Saturday, July 15, 2023

TẾT ĐOAN NGỌ

Tôi muốn xin phép nhân dịp mọi người đang quan tâm đến vấn đề lễ hội để bảo vệ một ngày lễ từ lâu đã mai một dần ý nghĩa trong nhận thức của dân tộc, đó là tết Đoan Ngọ.

Nguyên đó là ngày giỗ của ông Khuất Nguyên, vị quan trung thần của nước Sở (Trung Quốc) vì can vua không nghe, đã nhảy xuống sông Mịch La tự trầm. Nhưng đó là thuộc về giai thoại Trung Quốc, đâu có dính líu gì đến lịch sử và văn hoá VN.

Có lẽ người xưa quan niệm rằng lời can ngăn là một vị thuốc trị bệnh (thuốc đắng đã tật) nên người Việt ta dùng ngày giỗ Khuất Nguyên để nhắc nhở đến truyền thống trị bệnh cứu đời của ngành đông y ngày xưa.

Hiện nay ngày Tết Đoan Ngọ vẫn giữ tục giết sâu bọ cho trẻ em (nghĩa là xổ giun sán) bằng cách cho trẻ con ăn trái cây. Còn người lớn thì ăn cơm rượu để trừ giun. Ngày nay trong thôn xóm thường có hàng rong đi rao bán cơm lên men ở nồng độ cao để người lớn “ giết sâu bọ”. Đến giữa trưa, những người đau mắt (đỏ mắt hoặc đau mắt hột) đua nhau nhỏ chanh vào mắt rồi ra đứng nhìn thẳng vào mặt trời, nói là để trị bệnh mắt. Người ta còn đổ đi khắp nơi hái nhiều thứ lá hoang dại về phơi khô để uống thuờng xuyên, gọi là lá mồng năm.

Trong các chợ quê ở Huế, thường có những bà hàng quán bán các thứ lá mồng năm, gói thành từng lọn nhỏ dùng để uống thay nước chè. Người ta tin rằng một số lá cây thường có dược tính nên xếp chúng vào truyền thống Đoan Ngọ, tuy nhiên phiên chợ nào cũng có bán. Lá mồng năm thì tùy từng địa phương, gồm có các loại thường thấy, như lá ngũ gia bì (hay là mía ngấy), dùng để ăn chóng tiêu; lá lạc tiên ( còn gọi lá nắm nêm, lá chùm bao…) dùng trị bệnh mất ngủ; lá vằng uống bổ huyết, đặc biệt dùng cho sản phụ mới đẻ dậy; dây tơ hồng buông thành rừng, dọc vàm sông, hái về uống thay lá chè.

Các loại lá mồng năm, ngoài việc trị bệnh, còn là một nguồn thức uống hằng ngày, thay cho cây chè, lá gì nấu ra cũng có màu nâu đục, vị thơm ngon. Lá mồng năm chính là một dấu vết kỷ niệm của ngành đông y trong đời sống, chứng tỏ vị trí cao quý của người thầy thuốc trong xã hội Việt Nam ngày xưa.

Ở Huế xưa còn có một ngôi miếu khang trang, gọi là miếu Thánh Y dùng để thờ các vị thầy thuốc danh tiếng lưu truyền trong sách vở, như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh; lại có miếu Tiên Y thờ những sư phụ tên tuổi vang lừng, như Hoa Đà, Biển Thước… Qua chinh chiến, những ngôi miếu ấy đã bị xoá mất dấu tích, chỉ còn để lại một cây cầu cong bằng đá, gọi là cổng Lương, và một xóm đông dân, cũng có tên là xóm Lương Y. Trong vùng còn lại một toà cổ miếu, được dân gian hương khói quanh năm để nhắc nhở kỷ niệm của các vị thầy thuốc ngày xưa.

Không thấy nơi đâu mà vai trò của người thầy thuốc được quý trọng như ở Huế. Có lẽ Trường Đại Học Y Khoa Huế cùng Bệnh viện Trung ương Huế nên cổ xúy trở lại truyền thống văn hoá dân tộc của ngày Tết Đoan Ngọ, trở lại với những toà cổ miếu như những di tích văn hoá tôn thờ các danh nhân ngành Y, như một cách cổ vũ cho y đức, vấn đề đang trở thành bức xúc trong nghề thuốc hiện đại. Thiết nghĩ hiếm có nơi nào như Huế, các sinh viên y khoa thừa hưởng một truyền thống lẫy lừng của ngành y được cả xã hội ngày xưa quý trọng hơn châu báu.

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

No comments:

GIÁ TRỊ TÂM LINH CỦA NGÀY RẰM THÁNG 10 - TẾT HẠ NGUYÊN

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm ...