Wednesday, August 31, 2022

LỜI ĐẠO SƯ

TÁNH KHÔNG - TÂM BỒ ĐỀ

LỜI ĐẠO SƯ
HUNGKAR RINPOCHE
--🌿🌺🌿--
“Giáo lý của Đức Phật có hai phần … Một về tánh không và một về tâm bồ đề.”
Giáo lý của Đức Phật có hai phần. Phần thứ nhất là giáo lý tánh Không, phần thứ hai là giáo lý về tâm Bồ đề. Tu Phật có nghĩa là hợp nhất hai phần làm một. Đây là con đường đúng đắn để thực hành giáo lý Phật đà. Khi lắng nghe giáo lý chúng ta phải nhận ra hai phần này. Một về tánh Không và một về tâm Bồ đề. Nếu người tu chỉ biết có một phần thì chưa hoàn chỉnh. Khi tu đạo chúng ta tu tâm Bồ đề trước. Ta bắt đầu với việc tu tâm Bồ đề và tâm Từ Bi. Rồi sau đó tiếp tục công phu về tánh Không.
Loi-dao-su-bia
🌺TÁNH KHÔNG - LÝ NHÂN DUYÊN 
“ ... không hiểu lý nhân duyên thì
không có cách nào để hiểu được giáo lý tánh Không.”
Phải công phu về tánh Không thế nào? Tánh Không là gì? Trước hết ta cần phải hiểu lý nhân duyên. Theo giáo lý duyên khởi tất cả vạn pháp đều phụ thuộc lẫn nhau. Nếu người tu không hiểu lý nhân duyên thì không có cách nào để hiểu được giáo lý tánh Không. Tánh Không thậm thâm thật khó mà chứng ngộ, vì vậy mà người tu phải dựa vào việc hiểu tâm bồ đề và tâm từ bi. Một người hiểu sâu sắc, đúng đắn về tâm bồ đề và tâm từ bi thì có nhiều cơ duyên thấu đạt chân nghĩa của tánh Không.
Về ý nghĩa của lý nhân duyên? Như Thầy đã nói ở trên, sự sinh tồn của mọi thứ phụ thuộc vào những thứ khác, mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có một pháp nào độc lập. Không có một pháp nào tồn tại không phụ thuộc vào các pháp khác. Mọi thứ để thành trụ đều phải nương vào các thứ khác. Điều đó có nghĩa là vạn pháp đều không có tự tánh. Vạn pháp đều thành trụ không phải nhờ tự tánh của chúng mà nhờ các duyên, nhờ các pháp khác.
“không có cái ngã tự thân tồn tại độc lập.
Ngã có tánh phụ thuộc.”
Nhưng chúng ta không hiểu điều này và ta tưởng rằng ta thành trụ là do chính bản thân mình. Ta tưởng rằng ta độc lập và từ đó mà nuôi tâm cống cao ngã mạn. Đó là chấp ngã. Ta tưởng là ta thành trụ tự thân nào ngờ ta thành trụ được là do nhiều yếu tố, nhiều duyên [tụ hợp lại]. Nhưng thông thường chúng ta không nhìn thấy điều đó. Ta chỉ thấy cái hiển lộ ra ngoài [trên bề mặt] và điều này tạo nên rắc rối. Ta xem mình là trung tâm, thành tựu không bởi cái gì cả. Ta là trung tâm, ta là quan trọng, ta là quyền lực. Và ta muốn thâu tóm, muốn điều hành tất cả. Ta không thấy rằng sự sinh tồn của ta phụ thuộc vào chúng sinh khác. Ta chỉ thấy có ta và ta nói: Tôi, của Tôi, chính Tôi v.v. Tôi là quan trọng, Tôi là vua, Tôi là Chúa tể, Tôi là lãnh tụ v.v.
Ta chỉ đang lầm mà thôi.
Theo tri kiến của Phật giáo chư pháp vô ngã. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là không có cái ngã tự thân tồn tại độc lập. Ngã có tánh phụ thuộc. Đời là ảo huyễn. Tại sao ta nói đời ảo huyễn như giấc mộng? Bởi vì nó phụ thuộc vào nhiều thứ. Khi mọi thứ tụ lại thì tạo thành một cái gì đó. Thứ đó giống như giấc mộng. Ví dụ, ngày hôm qua giống như giấc mộng. Ngày hôm qua khi nhiều thứ tụ lại thì có ngày hôm qua. Rồi thì nó tan biến. Bởi vì các thành tố, các duyên tạo thành ngày hôm qua tán nên nó cũng tán, nó tan biến. Ngày hôm qua tan biến như giấc mộng.
Tất cả mọi thứ đều như vậy. Cuộc đời này cũng như vậy. Vào thời điểm này ta thấy nó như thực. Ta nói: “Cái này xấu”, “Cái này tốt” và đưa ra nhiều phán xét. Nhưng duyên biến dịch thì quả cũng biến dịch. Không có gì thường trụ và không bao giờ biến dịch. Vạn pháp đều biến dịch. Câu trả lời là: ngày hôm qua như giấc mộng, vạn pháp đều như vậy. Đó là thực tánh của vạn pháp. Không có sức mạnh nào giữ được chúng thường trụ. Đó gọi là lý nhân duyên.
1752
2005
🌺TỪ BI - LÝ NHÂN DUYÊN
“... ta cần phải tốt với nhau, từ bi với nhau.
Vì ta phụ thuộc vào nhau.”
Vậy nên con người phải phụ thuộc lẫn nhau. Chúng sinh hữu tình phụ thuộc lẫn nhau. Phụ thuộc như thế nào? Chúng ta [thoạt tiên] thấy người trong một nhóm nhỏ phụ thuộc lẫn nhau. Rồi bức tranh mở rộng dần, mở rộng dần … Rồi ta thấy cả vũ trụ sinh loài đều phụ thuộc lẫn nhau. Thấy và hiểu được sự kết nối này rất có lợi cho việc trưởng dưỡng tâm bồ đề của chúng ta. Bởi vì ta [sẽ thấy ta] cần phải tốt với nhau, từ bi với nhau. Vì ta phụ thuộc vào nhau. Đó là tri kiến của Phật giáo được gọi là lý nhân duyên.
Hiểu được điều này là một phương thức thâm diệu để chứng ngộ tánh Không. Đó chính là tánh Không. Nhưng chúng ta không biết, không thấy sự kết nối này. Ta không thấy nó vận hành một cách thâm diệu và vi tế ra sao. Chúng ta chỉ thấy mọi thứ ở cấp độ thô. Chúng ta chỉ thấy thực tại trên bề mặt mà không thấy chi tiết của nó. Vì vậy mà ta là kẻ trên-bề-mặt. Ta chỉ lang thang giữa sự vật hiện tượng (vạn pháp) mà không thể nào thấy được chân tánh của chúng.
Chúng ta không thấy được thật tánh của vạn pháp. Chúng ta chỉ thấy cái khung, cái phần vật-chất, cái thuộc về phần-bên-ngoài mà không thấy cái phần bên-trong, cái phần trong-thể-tánh. Vậy nên ta là kẻ phàm phu và tâm ta là tâm phàm phu. Do đâu ta thành kẻ phàm phu? Chính vô minh đã duyên cho việc đó. Vì không thấy sự kết nối, không thấy thực tánh mà ta có nhiều vô minh, vọng tưởng. Ta phải chỉnh sửa tâm mình. Ta phải biết Pháp.
Đó là tri kiến Phật giáo, là cách người tu Phật hiểu về [thực tại của] vạn pháp. Ý nghĩa của Pháp (Dharma) là gì? Pháp có tác dụng gì? Ý nghĩa của Pháp là ở chỗ Pháp là phương thuốc trị bệnh. Pháp là thuốc chữa lành, là duyên. Duyên này có tác dụng gì? Nó khiến cho điều gì đó xảy ra. Nó có sức mạnh.
--🌿🌿🌿--
Trích: “Lời Đạo Sư”
Hungkar Rinpoche

