Mình là một người thích viết, có thể là viết nhật ký, viết blog cá nhân hay viết báo,… miễn sao được truyền tải suy nghĩ trong đầu thành ngôn ngữ viết là cảm thấy thoải mái rồi.
Mình không phải là một người viết hay, lại càng chẳng phải là dân viết chuyên nghiệp. Nhưng nhờ kỹ năng viết, mình hệ thống được kiến thức mình tìm tòi học hỏi thành một xâu chuỗi kiến thức bổ ích khiến mình nhớ lâu.
Vậy làm sao để viết? Và làm sao để lại có tinh thần khi lỡ chẳng may tụt mood khi đang viết? Sau đây là những kinh nghiệm của Ngân Sâu , từ đơn giản đến nâng cao một chút .
Trình độ: Sơ cấp — Đơn giản — Dành cho mấy bạn mới tập tành viết
1. Tập viết như thế nào?
Người mới bắt đầu viết lách hẳn là sẽ chật vật vì không biết viết làm sao cho ra được một bài diễn văn dài thườn thượt. Kinh nghiệm của mình là cứ chăm chỉ viết hàng ngày là sẽ lên tay. Nghĩa là hôm nay bạn chưa biết viết gì, bạn viết được một câu “Hôm nay tôi buồn”, sang ngày hôm sau, bạn tìm thêm một câu khác “Hôm nay tôi buồn mặc dù mặt trời vẫn sáng bừng”. Viết linh tinh cũng được, viết vô nghĩa cũng được, viết chưa có logic cũng được, quan trọng ở bước này là phải quen dần với việc “phải viết một cái gì đó dù ít ỏi trong một ngày”.
2. Đặt mục tiêu siêu nhỏ cho nội dung viết
Mới tập viết đừng cố gắng tạo ra những vấn đề lớn lao phải giải quyết. Mẹo vặt ở đây là bạn chia nhỏ mục tiêu truyền tải nội dung ra thành những phần tiếp cận nhỏ hơn và xử lý nó gãy gọn là được.
Ví dụ bạn muốn viết về chủ đề “Tình hình thời tiết nóng lên trên toàn cầu” thì trong chủ đề đó, bạn cần chia ra những ý tứ mình muốn truyền tải. Ban đầu ý tứ lộn xộn cũng được, cái này chưa suy ra được cái kia hay đoạn này còn nhiều vô lý cũng không sao. Bạn chia ra 10 vấn đề bạn muốn nói trong chủ đề lớn đó và tập viết thành từng đoạn nhỏ.
3. Đọc sách để bổ sung vốn từ
Hãy đọc sách ! Đọc càng nhiều càng tốt, không kén chọn bất cứ sách nào. Sách giúp bản thân mình có vốn từ vựng phong phú, khi bạn viết lại những từ ngữ bạn cóp nhặt được từ các sách khác nhau, nó sẽ trở thành của bạn. Bạn đọc thì chỉ nhớ 1 nhưng khi bạn viết lại chắc chắn bạn sẽ nhớ đến 10 lần.
4. Hãy chân thật trong việc thể hiện kiến thức
Mình luôn nhớ một bài học này và nó đã trở thành bài học để đời của mình.
Ngày xưa mình là học sinh giỏi văn (trộm vía là nhờ chữ nghĩa cũng dày dặn đầy đặn đẹp đẽ), có một lần khi phân tích về bài “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, mình đã cao hứng miêu tả thêm về chiến lược ngà ấy đã “nhuộm màu cũ kỹ của thời gian”.
Và đó trở thành một bài văn tệ hại của mình. Cô giáo chủ nhiệm kiêm người dạy văn nâng cao của mình nói rằng: “Khi em không có kiến thức thực tế về thứ mình muốn viết, hoặc là đừng viết, hoặc là phải viết một cách chân thật, có sự quan sát và chiều sâu. Chiếc lược ngà là loại chất liệu khi càng dùng nó càng sáng bóng, nên không thể nào là cũ kỹ như em miêu tả được.”
