Sunday, April 15, 2012

Những nơi khắc nghiệt nhất thế giới

Trái đất là hành tinh duy nhất trong hệ Mặt Trời có đầy đủ những điều kiện lý tưởng cho sự sống phát triển, nhưng hành tinh của chúng ta cũng có khu vực có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất mà rất ít sinh loài nào có thể tồn tại.
Trang ouramazingplanet.com liệt kê 7 nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, trong đó có Nam Cực và sa mạc Sahara ở châu Phi.
Nam Cực

98% địa hình Nam Cực là băng. Ảnh: NASA.
98% địa hình Nam Cực là băng. Ảnh: NASA.
Nam Cực là nơi khắc nghiệt nhất trên Trái Đất. Theo CIA World Factbook, vùng đất cực nam này là nơi lạnh, khô hạn, có nhiều gió nhất và nằm ở vị trí cao nhất. Nhiệt độ thấp nhất Trái Đất được ghi nhận tại đây vào năm 1983 với - 89oC ở Trạm Nghiên cứu Vostok. Trạm này đặt trên thềm băng phía đông của Nam Cực, cách điểm cực nam khoảng 1.300 km.
98% địa hình của Nam Cực là băng, phần còn lại là đá. Trong khi vùng biển bao quanh Nam Cực là nơi sinh sống của rất nhiều loài nhuyễn thể, mực, cá và hải cẩu, thì phần đất liền lại khắc nghiệt hơn nhiều. Theo chương trình Khảo sát Nam Cực của Anh, không hề có loài bò sát, lưỡng cư hay loài có vú bản địa nào ở lục địa này.
Tuy nhiên, Nam Cực không hoàn toàn là một nơi hoang vắng. Vào mùa hè, số người trên lục địa lớn thứ năm thế giới này đạt tới hơn 4.000. Đó là các nhà nghiên cứu, các đội hỗ trợ làm nhiệm vụ tại các trạm nghiên cứu Nam Cực. Đến mùa đông, còn khoảng 1.000 người ở lại đương đầu với nhiệt độ xuống tới âm 70oC.
Sa mạc Sahara

Rất i
Vào mùa hè, nhiệt độ tại Sahara thường xuyên đạt ngưỡng 50oC. Ảnh: dreamtimes.com.
Với lượng mưa chưa đến 7,6 mm/năm, sa mạc Sahara là một trong những nơi khô hạn nhất trên Trái Đất. Nhiệt độ luôn vượt quá sức chịu đựng của con người. Vào mùa hè, nhiệt độ thường xuyên đạt ngưỡng 50oC. Mức nắng nóng kỷ lục là 58oC được ghi nhận ở vùng El Azizia của sa mạc tại Lybia.
Rất ít người sinh sống trên sa mạc Sahara. Những cư dân du mục như người Tuareg cũng chỉ sống ở vùng rìa sa mạc này. Họ buôn bán, săn bắt, chăn nuôi gia súc trên một thảm thực vật thưa thớt. Những khu vực trung tâm và khô hạn hơn của sa mạc gần như không có một bóng người.

Vùng hẻo lánh của Australia

Quang cảnh một nơi hẻo lánh tại Australia. Ảnh: dreamtimes.com.
Quang cảnh một hồ nước mặn nhỏ trong tình trạng khô hạn tại Australia. Ảnh: dreamtimes.com.
Khu vực hẻo lánh chiếm phần lớn diện tích của lục địa Australia và cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật. Thời tiết khô hạn, mặt trời thiêu đốt, đất đai cằn cỗi khiến số cư dân ở vùng sa mạc này luôn ở mức thấp. Đây là nơi cư trú của loài rắn Inland Taipan, loài rắn trên đất liền độc nhất trên thế giới và cá sấu nước mặn. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất trong vùng sa mạc này lại là cái nóng. Tại Alice Springs, một thị trấn gần như nằm ở trung tâm Australia, nhiệt độ trong mùa hè có thể đạt tới 45oC. 

Siberia

Ảnh:dreamtimes.com.
Ảnh: dreamtimes.com.
Vùng Siberia nằm ở phía bắc châu Á, trải dài từ dãy Ural ở phía tây đến Bắc Băng Dương ở phía bắc và Thái Bình Dương ở phía đông. Ngày nay, nhiều khu vực của Seberia trở nên nhộn nhịp vì người ta phát hiện các mỏ dầu, khí đốt và khoáng sản. Nhưng điều đó lại làm cho nơi này khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Vào mùa hè, nhiệt độ có thể đạt tới 38oC. Mùa đông, độ âm có thể gấp đôi con số này. Thị trấn Oymyakon của Siberia là nơi có người ở lạnh nhất thế giới với nhiệt độ thấp kỷ lục là - 67,7oC năm 1993.

Khu vực Changtang thuộc cao nguyên Tây Tạng

Ảnh: dreamtimes.com.
Các loài chim, linh dương Tây Tạng và cừu hoang vẫn sinh tồn được ở Changtang. Ảnh: dreamtimes.com.
Nếu cao nguyên Tây Tạng là nóc nhà của thế giới thì khu vực Changtang nằm ở phía bắc là đỉnh của nóc nhà đó với độ cao trung bình khoảng 5.000 m so với mực nước biển. Mặc dù có mùa hè ngắn, mùa đông khắc nghiệt và chủ yếu là mưa đá, nhưng các loài chim, linh dương Tây Tạng và cừu hoang vẫn sinh tồn được ở Changtang.
Cư dân du mục ở đây được gọi là Changpa và có khoảng vài trăm nghìn người. Họ liên tục thay đổi chỗ ở, sinh sống bằng chăn nuôi dê và các gia súc khác. Tuy nhiên, tại Changtang và trên khắp cao nguyên Tây Tạng, các vùng đồng cỏ đang dần biến mất mà nguyên nhân là do tình trạng chăn thả quá mức và biến đổi khí hậu. Theo một bài viết của National Geographic tháng 4/2010, hậu quả của tình trạng này là cư dân du mục buộc phải chuyển tới các khu định cư của chính quyền, nơi mà họ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và thiếu nước.

Lòng chảo Sistan, Afghanistan

Một trận bão cát khổng lồ quét qua lòng chảo Sistan vào
Một trận bão cát khổng lồ quét qua lòng chảo Sistan vào ngày 25/8/2009. Ảnh: NASA.
Nằm dọc theo biên giới phía nam của Afghanistan, lòng chảo Sistan là một trong những nơi khô hạn nhất Trái Đất.
Tuy nhiên, nơi đây từng có nhiều đầm lầy và cả một ốc đảo rộng 2.000 km2 được dòng sông Helmand nuôi dưỡng. Đầm lầy là nguồn sống của các loài động vật và hoạt động nông nghiệp của con người trong vùng. Đến những năm 90, các đầm lầy bắt đầu biến mất.
Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động khai thác thủy lợi trong hàng thập kỷ và một trận hạn hán chưa từng có đã xảy ra. Năm 2001, theo Đài Quan sát trái đất của NASA, lượng mưa tại vùng lòng chảo Sistan đã giảm tới 78%. Các đầm lầy cạn đi và trở nên khô cằn. Liên Hiệp Quốc đã nỗ lực ngăn chặn tình trạng này nhưng chiến tranh và sự bất ổn đã gây thêm khó khăn trong việc đưa nước trở lại với sa mạc.

Đảo Greenland

Ảnh: discover-the-world.co.uk.
Ảnh: discover-the-world.co.uk.
Trừ đường bờ biển phủ đầy đá, còn lại toàn bộ quốc đảo Greenland bị một khối băng dày tới 3 km bao phủ. Điều đó làm cho nơi này không giống như cái tên Greenland (vùng đất xanh tươi). Đó là vì cực bắc của đảo chỉ cách Bắc Cực 740 km.
Khối băng khổng lồ khiến dân số Greenland giới hạn trong khoảng 57.000 người và tập trung chủ yếu ở vùng bờ biển. Phía tây bắc của quốc đảo là khu vực Công viên vuốc gia. Đây là nơi sinh sống của gấu trắng, hải mã và các động vật Bắc Cực khác. Ngoài các ngư dân săn bắt cá voi, hải cẩu và một số nhà khoa học, rất ít người lui tới công viên quốc gia. Ngôi làng Ittoqqortoormiit gần đó liên tục chứng kiến tình trạng mặt trời không lặn trong ba tháng mùa hè. Trong khi đó, từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 1, mặt trời lại không hề xuất hiện ở đường chân trời.

GIÁ TRỊ TÂM LINH CỦA NGÀY RẰM THÁNG 10 - TẾT HẠ NGUYÊN

Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, rằm tháng Mười hay còn gọi là Tết Hạ nguyên hàng năm được tổ chức trọng thể, vượt ra ngoài phạm ...