Thursday, March 23, 2023

TÂM LÝ TRỊ LIỆU ( P1 )

THƯA SƯ THẦY, LÒNG CON QUÁ U SẦU

YÊU NHỮNG ĐIỀU KHÔNG HOÀN HẢO - HEA MIN
Việt Dịch: Nguyễn Việt Tú Anh
 
Đã là con người ai cũng sẽ có lúc cảm thấy u uất, chỉ khác nhau ở chỗ thường xuyên hay không mà thôi. Nếu trong cuộc sống chúng ta chỉ toàn gặp chuyện vui thì tốt biết mấy, nhưng như sinh lão bệnh tử đã được định sẵn luôn đi cùng nhau, mỗi khi có chuyện buồn hay khó khăn ập đến dĩ nhiên ta không thể không cảm thấy u uất.
Chẳng nói đâu xa ngay với tôi đây, cảm xúc u uất cũng giống như một vị khách, thường tìm đến khi tôi ngỡ mình đã quên. Khi tôi thất vọng vì đã nỗ lực hết mình nhưng kết quả không như mong đợi, khi tôi gặp phải những hiểu lầm, va chạm trong mối quan hệ với người khác mà không thể làm gì, khi tôi nhận ra người khác đang đặt điều nói sai về mình... Những lúc như thế cảm xúc u uất lại ùa đến. Hoặc khi người tôi tin tưởng phản bội tôi, hay khi tôi cảm thấy không còn chút hy vọng nào thoát khỏi tình huống khó khăn mình đang gặp phải, vị khách u uất này lại lạnh lùng đến gõ cửa trái tim tôi.
337399759_908073003861535_5307819264499752_n
Với những người tìm đến trường học chữa lành trái tim trong tình trạng trầm cảm kéo dài chứ không chỉ ở mức độ đôi khi cảm thấy u uất như tôi, tôi luôn khuyên họ đến các bệnh viện chuyên khoa trước. Đặc biệt với những người có suy nghĩ muốn tự tử hoặc những trường hợp gần như mất ngủ lâu ngày, việc tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn là hết sức cần thiết. Cũng có một số người đến nhờ chúng tôi tư vấn trên phương diện tâm lý học Phật giáo, muốn được đưa ra lời khuyên nên làm gì khi rơi vào trạng thái u uất, dù họ không mắc các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng. Họ muốn biết tình trạng u sầu ấy có những đặc tính gì, và nên có thái độ như thế nào khi bản thân trở nên u sầu như vậy, họ muốn nghe những lời an ủi từ chúng tôi.
Trước hết, mỗi khi cảm thấy u sầu, tôi đều cố gắng nhìn thật kỹ vào bên trong lòng mình, nhờ làm vậy tôi đã phát hiện ra một số điểm đặc biệt nổi bật. Đầu tiên, năng lượng làm nảy sinh và duy trì tâm trạng u uất chính là nguồn năng lượng từ "những suy nghĩ lặp đi lặp lại của chính bản thân chúng ta". Nghĩa là tâm trạng hoặc cảm xúc sẽ thay đổi tùy theo việc chúng ta có suy nghĩ gì. Nếu ta suy nghĩ tích cực thì những cảm xúc tích cực sẽ xuất hiện, ngược lại, nếu suy nghĩ tiêu cực thì chúng ta sẽ bị cảm xúc tiêu cực xâm chiếm. Và nếu chúng ta kiềm chế, không liên tục ném những bó củi được hình thành từ những suy nghĩ u uất vào lò lửa trong lòng mình, thì chẳng bao lâu những cảm xúc u uất ấy cũng sẽ biến mất. Tóm lại để có thể hiểu được cảm xúc u uất, chúng ta cần hiểu được "suy nghĩ", nguyên nhân chính gây ra cảm xúc này.
Suy nghĩ là một loại quan điểm do tâm hồn tạo ra, phản lỉng về những tình huống xảy ra bên trong và bên ngoài cơ thể. Người ta nói rằng mỗi ngày con người có đến 17.000 suy nghĩ. Xét về nội dung thì suy nghĩ thường được tạo nên từ những ký ức của quá khứ và sẽ nối nhau xuất hiện như những quân domino. Nhưng chúng ta lại hầu như không nhận thức được về những suy nghĩ đó, hoàn toàn đắm chìm vào chúng và để tâm trạng mình trôi theo hướng suy nghĩ kéo đi. Chúng ta là người tạo ra suy nghĩ, nhưng chủ cách bị đảo lộn, từ đó suy nghĩ sai khiến tâm trạng chúng ta chứ không phải tâm trạng chúng ta điều khiển suy nghĩ nữa. Hơn nữa, suy nghĩ liên tục xuất hiện và biến mất trong vô thức nên đôi khi chúng ta không thể phân biệt được những suy nghĩ ấy là sự thật hay chỉ đơn thuần là những quan điểm xuất phát từ cái nhìn cá nhân. Và chúng ta luôn dễ tin vào tất cả những suy nghĩ xuất hiện trong tâm trí mình. Dù có thể chúng không đúng với hiện thực.