Tuesday, August 30, 2022

NHẬT KÝ CỦA MỘT LINH HỒN SAU KHI CHẾT

Lúc sống tranh đấu một đời , bất chấp dư luận , chấp nhận mất nhân cách rồi thì….

– Vào một ngày, khi hơi thở ta không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ của ta, ta đã thấy… Người ghét ta, nhảy múa vui mừng, người thương ta, nước mắt rưng rưng.

– Ngày động quan…

Thân thể ta nằm sâu dưới lòng đất. Người ghét ta, nhìn nấm mộ niềm vui hiện rõ. Người thương ta, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối.

– Ba tháng sau…

Thân xác ta đang dần trương sình, bốc mùi hôi thối, thuở còn sống ta vô cùng ghét côn trùng, giờ đây giòi bọ đang nhăm nhi cái thân mà ta cả đời nâng niu, tàn sát sinh mạng để cung phụng cho nó đủ thức ngon, mặc đẹp, đắp vào bao nhiêu tiền của.

288753469_563052591875080_1152026527469403210_n

– Một năm sau…

Thân thể của ta đã rã tan…

nấm mộ của ta mưa bay gió thổi…

ngày giỗ ta, họ vui như trẩy hội,

mở tiệc ca nhạc, ăn uống linh đình.

Người ghét ta, lâu lâu trong buổi trà dư tửu hậu nhắc đến tên ta…họ vẫn còn bực tức. Người thương ta, khi đêm khuya vắng lặng, khóc thầm rơi lệ tìm ai bày tỏ.

– Vài năm sau…

Ta không còn thân thể nữa, chỉ còn lại một ít xương tàn. Người ghét ta, chỉ nhớ mơ hồ tên ta, họ đã quên mất gương mặt của ta. Người yêu thương ta, khi nhớ về ta có chút trầm lặng. Cuộc sống xô bồ dần dần làm phai mờ đi tất cả.

– Vài chục năm sau…

Nấm mộ của ta hoang tàn không người nhang khói, quan tài nơi ta nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu. Người ghét ta, đã già lú cũng quên ta rồi. Người yêu thương ta, cũng tiếp bước ta đi vào nấm mộ.

– Đối với thế giới này…

Ta đã hoàn toàn trở thành hư vô, không ai biết ta từng tồn tại, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mỗi người một nơi, kẻ già, người chết, những gì ta dùng đã mất, những gì ta dành dụm để lại, rơi vào tay kẻ khác.

Ta phấn đấu, hơn thua, tranh giành cả đời, cũng không mang theo được nhành cây ngọn cỏ. Tiền tài, gia sản mà ta cố giữ, cố thủ đoạn, mưu mô để có cũng không mang được một phần hư danh, vinh dự hão huyền nào.

– Ta nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là sự lương thiện.

Bất giác ta có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi.

Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc.

Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm nấm mộ vô danh.

Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời.

Monday, August 29, 2022

HIẾU ĐẠO!

 Hiếu  Đạo!

Ngày xưa khi tôi còn học phổ thông tôi có một chị bạn thân đã xuất gia làm sư cô. Chúng tôi khá thân thiết với nhau nhưng vì lúc đó vẫn còn phải học hành và bận bịu với các kế hoạch cho tương lai nên chúng tôi ít nói về đạo. Tôi có hỏi cô làm cách nào để được vào chùa ở thì cô bảo phải có mẹ gửi vào chùa.Một thời gian sau cả hai chúng tôi không có dịp hội ngộ cùng nhau nữa vì ai cũng có công việc riêng. Cô nhận làm trụ trì một ngôi chùa quê xa , tôi không còn cơ hội để gọi cô là thầy hay sư phụ và cũng chưa kịp nhận cô làm sư phụ hay y chỉ sư của tôi.

Rồi tôi vào đạo và học đạo. Có một vị thầy khả kính đã cho tôi một câu thư pháp đầu năm mới thế này :

Biết kiên trì phục thiện 

Thân cận người xuất gia

Dự pháp đàm học hỏi 

Là phước lành cao thượng

Câu này làm tôi nhớ tới chị , sư cô ngày ấy đáng lẽ tôi phải xưng hô với cô là cô , con nhưng tôi không biết điều ấy và "chị" cũng chẳng nói cho tôi biết cách xưng hô nơi cửa phật thế nào.

Cô đã đi về cõi phật , nguyện cầu cho cô về tới cõi An Lạc Quốc.

Tuesday, August 16, 2022

SÁU NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI

SÁU NHU CẦU CƠ BẢN CỦA CON NGƯỜI
TƯ DUY ĐỘT PHÁ - PATRICK KING
Người dịch: Vân Khanh, NXB Thế Giới
🍀🍀🍀🌺🍀🍀🍀
Hãy thay thế những hành động kém tích cực bằng những hành động vừa hữu ích vừa thỏa mãn các nhu cầu nhất định.
Dù đến từ đâu và đang cố đạt được điều gì, chúng ta đều bị điều khiển bởi sáu nhu cầu cơ bản của con người.
Cuộc sống có thể rất phức tạp và không phải lúc nào cũng giống nhau. Đây là một khuôn khổ khác từ Tony Robbins và có giá trị đặc biệt hữu ích trong nghiên cứu của tôi về thành công.
Sáu nhu cầu này điều khiển cuộc đời của chúng ta theo những cách chúng ta có thể diễn giải và không bao giờ nghĩ đến. Ở bất kì thời điểm nào, phần lớn chúng ta sẽ xem trọng hai trong số sáu nhu cầu này nhất. Chúng có vai trò vô cùng to lớn trong việc chúng ta phát triển những thói quen hằng ngày và đưa ra các loại lựa chọn và quyết định trong đời.
Nếu hiểu được những khao khát và hành động trong tiềm thức, bạn có thể ngắt mạch những cơn bốc đồng tiêu cực và nhấn mạnh những khoảng cao hứng tích cực của mình. Trong ngôn ngữ loài người, điều này có nghĩa là nếu có thể tách riêng những nhu cầu của mình, bạn có thể thay thế những thói quen tiêu cực bằng những thói quen tích cực.
Hãy luôn nhớ rằng bạn có thể có những nhu cầu lớn lao hay tầm thường hơn người khác. Điều này cũng không sao vì chỉ cần một vài trong số những nhu cầu đó bổ trợ cho bạn là đủ.
🌺1: Nhu cầu về sự chắc chắn
Nhu cầu về sự chắc chắn trấn an bạn rằng bạn có thể tránh những nỗi đau và đạt được sự nhẹ nhõm.
Khi dự đoán về sự khỏe mạnh của mình, càng cảm thấy chắc chắn và an tâm, chúng ta càng thoải mái tham gia các hoạt động khác. Đó là lí do chúng ta ham muốn một mức độ an toàn, dễ đoán và yên tâm nhất định trong đời. Chúng rất quan trọng với chúng ta, vì chúng bảo đảm một mục tiêu vô cùng quan trọng: Sống sót.
Càng chắc chắn xung quanh không có nguy hiểm, chúng ta càng có thể thư giãn để tập trung vào những nhu cầu khác.
Sự chắc chắn tạo nên nền tảng cho tháp nhu cầu của chúng ta bởi nó bảo đảm khả năng sống sót, và khi vấn đề này được giải quyết, chúng ta có thể tiếp tục xem xét các nhu cầu khác.
Đây là một cực trong phổ cấp độ khác nhau của sự chắc chắn, nhằm giải thích lí do chúng ta cảm thấy không chắc chắn.
Tuy nhiên, cực còn lại là khi bạn cảm thấy sự chắc chắn đã được thiết lập. Hãy thử nghĩ, bạn có muốn xem một trận bóng rổ nếu biết trước điểm số chung cuộc và mọi thứ sẽ diễn ra trong đó hay không? Hẳn là không. Điều đó sẽ vô cùng nhàm chán và quá dễ đoán.
Mỗi người có những yêu cầu khác nhau về mức độ chắc chắn trong cuộc sống của họ. Ví dụ, tôi có nhu cầu về sự chắc chắn rất thấp so với người khác. Tôi thường xuyên du lịch và không ở một nơi đến năm năm. Do đó, nếu mọi thứ trở nên quá khuôn sáo, tôi sẽ dễ dàng cảm thấy nhàm chán. Tôi cần liên tục thử thách chính mình với nhu cầu tiếp theo, nhưng nó lại mâu thuẫn trực tiếp với nhu cầu về sự chắc chắn.
Bạn có thường xuyên cảm thấy các thông lệ rất nhàm chán và luôn phải tìm kiếm những thú vui mới vào thời gian rảnh không? Nhu cầu về sự chắc chắn của bạn là gì và bạn có đang thỏa mãn nó hay không?
🌺2: Nhu cầu về sự bất định và đa dạng
Một phiên bản đối lập của nhu cầu về sự chắc chắn là nhu cầu cho những điều chưa biết và sự đa dạng. Đây là nhu cầu cho những thay đổi và kích thích mới.
Tất cả chúng ta đều có những lúc cần thay đổi cảnh quan. Sự mới lạ hấp dẫn bạn, đơn giản là vì bạn muốn trải nghiệm những điều mới mẻ và bị kết quả làm cho ngạc nhiên, hơn là biết về nó từ trước khi bắt đầu.
Bạn có muốn xem một loại phim lặp đi lặp lại hay không? Đa số mọi người thì không, nhưng nếu bạn muốn làm thế, có thể bạn đoán được mình không cần nhiều sự bất định và đa dạng. Quá nhiều bất định sẽ mang lại nỗi sợ, nhưng không đủ bất định sẽ khiến ta cảm thấy không thỏa mãn.
Đó là lí do phần lớn mọi người thích đi du lịch và thử các món ăn mới. Chúng ta không muốn lặp đi lặp lại những việc giống hệt nhau. Đó là điều khiến cuộc sống lí thú, vì chúng ta không biết mình phải mong đợi những gì. Chúng ta cần sự hưng phấn mà chỉ những kích thích mới lạ có thể thỏa mãn cho mình. Đối diện với điều đó, những thông lệ khuôn sáo không khác gì cái chết.
Điểm khác biệt của nhu cầu này là mức độ bất định vẫn có thể chấp nhận được, và chúng ta biết rằng sự đa dạng cuối cùng sẽ mang lại cảm giác vui sướng. Hãy so sánh nó với nhu cầu đầu tiên: chúng ta cảm thấy bất định vì một mối nguy hiểm khổng lồ sẽ xuất hiện nếu sự an toàn của chúng ta không được bảo đảm.
🌺3: Nhu cầu trở nên quan trọng và độc đáo
Trong thâm tâm, tất cả chúng ta đều cần cảm thấy mình quan trọng, độc đáo và đặc biệt. Chúng ta không muốn cảm thấy nhỏ nhoi và có cảm giác không ai quan tâm đến mình.
Chúng ta muốn là những bông tuyết đặc biệt trong tưởng tượng của mình. Tất cả chúng ta đều muốn nổi bật một cách tích cực và được biết đến vì một điều gì đó.
Điều này được minh chứng bằng nhiều cách khác nhau. Một số người sẽ làm mọi cách để đạt được những thành tựu học vấn và rút ra ý thức về giá trị của mình trong lĩnh vực đó. Tất cả mọi người đều tạo ra một nhân dạng cho riêng mình dựa trên nhận thức của bản thân về điều khiến họ trở nên đặc biệt.
Nếu bạn thấy một người dường như chỉ ăn mặc để thu hút sự chú ý, đó là vì họ đang tự hào về vẻ ngoài độc đáo của mình. Họ cảm thấy quan trọng vì họ khác biệt với tất cả mọi người.
Đây là một khuynh hướng rất tự nhiên, vì không ai khẳng định mục tiêu của mình là trở nên giống hệt người hàng xóm. Tuy nhiên, đẩy mọi việc đến giới hạn quá xa có thể khiến phần lớn mọi người mất đi hứng thú. Bạn có thể nhận ra điều này ở những người ăn mặc kì quái hoặc cần thảo luận liên tục về sự khác biệt của họ.
Thêm vào đó, nếu quá cố gắng để trở nên quan trọng, bạn sẽ mất dần sự đồng cảm với người khác, và điều đó sẽ khiến nhu cầu kế tiếp trở nên khó khăn.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Đối với bạn, trở nên khác biệt với người khác quan trọng đến đâu?
🌺4: Nhu cầu kết nối
Tất cả chúng ta đều có một nhu cầu bản năng là tạo quan hệ và kết nối với người khác. Chúng ta nỗ lực tìm kiếm những mối quan hệ giữa người với người, vì chúng khiến ta cảm thấy được công nhận, trở nên quan trọng và là một thành viên của xã hội. Chúng ta muốn có cảm giác thuộc về và là một phần của một nhóm người nhất định.
