài mai vàng. Cây mai nhà tôi lớn lên từ một cành nhỏ xíu xíu vậy mà cứ tết đến nó trổ bông vàng rực đẹp ngất ngây.

Nhà tôi có một cây Mai 

Mỗi năm tết đến hoa vàng sắc xuân.

Nó đã sống với tôi mười hai năm cho đến ngày những con chuột cống giết chết nó.

Vũ Hoàng Chương có bài thơ tết đề Mai

" Cao sâu từng nhập bóng cây già

cây vẫn thân xưa bóng chẳng nhoà

vườn trải băng sương trăm thức có

xuân còn thuý vũ một cành hoa

bóng nghe nắng ấm say đôi chút

cánh để men hồng nhuộm phớt qua

vang tiếng chim xanh để hót đấy

Bồng lai hẳn nhớ kẻ đi xa.

Nhà tôi có một cây Mai

Mỗi năm xuân đến vàng hai lối vào.

Sunday, August 16, 2020

Nguyện Làm Con Thảo ( cuộc thi viết mùa vu lan 2020 )

 Một mùa vu lan nữa lại đến và trong cơn đại dịch năm nay lòng con cảm thấy một nỗi buồn dâng tràn đến nghẹn lòng.

Những ngày con còn thơ ấu cha và mẹ phải đi làm còn con sau giờ học lại chơi đùa cùng những người bạn nhỏ hoặc con phải trông em .Tuổi thơ của con những ngày ấy giản dị biết chừng nào, cha mẹ mua cho con những quyển truyện cổ tích và con là cô bé say mê truyện cổ tích vô cùng.Con có một tủ truyện cổ và trong các truyện cổ ấy có một truyện làm con buồn ghê gớm, không dễ dàng gì diễn tả được nỗi buồn của con khi đọc xong truyện.Đó là truyện cổ tích: Sự Tích Cây Vú Sữa.

EDnE200UwAE8LrY

Sự tích cây vú sữa kể về một chú bé ham chơi bị mẹ la rầy, chú bé giận dỗi bỏ nhà ra đi biền biệt, mẹ của chú vì quá đau buồn và thương nhớ chú, người mẹ kiệt sức chết rồi hoá ra cây vú sữa.

Con vẫn luôn tự hỏi lòng mình rằng, tại sao có những người cha,người mẹ luôn thương yêu con cái của họ, họ nâng như trứng hứng như hoa.Vậy mà có những đứa con không ngoan mang tội bất hiếu, bỏ bê , đánh đập cha mẹ già tàn nhẫn. Thỉnh thoảng trên báo chí lại có tin tức cha mẹ bị con cái bỏ rơi , đối xử tệ bạc.Câu hỏi của con chưa tìm được câu trả lời trong nhiều năm.

Con vẫn biết rằng cha mẹ thương con biển hồ lai láng, cha mẹ chăm con những khi đau ốm , bệnh tật.Con cảm nhận tình thương yêu của cha mẹ chỉ là biết thế , biết như cuộc đời có sống và có chết chứ chẳng chịu tìm hiểu, chẳng nâng cao nhận thức của mình lên được.

Một ngày Vu Lan năm 2012 con tình cờ gặp một nhóm bạn rủ đi tu tập ở chùa Hoằng Pháp và ngày Vu Lan năm đó con đã đến chùa đọc kinh Vu Lan tham dự cuộc thi chép lời kinh hiếu.Lời kinh hiếu hạnh đã giúp con hiểu thêm rất nhiều về công cha , nghĩa mẹ.Những khoá sinh hoạt cùng các bạn trẻ vào mùa Vu Lan thật có ý nghĩa, chúng con thắp nến cầu nguyện nghe thầy giảng ý nghĩa Vu Lan. Có nhiều bạn trẻ đã khóc sướt mướt , nước mắt cứ tuôn ra như thể không có cách nào bắt nó ngừng lại được.Từ đó mỗi năm tới mùa Vu Lan con thường đến chùa cài hoa hồng lên ngực áo.Con thấy các bà, các mẹ cũng đến chùa cài hoa hồng.Các bà , các mẹ đã ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng khi nghe thầy nói đến cha mẹ, con cái cũng nước mắt sụt sùi.Trong mỗi người chúng ta ai cũng có tình cảm thiêng liêng cao quý.Học Phật giúp con hiểu ra và có câu trả lời cho câu hỏi của con, có những đứa con hư hỏng, bất hiếu, ngỗ nghịch, độc ác với chính cha mẹ những người thân trong gia đình của chúng, chúng là những duyên nợ , chướng duyên mà cha mẹ chúng đã có trong kiếp xa xôi nào, cũng như chú bé con trong truyện cổ tích Sự tích cây vú sữa.

Mùa Vu Lan năm nay buồn quá, có nhiều đau thương mất mát đến với nhiều người trên thế giới, con cầu mong cho con, cho gia đình con cha mẹ con, cho mọi người trên thế giới này biết yêu thương nhau hơn, tránh sát sinh, biết ăn chay cùng nhau sống hoà bình.

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thursday, August 13, 2020

Jupiter ( Mộc Tinh )

Để bay đến đấy, các tàu vũ trụ phải vượt qua khoảng cách hơn 600 triệu km trong 6 năm, và khi đến đấy rồi, chúng chụp những tấm ảnh bề mặt của hành tinh khí khổng lồ này gửi về Trái đất, và chúng ta ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nó. Không nghi ngờ gì nữa, Sao Mộc (Jupiter) là hành tinh đẹp đến sững sờ. Những nhiễu loạn không khí trên bề mặt nó, những cơn bão xoáy tạo ra cái gọi là Vết đỏ lớn, rất nhiều màu sắc nhìn như vân đá đã khiến Sao Mộc trông như một viên bi đẹp đẽ vô cùng.
117175928_10223088599064961_3893451001538951468_o
117638624_10223088602745053_8311449297345542420_n
Là hành tinh thứ 6 tính từ Mặt trời và cũng là hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời (thể tích khổng lồ của nó có thể chứa được 1300 Trái đất!), nó là một hành tinh khí chứa chủ yếu là hydro và helium, trông nó quyến rũ đến thế, nhưng thực ra tất cả che giấu một sự nguy hiểm chết người: nó không có bề mặt rắn. Bất cứ ai, vật gì, tàu vũ trụ nào hạ cánh xuống đây sẽ chìm sâu tới 60 nghìn km trước khi rơi đến lõi bằng đá của nó. Áp lực và nhiệt độ tăng nhanh có thể tiêu diệt chúng ta chỉ trong nháy mắt. Tháng 12/1995, tàu vũ trụ Galileo đã chứng minh điều này khi NASA thực hiện một sứ mệnh tự sát cho nó để tìm hiểu điều gì có thể xảy ra. Con tàu bị nghiền nát bởi áp lực cực lớn khi nó cách bầu khí quyển phía trên sao Mộc 150 km. Nhưng trước đó, nó đã gửi cho chúng ta rất nhiều thông tin đầy giá trị về khoa học.
117323377_10223088600184989_6346631978144454728_o
Các nhà thiên văn cổ đại đã phát hiện được sao Mộc từ hàng nghìn năm trước. Người La Mã đặt tên hành tinh này theo tên của Jupiter, chúa tể của các vị thần. Tên gọi của nó trong tiếng Trung Quốc được đặt theo hành “mộc” trong ngũ hành. Nó là thiên thể sáng thứ ba trên bầu trời đêm sau Mặt trăng và sao Kim (nó chính là sao Hôm và cũng là sao Mai đấy). 7 năm trước, người ta đã phát hiện ra có nước trong tầng bình lưu tập trung chủ yếu ở bán cầu nam của sao Mộc, chứng tỏ có nước trên hành tinh này, và do các sao chổi rơi xuống mang đến.
Trong kỉ nguyên khám phá vũ trụ, rất nhiều tàu vũ trụ đã bay qua sao Mộc hoặc bay quanh nó cho các sứ mệnh nghiên cứu, như các tàu Pioneer và Voyager những năm 1970 (chính tàu Voyager đã gửi về những tấm ảnh đầu tiên cho thấy các cơn bão lớn tạo ra Vết đỏ lớn quay ngược chiều với chiều quay của hành tinh), những năm gần đây là Cassini, New Horizons và gần nhất là Juno. Được phóng lên năm 2011, Juno đã đến quỹ đạo của sao Mộc năm 2016 và nghiên cứu nó từ đó đến nay, gửi về Trái đất rất nhiều ảnh chi tiết về bề mặt của sao Mộc, về cực quang sao Mộc và tìm hiểu khả năng có nước hay không trên các vệ tinh của nó, như Io, Ganymede và Europa.

Tuesday, August 11, 2020

Cuộc thám hiểm kỳ thú trong khu rừng rậm xứ Nam Mỹ

Loi-nhac-nho-cua-bac-dan-anh-intro-notzip

Năm 1974, một chiếc phi cơ bay lạc vào khu rừng rậm xứ Colombia, người phi công đã khám phá ra một công trình xây cất cổ xưa bằng đá có hình dạng kim tự tháp nhưng không giống kim tự tháp thường thấy ở Ai Cập hay Nam Mỹ.

iều này đã thôi thúc rất nhiều nhà khoa học và khảo cổ tìm đến đây. Sau cùng, họ phát hiện ra sự tồn tại của bộ lạc Kogi, được cho là hậu duệ của một nền văn minh cổ xưa đã biến mất từ mấy nghìn năm trước.

Các nhà khảo cổ đã nhiều lần cố gắng tiếp cận với bộ lạc này nhưng đều bị lảng tránh. Về sau, vì một lý do nào đó mà ký giả Alan Ereira đã được một người đại diện của bộ lạc Kogi tiếp xúc. Người này cho hay, đây là lần đầu tiên và có thể là duy nhất họ cho phép “con người hiện đại” viếng thăm.

Đầu năm 1993, Alan Ereira đã lên đường cùng một ký giả, ba nhà quay phim và nhân viên y tế. Đồng thời, họ cũng tìm được một người của bộ lạc kế cận có thể nói được tiếng Kogi làm thông dịch.

Những người Kogi.

Theo những gì khảo sát được, tộc người Kogi có niên đại khoảng 7-8 nghìn năm. Kogi là một trong những bộ tộc kỳ lạ và đặc biệt nhất thế giới bởi họ sống tách biệt, không có bất cứ quan hệ hay liên lạc với thế giới. Duy chỉ có một bộ phận người dân có tiếp xúc với những bộ tộc khác, sống lân cận trong cùng dãy núi.

Người Kogi có vóc dáng nhỏ nhắn giống người châu Á nhưng nước da ngăm đen và mái tóc xoăn tự nhiên. Theo phong tục truyền thống, cả nam và nữ đều để tóc dài, mặc quần áo giống nhau. Họ sống trong những ngôi nhà nhỏ làm bằng gỗ và lá cây, rất thoáng mát và sạch sẽ.

Những ngôi nhà nhỏ làm bằng gỗ và lá cây của bộ tộc Kogi.

Đặc biệt, tất cả mọi người trong bộ tộc đều ăn chay. Họ chủ yếu chỉ ăn hoa quả, rau củ và tuyệt đối không ăn thịt. Người Kogi tâm niệm: “Trái đất là nơi vạn vật sinh sống, tại sao phải sát sinh những loài động vật vô tội, khi mà chúng cũng như con người, đều biết đau”.

Nhóm ký giả cho rằng, đây rất có thể là lý do tuổi thọ của người Kogi cao đến như vậy – trung bình hơn 100 tuổi. Khi nhân viên y tế trong phái đoàn “kiểm tra” sức khoẻ của những người trong bộ tộc, anh lần lượt dùng các dụng cụ y khoa đo huyết áp, khám phổi, khám răng, thử máu… và không tìm thấy một dấu hiệu nào về bệnh tật hay sức khoẻ suy kém, kể cả sâu răng. Tuy vậy, vị Trưởng Lão cho biết, vẫn có trường hợp người qua đời vì bệnh nhưng rất ít và thường xảy ra khi đứa bé mới lớn.

Người Kogi gieo trồng một cách hết sức thô sơ và tự nhiên. Họ không bao giờ tích trữ lương thực, bởi theo họ, điều đó khiến con người trở nên ích kỷ và vô tình tạo nên sự ham muốn chiếm hữu nhiều hơn, đây chính là khởi nguồn của mâu thuẫn và chiến tranh.

Khi thấy những người Kogi hay cầm một cái ống bằng gỗ đựng vôi, dùng cái que gỗ xoay vòng cho vôi tan thành bột và lâu lâu lại chấm vào lưỡi, ký giả Alan Ereira hỏi vị trưởng lão:

– Thưa Trưởng Lão, người có thể giải thích cho chúng tôi biết rõ ý nghĩa của hành động đó được không?

Vị trưởng lão đáp:

– Hành động đó rất có ý nghĩa vì nhắc nhở mọi người trong chúng tôi luôn luôn ghi nhớ cần mài giũa Thân và Tâm để hiểu rõ đời sống một cách đúng đắn và vẹn toàn.

Vị trưởng lão chia sẻ thêm rằng:

– Theo quan niệm của chúng tôi thì sống thuận theo thiên nhiên không thể có bệnh. Bệnh tật chỉ là hậu quả của những gì trái với thiên nhiên. Sự tương giao giữa con người với thiên nhiên hết sức mật thiết và khi thiên nhiên bị phá hoại, chắc chắn con người cũng bị ảnh hưởng. Chính vì sống trái quy luật thiên nhiên mà có đủ thứ bệnh tật kỳ lạ xuất hiện.

Bộ tộc Kogi không có trường học mà chỉ có cách dạy dỗ khẩu truyền từ ông bà, cha mẹ cho con cháu, và từ các bậc Trưởng Lão cho những thanh niên. Nhóm ký giả đã ghi lại được cách Trưởng Lão dạy dỗ một thanh niên cách ăn uống như sau: “Khi ăn phải nhai từ từ, thong thả, phải ý thức từng chút một và tuyệt đối chú tâm vào việc ăn chứ không được nghĩ gì khác”.

Ngoài ra, khi được khoảng 20 tuổi, thanh niên được gửi đến học hỏi với các bậc Trưởng Lão trong những túp lều đơn sơ hoặc một hang đá. Tại đây, họ sẽ tập ngồi yên quay mặt vào vách tường trong 7 đến 9 năm liền. Họ chỉ được nhai một ít lá cây, uống một chút nước và chú tâm suy ngẫm về những điều được giảng dạy. Mỗi ngày, vào giờ giấc nhất định, các bậc Trưởng Lão có nhiệm vụ hướng dẫn sẽ bước vào và trao cho họ một đề tài để suy ngẫm.

Ký giả Alan Ereira đánh giá:

“Trong suốt 9 năm ngồi như vậy, người Kogi đã học được cách biết tôn trọng thiên nhiên. Họ biết ý thức về sự sống tràn đầy trong thiên nhiên, từ đỉnh núi cao xa to lớn cho đến những côn trùng bé nhỏ, từ những trận mưa đầu mùa đổ nước xuống các dòng suối tươi mát cho đến những hoa thơm cỏ lạ mọc trong các thung lũng… Tâm thức họ tràn đầy các hình ảnh tuyệt vời của thiên nhiên qua các điệu nhạc mà chim chóc hòa tấu, thưởng thức hương thơm của cỏ hoa, rung động với các thay đổi của thời tiết… Và khi trưởng thành, bước ra khỏi hang đá, con người đã có ý thức rất sâu xa về mình, về sự tương quan giữa mình và mọi vật. Khi đó họ mới được công nhận là đã trưởng thành, có thể lập gia đình; hoặc tiếp tục đi theo các bậc Trưởng Lão để học hỏi thêm nhiều năm và trở thành một trong những người này. Danh từ “Trưởng Lão” của người Kogi không hề có nghĩa là người chỉ huy mà chỉ có nghĩa là một người thông thái (wise man) mà thôi”.

Một vị Trưởng Lão cho biết: “Vũ trụ là một tấm gương lớn, phản ánh tất cả mọi việc xảy ra trong đó. Nếu có thể giao cảm với với vũ trụ thì người ta không cần phải đi đâu xa mà cũng biết được những điều cần thiết. Việc ngồi 9 năm trong động đá không phải chỉ ngồi đó nhai vài lá cây, suy nghĩ vài câu nói, mà đòi hỏi người ta phải nỗ lực tìm hiểu về chính mình, tìm hiểu về các quy luật vũ trụ. Khi đã hiểu các quy luật một cách sâu xa thì con người sẽ không làm trái với nó. Sở dĩ con người làm việc sai trái vì họ không hiểu biết, chỉ sống hời hợt, quay cuồng và dựa trên những giá trị giả tạo. Sống như thế không thể gọi là sống. Đó là sống mà như chết, thân thể tuy sống mà đầu óc đã chết từ lâu rồi!”.

Cũng bởi vậy, đối với người Kogi mà nói, việc chết cũng rất giản dị và tự nhiên. Khi cảm thấy đã đến lúc phải ra đi, một người già thường tìm một hang đá sâu và ngồi yên trong đó chờ chết. Họ không làm đám tang, gia đình cũng không than khóc bởi họ biết đó là một việc bình thường, là quy luật của tạo hóa.

Sau khi đã tham quan bên trong bộ lạc và hiểu được phần nào cuộc sống nơi đây, ký giả Alan Ereira được gặp một vị “Trưởng Lão”. Nhìn hàm răng còn nguyên vẹn, mọi người trong đoàn đều nghĩ ông lão chỉ khoảng 60 tuổi nhưng về sau ký giả Ereira được biết vị Trưởng Lão này đã sống trên 100 năm rồi. Thực tế, vị Trưởng Lão nào cũng đều 100 tuổi trở lên, nhưng họ không có dấu vết già yếu, bệnh tật trên thân thể như vẫn thường thấy ở những người bình thường khác.

Vị Trưởng Lão bắt đầu lên tiếng:

“Chúng tôi đã thảo luận rất kỹ về điều chúng tôi muốn nói. Chúng tôi muốn gửi một thông điệp cho các em trong gia đình nhân loại. Chúng tôi nói bằng trái tim, những lời nói chân thành nhất của những người anh và mong các em hãy lắng nghe”.

Tự nhận mình là anh cả của loài người, Trưởng Lão tiếp lời:

“Thứ nhất, nhân loại cần biết rằng tất cả chúng ta đều là anh em một nhà. Dù chúng ta có màu da khác nhau, truyền thống khác nhau, quan niệm khác nhau, sống trong những điều kiện khác nhau nhưng tất cả chỉ là bề ngoài mà thôi, bên trong chúng ta không hề khác biệt. Khi đói chúng ta đều đói như nhau, lúc khát chúng ta đều khát như nhau, chúng ta đều có cảm giác vui buồn như nhau.

Chúng ta đều là con cùng một Mẹ. Chúng tôi được sinh ra trước nên là anh, và làm anh thì cần phải chỉ bảo cho các em. Nhưng tiếc là các em đã quên mất nguồn gốc thiêng liêng của mình. Mẹ của chúng ta chính là tự nhiên. Đốt rừng, phá núi, đổ đồ ô uế xuống biển chính là chà đạp lên thân thể của Mẹ. Mẹ là nguồn sống chung và chúng ta không thể sống mà không có Mẹ.

Các em đã làm trái với quy luật tự nhiên, gây tai họa không những cho Mẹ mà còn cho chính các em. Các em cứ mê mờ nghĩ rằng mình có khả năng cải tạo thiên nhiên, cải tạo cuộc sống – Con người ngày càng văn minh tiến bộ với những máy móc tuyệt hảo tinh vi – Nhưng ý tưởng đó quá sai lầm, vì dù thông minh tài giỏi tới đâu, các em vẫn không thể thay đổi quy luật tự nhiên cũng như chế ngự được cơn thịnh nộ của thiên nhiên – Con người không thể ngăn cản sóng thần, động đất, lũ lụt và nhất là dịch bệnh và cái chết, mà ngược lại còn là nhân tố phát sinh những biến động từ thiên nhiên. Nếu cứ tiếp tục như vậy, các em sẽ tự huỷ hoại chính mình.