Mình vỡ oà và từ đó trở về sau mình tự nhủ: phải có kiến thức thực tế trong lúc viết và khi viết, phải tôn trọng sự thật.
Trình độ: Nâng cao một chút dành cho các bạn thích viết lách
1. Đừng bao giờ tham lam
Người thích viết thường tham lam trong việc truyền tải thông điệp hay nội dung đến nhiều đối tượng người đọc khác nhau, nhằm mục đích phủ sóng rộng rãi nội dung của mình. Theo kinh nghiệm từ cá nhân Sâu thì đừng bao giờ tham lam, nên chọn lọc và định vị một nhóm đối tượng đọc mà mình hướng tới rõ ràng và truyền tải thông điệp vào nội dung chỉ dành cho đối tượng đó.
Ví dụ như Sâu từ trước tới nay chỉ trung thành trong việc chia sẻ thông tin đến nhóm đối tượng khởi nghiệp khoa học công nghệ, một nhóm đối tượng rất nhỏ nhưng dần dà dần dà tích cóp hàng ngày thì cũng nhiều mà. Và như vậy, cái tên Ngân Sâu thường được nhắc tới khi mọi người nghĩ đến “Startup” hay “Khởi nghiệp” mặc dù chỉ khoảng 10% những người giới thiệu về mình mới hiểu rõ mình làm nghề (chính) là gì.
Nhét nhiều kiến thức vào trong bài cũng là một sự tham lam. Đôi lúc có nhiều người vì muốn thể hiện sự hiểu biết của cá nhân mà nhét vào những kiến thức hàn lâm không đi kèm giải thích làm nội dung trở nên quá bác học. Nguồn thông tin dùng để tham khảo và kiểm chứng, hay chứng minh một lập luận nào mình chuẩn bị sử dụng thì là tốt, nhưng cẩn thận kẻo “cố quá thành quá cố”.
2. Nội dung mang dấu ấn cá nhân
Mình rất thích một câu nói của bà Arianna Huffington — người sáng lập HuffingtonPost, tôn chỉ của bà ấy là phóng viên phải có góc nhìn cá nhân, những nhận định chủ quan đầy dấu ấn cá tính, và nó tạo ra giá trị của một bài viết hơn là sự đánh giá khách quan nhàn nhạt như thông thường.
Để làm được điều đó thật khó, nhưng không phải là không làm được. Để nội dung mang dấu ấn cá nhân, nó đòi hỏi người viết phải bỏ thời gian và công sức đầu tư cho nội dung, không chỉ là kiến thức thông thường mà còn những lập luận sắc bén dựa trên nền tảng thông tin tìm kiếm được. Chính bản thân mình ngày trước khi viết cái gì ra cũng muốn “chừa đường lui” cho bản thân, bằng việc những câu kết để mở hoặc nước đôi để khỏi mất lòng ai. Nhưng bây giờ nghĩ lại, điều đó đúng thật như bà Arianna nói, thật tẻ nhạt.
3. Tụt mood khi viết? Kéo lên dễ ợt.
Khi bạn đang viết hăng say giữa chừng tự nhiên không còn cảm hứng viết nữa? Đừng vội xoá, cứ để nguyên đấy, ngày mai quay lại viết tiếp.
Khi bạn không hề có chút hứng khởi khi để viết bài khi deadline nộp bài tới gần? Ra ngoài, phỏng vấn nhũng ai đó liên quan tới bài viết, hãy trò chuyện trực tiếp, đừng phỏng vấn qua email hay điện thoại sẽ rất dễ làm bạn mất cảm hứng.
Khi bạn quá chán chường việc viết lách nhưng bạn đang sống bằng nghề này? Mình nhớ mãi lời chị KL bảo với mình: “Nếu em xem việc viết lách là việc làm nghiêm túc và kiếm tiền từ nó, em phải có trách nhiệm với công việc của mình”. Hãy niệm thần chú “vì miếng cơm manh áo” để triệu hồi mood về lại nhé.
Tác giả: Lê Huỳnh Kim Ngân
Bài Viết được copy lại và có chỉnh sửa