Một số người vô cùng chú trọng gia đình và thường đi du lịch với cả nhà, trong khi số khác lại là những con sói cô đơn chỉ thích ở một mình. Vài người trong chúng ta thích các môn thể thao đồng đội, trong khi số khác lại thích chạy bộ một mình dọc bờ biển. Ở đâu đó, luôn có phương tiện mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Nền tảng của đa số các kết nối này là sự tương đồng và quen thuộc. Bạn có thể gọi chúng là sự thuận tiện hoặc cơ hội, nhưng sự thật là đa số các mối quan hệ đều bắt đầu và phát triển từ đó.
Bạn sẽ dễ dàng thích một người ít nhiều tương tự với mình, vì bạn có thể đồng cảm tốt hơn với họ và cảm thấy tự nhiên hơn. Đây là lí do mà trong phần nhu cầu về sự quan trọng, tôi đã nói rằng chúng ta không thể làm quá sự việc đến mức phá hủy mọi sự tương đồng. Chúng ta có thể khác biệt, nhưng không được quá khác biệt. Nếu không, bạn sẽ chỉ kết nối với những người dị biệt.
Nhu cầu trở nên quan trọng so với nhu cầu kết nối cũng như món súp dành cho Goldilocks, quá nóng hoặc quá nguội đều không ổn. Nếu nhu cầu kết nối không được thỏa mãn, chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn và tách rời khỏi mọi người. Nhưng nếu nó được thỏa mãn trọn vẹn, chúng ta sẽ không còn cảm thấy khác biệt hoặc độc đáo, và rồi thiếu luôn cảm giác quan trọng.
🌺5: Nhu cầu phát triển
Tất cả mọi người đều hi vọng được phát triển và nâng cao năng suất lẫn năng lực của mình.
Tất cả mọi người đều hi vọng đạt được mục tiêu của mình và tiến đến mục tiêu tiếp theo. Rất ít người hài lòng với việc chỉ xem ti vi mỗi ngày và bắt đầu lại quá trình đó vào ngày hôm sau. Đa số chúng ta cần cảm giác tiến bộ và thích nỗ lực vì một điều gì đó.
Mọi thứ trên Trái Đất đều tăng trưởng hoặc chết đi. Đó không phải một hệ lưỡng phân sai lệch, và con người cũng không là ngoại lệ. Chúng ta phải cảm thấy mình liên tục lớn lên trong đời và liên tục tiến về phía trước.
Phép thử thật sự xảy ra khi bạn đạt được một mục tiêu đặt ra cho chính mình. Có lẽ đó là một mục tiêu tài chính hay một phong cách sống nhất định, hoặc chỉ là một chiếc máy tính mới.
Bạn có cảm thấy thỏa mãn và nghĩ rằng mình không cần tiếp tục vươn lên không? Hay bạn chỉ dịch chuyển cột gôn và bắt đầu lên kế hoạch để vượt qua mục tiêu ban đầu?
Những người có nhu cầu phát triển mạnh mẽ sẽ cảm thấy không hạnh phúc khi quá trình phát triển dừng lại và đến khi họ đặt ra một mục tiêu mới.
Họ đã chạm đến đỉnh núi và không còn ngọn núi nào để chinh phục, nhưng tất cả chúng ta đều cần một điều gì đó để cố gắng, một điều sẽ thách thức chúng ta phát triển và nâng mình lên một đẳng cấp mới. Chúng ta cần phải theo đuổi một điều gì đó và thúc đẩy bản thân. Điều đó có thể cho thấy nhu cầu phát triển của bạn mạnh mẽ đến dường nào. Bạn chỉ đang cố gắng đạt được một mục tiêu cụ thể hay đang hướng đến sự phát triển và tiến bộ liên tục?
Nếu không như vậy, với nhiều người trong số chúng ta, việc sống từ ngày này qua ngày khác mà không có một mục tiêu và chủ đề tổng quát sẽ trở thành một bài tập vô ích.
🌺6: Nhu cầu cống hiến
Sau cùng, tất cả chúng ta đều cần cảm giác được cống hiến cho xã hội.
Đó có thể là dịch vụ công ích hoặc quyên góp vì một mục đích nào đó, nhưng trong thâm tâm, chúng ta đều muốn tạo ra tác động và sẽ không rời khỏi mảnh đất này mà không được ai quan tâm. Chúng ta muốn lưu dấu trên thế giới trong khoảng thời gian của mình và được ghi nhớ vì đã đóng góp cho xã hội như một phần của nó.
Bao nhiêu người sẽ tham dự lễ tang của chúng ta, và họ quan tâm nhiều đến mức nào?
Điều này giải thích sự phổ biến của các hoạt động tình nguyện và nhân đạo. Đó là một nhu cầu toàn cầu và tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau. Chúng ta muốn cho đi và cống hiến những điều cao cả, đơn giản là vì nó khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu và thỏa mãn cảm giác muốn cống hiến cho thế giới của mình.
Khi thấy một người vô gia cư, bạn sẽ cảm thấy mình nên giúp đỡ họ hay chỉ lờ họ đi?
Chúng ta đã điểm qua sáu nhu cầu cơ bản điều khiển phần lớn các quyết định hằng ngày của mình. Điều đó có ý nghĩa gì với bạn? Bạn phải làm gì với những điều đã biết ngoài việc nhận ra biểu hiện của chúng trong cuộc sống?
Đầu tiên, khuôn khổ này cho thấy chúng ta bị điều khiển bởi những nhu cầu trong tiềm thức. Dù chúng biểu hiện ra sao, những nhu cầu cụ thể của bạn rất ít khi là kết quả mô phỏng từ người khác.
Ví dụ, có thể bạn bè của bạn điên cuồng luyện tập vì họ cần chắc chắn về vẻ ngoài của mình và trở nên quan trọng, còn bạn lại xem nó như một hình thức thỏa mãn nhu cầu phát triển cá nhân. Trong trường hợp này, biểu hiện bên ngoài giống nhau nhưng thỏa mãn những nhu cầu hoàn toàn khác biệt.
Mặt khác, bạn có thể có những nhu cầu giống với người khác, nhưng biểu hiện lại hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, dù bạn và bạn bè đều có nhu cầu cao về sự bất định và đa dạng, trong khi bạn thỏa mãn nó qua việc du lịch liên tục, họ lại thay đổi người yêu liên tục.
Bạn cần đánh giá mình đồng tình với nhu cầu nào trong sáu nhu cầu trên, sau đó hãy cố xác định biểu hiện của nó trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Những nhu cầu quan trọng nhất của bạn có được thỏa mãn đều đặn không? Nếu không, làm cách nào để bạn tăng cảm giác thỏa mãn mỗi ngày?
Thứ hai, thấu hiểu các nhu cầu trong tiềm thức có thể giúp bạn giải thích những hành động và thói quen độc hại của mình. Nó có thể tách riêng những nhu cầu đang được các hành động độc hại kia thỏa mãn. Bằng cách đó, bạn có thể thay thế chúng bằng những hành động tích cực và hiệu quả hơn.
Một ví dụ phổ biến là khi những người nghiện thuốc lá bắt đầu nhai kẹo cao su ngấu nghiến để thỏa mãn cơn nghiện trong miệng họ. Khi biết đây là nguyên nhân, bạn có thể giải quyết nó bằng một cách khác.
Biết được cách làm việc của não bộ khi đối đầu với những tình huống nhất định sẽ giúp bạn xác định cách giải quyết hoặc các hoạt động thay thế. Chúng có thể thỏa mãn các nhu cầu tương tự, nhưng sẽ tạo ra những kết quả đưa bạn đến gần thành công hơn.
Hãy thay thế những hành động kém tích cực với những hành động vừa hữu ích vừa thỏa mãn các nhu cầu nhất định. Hãy buộc bản thân từ bỏ những cách ứng xử độc hại và bảo đảm rằng bạn đang dùng những hành động mang nhiều tính khích lệ hơn để thỏa mãn các nhu cầu của mình.
Hiểu rõ bản thân rất quan trọng đối với thành công, vì nếu không có nó, bạn chỉ đang tùy cơ ứng biến mà thôi.

Thursday, August 11, 2022

TÌM HIỂU THẬP NHẤT DIỆN QUÁN ÂM THẦN CHÚ

 

Thập Nhất Diện Quán Âm Thần Chú

Namo Ratna Trayaya,
Namo Arya Jnana
Sagara, Vairochana,
Byuhara Jara Tathagataya,
Arahat e , Samyaksam Buddhaya,
Namo Sarwa Tathagate Bhyay,
Arhata Bhyah,
Samyaksam Buddhe Bhyah,
Namo Arya Avalokite
shoraya Bodhisattvaya,
Maha Sattvaya,
Maha Karunikaya,
Tadyata , Om Dara Dara,
Diri Diri, Duru Duru
Itte We, Itte Chale Chale,
Purachale Purachale,
Kusume Kusuma Wa Re,
Ili Milli, Chiti Jvalam, Apanaye Shoha
Tải xuống
Artworks-RuGYi2hV5WMItloo-nMOljA-t500x500
Phổ cúng dường chân ngôn
Án, Nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hộc
Om, Gaganam Sambhava Vajra Hoh
Bài chú này có tên gọi đầy đủ là Đại Hư Không Tạng Bồ Tát Phổ Cúng Dường Chân Ngôn. Phật môn thường tụng chú này với hàm nghĩa dùng tâm lượng cúng dường rộng lớn như hư không, xuất sanh vô biên bảo tạng, cúng dường rộng khắp mười phương Tam Bảo cùng hết thảy chúng sanh không ngăn ngại như hư không.

Wednesday, August 10, 2022

MỘT SỐ CÂU CHÚ THANH TỊNH ( HỌC THÊM )

 

  • TỊNH PHÁP GIỚI CHƠN NGÔN:

Án lam.

Om Ram Svaha

Tải xuống

TỊNH KHẨU NGHIỆP CHƠN NGÔN:

Tu rị tu rị, ma ha tu rị tu tu rị, ta bà ha.

Om Suri Suri Maha Suri Susuri Svaha

TỊNH TAM NGHIỆP CHƠN NGÔN:

Án ta phạ bà phạ, truật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ, bà phạ truật độ hám

Om Svabhava Suddha Sarva Dharma Svabhava  Suddhoham

Tịnh Thân Nghiệp Chân Ngôn 

Tu đa lị , tu đa lị , tu ma lị , tu ma lị , ta bà ha.

Om  sudori  sudori  sumali  sumali  Svaha

Tịnh Ý Nghiệp Chân Ngôn

Án  bạt xà ra đam hổ hổ hồng

Om Vajra Dam Ho Ho Hum.

Monday, August 8, 2022

NGÀY LỄ THẤT TỊCH Ở CÁC NƯỚC CHÂU Á

Lễ Thất tịch hàng năm được diễn ra vào ngày 7/7 Âm lịch. Tùy thuộc vào mỗi quốc gia, ngày Thất tịch cũng có sự khác biệt về nguồn gốc, ý nghĩa và phong tục.

* Trung Quốc
Thất tịch là ngày lễ được bắt nguồn từ Trung Quốc, liên quan tới câu chuyện về tình yêu của Ngưu Lang và Chức Nữ.
Tương truyền rằng, Ngưu Lang là một anh chàng chăn trâu tuy nghèo nhưng rất chăm chỉ, thiện lương. Còn Chức Nữ là con gái út của Vương Mẫu Nương Nương, người chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời. Nàng đã vô tình gặp Ngưu Lang trong một lần xuống hạ giới tắm. Hai người từ đó đã nên duyên vợ chồng, sống hạnh phúc bên nhau.
Tuy nhiên không lâu sau, Chức Nữ bị Vương Mẫu bắt trở về thiên đình. Ngưu Lang đau khổ đuổi theo vợ nhưng không thể giữ nàng ở ngại. Từ đó, hai người bị ngăn cách bởi dòng sông Thiên Hà - nơi ranh giới giữa cõi phàm và tiên. Vì nhớ thương Chức Nữ, Ngưu Lang vẫn luôn ngồi đó chờ nàng. Cảm thương tấm chân tình sâu sắc của hai người dành cho nhau, Vương Mẫu đã đồng ý cho họ được gặp nhau vào ngày 7/7 Âm lịch hàng năm.
Ngày hội truyền thống ở Trung Quốc là dịp để các thiếu nữ cầu nguyện đất trời về những điều tốt lành trong tình yêu và hôn nhân sẽ sớm đến với mình. Ngày lễ cũng thể hiện sự tôn kính của con người với thiên nhiên và những người phụ nữ giỏi giang. Quan niệm rằng, nếu các cặp đôi yêu nhau cùng ngắm sao Ngưu Lang - Chức Nữ vào ngày lễ Thất tịch thì sẽ được bên nhau mãi mãi. Ngoài ra, người Trung Quốc cũng tin rằng, những người cô đơn khi ăn chè đậu đỏ trong ngày này sẽ sớm tìm được người mình yêu thương.
* Hàn Quốc
Lễ Thất tịch ở Hàn Quốc được gọi là Chilseok. Vào ngày này, người Hàn Quốc theo truyền thống sẽ đi tắm để có sức khỏe tốt. Ngoài ra, họ cũng thưởng thức những món ăn làm từ lúa mì như: bánh mì bột mì, bánh mì nướng, bánh kếp lúa mì hoặc bánh dày phủ đậu đỏ.
* Nhật Bản
Ngày Thất tịch du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ 8, phổ biến rộng rãi từ thời Edo, còn được gọi là lễ Tanabata. Lễ hội được bắt đầu vào ngày 7/7, với nhiều hình ảnh trang hoàng được làm từ giấy. Theo phong tục, người dân sẽ xếp giấy thành hình để trang trí hoặc để tặng nhau để chúc may mắn, tốt lành.
Họ cũng sẽ viết mong ước của mình vào những mảnh giấy đầy màu sắc Tanzaku rồi treo lên cành trúc trước cửa nhà để mong ước những điều may mắn, vụ mùa bội thu và cầu cho sự thịnh vượng. Người trẻ thì cầu nguyện trong ngày này, mong sớm tìm được một nửa như ý.
* Việt Nam
Tại Việt Nam, Lễ Thất tịch cũng đã có từ rất lâu đời. Thời tiết tháng 7 âm lịch thường có mưa rất nhiều, đặc biệt là miền Bắc, tương truyền rằng đây là những giọt lệ của vợ chồng Ngâu, nên trong dân gian còn có tên gọi khác là ngày ông Ngâu bà Ngâu. Vào ngày này, các cặp đôi yêu nhau thường đến chùa, làm lễ và cầu mong cho tình duyên bền vững, son sắt, chuyện tình yêu sẽ được hạnh phúc viên mãn. Với những người độc thân, việc đi chùa cầu may cũng để sớm tìm được ý trung nhân. Ngoài ra, đây cũng là dịp để mọi người cầu sức khỏe, tài lộc và bình an cho bản thân và gia đình.
Khoảng 2 năm trở lại đây, giới trẻ truyền tai nhau, ăn đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch cũng là một cách để cầu nhân duyên may mắn. Thực tế, đây không phải cổ tục của nước ta. Hạt đậu của Việt Nam cũng có sự khác biệt so với hồng đậu - một loại đậu bản địa có hình trái tim, cứng như gỗ nghiến, màu đỏ tươi thuần khiết không bao giờ phai nhạt, tượng trưng cho tình yêu - nên thường dùng để kết thành vòng, xâu chuỗi trong lễ Thất tịch ở Trung Quốc.
Cho đến nay, vẫn không có bằng chứng rõ ràng cho thấy việc ăn chè đậu đỏ có thể đem lại may mắn, bên nhau bền lâu trong tình duyên, hay sớm gặp được ý trung nhân cho những người còn đang độc thân. Nhưng đây cũng là một món ăn bổ dưỡng, giúp tăng cường sức khỏe, đáng để ăn trong thời buổi dịch bệnh như hiện nay.

Sunday, August 7, 2022

TÌM HIỂU NGŨ BỘ THẦN CHÚ

NGŨ BỘ THẦN CHÚ gọi tắt là NGŨ BỘ CHÚ là một trong những phương pháp tu trì tiêu biểu nhất của mật tông việt nam ! Ngũ bộ chú là năm bộ chú của năm bộ trong phật giáo ! để tìm hiểu ngũ bộ chú , chúng ta hãy tìm hiểu theo thứ tự như sau

THẾ NÀO LÀ NGŨ BỘ ?
ngũ bộ tức là năm bộ . Trong Phật giáo chia thành năm bộ tộc chính !
1 là Phật Bộ ( chư phật )
2 là liên hoa bộ ( chư bồ tát của dòng liên hoa , hiền hòa : quán tự tại … )
3 là kim cang bộ ( chư bồ tát , hộ pháp thuộc dòng dõng mãnh , phẫn nộ kim cang )
4 là bảo bộ ( chư thiên )
5 là yết ma bộ ( còn gọi là nghiệp dụng bộ . tức là chư quỷ thần )

5 VỊ PHẬT TƯỢNG TRƯNG CHO NGŨ BỘ
nói một cách đơn giản , dễ hình dung , trong cuộc sống chúng ta , mỗi một bộ tộc người đều có một người đứng đầu  làm chủ  thì trong các bộ của phật giáo cũng vậy , năm bộ đều có năm vị phật đứng đầu , tượng trưng cho mỗi bộ . và được chi ra như sau
Phật Bộ thì có đức Tỳ Lô Giá Na ( vairocana ) Như Lai hay còn gọi là Đại Nhật Như Lai làm giáo chủ
Liên Hoa Bộ thì có đức A D Đà Như lai ( Amita ) hay còn gọi là Vô Lượng Thọ Phật làm giáo chủ
Kim Cang Bộ thì có đức A Súc Bệ  Như Lai ( Aksobhya ) làm giáo chủ
bão bộ thì có đức Bảo Sanh  Như Lai ( Ratnasambhava ) làm giáo chủ
Yết Ma Bộ ( nghiệp dụng bộ ) thì có đức Bất Không Thành Tựu (Amogasiddhi ) làm giáo chủ
năm vị Phật này trong mật tông còn gọi là Ngũ Phương Ngũ Phật , Ngũ Trì Như Lai , Ngũ Phương Phật !

NGŨ BỘ THẦN CHÚ
Ngũ Bộ chú được viết như sau :
Om Ram
Om Shrim
Om Mani Padme Hum
Om Cale Cule Cunde Svaha
Om Bhrum

phiên âm Phạn Việt như sau
Um Ram hoặc là Um Rôm
Um Si-Răn
Um ma ni pết mê hùm
Um cha lê chu lê chun đê sô ha
Um bơ-Rum

phiên âm việt như sau :
Án Lam
Án Xỉ Lâm
Án Ma Ni Bát Di Hồng
Án Chiết Lệ Chủ Lệ Chuẩn Đề Ta Bà Ha
Án Bộ Lâm

GIẢNG SƠ LƯỢC VỀ NGŨ BỘ THẦN CHÚ
Thần chú Om ram , là thần chú tịnh pháp giới , thần chú này , tượng trưng cho Kim Cang Bộ .chú này phá tan phiền não chướng đang ngăn che ánh sáng thắng diệu của Trí Tuệ bản nhiên trong tâm của mọi chúng sinh . Chữ Ram tức là lửa , lửa trí tuệ thiêu đốt mọi phiền não , nghiệp chướng của chúng sinh , khiến cho chúng sinh được thanh tịnh , chú này còn có thể dùng để thanh tịnh pháp đàn , ….

Thần chú Om Shrim là thần chú hộ thân , tượng trưng cho bảo bộ . Chú này nhằm nuôi lớn phước đức đang tiềm ẩn trong tâm của chúng sinh khiến cho họ tự nhận biết rằng mình vốn có đầy đủ công đức như Chư Phật . Ngoài ra chú này còn trừ được tất cả tà ma , quỷ thần . .

Thần chú Om Mani Padme Hum là Lục Tự Đại Minh chú . Là thần chú tâm của đức Quán tự tại , tượng trưng cho liên hoa bộ , thần chú này nhằm làm tươi tốt muôn điều lành và khai mở cho chúng sinh tự thấu ngộ được bản tâm thanh tịnh vô cấu nhiễm vốn có nơi mình . Thần chú này diệt trừ nghiệp chướng rất tốt !

Thần chú Om Cale Cule Cunde Svaha . Là thần chú của đức Chuẩn đề phật mẫu , tượng trưng cho yết ma bộ . Thần chú này giúp chúng sinh đoạn trừ mọi mê vọng để tự chứng đạt được Bản Tâm tịch tĩnh an nhiên của chính mình . ( thần chú này có giải đáp rất nhiều ở các bài trước , nên xin không bàn thêm )

Thần chú Om Bhrum , là nhất tự đảnh luân vương chú , tương trưng cho Phật Bộ . Thần chú này giúp chúng sinh tự thấu ngộ rằng mình vốn có Lý Trí đầy đủ, Giác Đạo viên mãn chỉ vì Vô minh che lấp nên chưa hiển lộ . Nay được ánh quang minh thắng thượng của Phật Tuệ soi sáng mà khởi Tâm Tàm Quý ( hổ trẽn) quyết chí noi dấu Đức Đại Từ Phụ mà tu tập Chính Pháp giải thoát vô thượng .

LỢI ÍCH CỦA NGŨ BỘ CHÚ :
ngũ bộ chú nếu ai trì tụng được lâu dài thì công đức vô cùng to lớn . Không thể tính đếm , phàm có nguyện chi cũng đều thành tựu . Luôn gần gủi chánh pháp , tam bảo , vĩnh viễn xa lìa ác đạo , làm bạn lành với các thiện tri thức , bồ tát , chư thiên luôn ủng hộ . Chư Phật Gia trì ngày đêm . Công đức , lợi ích không thể nghĩ bàn.