Khi cố gắng để đẩy lùi bệnh tật, con người vô hình trung đã làm phát sinh những loại vi trùng và những thứ bệnh mới khác.

Khi con người sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng cho gia súc và hoa màu – chúng ngấm vào đất đai, biển cả, sông ngòi… Sau đó, con người lại hấp thụ vô số những chất độc hại đó từ nước và không khí.

Nhưng điều tệ hại nhất là con người luôn tranh giành, thù hận và tàn sát lẫn nhau. Đây chính là sự ích kỷ và tham lam, và con người sẽ phải trả giá cho những điều đó. Bởi, quy luật tự nhiên là không chấp nhận những thứ xấu xa, tà ác.

Loài người vẫn tự hào rằng mình văn minh mà không biết cái văn minh đó là con dao hai lưỡi sát hại toàn thể nhân loại. Ðã đến lúc loài người nên thức tỉnh. Ðây chính là lời kêu gọi thiết tha và cũng là trách nhiệm mà người anh chúng tôi nhắn gửi tới những người em của mình. Hãy gửi ngay thông điệp này đến thế giới càng sớm càng tốt”.

Thực vậy, từ ngàn xưa, nhân loại đã có những nền văn minh lớn. Những nền văn minh đã tạo ra các kiến trúc vĩ đại như Kim Tự Tháp, Vườn treo Babylon, Vạn Lý Trường Thành… Tuy nhiên, dù phát triển đến đâu chăng nữa, nền văn minh nào cũng không thể thoát khỏi bị huỷ diệt nếu đạo đức con người đã trở nên hủ bại. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Vậy nên, cho đến ngày nay, không mấy ai biết rõ về những nền văn minh cổ xưa đã từng tồn tại, ngoại trừ những giai thoại rời rạc, không liên kết.

Thông điệp mà người Kogi gửi đến cho chúng ta hẳn là có lý do. Thử hỏi, tại sao chỉ sống ở nơi núi cao rừng thẳm mà họ vẫn biết rõ về những gì đã và sẽ xảy ra trên thế giới như vậy? Chiến tranh, bệnh tật, thiên tai, cho đến những thực trạng đang diễn ra ngoài xã hội – tất cả đều được tiên đoán chính xác và rõ ràng. Có thể câu trả lời là bởi họ có khả năng “giao cảm với vũ trụ”. Suốt 9 năm quay mặt vào vách đá để tu tập – họ đã khám phá ra sự liên kết, giao thoa, hợp nhất giữa trời đất, con người và thiên nhiên.

Saturday, August 1, 2020

Rivers of Babylon - Dòng sông Babylon

Ngày còn nhỏ, nghe bài “Rivers of Babylon” của ban nhạc Boney M thấy hay hay, cứ nhẩm nhẩm hát theo mà chẳng hiểu gì. Đến khi bắt đầu học tiếng Anh, thì bắt đầu biết lời của bài hát, chẳng hạn đoạn này: “By the rivers of Babylon, there we sat down/Yeah, we wept, when we remembered Zion”.
Thế rồi sau này đi nhiều đọc nhiều và gặp gỡ nhiều người Do thái, mới hiểu rằng, thực ra bài hát ấy bắt nguồn từ một bài thơ cổ bằng tiếng Hebrew từ hơn 2.500 năm trước, và ngày 29/7 vừa rồi, người Do thái trên khắp thế giới tổ chức lễ Tisha B’av để tưởng nhớ những biến cố lớn đã xảy ra với họ trong mấy nghìn năm lịch sử, trong đó có việc người Babylon và người La Mã đã phá huỷ hai ngôi đền thiêng của họ ở Jerusalem, đất thánh của họ. Câu chuyện liên quan đến “Rivers of Babylon” (bên các con sông của Babylon) được ghi lại trong Kinh Thánh Cựu ước, xảy ra khoảng năm 587 trước Công nguyên, khi Nebuchadnezzar II, vua của Babylon, một đế quốc rộng lớn bao trùm một phần Israel, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq ngày nay, bao vây Jerusalem, kinh đô của vương quốc Judah. Jerusalem bị cuối cùng bị chiếm, người dân bị giải về Babylon và đền thiêng của họ bị phá huỷ.
Sự kiện này, cũng như những sự kiện về nhà tiên tri Moses đưa người dân Israel vượt biển Đỏ để trốn sự truy đuổi của quân Ai Cập, là những nỗi đau của dân tộc Do thái và đều được Kinh Thánh ghi lại. Thánh thi 137 của Kinh Cựu ước đã ghi lại sự kiện này, và Tisha B’av chính là một ngày lễ để người Do thái muôn đời sau không bao giờ quên những biến cố đối với dân tộc họ. Thánh thi 137 chỉ là 1 trong số khoảng 150 bài thánh thi trong Kinh Cựu ước, nhắc lại những mốc thời gian và địa điểm cụ thể liên quan đến dân tộc Do thái hơn 2 nghìn năm trước. 9 vần thơ của thánh thi 137 đã mô tả lại cảnh người dân Judah bị bắt sang Babylon đang than khóc bên bờ sông Tigris và Euphrates (“rivers of Babylon”, tức là “những con sông của Babylon”, chính là 2 con sông này, hiện nằm trên lãnh thổ Iraq). Nó diễn tả nỗi tiếc nhớ Jesuralem của họ, cũng như khát vọng trả thù những kẻ áp bức.
Bài hát “Rivers of Babylon” được sáng tác cho ban nhạc reggae Jamaica “The Medolians” vào năm 1970 và sau đó được Boney M hát lại vào năm 1978, nhanh chóng trở thành bài hát nổi tiếng thời kì disco đang thống trị âm nhạc. Phần lời của bài hát được lấy từ thánh thi 137 và thánh thi 19. “By the rivers of Babylon, there we sat down/Yeah, we wept, when we remembered Zion” tạm dịch là “Bên bờ sông của đất Babylon, chúng ta ngồi xuống/Chúng ta khóc, và chúng ta tưởng nhớ Zion” (Zion là một địa danh để chỉ toàn bộ khu vực Jerusalem).
Thánh thi 137 kể về biến cố đền thiêng bị phá huỷ ấy cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm âm nhạc khác. Bach, Dvorak và Verdi đều viết nhiều tác phẩm về sự kiện này. “Nabucco”, vở opera nổi tiếng đầu tiên của Verdi, kể lại câu chuyện về việc người Israel đã bị bắt sang Babylon như thế nào. Sau này, một số bài hát hiện đại cũng lấy lời từ Kinh thánh như “Turn!Turn!Turn” của Pete Seeger (lời ca lấy từ Sách Truyền đạo 3:1-8) hay “40” của U2 (một phần lời ca lấy từ thánh thi 40).
Trong lễ Tisha B’av, người Do thái không chỉ tưởng nhớ những đồng bào mình đã bị truy bức, giết hại và bắt bớ trong những sự kiện kể trên, mà còn nhớ đến nhiều sự kiện khác nữa, như tưởng nhớ hàng vạn người Do thái đã bị giết hại trong cuộc Thập tự chinh đầu tiên (1096), người Do thái bị trục xuất khỏi Anh, Pháp và Tây Ban Nha ở thế kỉ 13,14 và 15 cũng như những cuộc diệt chủng người Do thái trong Thế chiến II…
 Tranh minh hoạ người dân Jerusalem khóc bên bờ sông của Babylon, do Gebhard Fugel vẽ khoảng những năm 1920
Image may contain: one or more people and outdoor
Tác giả Trương Anh Ngọc

Tìm hiểu y phấn tảo

  ( trích trong sách phật quốc ký sự ) của t/g Thích Phước Tiến