Chúng ta đã tìm hiểu về bản chất của suy nghĩ, vậy bây giờ chỉ cần quyết tâm là được. Thứ nhất, tôi hy vọng mọi người luôn nhớ rằng khi suy nghĩ u uất xuất hiện, nó chỉ là một đám mây nhỏ bay ngang qua bầu trời nội tâm thôi, chứ không phải cả cuộc đời chúng ta đều u ám như suy nghĩ đó. Có nhiều vấn đề tâm lý nảy sinh vì chúng ta coi những suy nghĩ nảy ra trong đầu và bản thân mình là một. Tuy nhiên suy nghĩ là thứ sinh ra rồi biến mất trong giây lát giữa các tình huống thay đổi liên tục. Khi có suy nghĩ hoặc cảm xúc u uất xuất hiện, hãy lùi lại một bước và bình thản tự nhủ "Ái chà, lại có một đám mây u ám xuất hiện rồi đây!", như vậy những suy nghĩ u uất sẽ không được duy trì, và khi cháy hết nguyên liệu chúng sẽ tự động dừng lại. Nếu liên tục bám lấy những suy nghĩ xuất hiện không ngừng và đồng nhất nó với bản thân mình, chúng ta sẽ rơi vào vũng lầy trầm cảm.
Thứ hai, nếu bạn nghĩ rằng mình phải chịu đựng chứng trầm cảm do lời những người khác bàn tán về mình, thì tôi mong bạn hiểu một điều. Rằng có thể bạn cảm thấy những điều họ nói là về bạn, nhưng nếu nghe kỹ, bạn sẽ nhận ra rằng những lời họ đang bóng gió lại bộc lộ chính trạng thái tâm lý của họ đấy. Ví dụ ngay như bản thân tôi đây, khi tôi dùng mạng xã hội, cũng có người chỉ trích tôi là nhà sư trẻ mà không biết kiệm lời, nói này nói nọ quá nhiều. Nghe vậy, ban đầu tôi cũng cảm thấy oan ức và buồn rầu một chút, rồi có một lần tôi tò mò tìm hiểu xem người đó thường ngày nói những gì, thì tôi phát hiện ra trên trang cá nhân ông ta còn viết rất nhiều những lời lẽ không hay về những tác giả nổi tiếng, những chính trị gia, những ngôi sao thể thao, những nghệ sĩ,... Nghĩa là vấn đề không phải ở tôi, mà nằm ở người đó. Chúng ta không cần phải biến tâm trạng bất ổn của người khác thành vấn đề của mình để rồi đau khổ vì nó. Dĩ nhiên chúng ta vẫn có thể cầu nguyện cho họ, mong họ sẽ hạnh phúc hơn để với trái tim hạnh phúc họ sẽ nói ra những lời hạnh phúc.
Thứ ba, phải luôn ghi nhớ rằng đại đa số những suy nghĩ của chúng ta xuất phát từ những quan điểm dựa trên những kinh nghiệm cực kỳ cá nhân. Những quan điểm cá nhân ấy không phải là sự thật cố định bất biến mà thay đổi tùy theo hoàn cảnh, nên những suy nghĩ trong quá khứ chưa chắc đã đúng với thời điểm hiện tại. Ví dụ khi những suy nghĩ bi quan trong quá khứ xuất hiện làm bạn mất tự tin, đừng cố gắng chịu đựng chúng mà hãy kéo lòng mình về với hiện tại. Đặc biệt nếu bạn có thể biến chúng thành "hơi thở" là tốt hơn cả. Hơi thở luôn ở trong hiện tại, khi bạn cảm nhận được hơi thở đi ra và đi vào bên trong mình, bạn sẽ thấy thanh thản hơn và cơ thể cũng sẽ thoải mái hơn. Khi lòng bạn hướng về hiện tại, vào khoảnh khắc bạn đang thở, những suy nghĩ sẽ tự động dừng lại. Đó là vì chúng ta không thể suy nghĩ về chính khoảnh khắc hiện tại này. Khi bạn về với hiện tại, sẽ không còn suy nghĩ nữa. Để kiểm chứng bạn hãy thử tạm đặt cuốn sách này xuống và hít thở thật sâu rồi cảm nhận trong ba phút. Chỉ cần tập trung vào hơi thở, tâm trạng u uất của bạn sẽ nhẹ đi rất nhiều.

No comments:

GIÁ TRỊ TÂM LINH CỦA NGÀY RẰM THÁNG 10 - TẾT HẠ NGUYÊN

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm ...