Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm vi gia đình và trở thành một lễ hội tâm linh của dân tộc Việt, một sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm tính nhân văn nơi chốn già lam thanh tịnh. Người Phật tử trong ngày nay sẽ hướng tâm tu tập, tưởng nhớ hồng ân chư Phật mười phương gia hộ, Thánh thần độ trì, kế đến là ông bà tổ tiên che chở. Đây cũng là dịp để mỗi người kết nối truyền thống gia đình trong tinh thần tri ân và báo ân.
* Tết Hạ nguyên là Tết gì?
Tết Hạ nguyên là Tết cuối cùng của bộ ba Tết Thượng nguyên (rằm tháng Giêng), Tết Trung nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (rằm tháng Mười) trong năm.
Lễ hội rằm tháng 10 tự thân đã được định hình và phát triển trong tâm thức người dân Việt Nam từ rất lâu. Xưa kia người Việt một năm chỉ trồng một vụ lúa, khi gió bấc non bắt đầu thổi, trời se lạnh là lúc lúa mùa sớm trổ bông. Đến đầu tháng 10 (âm lịch) gặt lúa về, người dân làm lễ cơm mới tạ Thần Nông (vị thần cai quản trong nông nghiệp) và gia tiên để cầu một vụ mùa mới bội thu hơn.
Sau khi vụ lúa tháng Tám vừa gặt hái xong, công việc đồng áng cả năm bắt đầu nhẹ nhàng, thư thả. Lúa đã đầy bồ, rơm rạ đã chất thành đống khô ráo, tươm tất. Khí tiết mùa đông lạnh lẽo mà lại được mùa, có lúa mới, mọi người nghĩ ngay đến ơn nghĩa của trời đất mưa thuận gió hòa, trong năm không bị lụt lội làm hư hại mùa màng. Cho nên đến ngày rằm tháng Mười, người dân thường dùng chính thóc lúa mới vừa được thu hoạch chế biến thành các món ăn truyền thống theo phong tục tập quán của từng địa phương như: Xôi, chè kho, bánh ít, bánh cúng, bánh nếp, bánh bột lọc, bánh gạo…
Ca dao Việt Nam ta có câu:
"Rằm tháng Giêng, ai có tiền thì quảy,
Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không,
Rằm tháng Mười, mười người mười quảy".
Như vậy, trong ba ngày rằm, rằm tháng Mười là ngày mọi người ai cũng đều cúng quảy. Theo phong tục cổ xưa, Tết Hạ nguyên là dịp “tiến tân” cơm gạo mới, sắm sửa hương hoa, đèn nến thiết lập mâm lễ thơm ngon tinh khiết để dâng cúng tổ tiên. Tết Hạ nguyên - Rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết mừng lúa mới, Tết cơm mới là lễ hội có vị trí vô cùng quan trọng đối với cư dân nông nghiệp.
* Ý nghĩa Tết Hạ nguyên trong Phật giáo
Rằm tháng Mười không chỉ được tổ chức theo phong tục tập quán ở mỗi địa phương mà còn lan tỏa vào từng mái chùa:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Lễ Hạ nguyên ở chùa tuy hình thức có phần đơn giản hơn so với các lễ hội Phật giáo khác như Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu Lan nhưng về nội dung vẫn phản ánh đậm nét màu sắc tâm linh, nhắc nhở các Phật tử sống đúng Chánh pháp, noi theo gương hạnh của chư Phật và chư Tổ.
Ngày rằm tháng Mười được coi như lễ tạ ơn. Đúng với tinh thần nhớ ơn, đền ơn trong Tứ Trọng Ân đức Phật đã dạy khi còn tại thế: Ân Tam bảo, ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân chúng sinh vạn loài. Đối với người Phật tử, rằm tháng 10 là dịp để hướng tâm tu tập, siêng làm điều thiện, tu tâm dưỡng tính và tưởng niệm công đức của chư Phật khắp mười phương. Đồng thời bày tỏ lòng thành kính với công ơn truyền dạy của các vị thầy, bậc thiện tri thức.
Vào ngày này mỗi năm ngoài đi chùa, thắp hương cầu an cho người thân thì mọi người còn cầu siêu cho người đã khuất, là dịp để mỗi người hướng tới cội nguồn và những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Trong ngày rằm tháng Mười, mỗi người tự hứa với lòng mình, phát hạnh nguyện sống theo Chánh pháp, nếp sống hướng thiện cao quý, mong sao được thành tựu trước sự chứng minh của chư Phật, Thánh thần, tổ tiên trong không khí trang nghiêm trước gian thờ Phật hay bàn thờ gia tiên.
Với ý nghĩa thiêng liêng ấy, ngày Tết Hạ nguyên hay còn gọi là rằm tháng Mười đã trở thành ngày hội để tôn vinh các giá trị văn hóa tinh thần của cội nguồn dân tộc, thể hiện khát vọng được sống an lành, bình an, xây dựng một đời sống hướng thiện của người dân Việt. Đây cũng là dịp để thế hệ trước răn dạy thế hệ sau về đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", biết sống đúng theo tinh thần đền ơn đáp nghĩa. Từ đó mỗi người biết hướng vào bên trong, trở về bản tâm, sống chân thật, không làm những điều sai trái. Nếu ngày ngày luôn nhớ gieo trồng nhân lành thì sẽ được hưởng hương thơm quả ngọt của đất trời. Trên hết là được an trú trong niềm hỷ lạc - hạnh phúc Niết bàn ngay trong cõi nhân gian này.
No comments:
Post a Comment