BẠN NÀO MUỐN TRÌ NGŨ BỘ CHÚ PHẢI ĐƯỢC ĐIỂM ĐẠO NẾU KHÔNG SẼ PHẠM VÀO TỘI “TRỘM PHÁP”

Wednesday, August 3, 2022

KHOA HỌC ( LẶP LẠI LẦN NỮA )

KHOA HỌC ( Lặp Lại Lần Nữa )

MARK JOYNER - KHOA HỌC VỀ SỰ ĐƠN GIẢN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU BẠN MUỐN

Trong khi logic là về giá trị căn cứ của lập luận, thì khoa học là về tính đúng đắn của những khẳng định.


Trong khi học cung cấp một khuôn khổ cho những biểu tượng chúng ta sử dụng để miêu tả thế giới, khoa học là một phương pháp thu thập hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới của chúng ta thông qua quan sát.

“Hiểu biết sâu sắc hơn” nghĩa là gì?

Thực ra khoa học không có gì hơn là một quy trình chính quy để phát triển những mô hình về thế giới mới mẽ và hữu dụng hơn.

Tôi cho rằng một “nhà khoa học thuần túy” phải linh hoạt và chống lại tính cứng nhắc của định nghĩa.

Nhưng chúng ta đã biết, các nhà khoa học – cũng là con người như chúng ta – tại một thời điểm nào đó cũng có thể có tội giữ rịt mô hình này hoặc mô hình khác một cách cứng nhắc.

Đôi khi các nhà khoa học đưa ra những khẳng định như chân lý chắc nịch miễn chất vấn.

Dĩ nhiên, khi làm như vậy thì đó không còn là những nhà khoa học mà là những người giáo điều, cuồng tín, những gã lang băm. Một nhà khoa học, theo định nghĩa, phải hiểu được mối quan hệ giữa những mô hình khác nhau về thế giới và bản thân thế giới.

Mặc dù luận bàn thích đáng về phương pháp Khoa học khó có thể trình bày trong một chương ngắn ngủi, dưới đây là một vài khái niệm hữu ích để cho bạn bắt đầu.

Khoa học trong ý nghĩa chính thức luôn bắt đầu bằng…

🌺 Giả thiết

Một giả thiết là một “mô hình khả thi” thử nghiệm để giải thích một “hiện tượng” hoặc “sự kiện quan sát được”. Ví dụ, bạn có thể thắc mắc, Tại sao đàn ông có người bị hói?

Chúng ta có thể hình thành giả thiết là bởi vì ăn thịt băm pho mát.

Những điều điên rồ này được xem là sự thật.

Vậy, làm thế nào chúng ta “biết” được liệu là giả thiết này có “đúng” không?

Trước tiên, chúng ta cần biết một chút về…

🌺 Phương pháp khoa học

Đây là một quy trình làm theo từng bước; kiểm tra xem liệu một sự thật giả định trước có thể được thấy là có thực không.

Những bước này có thể được miêu tả theo nhiều cách khác nhau, nhưng cơ bản nhất đó là:

1. Đặt vấn đề/câu hỏi? (Tại sao bầu trời có màu xanh? Làm thế nào tôi có thể tăng tốc độ đọc?)

2. Xây dựng một giả thiết.

3. Kiểm tra giả thiết.

4. Thu thập và phân tích dữ liệu (những gì bạn quan sát được trong quá trình thử nghiệm).

5. Rút ra một kết luận.

Có những phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau – mỗi một phương pháp đều có sự tinh tế riêng, nhưng cốt lõi vẫn bao gồm những bước trên.
Như bạn thấy đó, không những bạn có thể áp dụng điều này để “sáng tạo mô hình” mà còn để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Nếu chúng ta xác nhận được giả thiết của mình thông qua những hình thức kiểm tra khác nhau, cuối cùng chúng ta có thể hình thành một…

🌺 Học thuyết

Một học thuyết là một sự giải thích được chứng minh rõ hơn và chi tiết hơn cho một tập hợp cụ thể các hiện tượng có một số giá trị tiên đoán đáng tin cậy.

Ví dụ, học thuyết tiến hoá là một giải thích khả dĩ cho thấy các loài hình thành như thế nào.

Vì học thuyết để ngõ cho việc tranh luận và có lẽ là một điều mà chúng ta không bao giờ có thể biết được với mức độ chắc chắn hơn, nó không bao giờ có thể trở thành một…

🌺 Định luật

Nếu một học thuyết được kiểm nghiệm và chứng minh là đúng bởi cộng đồng khoa học chung trong một khoảng thời gian dài, nó có thể được nâng lên thành một định luật.

Các định luật khoa học được chấp nhận một cách rộng rãi thường được biết đến vì tính đơn giản và thanh nhã của chúng. Trong thực tế, có nhiều định luật vật lý được một số người cho là tuyệt đối và không thể bác bỏ.

Dĩ nhiên, trong suốt lịch sử của khoa học, có lúc định luật được điều chỉnh để giải thích cho thông tin mới.

Định luật chuyển động của Newton vẫn tiếp tục đúng, nhưng dự báo cho biết trước rằng chúng không miêu tả hoạt động của các hạt lượng tử hoặc các vật thể chuyển động với tốc độ cực cao.

Vì thế, ngay cả ở đây tính linh hoạt cũng là một yêu cầu.

Trong thực tế, tất cả mọi điều chúng ta bàn luận nãy giờ đều đòi hỏi giả định vốn có rằng sự vật “tồn tại” và, cũng có thể không tồn tại.


Hả?

Đúng vậy, hẳn là bạn rất rối. Hãy đọc tiếp để tìm lời giải thích.

Trích: “Khoa Học Về Sự Đơn Giản Để Đạt Được Điều Bạn Muốn”
Tác giả: Mark Joyner

CHÚNG TA LÀ NHỮNG GÌ CHÚNG TA NGHĨ

  Trích: Nghệ Thuật Tối Giản - Có Ít Đi, Sống Nhiều Hơn; Việt dịch: Alex Tu Dịch;  Người khác có thể dễ dàng đọc được niềm vui và nỗi khổ tr...